
Tưởng niệm Amos Oz (1939- 30-12-2018)
Amos Oz được thừa hưởng cả hai truyền thống lý tính khai sáng và lãng mạn thần bí, tạm gọi là từ cha và mẹ. Thuộc về thế hệ đầu tiên sinh ra trên đất Israel, được chứng kiến giờ phút hình thành Nhà nước Israel, ông thành danh từ rất trẻ với những truyện ngắn và tiểu thuyết ngắn hết sức sắc sảo về đời sống ở kibbutz (hợp tác xã nông nghiệp kiểu xã hội chủ nghĩa) Israel, sau đó liên tục cho ra đời 20 tiểu thuyết hoặc tập truyện ngắn cùng rất nhiều tiểu luận, xã luận bàn về chính trị đất nước, ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc tranh chấp Israel-Palestine. Dù không phải người duy nhất làm nhân chứng cho cuộc vật vã thoát thai của con người Israel từ thế lưỡng phân giữa “châu Âu” và “Do Thái”, ông lại là người, khi qua đời cuối tháng 12 vừa qua, được thương khóc như là “anh hùng văn hóa”, “lương tâm của Israel”, “trái tim nhân ái của Israel”.
Sipur al ahava ve choshech là hồi ký về thời thơ ấu của ông, khi xuất bản năm 2002 đã nhanh chóng trở thành best-seller trong nước và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Độc giả yêu mến ông sẽ tìm được nhiều lời giải đáp về cuộc sống và quan niệm văn chương của ông trong tác phẩm này. Với độc giả Việt Nam, vốn mới chỉ có cơ hội tiếp xúc với tác phẩm nổi tiếng thời kỳ đầu Michael của tôi (Bách Việt-NXB Văn học 2009), Chuyện kể về tình yêu và bóng tối sẽ là một bài vỡ lòng giàu thông tin, tính nhân bản và chất uy mua thấp thoáng về sự ra đời của dân tộc Israel hiện đại.
Bản dịch thực hiện dựa theo bản tiếng Anh A Tale of Love and Darkness của Nicholas de Lange, 2004, có tham khảo các nguồn khác trong điều kiện cho phép. – AL
Chương 1
Tôi sinh ra và lớn lên trong một căn hộ tầng trệt ba mươi mét vuông, trần thấp. Ba mẹ tôi ngủ trên cái giường kiêm xô pha, tối tối kéo ra thì gần choán hết mặt sàn. Sáng sáng hai người đẩy cái giường lút sâu vào trong chính nó, rồi đem chăn ga giấu hết trong bóng tối ngăn kéo dưới chân, rồi úp ngược cái đệm, ấn cho chặt, rồi phủ cái chăn xám che hết đi, rồi vứt trên cùng dăm ba chiếc gối thêu kiểu phương đông nữa, thế là dấu vết một đêm ngủ đã biến mất. Căn buồng không chỉ là phòng ngủ, mà còn là phòng viết, phòng đọc sách, phòng tiếp khách, phòng ăn.
Đối diện với nó là căn buồng màu xanh bé bỏng của tôi, kê cái tủ áo bụng bự choán gần nửa buồng. Một hành lang thấp và hẹp, lại tối tăm và hơi cong, như đường hầm đào trốn tù, nối hai buồng với căn bếp chật và nhà vệ sinh. Một bóng đèn giam trong lồng sắt đổ thứ ánh sáng chập chờn xuống hành lang cả ban ngày. Mặt trước nhà có hai cửa sổ, một phòng ba mẹ, một phòng tôi, đều bọc rèm lá sách bằng kim loại, đều gắng sức nhìn qua kẽ rèm ngắm chút phong cảnh phía Đông mà chỉ thấy một cây bách cáu bụi và bức tường thấp bằng đá thô để trần. Mặt sau bếp và nhà vệ sinh trổ hai ô thông gió bé tí trên cao, ngó xuống mảnh sân tù bé bằng lỗ mũi, tường cao quây kín, sàn lát xi măng, giữa sân là một cây phong lữ nhợt nhạt trồng trong hộp ô liu rỉ đang ngày một héo hon vì tuyệt không có lấy một giọt nắng trời. Bệ hai ô thông gió lúc nào cũng có mấy hũ dưa ướp, cùng một cây xương rồng lì lợm trồng trong cái lọ nứt dùng làm chậu hoa.
Đấy thực ra là một căn hộ tầng hầm, bởi tầng trệt ngôi nhà được khoét vào sườn đồi đá. Quả đồi là láng giềng sát vách nhà chúng tôi, một ông láng giềng đồ sộ, ủ ê, khép kín, một quả đồi già buồn rầu với nền nếp sinh hoạt cố định như mọi gã không vợ khác, một quả đồi mùa đông im lìm gà gật, không bao giờ kéo bàn ghế hay đón tiếp khách khứa, không bao giờ gây ồn ào hay làm phiền chúng tôi, nhưng giống như một thứ mùi mốc thoảng nhẹ nhưng dai dẳng, cái im lặng và ẩm ướt lạnh và tối mịt của ông hàng xóm u sầu ấy vẫn ngày đêm rỉ ra qua bức tường.
Bởi vậy, suốt mùa hè, nhà chúng tôi vẫn phảng phất mùa đông.
Khách đến nhà hay nói: nhà này cả giữa đợt gió nóng vẫn thật là thoải mái, mát mẻ dễ chịu, se lạnh là khác, nhưng đến mùa đông thì anh chị làm sao? Tường này không bị thấm ẩm à? Cả nhà không thấy buồn thảm ư?
Khắp nhà chất đầy sách. Ba tôi đọc được mười sáu mười bảy thứ tiếng, nói chuyện được bằng mười một tiếng (tiếng nào cũng đá giọng Nga). Mẹ tôi nói được bốn hay năm và đọc bảy tám gì đó. Lúc nào không muốn tôi hiểu thì hai người nói tiếng Nga hay Ba Lan. (Tức là rất nhiều. Đang nói tiếng Hebrew gần tôi, mẹ nhỡ mồm nhắc đến chuyện ngựa giống, ba tôi liền gắt lên bằng tiếng Nga: Shto s toboi?! Vidish malchik ryadom s nami! – Em làm sao thế? Em thấy thằng bé ở ngay đây mà!) Hai người đọc sách tiếng Đức và Anh là chủ yếu, vì nhu cầu văn hóa, và nằm mơ chắc bằng tiếng Yiddish chăng. Nhưng ngôn ngữ duy nhất tôi được dạy là tiếng Hebrew. Có thể ba mẹ sợ rằng biết nhiều thứ tiếng sẽ khiến cả tôi nữa, rơi vào bùa chài của châu Âu, cái lục địa tuyệt diệu, lục địa giết người ấy.
Trên thang giá trị của ba mẹ tôi, càng dịch chuyển về phía Tây thì càng được coi là văn hóa. Tolstoy và Dostoyevsky có gần gũi với tâm hồn Nga của hai người đến mấy thì tôi cũng ngờ rằng nước Đức – dù có Hitler – vẫn đứng trên một bậc so với Nga hoặc Ba Lan. Và Pháp lại trên cơ Đức. Anh còn được đặt ở nấc thang cao hơn Pháp nữa. Còn Mỹ thì, họ chưa có kết luận rõ ràng: dù sao đấy cũng là xứ sở nơi người ta bắn dân da đỏ, đánh úp tàu chở thư, chạy theo vàng và săn lùng đàn bà con gái.
Châu Âu với họ là mảnh đất hứa đã vĩnh viễn thành đất cấm, một miền thương nhớ với những gác chuông và quảng trường lát đá phiến từ thời cổ, những xe điện cùng cầu và tháp nhọn nhà thờ, những làng quê hẻo lánh, những thị trấn nghỉ dưỡng, những rừng, những đồng cỏ tuyết giăng.
Những chữ như “nhà tranh”, “đồng cỏ”, “cô bé chăn ngỗng” đã mê hoặc và kích thích tôi hầu suốt thời thơ ấu. Từ những chữ đó toát ra nồng nực mùi hương của một thế giới ấm cúng và chân thực, khác xa những mái tôn bẩn bụi, những bãi hoang thành thị đầy đồng nát sắt vụn lẫn với bông kế, những sườn đồi Jerusalem khô cháy dưới mùa hè nóng ngộp nặng như đá đè. Chỉ cần nhủ thầm “đồng cỏ” là tôi đã nghe vang bên tai tiếng ò ò của những chú bò đeo chuông con lanh tanh nơi cổ, cùng tiếng suối róc ra róc rách. Và khi nhắm mắt, tôi sẽ thấy cô bé chăn ngỗng đi chân đất, cô sexy đến độ khiến tôi trào nước mắt dù mới là đứa trẻ chưa biết gì.

Sau này tôi dần hiểu rằng trong thời Anh còn cai trị vào các thập kỷ 1920 đến 1940, Jerusalem hẳn là một thành phố giàu văn hóa cực kỳ thú vị. Thành phố có đủ những doanh nhân lớn, những nhạc sĩ, học giả, nhà văn quan trọng: Martin Buber, Greshom Scholem, S. Y. Agnon, cùng một loạt những nhà nghiên cứu và nghệ sĩ danh tiếng khác. Đôi khi đang đi trên phố Ben Yehuda hay đường Ben Maimon, ba tôi lại thì thầm với tôi: “Kia là một học giả lừng danh thế giới đấy.” Tôi không hiểu thế nghĩa là gì. Tôi ngỡ lừng danh thế giới là điều có quan hệ thế nào đó với chân đi lẩy bẩy, vì nhân vật được chỉ ra thường là một ông già chống gậy dò dẫm tìm đường, vừa đi vừa vấp, mùa hè vẫn mặc bộ vét len nặng trịch.
Thành Jerusalem mà ba mẹ tôi tôn kính nằm rất xa nơi tôi sống: đấy là khu Rehavia rợp lá, những khoảnh vườn chìm giữa tiếng dương cầm, đấy là ba hay bốn quán cà phê có đèn chùm dát vàng trên đường Jaffa hay phố Ben Yehuda, trong những đại sảnh của Hiệp hội thanh niên Cơ đốc YMCA hay khách sạn King David, nơi những người Do Thái và Ả Rập thèm văn hóa tới chen vai thích cánh cùng những dân Ăng lê phong nhã lịch duyệt, nơi những nhan sắc mơ huyền bận đầm dạ tiệc vịn tay những bậc hào hoa đóng vét đen, nơi những khách Anh đầu óc cởi mở dùng bữa bên dân Do Thái có văn hóa hay dân Ả Rập có giáo dục, nơi mở những vũ hội, những đêm thơ nhạc, những tiệc trà có khiêu vũ, và những cuộc đàm đạo nghệ thuật phong lưu. Hoặc cũng có thể thành Jerusalem ấy, thành phố của đèn chùm và tiệc trà khiêu vũ ấy, chẳng hề có thật bên ngoài giấc mơ của những thủ thư, những thầy giáo, những nhân viên và thợ đóng sách sống ở Kerem Avraham. Giá nào thì nó cũng không có ở nơi chúng tôi ở. Kerem Avraham, nơi tôi sống, thuộc về Chekhov.
Nhiều năm sau này khi đọc Chekhov (qua bản dịch tiếng Hebrew), tôi đã tin chắc ông là người trong số chúng tôi: Chú Vanya sống trong căn hộ thẳng trên đầu tôi, bác sĩ Samoylenko từng cúi xuống khám cho tôi bằng đôi bàn tay to mạnh mẽ khi tôi bị sốt và một lần bị bạch hầu, Laevsky nhức đầu muôn thuở là em họ mẹ tôi, còn Trigorin[1] thì chúng tôi vẫn thường đi xem, ở hội trường Beit Ha’am các suất chiều thứ Bảy.
Khắp quanh chúng tôi là người Nga, đủ các loại. Nhân vật kiểu Tolstoy có rất nhiều. Thậm chí nhiều người trông còn hệt như Tolstoy. Khi giở tới tấm ảnh màu nâu trên lưng cuốn sách của ông, tôi tin chắc mình đã nhiều lần gặp ông trong khu này, hoặc thả bộ trên phố Malachi, hoặc đi qua phố Ovadyah, đầu trần, chòm râu bạc phơ phất trong gió, ghê gớm như tổ phụ Abraham, cặp mắt sáng loáng, tay chống cành cây thay gậy, tấm áo nông dân Nga trùm ra ngoài cái quần thụng thịnh buộc dải rút.
Mấy nhân vật Tolstoy trong khu nhà chúng tôi (mà ba mẹ tôi gọi là Tolstoyshchik) không từ một ai đều thật tâm ăn chay, ôm mộng cải tổ thế giới, say đắm yêu thiên nhiên, theo đòi cuộc sống đạo đức, chan chứa tình yêu tha nhân cùng mọi sinh vật trên đời, một lòng mong mỏi quy khứ lai sống đời lao động chất phác trên đồng cây vườn quả. Nhưng chăm mấy chậu cảnh cho nên cây họ cũng không làm nổi: khi thì họ tưới nước quá đà làm cây chết, lúc lại quên tưới cây, nếu không thì cũng là do bọn cầm quyền Anh quốc khốn nạn bỏ clo vào nước dùng.
Trong số họ có những nhân vật Tolstoy mà lại chẳng khác gì vừa bước ra từ tiểu thuyết Dostoyevsky: dằn vặt, nhiều lời, một bầu ham muốn đè nén, một kho ý tưởng bừng bừng. Nhưng dù thuộc về Tolstoy hay Dos, đã vào khu Kerem Avraham nhà chúng tôi đều chỉ thành con rối trong tay Chekhov.
Phần còn lại của thế giới thì thường gọi là “thế giới rộng lớn”, nhưng cũng có khi đi kèm những tính ngữ khác: văn minh, ngoài kia, tự do, đạo đức giả. Hiểu biết của tôi về nó hầu như chỉ bằng con đường sưu tập tem: Danzig, Bohemia, và Moravia, Bosnia và Herzegovina, Ubangi-Shari, Trinidad và Tobago, Kenya, Uganda, và Tanganyika. Cái thế giới rộng lớn ấy xa xôi, quyến rũ, phi thường, nhưng với chúng tôi thì lại nguy hiểm và đe dọa. Thế giới ấy không ưa người Do Thái vì họ khôn, họ nhanh trí, họ thành công, nhưng cũng vì họ ồn ào lắm đòi hỏi. Thế giới ấy cũng chẳng ưa những gì chúng tôi đang làm ở Đất Israel, bởi nó hậm hực chẳng muốn cho chúng tôi đến cả cái dải đất bạc bẽo toàn đầm lầy, đá tảng và sa mạc này. Ngoài kia trong thế giới, mỗi bức tường đều viết kín: “Bọn Yid cút về Palestine”, vậy là chúng tôi về Palestine, và giờ thì thế giới ngoài kia lại quát “Bọn Yid cút khỏi Palestine”.
Không chỉ thế giới ngoài kia là thăm thẳm xa; cả Đất Israel, Eretz Israel cũng chẳng lấy gì làm gần cận. Ở đâu đó, bên kia đồi và xa nữa, một giống người Do Thái mới anh hùng đang nảy nở, một chủng người da ngăm, cứng cỏi, trầm lặng, giàu tinh thần thực tiễn, khác hẳn cái thứ người Do Thái tha hương và tuyệt không có gì chung với đám dân cư chui rúc ở Kerem Avraham. Những người tiền phong quả cảm và dày dạn ấy đã làm thân với bóng đêm, và cũng đã vượt qua tất cả mọi giới hạn về quan hệ giữa trai và gái cũng như ngược lại. Họ không hổ thẹn vì bất cứ điều gì. Ông nội Alexander của tôi từng nói, “Người ta cho là sau này sẽ rất đơn giản, trai đến chỗ gái mở lời là xong, mà có khi gái cũng chẳng thèm đứng đợi mà tự tới hỏi trai trước, không khác gì hỏi xin cốc nước lọc.” Ông trẻ Betsalel mắt cận thị thì nói, điềm đạm nhưng giận dữ: “Chà đạp lên mọi bí mật, mọi huyền bí, thế chẳng phải là cái thói Bôn sê vích ư?! Bãi bỏ mọi xúc cảm?! Biến cả cuộc đời mình thành một cốc nước hâm hẩm?!” Ông Nehemia ngồi ở góc phòng thường lệ buông ra vài câu hát mà tôi nghe giống như tiếng gầm gừ của con thú dữ cùng đường: “Ô đường khúc khuỷu dặm đường xa bấy, qua núi đèo biết mấy là xa, đường dài tìm kiếm mẹ ta, tuyết tuôn nắng chói vời xa phương nào…” Rồi tới đó bà Zippora nói bằng tiếng Nga: “Đủ rồi đấy. Các ông hóa điên hết rồi hả? Thằng bé nghe thấy các ông kìa!” Thế là họ đổi hết sang tiếng Nga.
Những người tiền phong sống rất xa chân trời của chúng tôi, ở Galilee, ở Sharon, ở các thung lũng. Những chàng trai cứng cỏi và nồng hậu, dù tất nhiên cũng trầm lặng và ưu tư, cùng những cô gái rắn rỏi, bộc trực, tự chủ, hình như biết tất cả, hiểu tất cả; họ biết ta và cõi lòng thẹn thò nhiều bối rối của ta, nhưng vẫn đối xử với ta thân tình, nghiêm túc và coi trọng, đối xử với ta không phải như trẻ nít mà như một người đàn ông, dù là một người đàn ông hơi còi.
Tôi hình dung họ là những người mạnh bạo, nghiêm nghị, kín lời, có thể ngồi vòng tròn hát về nỗi mong chờ khắc khoải, mà cũng có thể hát những bài nhạo báng, hay những bài táo tợn bày tỏ thèm khát nhục cảm, có thể nhảy hăng tới mức như thể không phải bằng xương thịt. Họ biết cô đơn mà cũng biết tự vấn, biết sống ngoài trời, ngủ trong lều bạt, làm lụng cực nhọc, vừa làm vừa hát “Luôn luôn sẵn sàng”, “Các chú bé xưa mang lại hòa bình bằng lưỡi cày, ngày nay sẽ biết lấy hòa bình bằng súng”, “Lệnh bảo đi đâu, chúng ta đi đấyyyy”; họ biết điều khiển ngựa hoang lẫn máy kéo bánh lớn; họ biết tiếng Ả Rập, họ rành rẽ từng hang lũng, họ khéo léo sử dụng súng lục lẫn lựu đạn mà lại thuộc làu thơ ca triết học; họ là những người râu hùm hàm én có trí tuệ mẫn tiệp và xúc cảm kín đáo, biết trò chuyện thầm thì bên ánh nến trong lều khi tờ mờ sáng, về ý nghĩa cuộc đời, về lựa chọn nghiệt ngã giữa ái tình và bổn phận, giữa lòng ái quốc và công lý nhân quần.
Đôi khi tôi cùng các bạn đến sân giao hàng của hợp tác xã Tnuva, ngắm họ vừa tới từ bên kia đồi và xa hơn nữa, trên cỗ xe tải chất đầy nông sản, “áo lấm bụi đường, trĩu vai vũ khí, ủng nặng dưới chân”, và tôi thường lại gần họ hít lấy cái mùi cỏ khô, cái hương vị mê tơi của những miền viễn xứ: chính nơi họ từ đó tới, tôi nghĩ, là nơi đang xảy ra những việc lớn lao. Đấy là nơi đất đang được dựng xây và thế giới được cải tạo, một xã hội mới được rèn thành. Họ đang khắc dấu ấn lên vùng đất và lên lịch sử, họ đang khai phá ruộng và trồng những vườn nho, họ đang viết nên bài ca mới, họ vớ súng, nhảy lên lưng ngựa, bắn trả quân cướp Ả Rập: từ đất sét là giống người thảm hại chúng ta, họ nặn thành một dân tộc thiện chiến.
Tôi bí mật mơ rằng một ngày kia họ sẽ nhận tôi về với họ. Và biến cả tôi thành một dân tộc anh hùng. Mơ rằng cả cuộc đời tôi cũng sẽ thành một bài ca mới, một cuộc đời thanh khiết và bộc trực và đơn thuần như cốc nước trong ngày nực.
Bên kia đồi và xa hơn nữa, thành phố Tel Aviv cũng là một nơi hấp dẫn, là nơi đưa đến báo chí, những lời nhỏ to về sân khấu, opera, ba lê, cabaret, cũng như nghệ thuật hiện đại, chính trị đảng phái, tiếng vọng từ những cuộc tranh luận nảy lửa, và những mẩu tin đồn tiếng được tiếng mất. Ở Tel Aviv có những nhà thể thao thượng hạng. Lại còn cả biển, biển đầy những người Do Thái có nước da đồng hun, họ biết bơi. Ở Jerusalem làm gì có ai biết bơi? Có ai từng nghe nói người Do Thái mà lại biết bơi? Họ, họ sở hữu bộ gen khác. Họ là đột biến. “Như sự xuất sinh kỳ diệu khi con bướm thoát thai khỏi con sâu.”
Chỉ riêng cái tên Tel Aviv đã hàm chứa một phép màu đặc biệt. Nghe mấy chữ “telaviv”, đầu tôi đã tự động vẽ lên một con người cứng cỏi mặc áo phông xanh thẫm, da đồng hun, vai vạm vỡ, một nhà thơ cách mạng công nhân, một tinh thần không bao gồm nỗi sợ, loại người mà người ta vẫn gọi là Hevreman, mũ đội lệch cẩu thả và khiêu khích trên mái tóc xoăn, hút thuốc Matusian, một người đã quen thoải mái trong thế giới: suốt cả ngày anh đổ mồ hôi với đất đai, hay là vôi vữa, tối đến anh kéo vĩ cầm, rồi đêm đêm nhảy cùng các cô con gái, hay hát cho các cô nghe những bài ca tha thiết giữa đụn cát dưới ánh trăng rằm, và tới tờ mờ sáng, anh vớ lấy khẩu súng ngắn hay tiểu liên từ chỗ cất giấu, lẩn vào bóng đêm đi canh gác ruộng vườn nhà cửa.
Tel Aviv mới xa làm sao! Suốt thời thơ ấu tôi đến đó được năm sáu lần là hết – nhà tôi thỉnh thoảng đến ở cùng gia đình chị em gái của mẹ tôi, các dịp lễ hội. Không chỉ ánh sáng ở Tel Aviv khác hẳn ánh sáng ở Jerusalem, khác nhiều hơn ngày nay, mà cả sức hút trái đất cũng khác. Ở Tel Aviv người ta không đi lại – người ta nhảy từng bước dài, người ta bay lơ lửng, như Neil Amstrong đi trên mặt trăng.
Ở Jerusalem dân tình lúc nào cũng đi lại kiểu như đang dự lễ tang, hay đi xem hát bị muộn giờ. Ban đầu, người ta đặt mũi giày xuống trước, ướm thử xem mặt đất có chắc không. Rồi sau khi hạ cả bàn chân xuống rồi, họ sẽ dềnh dang ở đó: đi đâu mà vội mà vàng, chúng ta đã đợi tới hai ngàn năm mới đưa được chân vào Jerusalem, nhỡ vừa nhấc chân lên lại có kẻ ghé qua giật mất dải đất bé tẹo này. Mặt khác, một khi nhấc chân lên rồi, thì cũng đừng vội vàng đặt chân xuống lại, biết đâu giẫm phải khoanh rắn độc nào. Hàng ngàn năm chúng ta đã lấy máu trả cho thói hấp tấp, hết lần này tới lần khác rơi vào tay kẻ địch bởi bước mà không nhìn. Ở Jerusalem đại khái là người ta bước đi như thế. Nhưng Tel Aviv ấy à! Giống như đại dịch châu chấu ấy. Người ta cứ là nhảy tanh tách, cả nhà cửa, cả phố xá, cả quảng trường, luồng gió biển, rồi cát, rồi đại lộ, rồi ngay cả những đám mây trên trời cũng thế.
Một lần chúng tôi đến Tel Aviv ăn lễ Vượt qua, và sáng hôm sau tôi dậy sớm trong lúc cả nhà còn ngủ, mặc quần áo, một mình ra ngoài chơi trên cái quảng trường nhỏ chỉ có một hai băng ghế, một cái đu, một hố cát, ba bốn cây non đã có chim chóc hót trên cành. Vài tháng sau là Năm mới, chúng tôi quay lại thì cái quảng trường nhỏ đã biến mất. Nó đã được dời đi chỗ khác, bưng nguyên cả mấy cây con, băng ghế, hố cát, chim chóc và cây đu, sang đầu kia đường. Tôi vô cùng sửng sốt: tôi thật không hiểu sao Ben Gurion và các giới chức được bầu lên đúng phép tắc lại có thể cho phép một điều như vậy xảy ra. Làm sao người ta hứng chí là nhấc nguyên cả cái quảng trường đi chỗ khác được? Rồi sau đó thì sao – họ sẽ dời cả Núi Ô Liu hay Tháp David chắc? Họ có chuyển Bức Tường Than Khóc đi không?
Ở Jerusalem người ta nói đến Tel Aviv vừa tự hào vừa ganh tỵ, cả ngưỡng mộ nữa, nhưng gần như bí mật: cứ như thành phố ấy là một dự án cốt tử, tuyệt mật của nhân dân Do Thái, tốt nhất là không nhắc đến quá nhiều – xét cho cùng thì dừng có mạch vách có tai, ai biết nội gián tay sai kẻ thù có thể đang rình rập khắp phố.
Tel-a-viv. Biển. Ánh sáng. Cát, giàn giáo, quầy hàng trên hè đường, một thành phố Hebrew mới tinh trắng toát với những đường thẳng đơn giản mọc lên giữa những vườn cam và đụn cát. Không chỉ là một nơi ta mua vé xe khách Egged rồi đi đến, mà là hẳn một lục địa riêng.
Mấy năm liền nhà tôi có lịch hẹn định kỳ gọi cho các bác ở Tel Aviv. Chúng tôi gọi ba bốn tháng một lần, dù nhà tôi lẫn nhà bác đều không mắc điện thoại. Thoạt tiên chúng tôi viết thư cho hai bác Haya và Tsvi, thông báo rằng chẳng hạn vào ngày mười chín tới – hôm đó thứ Tư, bác Tsvi được nghỉ ở trạm y tế từ ba giờ – chúng tôi sẽ gọi từ hiệu thuốc chỗ nhà tôi tới hiệu thuốc chỗ nhà họ lúc năm giờ. Thư gửi đi rất sớm, rồi chúng tôi đợi trả lời. Thư hồi âm của hai bác Haya và Tsvi cam đoan là thứ Tư ngày mười chín rất tiện, hai bác sẽ chờ ở hiệu thuốc từ trước năm giờ một chút, nếu không gọi được đúng boong năm giờ thì cũng đừng lo lắng, hai người không chạy mất đâu.
Tôi không nhớ gia đình tôi có lên đồ khi xuất hành tới hiệu thuốc để gọi đến Tel Aviv không, nhưng nếu có thì cũng không có gì lạ. Đấy là một dịp long trọng. Từ Chủ nhật tuần trước, ba đã bảo mẹ, Fania, em không quên tuần này mình gọi đến Tel Aviv chứ hả? Sang thứ Hai mẹ sẽ bảo, Arieh, ngày kia anh đừng về nhà muộn đấy, không lại hỏng việc. Và đến thứ Tư cả hai người sẽ cùng bảo tôi, Amos, con đừng có làm gì bất ngờ đấy, nghe không, cốt đừng có ốm, nghe không, con đừng có cảm, đừng có ngã, đến hết chiều mai là được. Và tối hôm đó hai người sẽ nói với tôi, Đi ngủ sớm đi để lúc gọi điện được tươi tắn khỏe khoắn, ba mẹ không muốn các bác nghe giọng con lại tưởng không được ăn đủ đâu.
Cứ thế nỗi mong chờ lớn dần. Chúng tôi sống trên phố Amos, hiệu thuốc trên phố Zephaniah đi bộ mất năm phút, nhưng từ ba giờ ba đã bảo mẹ:
“Em đừng có giở việc gì ra đấy nhé, không chốc lại cuống lên.”
“Em thì tốt rồi, nhưng anh cứ chúi mũi vào sách thế rồi sẽ quên bẵng đi mà xem.”
“Anh mà quên à? Anh cứ vài phút lại nhìn đồng hồ đấy nhé. Mà con nó sẽ nhắc anh chứ.”
Vậy là tôi, một thằng bé năm sáu tuổi, đã bị giao cho một trọng trách lịch sử. Tôi không có đồng hồ đeo tay – lấy đâu ra được? – thế là cứ chốc chốc tôi lại chạy vào bếp xem kim đồng hồ, rồi xướng lên, như đếm ngược giờ phóng tàu vũ trụ: còn hai lăm phút nữa, còn hai mươi phút, còn mười lăm, mười phút rưỡi – và đến lúc đó cả ba cùng đứng dậy, khóa cửa trước thật kỹ, rồi lên đường, rẽ trái đi đến hiệu thực phẩm của ông Auster, rồi rẽ phải vào phố Zechariah, rồi lại trái vào phố Malachi, rồi phải vào Zephaniah, và bước thẳng vào hiệu thuốc mà xưng danh:
“Chúc bác buổi chiều tốt lành, bác Heinemann. Chúng tôi đến gọi điện đây.”
Tất nhiên ông Heinemann đã biết rõ rằng thứ Tư đó nhà tôi sẽ tới gọi cho họ hàng ở Tel Aviv, ông cũng biết bác Tsvi làm ở trạm y tế, còn bác Haya làm to lắm ở Hiệp hội phụ nữ lao động, còn Yigal lớn lên sẽ làm vận động viên đấy, và nhà đó còn chơi thân với Golda Meyerson (mà sau này sẽ là Golda Meir[2]) cũng như Misha Kolodny, mà về đây thì gọi là Moshe Kol[3], nhưng chúng tôi vẫn nhắc lại với ông: “Chúng tôi đến gọi cho họ hàng ở Tel Aviv đây.” Ông Heinemann sẽ đáp, “Vâng vâng, rõ rồi, mời anh chị ngồi.” Rồi ông sẽ kể cái truyện cười mọi bận. “Một lần Đại hội Phục quốc đang tổ chức ở Zurich thì từ phòng nhỏ bên cạnh bỗng vọng ra tiếng ầm ầm rất ghê gớm. Berl Locker hỏi Harzfeld có việc gì, Harzfeld bèn giải thích rằng đấy là đồng chí Rubashov đang nói chuyện với Ben Gurion ở Jerusalem. ‘Nói chuyện với Jerusalem hả,’ Berl Locker thốt lên, ‘vậy sao ông ấy không dùng điện thoại đi?’ ”
Ba sẽ nói, “Anh quay số đây.” Và mẹ sẽ đáp, “Arieh, giờ còn sớm. Mấy phút nữa mới đến giờ mà.” Ba sẽ đáp, “Ừ, nhưng còn phải qua tổng đài nữa” (lúc này chưa có gọi điện trực tiếp). Mẹ: “Ừ, nhưng nhỡ lần này tổng đài nối máy qua luôn thì sao, các bác chưa đến thì sao?” Ba đáp: “Nếu vậy thì chúng mình đợi một chốc gọi lại thôi.” Mẹ: “Không được, như thế mọi người lại lo lắng vì tưởng mình không chờ được đã đi về rồi.”
Nói qua nói lại một hồi thì thình lình đã sát năm giờ. Ba phải đứng hẳn dậy mới nhấc được ống nghe, và nói với tổng đài: “Chào bà. Xin bà nối cho tôi với Tel Aviv 648.” (Hoặc là đại loại như thế: thời này vẫn còn sống với ba chữ số.) Đôi khi tổng đài sẽ trả lời: “Xin ông đợi cho vài phút, vì ông giám đốc bưu cục đang gọi điện.” Hoặc là ông Sitton, hoặc ông Nashashibi. Và chúng tôi sẽ nhấp nhổm chờ: hai bác sẽ nghĩ về chúng tôi thế nào chứ?
Tôi vẫn còn hình dung được cái sợi dây duy nhất nối Jerusalem với Tel Aviv, và qua Tel Aviv, với phần còn lại của thế giới. Hễ đường dây duy nhất này mà bận, chúng tôi sẽ bị cắt lìa khỏi thế giới. Đường dây chạy ngoằn ngoèo qua những đồng hoang, những đất đá, những đồi lũng, và tôi nghĩ đấy thật là một điều kỳ diệu. Tôi muốn run lên: nhỡ thú hoang trong đêm cắn đứt cáp thì sao? Nhỡ bọn Ả Rập ác ôn cắt cáp? Nhỡ nước mưa thấm vào dây? Nhỡ dọc đường bị cháy? Ai mà biết được? Cái sợi dây ấy ngoằn ngoèo chạy, vô phương tự vệ quá đi, không ai che chắn, nắng thiêu nắng đốt, ai mà biết được? Tôi biết ơn vô hạn khi nghĩ đến những người đã mắc dây, thật là can trường và khéo léo, đi dây từ Jerusalem tới Tel Aviv có phải chuyện chơi đâu. Về điều này thì tôi có kinh nghiệm rồi: chúng tôi từng nối dây từ phòng tôi đến phòng Eliyahu Friedmann, chỉ cách có hai nhà với một mảnh vườn thôi mà mệt ra trò, nào là cây cối giữa đường, hàng xóm, nhà kho, tường, bậc cửa rồi lại bụi rậm nữa.
Chờ một lúc thì ba đoán chắc là ông giám đốc hay ông Nashashibi đó hẳn phải nói chuyện xong rồi, thế là ba lại nhấc máy nói với tổng đài: “Xin lỗi bà, lúc nãy tôi vừa xin số Tel Aviv 648.” Bà kia sẽ bảo: “Thưa ông, tôi đã ghi lại rồi. Xin ông đợi cho một chút.” (hoặc “Xin ông kiên nhẫn thêm một chút”) Ba tôi sẽ bảo, “Tôi đang đợi đây, thì tôi đang đợi đây, nhưng bên kia đầu dây cũng có người đang đợi nữa.” Đây là cách ba lịch sự bảo ngầm cho bà là dù chúng tôi quả là người đàng hoàng có văn hóa đấy, thì sự kiên nhẫn của chúng tôi cũng có giới hạn. Chúng tôi được dạy dỗ tử tế, nhưng không phải con giun cho xéo đâu. Chúng tôi không ngoan ngoãn để bị dắt mũi vào lò mổ đâu. Cái thời ấy – thời dân Do Thái đối xử kiểu gì cũng được – đã qua rồi, chấm dứt tiệt rồi.
Rồi bỗng dưng điện thoại trong hiệu thuốc bỗng reng lên, và âm thanh ấy lúc nào cũng thật kích động, khoảnh khắc ấy thật kỳ diệu, và cuộc đối thoại sẽ diễn ra kiểu như thế này:
“A lô, anh Tsvi à?”
“Tôi xin nghe.”
“Arieh đây, gọi từ Jerusalem đây.”
“Vâng, a lô, Arieh à, Tsvi đây, chú thế nào?”
“Ở đây mọi thứ tốt cả. Chúng em gọi từ hiệu thuốc đây.”
“Chúng tôi cũng thế. Có gì mới không?”
“Không có gì mới cả. Thế chỗ anh chị thế nào, anh Tsvi? Có tình hình gì mới cho chúng em biết.”
“Bình thường hết. Không có gì cần kể. Chúng tôi đều ổn.”
“Không có gì tức là tốt đấy. Ở đây cũng không có gì. Cả nhà đều khỏe. Thế sức khỏe anh chị thế nào?”
“Chúng tôi cũng khỏe.”
“Khỏe thì mừng quá. Giờ Fania nói chuyện với anh nhé.”
Rồi lại lặp lại tất cả từ đầu. Anh thế nào? Có gì mới không? Rồi thì, “Giờ cháu Amos nói vài câu nhé.”
Và tất cả câu chuyện là như vậy. Có gì mới không? Tốt. Vậy thôi ít nữa lại nói chuyện nhé. Được nghe tin anh thật vui quá. Được nghe tin chú cũng vui. Chúng em sẽ viết thư hẹn giờ gọi lần sau nhé. Chúng ta sẽ nói chuyện. Ừ. Chắc chắn rồi. Độ ít nữa thôi. Hẹn gặp anh. Giữ gìn sức khỏe nhé. Chúc mọi điều tốt lành. Chú cũng vậy.
Nhưng chẳng có gì đáng cười: mạng sống của chúng tôi rất mong manh. Bây giờ tôi hiểu ra rằng họ không hề tin tưởng mình sẽ thật sự được nói chuyện với nhau lần nữa, đây có thể là lần cuối, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, có thể có bạo loạn, tru diệt, tắm máu, dân Ả Rập có thể vùng lên giết sạch đám chúng tôi, có thể có chiến tranh, thảm họa, dẫu sao thì xe tăng của Hitler đã suýt chạm cửa nhà chúng tôi từ cả hai phía Bắc Phi và dãy Kavkaz, ai biết còn gì chờ phía trước? Cuộc nói chuyện vô nghĩa này thực ra không vô nghĩa, chỉ lúng túng mà thôi.
Giờ đây, điều tôi hiểu được từ những cuộc điện thoại ấy là họ – là tất cả mọi người, không riêng gì ba mẹ tôi – cảm thấy thật khó khăn khi bộc lộ tình cảm riêng tư. Những tình cảm tập thể thì họ nói ra hết sức rành rọt – họ vốn là những người giàu cảm xúc, họ cũng giỏi nói chuyện. Họ nói đến là nhiều! Họ có thể đàm luận hàng giờ không nghỉ, vô cùng hăng hái, về Nietzsche, về Stalin, Freud, Jabotinsky, quăng cả bầu nhiệt huyết vào đó, rỏ những giọt nước mắt xúc động, ngân nga như hát về chủ nghĩa thực dân, về thói bài Do Thái, về công lý, “vấn đề nông nghiệp”, “vấn đề phụ nữ”, “nghệ thuật hay đời sống”, nhưng cứ khi nào họ muốn phát biểu ra một tình cảm trong lòng, thì lời họ lại căng thẳng, nhạt nhẽo, thậm chí còn nhát sợ, kết quả của nhiều thế hệ sống trong đè nén và phủ nhận. Phủ nhận hai lần và đè nén hai tầng, bởi những lề thói trưởng giả châu Âu càng củng cố thêm những trói buộc trong cộng đồng sùng đạo Do Thái. Hầu như thứ gì cũng “cấm tiệt” hoặc “không ai làm thế” hoặc “không hay lắm đâu”.
Thêm nữa, vấn đề còn ở chỗ thiếu từ ngữ trầm trọng: cho tới lúc đó tiếng Hebrew vẫn chưa đủ tự nhiên, và hẳn nhiên không phải một thứ tiếng dành để nói chuyện tâm tình; người ta không biết khi dùng ngôn ngữ đó, điều được nói ra thực sự sẽ là gì. Không ai biết chắc mình sẽ không thốt ra một điều nực cười, mà suốt đời họ chỉ sợ bị cười. Họ khiếp sợ chết đi được. Ngay cả những người biết rành tiếng Hebrew như ba mẹ tôi vẫn không hoàn toàn làm chủ được ngôn ngữ ấy. Khi nói, họ luôn lo lắng nói sao cho chính xác. Họ đổi ý liên tục, lời vừa rời miệng lại tìm cách chữa. Có lẽ đấy cũng là cảm giác của một người lái xe mắt kém đang tìm đường giữa đêm qua một mớ bòng bong hẻm hóc trong thành phố lạ trên chiếc xe đi mượn.
Một ngày thứ Bảy, bạn mẹ tôi đến chơi, một cô giáo tên là Lilia Bar-Samkha. Cứ mỗi lần trong câu chuyện, cô khách bày tỏ mình sợ khiếp vía hay ai đó vừa gặp chuyện khiếp quá đi mất, là tôi lại ré lên cười. Trong ngôn ngữ thông tục hằng ngày, chữ cô dùng nói “khiếp” lại có nghĩa là “rắm”. Ngoài tôi ra có vẻ không ai thấy buồn cười, hoặc là họ giả bộ không thấy. Cũng như khi ba tôi nói về cuộc chạy đua vũ trang, hay rủa xả các nước NATO vừa quyết định tái vũ trang cho Đức hòng cản bước Stalin. Ông không hề biết rằng cái từ rất điển phạm chỉ “vũ trang” của ông trong tiếng lóng Hebrew đương thời nghĩa là “địt”.
Còn với ba tôi, ông sẽ gầm gừ mỗi lần tôi dùng chữ “uýnh”: một chữ ngây thơ vô tội như thế, tôi chẳng hiểu làm sao lại khiến ông bực mình. Tất nhiên ông chẳng bao giờ giải thích, còn tôi không cách nào hỏi được. Nhiều năm sau tôi mới được biết rằng vào thập kỷ 1930 tôi còn chưa sinh ra, đấy là một chữ lóng phổ biến chỉ quan hệ tính giao. “Đêm đó uýnh cho con bé đã đời trong phòng đóng gói rồi thì sáng ra thằng mặt lọ giả bộ không quen nó.” Thế là khi tôi kể chuyện “thằng Uri uýnh em gái nó ghê quá” thì ba lại nhép nhép miệng, nhăn nhăn mũi. Dĩ nhiên ông chẳng bao giờ giải thích – biết giải thích kiểu gì?
Trong những phút riêng tư họ không bao giờ nói tiếng Hebrew với nhau. Rất có thể trong những phút riêng tư nhất họ chẳng nói gì. Họ chỉ im lặng. Điều gì thì cũng phải thua nỗi sợ nói phải hay làm phải điều gì đó nực cười.
Nguyễn An Lý dịch
(Tác phẩm được Nhã Nam mua bản quyền dịch và dự kiến phát hành trong thời gian tới.)
[1] Nhân vật trong vở Chim hải âu của Chekhov.
[2] Thủ tướng thứ tư của Israel, có biệt danh “bà đầm sắt” và “bà nội của người Israel”.
[3] Từng là Bộ trưởng Du lịch và Bộ trưởng Phát triển Israel, một trong những người ký vào Tuyên ngôn độc lập Israel.
(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019)
Người góp chữ
ếch giời leo
Bạn nghĩ sao?