Zzz Review số 3: Nhời đàn bà

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 6 phút

Số này có thể download toàn bộ dưới dạng file PDF to (121,7MB), nhỏ (12,2MB) hoặc epub (2,1MB), hay Kindle (29,9MB – why?).

Nhóm chủ trương: Zét Nguyễn, Y Lán
Phụ trách hình ảnh: Bơ
Phụ trách hình ảnh trên web: Thùy Anh
Thiết kế
: Ụt Ịt
Biên tập: Bớ
Liên hệ: tapchi@zzzreview.com

Lời ngỏ

Vậy là qua một mùa cày cuốc nữa, chúng tôi vẫn còn sống sót để gặp lại các bạn đây. Mở đầu bằng một lời cảm tạ thì thật là sến và có mùi mị dân, vì thế chúng tôi sẽ có hai lời cảm tạ cho chúng đứng bên nhau bớt ngượng nghịu.

Trước tiên xin cảm ơn tất cả những anh, chị, bạn, em, cô chú đã ủng hộ chú Ruồi Mía và khiến di động của Madame Z reo lên những tiếng hân hoan. Nói rằng chúng tôi chỉ bắt chú ra đó ngồi chèo kéo khách để khoe vẻ đẹp trai chứ không mong đợi gì thì điêu quá; nhưng quả thật không nghĩ rằng bạn bè mình cả thân lẫn sơ đều hào phóng đến như vậy. Lời cảm ơn đặc biệt xin gửi đến chị Nguyễn Thanh Hương đã trao tặng cả kho tàng Borges để gây quỹ cho chúng tôi; hy vọng sách đã về tay những người yêu quý nó.

Cảm ơn thứ hai là những người bạn đã gửi bài và tiếp tục gửi bài cho Zzz Review số 03, dù không ít người RẤT bận, không ít người phải chiều theo lịch rất phi chuyên nghiệp của nhà Z (và còn ai đó phải kề dao vào cổ dí theo đến ngày cuối cùng). Cả bài viết, dịch lẫn bài ảnh, bài thiết kế, và đặc biệt là chị, người may áo cho toàn tập sách 😉 Zzz tồn tại là vì có các bạn, theo nghĩa đen.

*

Theme của số này là Nhời đàn bà. Ban đầu là một câu đùa (nửa thật, và chắc cũng hơi hờn dỗi) của Y cà rết, rằng làm sao mà người viết trong số 1+2 thì 90% liền bà mà tác giả dịch giả được trầm trồ lại 90% nam giới; chẳng lẽ không tác giả nữ nào đáng đọc? Té ra là rất nhiều, như số lượng bài gửi về (cũng như đi xin về) cho thấy. Mấy tháng vừa qua, như một trò đùa, các tác giả nữ cũng phủ sóng thời sự cả Việt Nam và quốc tế: Nobel phẩy dành cho Maryse “không phải Kim Thúy” Condé, Man Booker với shortlist 2/3 đàn bà, Nguyễn Ngọc Tư tại Frankfurt với bài phát biểu vẫn còn vương hơi bếp:

Đôi khi vì mãi lắng nghe sự thôi thúc mãnh liệt đó, tôi đã văng ra khỏi cuộc trò chuyện với con mình, và tụi nhỏ đã quen với việc bà mẹ bỗng dưng xao lãng, không nghe thấy lời của chúng. Đi chợ về, tôi thường lạc đường, cho tới khi nhận ra đang ngược hướng nhà mình. Và tôi ngờ rằng những món ăn tôi nấu lên trong căn bếp mù khói, đã không ngon bởi vì tôi chẳng trọn lòng để ý tiếng cơm sôi, tiếng con cá nứt mình ra trong nồi, mà mãi lắng tai nghe lời thì thầm ấy.

Không biết có nhà văn nam nào có thể, giữa công chúng và trong một khoảnh khắc quan trọng khẳng định sự nghiệp mình, thẳng thắn thừa nhận việc-nội-trợ như một đối trọng đáng chú tâm hơn cả văn chương ấy? Và chúng tôi bất chợt phì cười, bởi cả chúng tôi cũng đang vừa lên kế hoạch số này vừa bàn cách chăm con cái, bảo nhau công thức nấu ăn, cùng trăm thứ việc không tên nhưng không kém phần quan trọng. “Biên tập sai không chết, nhưng đóng lệch cánh tủ là chết ngay,” như lời nhận xét thâm thúy của Madame Z.

