Anh chẳng biết quái gì về tác phẩm của tôi: Đọc Bernhard ở New York

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 6 phút

Nhân sự kiện Diệt vong được giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà Văn Hà Nội 2018

dsc07832

Ít tháng sau lần đầu tiên chuyển tới Berlin, tôi hờ hững xem một chương trình tivi tồi tệ nào đó cùng với một người bạn Đức khi chúng tôi nấu ăn tối. The Nanny lên sóng và tôi hứng thú ngừng băm; tôi tò mò không biết họ lồng chất giọng Queens nhịp nhàng mềm mại của Fran Drescher như thế nào. Qua tiếng Đức giọng cô ấy vẫn có vẻ lanh lảnh và kịch, nhưng dường như mất đi sự tự khiêm, nồng ấm đầy kiểu cách trong giọng nói mà một người New York vốn có.

“Tớ tắt thứ rác rưởi này đi được không?” bạn tôi hỏi. “Tất cả những gì mẹ này làm là than phiền. Cô ta là một ả đĩ được chiều, như một phiên bản đàn bà của gã Jerry Seinfeld phiền hà của các cậu vậy.”

“Cậu nhầm rồi. Cô ấy than phiền bởi vì tính cô ấy thế, nhưng cô ấy là người tốt. Cô ấy không phải là ả đĩ, chỉ là dân Do Thái thôi.”

“Thật là bài Do Thái, và tớ sẽ không bao giờ nói như thế về người Do Thái.”

“Không, không hề bài Do Thái một chút nào. Thể hiện tình yêu với thế giới của mình bằng việc luôn luôn than phiền về nó, đó là cách duy nhất mà một dân Do Thái ở New York biết làm thế nào để chịu đựng.”

Trông cô ấy thật bối rối. “Đây, để tớ cho cậu xem.” Tôi kể lại đoạn độc thoại mở đầu phim Annie Hall, trong đó Woody Allen kể chuyện hài kinh điển về hai bà già ở một khu nghỉ dưỡng Catskills. Người đầu tiên nói, “Đồ ăn ở đây dở ẹc.” Người thứ hai nói, “Chuẩn, đã thế lại được có tí!”

“Nếu đã chê dở,” bạn tôi nói, “thì chắc chắn không nên phàn nàn suất ít.”

“Quên chuyện đó đi,” tôi nói.

Có hàng mớ lí do tại sao Thomas Bernhard lại được một kiểu trí thức văn chương trẻ Mỹ nhất định ngày càng mê. Một trong số đó là chúng ta không bao giờ phải gặp gỡ cái khía cạnh con người ncl của ông ấy; chúng ta thiếu bối cảnh văn hóa của vụ lùm xùm về vở kịch Heldenplatz; những vấn đề kiện tụng dài về tội phỉ báng và gia đình Bernhard; và những lời cáo buộc rồi cáo buộc ngược lại thường xuyên về vai trò Nestbeschmutzer (kẻ bôi nhọ làm nhục gia đình/quốc thể) của ông. (Điều này – thực tế rằng chúng ta chưa bao giờ phải thấy Bernhard trên tivi hay đọc về ông trên báo chí diễn vai một gã văn nhân hư hỏng khốn nạn – có lẽ cũng góp phần vào, chẳng hạn, việc Bret Easton Ellis được tung hô nhiệt liệt ở Châu Âu hơn ở quê nhà). Lý do khác đó là tác phẩm của Bernhard, đặc biệt là từ 1975, làm mờ các ranh giới giữa thực tế và hư cấu, hồi ký và tiểu thuyết, theo một cách rất hợp thời với những người đọc tiếng Anh. (Chuyện này cũng tương tự như việc danh tiếng của W. G. Sebald bên này bên kia Đại Tây Dương trái ngược nhau, hay của nhà báo Ba Lan Ryszard Kapuściński vậy.)

Nhưng tôi ngờ rằng nguyên nhân chính chúng ta đã bắt đầu thích Bernhard theo kiểu khiến dân nói tiếng Đức ngạc nhiên là từ lâu rồi chúng ta đã dần quen với những khoái lạc lớn mà nhà văn Anh Geoff Dyer đã gọi là “thứ văn chương của sự suy nhược thần kinh, lo âu, cáu kỉnh, than phiền.” Dân New York rất có khả năng coi nó thuộc truyền thống đi từ Groucho Marx tới Woody Allen tới những ả đĩ như Fran Drescher, nhưng chính Dyer – nhờ mồm loa mép giải gào lên, chẳng hạn như, thật đau đớn làm sao khi phải nhịn loại bánh rán ông thích, đã dạy cho thế hệ chúng ta cách đọc Bernhard – thấy đó cũng thuộc về cái truyền thống Anh chẳng kém gì, qua Philip Larkin và John Osborne ngược về lại tới tận D. H. Lawrence.

Thế nên, cả dân London và New York đều đặc biệt thấy Bernhard vui nhộn theo một cách mà độc giả Đức không thấy được. Không phải tất cả những gì của Bernhard đều buồn cười – những cuốn sách thời kỳ đầu, không kể đoạn độc thoại điên rồ của Hoàng thân Saurau ở cuối cuốn Verstörung, đều quá nặng nợ những kẻ loạn thần kinh như Georg Trakl đến mức không thể gây cười được – nhưng những cuốn hao hao tiểu thuyết ở giai đoạn chín muồi mà người Mỹ có xu hướng đọc nhiều nhất thì hài kinh khủng; bộ tứ bốc phét Wittgensteins Neffe, Der Untergeher, Holzfällen: Eine Erregung (Đốn hạ), và Alte Meister đều là những trận lảm nhảm hài hước mà chúng ta đều có thể ngay lập tức thấy những người dẫn chuyện đầy giận dữ trong đó là bản sao của những Lenny Bruce và Larry David. Đương nhiên những diễn viên hài Mỹ này tuổi gì mà sánh nổi với với sự hằn học của những người dẫn chuyện của Bernhard, nhưng cũng phải nói thêm Larry David cũng chưa từng phải sống ở một đất nước đã bầu cho Kurt Waldheim làm tổng thống bao giờ.

Đặt sang một bên mặt cực kỳ độc địa, thì những nhân vật của Bernhard mê mẩn trò nhai đi nhai lại cay độc của họ. Người dẫn chuyện của Der Untergeher dành hơn một đoạn văn liệt tên các thành phố của Thụy Sĩ, và lần lượt gọi chúng là “nhà thổ” trước khi nhắc đến vùng quê, nơi hắn chẳng thích thú gì hơn. “Bọn về quê để đi dạo là bọn đi thẳng vào đám tang của chính mình ở vùng quê mà chí ít thì bọn nó cũng trải qua một đời tồn tại kệch cỡm, đầu tiên là sống ngu, sau đó là chết xuẩn.” Hay trong khi ngồi trên một cái ghế bành ở cái “gọi là dạ tiệc nghệ sĩ” mà Đốn hạ lấy làm bối cảnh, người dẫn chuyện của Bernhard nghĩ về cây viết Jeannie Billroth, chủ trì của một tạp chí, “một thứ tạp chí vô giá trị, đần độn, nhàm chán từ trong ra ngoài, tuy được cái nhà nước đáng ghét, đáng tởm và cực kỳ lẩn thẩn này tài trợ, đã thế nó lại chỉ đăng tải những thứ của nợ, nhạt nhẽo và đần độn nhất đời, mà trước hết là các bài thơ của Jeannie Billroth, một con người chẳng những chỉ tưởng mình là kẻ kế thừa, thậm chí kẻ vượt lên trên Virginia Woolf không thôi, mà còn tự cho mình làm người thừa kế trực tiếp và trội hơn cả Droste, nữa kia, con người đinh ninh mình đã viết nên những vần thơ tuyệt nhất nước Áo.[1] Bernhard hoắng hết cả lên vì cái kiểu lên mặt ta đây của cô ta đến nỗi bạn có thể thấy niềm khoái cảm của ông cuồn cuộn dâng trào khi hạ từ “chẳng những… mà còn” sang “trực tiếp… và” và thấy điều đó trong đoạn in nghiêng của ông.

Phải mất tới 125 trang bỉ bôi đầy hoa mĩ kiểu này trong Đốn hạ chúng ta mới biết được rằng người dẫn chuyện đã từng yêu cô Jeannie Billroth kia, khi cuối cùng anh ta tự kinh tởm chính mình mà thú nhận rằng “chúng ta cũng chẳng hề tốt đẹp hơn những người như thế, những người ta lúc nào cũng cảm thấy ghê tởm và đáng ghét.”[2] Chỉ khi đó chúng ta mới hiểu rằng cơn giận dữ tam bành đến nực cười của người dẫn chuyện chỉ vừa đủ để ngăn chặn nỗi tuyệt vọng. Những người dẫn chuyện của Bernhard không ghét thế giới; họ quá yêu nó tới mức thấy không thể chịu đựng nổi nó. “Gần như tất cả mọi người,” Bernhard từng viết, “đều hủy hoại bản thân mình vì vừa thù ghét vừa lại ngưỡng mộ.” Thứ duy nhất có thể ngăn chúng ta khỏi hủy hoại bản thân là hài kịch hiểu được sự phi lý bằng cách oán hận. Bernhard không phải là một kẻ ghét người, ông chỉ muốn suất to hơn.

Gideon Lewis-Kraus

Hoàng Lam dịch

Bài viết đăng trên tạp chí n+1: https://nplusonemag.com/online-only/online-only/you-know-nothing-of-my-work/

[1] Đốn hạ, Hoàng Đăng Lãnh dịch, Tao Đàn xuất bản, 2018, trang 49.

[2] Đốn hạ, trang 257-8.

(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019)

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Hoàng Lam

Người làm thơ khi đang luộc thịt.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*