Hẳn không thiếu những người bạn đã góp chữ, góp hình cho chúng tôi cũng đã tranh thủ lúc chờ máy giặt quay hay khi con ngủ, và cũng có thể chính bạn, người đang đọc những dòng này. Nếu bạn nghĩ rằng những điều ấy quá nhỏ nhặt không nên đưa vào địa hạt văn chương, hãy an tâm, đã có Svetlana Alexievich bảo rằng không phải thế. Nếu bạn cho câu chuyện của mình quá đặc thù không ai muốn biết đến, hãy tự tin bạn bầu cùng Kim Thúy và Natascha Wodin. Hoặc nếu câu chuyện có quá nhiều khổ đau, hãy mượn Anna Burns chút lòng can đảm. Và lắng nghe tiếng nói nữ tự tin của nhiều thế hệ, nhiều miền đất: Thuận, Emma Hooper, Thúy Hạnh, Trạch Vĩnh Minh.

*

Khi rao tìm bài về “người viết nữ”, chúng tôi chỉ có ý tìm đúng thế: người viết nữ. Không nhằm cổ xúy một điều gì, càng không phải nữ quyền, là một chữ chúng tôi không sử dụng và cũng đôi chút kiêng dè. Nhưng tình cờ thay, những vấn đề thuộc về phụ nữ lại xuất hiện thật chen vai thích cánh trong hai mươi bài viết ngắn này. Thậm chí gần như là đối thoại: Svetlana Alexievich nói rằng có một tiếng nói nữ đặc thù, nhưng Eugenides với quả bom tấn về người liên giới tính lại một mực bảo rằng không; Svetlana lưu ý (và Anna Burns cùng fan Atwood nhiệt liệt tán đồng) về sự tự kiểm duyệt của tư duy nữ trong xã hội nam, nhưng ai có thể nghĩ vậy khi đọc Linda Lê hay Thuận? Và những tác giả nam viết về người nữ, dịch giả và nhà phê bình nam tiếp cận sách của nhà văn nữ, trong số này, họ có cần vượt qua rào cản nào không, hay như Eugenides và Atwood cam đoan, con người thì chỉ là con người, và câu hỏi đó còn không có lý do tồn tại?

Zzz Review không chủ về lý thuyết, nên sẽ chỉ vẩn vơ lơ lửng đến đây thôi; tuy nhiên, số này thực sự là một cuộc họp mặt rất vui, và nếu trong khi đọc, bạn có muốn nối dài cuộc đối thoại bằng cách nào, cảm xúc, lý luận hay sáng tác, thì xin mời thư tới chúng tôi, nữ hay nam hay phi nhị nguyên đều chào đón.

Z&Z

30-10-2018

Người góp chữ

Bùi An Bình Một người thích đọc sách nhưng không thích mô tả bản thân.

Cá Hồi Hư Ngất mất rồi.

Chiêu Dương (tức Thu thơ thẩn).

Đăng Thư là một bút danh dịch thuật của Trần Đức Tài, sống ở Đà Lạt, có dịch phẩm đầu tay xuất bản từ 1988 và vẫn tiếp tục dịch lai rai.

Hoàng Đăng Lãnh (Hà Nội) – Dang – Lanh Hoang (Berlin).

Ngọc Dao An Autumn Afternoon.

Nguyễn An Lý là một con ếch giời với biệt tài đụng vào sách gì cũng ế.

Nguyễn Thị Thúy Hạnh, 1987, hiện nghiên cứu và sáng tác tại Hà Nội.

Nguyễn Vũ Phương Linh một người con của hai miền Bắc – Trung.

Phùng Hồng Minh tự mình cũng không biết rõ năm sinh, hiện đang sống và làm việc khu vực quanh Hà Nội.

Thuận, tốt nghiệp Khoa văn trường ĐH tổng hợp Sorbonne. Sống và làm việc tại Paris. Tác giả của 8 tiểu thuyết và dịch giả của một số tác phẩm.

Trịnh Kha Một người đọc sống ở vùng biên tái.

Trương Thị Hoàng Yến sinh năm 1969 tại Thái Nguyên, tốt nghiệp chuyên ngành Hóa Phân tích tại Đại học Tổng hợp Hà Nội và làm việc nhiều năm trong phòng thí nghiệm. Hiện chị đang sinh sống tại Canada.

Trương Trung Tín ở thành phố Hồ Chí Minh.

Võ Bảo Trâm tốt nghiệp khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TPHCM năm 2017. Hiện nay, cô đang hoạt động trong lĩnh vực phi chính phủ, tập trung vào vấn đề giới và truyền thông phát triển xã hội.

Người góp hình

Cậu Bé Thỏ
Hiếu
Phan Huân
Thiên Huân
Thuỳ Anh

Mục lục

Điểm sách

Tiểu luận

Phỏng vấn

Fic&Poe

Easter Egg

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
%d bloggers like this: