(Bài viết thuộc Zzz Review số 3, 30-10-2018)
Mùa thu 2016, nhân vật chính, một nhà văn nữ gốc Việt sống ở Paris, đã quay lại căn phòng áp mái giữa khu Pigalle nóng bỏng từng chứng kiến những ngày đầu tiên cô đặt chân đến Pháp, để bắt tay vào một bản thảo mới. Nhưng thay vì đeo đuổi một cuốn tiểu thuyết như việc mà cô vẫn làm, cô đã ngồi viết thư cho Mina một người bạn gái gốc Afghanistan mà cô đã mất liên lạc ngay sau ngày cả hai cùng tốt nghiệp đại học ở Nga. 30 bức thư đều đặn trong vòng một tháng, không bao giờ được gửi đi, dần dần trở thành một dạng nhật ký nơi cô có thể thổ lộ mọi điều – về nghề viết, về nhân tình thế thái, về cuộc sống tha hương, về quan hệ vợ chồng trống rỗng, về mối tình tuyệt vọng xa xưa, về những nỗi niềm riêng tư bấy lâu bị chôn vùi, về những hành động vô nghĩa của một cuộc sống thường nhật nhàm chán đến kinh ngạc… Tất cả trên một phông nền rộng lớn chạy từ Hà Nội của bao cấp đến Sài Gòn của ngày hôm nay, qua nước Nga của perestroika, Kabul của nội chiến và chưa chắc đã dừng ở Paris của đầu thế kỷ 21 với khủng hoảng kinh tế, chính trị và di dân.
(Tác phẩm đã được Phanbook phát hành tháng 4/2019)
Paris, ngày 21 tháng 10 năm 2016
Mina,
Hôm nay trong blog cá nhân, Pema bạn tao đang sống ở Sài Gòn kể buổi sáng tự nhiên ngọt ngào hẳn khi tình cờ bắt gặp một nam đồng nghiệp gọi điện cho vợ mà màn hình ghi hai chữ “vợ yêu”. “Tình phu thê bây giờ là của hiếm, cứ đôi nào còn ngọt ngào là tự nhiên cảm thấy vui hộ,” Pema lý giải. Những người khác ngay lập tức lao vào bảo sao đến tuổi này mà còn để bị lừa, rằng tất cả cánh đàn ông có quan hệ ngoài luồng đều hào phóng tặng vợ những cái nick ngọt ngào nhất trần đời. Thế là đua nhau cho ví dụ, người thì “vợ ngoan” và “em yêu”, người thì “bé xinh” và “hiền thê”, người thì “first lady” và “darling”… Những người khác nữa thì bảo chưa hết đâu, cánh đàn ông còn có trò giấu bồ dưới những biệt hiệu duyên dáng lắm. Thế là lại đua nhau cho ví dụ, người thì “xe ôm” và “cửu vạn”, người thì “bốc vác” và “xích lô”, người thì “vú già” và “ô sin”. Rồi “Cúc lác”, “Trúc vẩu”, “Mai đen”, “Lan ngẫn”… cứ gọi là loạn cào cào. Đọc đến đây tao ngờ mày lại phá lên cười khình khịch. Chính tao cũng cười khùng khục mấy phút liền, Mina. Từ muôn đời nay, trong số những công việc quen thuộc vẫn làm thì trào phúng có lẽ là cái mà dân nước tao làm giỏi nhất, hơn cả nấu ăn và hơn đứt trồng lúa, đánh giặc, xây nhà. Văn học chính thống Việt Nam nghiêm trang như chào cờ duyệt binh, hội nhà văn cấp cho đồng phục nào thì cam nhận đồng phục ấy, nhưng truyện kể dân gian Việt Nam lại phá cách và vô cùng hài hước, có lẽ đó là nơi mà người ta không bị kiểm duyệt và cũng không tự kiểm duyệt, nơi mà người ta tình cờ được tự do và vì thế mà sáng tạo, dù cũng chỉ tình cờ. Pema bạn tao, làm nghề cầm bút nhưng từ chối vào hội Nhà văn, là một ca đặc biệt. Mâu thuẫn và cũng là nguyên nhân dẫn tới bất hạnh của Pema nằm ở chỗ nó hài hước hơn tất cả các đứa bạn khác của tao nhưng lại tin vào những điều ngọt ngào nhất trong số những người mà tao từng biết. Ba tháng liền nó cuồng dại với mối tình mà nó luôn kể trên blog cá nhân theo một cách thật lâm ly nhưng cũng rất bông lơn, như thể nó sợ nếu thiếu tiếng cười thì blog của nó sẽ biến thành nơi để người viết và người đọc xô vào nức nở và tặng nhau khăn mùi soa. Nhưng tao ngờ không chỉ trong việc viết Pema mới hành động ngược đời kiểu ấy. Tao ngờ là trong lúc người yêu của nó – một nhà báo chiến tranh – đang tác nghiệp giữa những con phố loang lổ máu và ngạt khói bom của Kabul, thì nó, để quên đi nỗi ám ảnh về một cái chết bất thình lình có thể xảy đến với anh ta, đã lao vào làm tình với một thằng trai trẻ cường tráng đang cuồng dại vì nó, một kiến trúc sư người Ý có khuôn mặt thánh thiện như chúa Giêsu, không ăn nổi thịt động vật bởi lúc nào cũng thèm thịt nó. Thằng trai này có cuồng dại vì nó nhằm quên đi một nỗi ám ảnh nào đó hay không, tao không rõ, Pema cũng không rõ, nhưng nó bảo tao là nó cần một cơ thể đàn ông khỏe mạnh và đẹp đẽ để giúp nó chống trả tử thần. Lần đầu tiên gặp thằng trai nằm trên bờ bể bơi vô cực của khách sạn À la carte Đà Nẵng, nó choáng váng như lần đầu đối diện với tác phẩm của Michel-Ange. Sau khi giả vờ làm rơi kính và giương mắt nhìn thằng trai nhảy xuống làm vài vòng bể mò giúp, nó càng tin rằng đó là cơ thể đàn ông tuyệt mỹ nhất mà nó nhìn thấy từ trước đến nay và rất có thể là mãi mãi về sau, ngay cả trên màn ảnh Hollywood. Mọi thứ đều hoàn hảo – bờ vai, lồng ngực, vòng hông, bắp đùi, cơ bụng, làn da – tất cả mọng lên và vàng rực dưới ánh hoàng hôn nhiệt đới lộng lẫy, trên mặt nước xanh trong như ngọc bích và mênh mông đến tận chân trời. Pema bảo ai có thể cầm lòng được trước một món ngon siêu thực như vậy cơ chứ. Nó bảo hôm ấy là ngày thứ mười nó không có tin tức của anh nhà báo từ Kabul. Nó bảo khách sạn có cái tên rất hợp với hoàn cảnh của nó. À la carte. Nó được chọn món một cách chủ động. Anh nhà báo chiến tranh, tình yêu của nó, mới là món chính. Còn thằng trai, cơ thể đàn ông tuyệt mỹ, chỉ là món tráng miệng. Nhưng vì plat principal không xuất hiện, nên nó phải chén dessert. Nó phải chén thằng kia. Và đã thấy trước là chén bao nhiêu vẫn sẽ không đủ, chén bao nhiêu vẫn sẽ thấy đói. Pema là một đứa rất hay chữ, tiếng Việt trong tay nó bao giờ cũng nở ra bao nhiêu nghĩa mới. Đêm hôm ấy, nó kể, nó nằm nghĩ đến thằng kia, nó không biết thằng kia có tình ý với nó hay không, đến Việt Nam cùng vợ hay bồ, thậm chí có thích phụ nữ. Cùng một lúc nó nhận ra là nó chẳng biết gì về thằng kia nhưng bị cơ thể đàn ông hoàn hảo ấy, gần như trần truồng, ngụp lặn trong đầu. Toàn thân nóng ran và nó phải vặn đầy một bồn nước mát để thả người vào đó. Nó lềnh bềnh như thế, giữa mê và tỉnh, mộng và thực, bản năng và ý thức, cho đến gần sáng thì thiếp đi rồi dường như ngay lập tức bị đánh thức bởi những tiếng gõ thật khẽ lên cửa phòng mà mới đầu nó đã không tin ở tai mình. Nó chỉ kịp thở hắt ra một cái khi nhìn thấy đôi vai chật căng dưới áo choàng tắm của thằng kia. Thằng kia cũng chỉ kịp thở hắt ra khi nhìn thấy bộ ngực lấp ló dưới áo choàng tắm của nó. Sau này nó biết rằng thằng kia cũng bị cơ thể đàn bà hoàn hảo của nó, gần như trần truồng, ngụp lặn trong đầu khiến toàn thân nóng ran và phải vặn đầy một bồn nước mát để thả người vào đó. Rằng thằng kia cũng lềnh bềnh như nó, giữa mê và tỉnh, mộng và thực, bản năng và ý thức, cho đến gần sáng thì thiếp đi rồi dường như ngay lập tức bị đánh thức bởi những tiếng gõ thật khẽ lên cửa phòng. Rằng thằng kia lao ra mở rồi cứ thế bước đi như bị ma ám đến đúng trước cửa phòng nó thì dừng lại. Thần giao cách cảm. Pema bảo nó thèm những điều ngọt ngào, khi không có tình yêu thì nó yêu những cái giống như tình yêu. Rằng thật là oái oăm, càng thèm món chính thì nó càng phải ăn món tráng miệng, càng nhớ anh nhà báo chiến tranh thì nó càng có nhu cầu làm tình với thằng trai trẻ. Trên giường, chúng nó vừa làm tình vừa cầu nguyện cho Kabul. Nó, theo tôn giáo của nó. Thằng kia, theo tôn giáo của thằng kia. Mỗi đứa tin vào một Thượng Đế khác nhau, nhưng cầu nguyện là việc mà chúng nó vẫn làm. Mina, có lẽ mày không tưởng tượng được, không ai tưởng tượng được rằng giữa Sài Gòn, nguyên Ho Chi Minh city, thành phố lớn nhất, hiện đại nhất dải đất loằng ngoằng hình chữ S mấp mé bờ Đông của Thái Bình dương, từng có hai cơ thể khỏe mạnh và đẹp đẽ cứ sắp đạt cực khoái lại tự động tách khỏi nhau để thầm xin đức Phật và Chúa Giêsu hãy ra tay khiến bom ngừng rơi, máu ngừng đổ ở mảnh đất Kabul xa lắc xa lơ của chúng mày nơi cả hai chúng nó chưa đứa nào từng có kỷ niệm, thậm chí từng đặt chân. Có lẽ giữa tất cả những đồng bào của tao sống tại Việt nam và rải rác trên hành tinh, chúng nó là hai kẻ duy nhất, trong chín mươi đêm của mùa thu 2016 này, không đêm nào không nghĩ tới Kabul từng giờ một.
Pema bảo Sài Gòn, nó cứ ra khỏi nhà là lạc, là phải trèo lên tắc xi hay xe ôm, vì tâm trí nó dành cả cho Kabul. Nó có thể xác định trên bản đồ của thủ đô Afghanistan hàng trăm đại lộ, ngã tư, quảng trường, trung tâm, rạp chiếu phim, chợ cóc, trường học, thánh đường, bệnh viện, vườn hoa, bảo tàng, quán ăn, tòa thị chính, hiệu cắt tóc, tiệm chụp ảnh… Những cái tên bằng chữ Ả-rập lằng nhà lằng nhằng mà nó chỉ đọc vài lần là nhớ, như thể kiếp trước nó sinh ra ở Kabul, lớn lên ở đấy, gặp anh nhà báo chiến tranh cũng ở đấy. Đầu óc nó luôn có chỗ cho những gì ngọt ngào. Nó bảo thủ đô Afghanistan dù loang lổ máu và ngạt khói bom thì với nó vẫn vô cùng ngọt ngào, vẫn lấy hết tâm trí của nó.
Mina, Vĩnh chẳng bao giờ đặt chân đến Kabul, cũng chẳng có ý định tìm “đối tác kinh doanh” nào ở đó để tao có thể thấy đặt hết tâm trí vào đấy như Pema. Tao chỉ biết thành phố quê hương của mày qua phim Người đua diều. Từ khi viết thư cho mày, tao mới bắt đầu lên mạng tìm các bài báo và cưỡi ngựa xem hoa các di tích lịch sử Kabul. Đầu tiên là pháo đài cổ Bâlâ Hissar với 5 cây số công sự chạy ngoằn ngoèo qua các đỉnh núi trong đó có đỉnh Koh-e Chîr Darwâza cao 2221 mét. Rồi công viên Babur mướt mát với cầu thang đá trắng mộng mơ được xây từ thế kỷ XVI theo phong cách pha trộn giữa Mông Cổ và Hồi giáo là nơi lưu giữ thi thể hoàng đế Babur mang về từ Ấn Độ, 9 năm sau ngày băng hà. Rồi Bảo tàng Quốc gia trưng bày một phần bộ tượng Phật khổng lồ từng được tạc vào vách đá thung lũng Bamyian từ thế kỷ III và bị chính quyền Taliban ra lệnh phá hủy vào năm 2001. Rồi mộ hoàng đế Châh Djahân là nhà thờ chỏm tròn màu ngọc bích lộng lẫy như cổ tích Nghìn lẻ một đêm. Rồi cung Darulaman kiến trúc sư Đức thiết kế theo trường phái Tân Cổ điển sừng sững đỉnh đồi… Tao hoa cả mắt. Tao bắt đầu hy vọng. Bên cạnh những gì mà người ta từng cho tao thấy ở Kabul – những cây cọ đã cụt ngọn, những mái nhà nâu đỏ đã vỡ toang, những bức tường loang lổ máu, những sân vận động bỏ hoang, những ngôi trường không một bóng học trò, những cái chợ chỉ còn lại những bệ xi măng, những rạp xi nê tan hoang như bước ra từ phim kinh dị, những đứa trẻ không cụt tay thì cụt chân, những người đàn bà không mất con thì mất chồng… Ừ, Mina, tao bắt đầu hy vọng rằng bên cạnh những điều khủng khiếp này, dù thế nào vẫn tồn tại những thứ đẹp đẽ, rằng vẫn có những phép mầu lẩn giấu đâu đó trong cuộc sống trần thịt của chúng ta, và nếu Thượng Đế có hiện diện thì Ngài cũng sẽ không quá bất công. Tao bắt đầu hy vọng thế. Hy vọng đến độ đêm hôm đó tao lại mơ thấy mày, mày cũng một tay ôm túi, một tay ôm bị, miệng phì phèo thuốc lá, nhưng không phải đang ngồi ngó mưa rơi từ lều nhựa ở một góc nào đó của cửa ô La Chapelle nơi người Paris chỉ ghé để đổ rác. Không phải thế. Lần này tao mơ thấy mày đang đi dạo trong khuôn viên một công sở ở ngay Kabul thành phố quê hương mày. Xung quanh, từ những hố bom vài bụi sim đã mọc lại, màu xanh non của lá và màu tím lịm của hoa nổi bật trên nền đất bạc thếch. Ở ngay lối vào là một cây cổ thụ cao hơn cả tầng cao nhất của tòa nhà chính, lác đác các chồi biếc nhu nhú cựa quậy trên những cành khẳng khiu tưởng đã chết khô. Đâu đó tiếng chim sẻ ríu rít, tiếng bồ câu gù gù, tiếng vàng anh thánh thót, tiếng vành khuyên líu lo hòa vào tiếng cầu kinh đều đặn và trang nghiêm vọng ra từ thánh đường Bakir-Al-Olum của giáo phái Shiite. Và trong giấc mơ của tao, mày không đi dạo một mình, Mina. Bên cạnh mày có một thằng bé giống mày và giống cả Viktor con trai tao, cũng mái tóc đen nhánh uốn lượn và đôi mắt trong veo mơ màng, cũng sơ mi trắng bỏ trong quần soóc tím than, cũng mũ nan trên đầu và xăng đan da dưới chân, cũng vừa bước vừa lẩm nhẩm một bài hát sai nhạc sai cả lời, hình như là “Peter và chó sói”… Giấc mơ có lẽ sẽ còn bay cao bay xa nếu tao không bất ngờ choàng dậy rồi bật máy tính, vào Google và gõ “Kaboul – jardin – parc” để rơi thẳng xuống lời giới thiệu của trang easyvoyage.com: “Kabul, thủ đô của Afghanistan, có gương mặt sầu não của một đô thị bị đánh bom tơi bời và mòn mỏi vì những năm tháng chiến tranh. Bảo tàng thành phố nơi trưng bày một trong những bộ sưu tập đồ cổ châu Á quý giá nhất đã hàng trăm lần bị đập phá tan tành. Ngày hôm nay, Kabul không còn vườn hoa cũng hết cả công viên. Vườn Babur từng một thời nổi danh giờ chỉ là mảnh đất hoang, còn thành cổ thì trở thành khu vực cực kỳ nguy hiểm, miếng mồi ngon của mìn khủng bố”.
Mina, tao đã ngẩn người, rồi dụi mắt, rồi đọc đi đọc lại cái câu ngắn ngủi. Aujourd’hui, Kaboul n’a plus de parc, ni de jardin. Ngày hôm nay, Kabul không còn công viên, cũng hết cả vườn hoa. Từng từ từng chữ rõ ràng. Một trang quảng cáo du lịch mà phải giới thiệu lạnh lùng sắt đá như vậy thì sự thật có thể còn lạnh lùng sắt đá hơn nhiều. Tao bồn chồn đợi tin Kabul. Và tao chẳng phải đợi lâu. Hôm nay, sáng sớm hôm nay, mở mắt dậy, bật máy tính, gõ “Kabul”, “Afghanistan” tin đầu tiên mà tao có về đất nước của mày là thánh đường Bakir-Al-Olum, nơi vọng ra tiếng cầu kinh hòa lẫn tiếng chim hót trong giấc mơ của tao, vừa bị đánh bom tự sát lúc 12g30 giờ địa phương, lấy đi 28 sinh mệnh đúng vào ngày cuối cùng của lễ Ashura. Ashura tao cũng nhờ Google mà biết được là sự kiện lớn trong năm của tín đồ Shiite để tưởng niệm cái chết oan nghiệt của một ông thánh nào đó tên là Hussein sống từ thế kỷ VII. Tao không hiểu lý do gì đã khiến tao mơ thấy Bakir-Al-Olum mấy chục tiếng trước khi nó bị tấn công? Tao từng nhìn thấy nó đâu đó trên mạng khi tìm hiểu về Shiite và Hồi giáo ở đất nước của mày? Hay đó không phải là thần giao cách cảm mà chỉ là kết quả tất yếu của bạo lực: một thánh đường của giáo phái đứng thứ nhì đạo Hồi không trước thì sau cũng bị tấn công, không bởi phiến quân này thì bởi loạn quân khác, không hôm nay thì ngày mai, không vào lễ Ashura thì lễ Ramadan hoặc chẳng cần lễ nào? Mina, mới bây giờ mà người ta đã dự đoán năm nay là năm chết chóc nhất với người dân Afghanistan.
Pema bảo ba tháng kỳ lạ ấy, nó cảm giác không phải đang sống ở Sài Gòn mà Kabul, một thành phố ảo nơi những con đường đã mất biển ghi tên, nơi thần chết lượn lờ mọi ngõ ngách, vào bất cứ giờ nào trong ngày, không tha bất kỳ ai, nơi những cô hồn lang thang tìm người thân trong những phòng ngủ gối đệm bị bom cày vụn như tương. Nó bảo mỗi ngày chục lần, nó vào mạng xem tin về thủ đô của Afghanistan, vớ được vài địa danh, tra bản đồ, rồi để trí tưởng tượng làm nhiệm vụ còn lại: thêm người, thêm vật, âm thanh, mùi vị, màu sắc, thêm cảnh anh nhà báo chiến tranh của nó cao, gầy, đeo kính cận, đầu trần, chạy tới chạy lui với đống máy móc lỉnh kỉnh. Lúc thì nó hình dung ngay sau lưng anh ta là đạn bay chiu chíu nát cả mảng tường cuối cùng của một lớp học cuối cùng trong một ngôi trường tiểu học cuối cùng của khu Char Qalar. Pema bảo mùi sách vở cháy nó không lạ, ngày bé có lần cả tuần liền, nó theo bà ngoại và các dì lên sân thượng, châm lửa đốt hết cả thư viện toàn văn chương và triết học phương Tây, để phi tang cho một quá khứ “trí thức tiểu tư sản” của ông ngoại nó lúc đó đang lênh đênh trên thuyền ngoài biển Đông cùng các cậu, các dượng và cả cha ruột nó. Lúc thì nó hình dung trước mắt anh ta là mấy chiếc xe cứu thương hú còi inh ỏi trên đường ra sân bay, gần đến nhà thương Wazir Akbar Khan mà các phương tiện giao thông khác nhất định không tránh, chưa kể một đàn cừu từ đâu túa ra khiến bác sĩ và y tá phải xuống xe chạy bộ, trong chục cái cáng là mấy chục đứa bé trần truồng mình đầy vết bỏng, mùi cồn và bông băng khiến nó đau quặn bụng, các bà mẹ chạy đuổi theo kêu lạc cả giọng, khuôn mặt trùm khăn đen kín mít chỉ hở ra đôi mắt như những quả ổi đào, thứ quả mà nó chỉ ngắm nhưng chưa nếm bao giờ dù cái chợ cóc trước nhà nó mấy năm nay ê hề đủ loại đặc sản Bắc kỳ từ vải thiều, nhãn lồng, mít mật, đến tương Bần, mắm tép, chả rươi phục vụ cuộc Nam tiến vĩ đại nhất trong lịch sử nước tao. Lúc thì nó hình dung trên đầu anh ta là trực thăng quay cuồng, dưới đất là một đoàn xe lừa chở những bao tải to đùng bị ách lại giữa phố, không hiểu do lũ vật hoảng loạn bởi tiếng trực thăng hay vì nghe được radio đang thông báo một chiếc buýt chở tín đồ đi hành hương Pakistan chưa ra khỏi Kabul, mới đến ngã tư đường Zargona và đường Shahid đã húc phải mìn nổ chậm, tất cả hành khách lẫn phụ xe và tài xế đều tử vong. Mùi da thịt cháy khét bao vây thành phố mấy ngày liền, thấm vào những trang báo mà Pema đang đọc, tỏa khắp căn hộ nhỏ của nó khiến nó nôn thốc nôn tháo. Nó bảo từ đấy không dám động đến thức ăn protit nữa, nhưng tao ngờ đó là bởi nó đang “chén” thằng trai người Ý quá nhiều, để có sức mà đợi anh nhà báo người yêu.
Pema sinh ra ở Sài Gòn khi hiệp định Paris vừa được ký kết, quyết định sự ra đi của quân đội Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam. Khác với tao, nó chưa từng trải nghiệm những đặc sản của Hà Nội thời chiến, nó không biết hầm trú ẩn là gì, báo động là gì, chạy bom là gì, sơ tán là gì. Nó bảo ba tháng liền theo chân người yêu đi khắp Kabul, tuy chỉ là trên mạng, thì thành phố này dù có loang lổ máu và ngạt khói bom nó vẫn thấy ngọt ngào. Nhưng đùng một cái, đúng ngày cuối cùng của cái kỳ ba tháng, đột nhiên mọi thứ thay đổi. Đột nhiên nó sợ rúm ró chiến tranh và tất cả những người có mặt trong đó, dù với bất kỳ lý do nào. Đùng một cái, ngày cuối cùng, Mina, nó bảo nó bỗng nhìn mọi thứ bằng con mắt khác, như thể trái tim của nó sau ba tháng làm việc quá tải đành phải nhường chỗ cho trí não. Ngày cuối cùng, bản thân nó cũng thấy sợ nó. Nó không thể chịu đựng nổi cơ thể vốn khỏe mạnh và đẹp đẽ của chính mình. Ngày cuối cùng, mấy tiếng một lần nó đứng dưới vòi hoa sen, dốc hàng lọ nước gội đầu và xà phòng tắm, kỳ cọ từ tóc đến móng chân, để giảm bớt cảm giác kinh tởm mà chiến tranh ám vào cơ thể nó. Nó cũng không chịu nổi cơ thể của thằng trai trẻ mà nó từng chén ba tháng liền, một cơ thể vốn khỏe mạnh và đẹp đẽ cũng chỉ vì nó mà bốc mùi chiến tranh. Nó bảo đấy mới chỉ là bên ngoài mà tẩy uế đã khó, còn bên trong thì nó bó tay, tất cả những gì đã in vào não, vào tim, ngấm vào huyết quản, nó làm sao mà thanh lọc cho được. Nó thậm chí không còn có thể khóc khi nghĩ về điều ấy. Tuần sau đó, anh người yêu của nó quay trở lại Sài Gòn gặp nó thì Pema rũ xuống khi mới chỉ nhìn thấy anh ta từ tắc xi bước ra: mùi chiến tranh đậm đặc khủng khiếp, lưu cữu từ ba tháng nay, bốc ra từ cơ thể người đàn ông, một cơ thể cũng từng đẹp đẽ và khỏe mạnh. Mùi chiến tranh bốc ra từ từng sợi tóc, từng móng chân, móng tay, từ cổ, gáy, nách, vai, lưng, và rất có thể là cả đùi, bẹn, háng, mông… Trưa nay, sau khi thánh đường Bakir-Al-Olum bị khủng bố khiến 28 người thiệt mạng và vô số người bị thương, tao gọi điện về Sài Gòn cho nó. Nó bảo thật khủng khiếp. Cả một đoạn phố nhà nó đang nồng mùi sầu riêng thì anh ta xuất hiện và mùi chiến tranh át đi tất cả, chưa kể trong những máy móc lỉnh kỉnh mà anh ta đeo trên mình là hàng nghìn bức ảnh mà anh ta đã chụp, hàng nghìn câu chữ mà anh ta đã viết, tất cả đều về chiến tranh, đều bốc mùi chiến tranh, với những xác người, tay chân tung tóe, óc tung tóe, tim tung tóe, ruột gan lộn tùng phèo. Nó chạy vội lên nhà, sập cửa phòng lại. Nó bảo làm sao nó có thể làm tình với một người đã sống ba tháng liền trong một nhà xác, cái nhà xác vĩ đại kia. Nó bảo làm sao nó có thể không ngừng tưởng tượng về ba tháng ấy khi anh ta mỗi ngày hít thở tử khí, ăn uống, đi đứng, làm việc, suy nghĩ, ngủ, mơ và nhớ về nó, tất cả đều bên cạnh các xác chết, đã thối rữa hoặc sắp thối rữa. Nó bảo giờ thì nó hiểu tại sao trong suốt thời gian ấy nó không thể viết được cái gì ra hồn, ngay cả những bức thư nó viết cho anh ta với tất cả chăm chút, ngôn từ ngọt ngào cứ như tuột khỏi tay nó, trốn tránh, giận dỗi, bất hợp tác. Rất có thể các kẽ tay nó cũng có mùi chiến tranh. Và đó là những bức thư tình kém ngọt ngào nhất mà nó từng viết, mặc dù lúc ấy, trong những ngày ấy nó không giờ nào phút nào không nghĩ tới anh ta, một cách ngọt ngào nhất có thể. Pema đọc cho tao, Mina, những câu không đâu vào đâu, chẳng dính dáng gì đến tài năng văn chương của nó, và luôn luôn bắt đầu bằng mưa như thể vừa muốn an ủi vừa muốn trêu tức người nhận đang ở nơi quanh năm nóng hay lạnh cũng hầu như không được ông trời nhả cho một giọt nước là thủ đô Kabul của mày.
Paris ngày 20 tháng 12 năm 2017
Mina,
Tao vừa đọc lại những lá thư viết cho mày. Hơn một năm nay, chúng vẫn nguyên vẹn, trong một file riêng có tên là “Thư gửi Mina”. Thật không ngờ, sau hai tuần, một trăm nghìn từ đã được ghi vào máy tính, nhiều hơn tất cả các tiểu thuyết trước đó của tao, những bản thảo mà tao nâng lên hạ xuống từng chữ, đánh vật suốt năm, thậm chí hai năm hoặc lâu hơn nữa, cho tới khi in thành sách mới thôi.
Đầu tiên tao định viết về mày cơ đấy: mày sẽ là một nhân vật của tao, nhân vật chính hẳn hoi. Mày chạy trốn chiến tranh và sống đời di dân ở Paris. Ví dụ vậy. Tao đã tưởng tượng tìm thấy mày trong một khu lều nhựa của người nhập cư ven đường vành đai. Tại một cửa ô. Saint Ouen hay Clichy. Cũng có thể Montreuil hoặc Lilas. Mà tại sao lại không La Chapelle? Giữa những khuôn mặt sùm sụp khăn trùm bị lo âu và thiếu thốn làm cho méo mó, tao nghĩ là tao vẫn nhận ra mày. Bọn mình sẽ mừng tủi hội ngộ, sẽ cầm tay nhau, sẽ nói những câu tiếng Nga rơi rụng từ hàng nghìn câu tiếng Nga từng nói với nhau ngày trước. Và nếu mày không chê khu đèn đỏ Pigalle thì mày có thể ở một phòng áp mái ngay cạnh tao, với giá rẻ bất ngờ. Tao đã hình dung hằng ngày sau ly chè chanh với đường phèn ngọt lịm mà lần này là tao pha cho mày, mày sẽ kể câu chuyện của mày và tao sẽ chỉ việc thao tác bàn phím. Với một cá tính như Mina, nhất định sẽ ra đời một nhân vật độc đáo. Tao sẽ chẳng cần chỉnh sửa gì mấy, bởi vì các tình huống ly kì của mày, các hoàn cảnh, các thăng trầm, biến cố, hiểm nguy mà chỉ những ai từng sống ở những lò lửa Trung Đông mới có dịp trải nghiệm, tất cả đều nóng rực, sống động, lôi cuốn hơn mọi hư cấu, và đương nhiên hơn hẳn cái hiện thực mà chúng tao đương sống đây, cái hiện thực tẻ nhạt thường xuyên phải cầu cứu nước xốt của cảm xúc và các gia vị linh tinh mà người ta gán cho cái tên mỹ miều là “sáng tạo”. Tao cũng sẽ theo dõi quá trình hội nhập của mày: mày sẽ xin quy chế tị nạn thế nào, xin trợ cấp thế nào, xin nhà ở thế nào, xin việc làm thế nào? hẳn là cũng không thiếu hài hước và bất ngờ – mày, một người chẳng bao giờ đủ kiên nhẫn viết nổi một cái đơn, dẫu là đơn xin nghỉ học vì sốt virus. Tóm lại, cứ theo cách ấy, chắc tao sẽ bớt khó khăn trong việc tìm nơi xuất bản: dù sao thì đề tài Afghanistan và nạn nhân chiến tranh cũng không thể bị các biên tập viên đánh giá là “hão huyền”, ngay cả trong lúc trà dư tửu hậu. Politiquement correcte. Trước khi mở máy tính, gõ những “thật đáng tiếc” để trả lời bản thảo này, tao hình dung, những con người cao ngạo ấy cũng phải có vài giây ngần ngừ.
Nhưng mà cuối cùng, như mày thấy đấy, mày không thành nhân vật nào của tao, chính cũng không mà phụ cũng không. Tao cũng không đi tìm mày. Tìm thế nào được? Mò kim đáy bể. Từ lá thư thứ hai tao đã phải thú nhận với mày rằng Paris có mấy chục cửa ô mà dân Paris chỉ ghé để đổ rác và người nhập cư bất hợp pháp có thể tạm cắm lều nhựa. Nhưng xin mày đừng quá chạnh lòng: tuy không là nhân vật, bù lại, mày hiện diện trong từng suy nghĩ của tao suốt hai tuần của mùa thu năm ngoái, và một trăm nghìn từ ấy là tao viết cho mày, để mày đọc. Tao đã ghi chép không ngừng, ngày lẫn đêm, hầu như tất cả những gì tao chứng kiến ngoài đời và nảy ra trong đầu: mày hẳn dễ dàng nhận thấy các nhân vật vẫn còn ở trạng thái nguyên sơ, chưa được chỉnh sửa, bơi như nòng nọc giữa hiện thực và tưởng tượng, giữa phân tích và dự đoán thường xuyên trái chiều của tao, giữa những câu chuyện dang dở, những lời kể không đầu không đuôi của những người mà tao chỉ vừa quen, giữa những “sự thật” nằm ngoài khả năng kiểm chứng của bất kỳ ai. Mina, chỗ này có lẽ tao phải mở một cái ngoặc để nói với mày rằng dường như sau ngần ấy năm ngồi viết, tao có cảm giác chẳng thu được gì ngoài tính hoài nghi. Hoài nghi có thể không tốt, thậm chí có hại, cho các con chiên và các đảng viên, nhưng lại rất cần cho cá nhân tao bởi vì tao, Th bạn của mày, là một đứa cả tin. Cả tin không sao sửa được. Nếu phải tìm hai tính từ để chỉ bản thân tao, tao sẽ không mất giây nào mà nói với mày rằng tao vừa cả tin vừa hoài nghi. Nghe thì mâu thuẫn, nhưng dường như là cả tin nằm trong máu của tao, còn hoài nghi là chất kháng thể mà tao tự sản xuất để chống lại. Tao cũng ý thức được rằng chính bởi mâu thuẫn cả tin/hoài nghi mà quá trình đi tìm bản chất bất cứ điều gì, dù nhỏ đến đâu, cũng khiến tao mất công hơn người khác. Mina, mày hãy hình dung thế này: tin tức rơi vào đầu tao như những hạt mầm mà ngay lập tức tao hí hửng nghĩ rằng tất cả đều chắc mẩy hiện thực, và mặc sức tưới vào các tưởng tượng, phân tích, dự đoán. Nhưng được cái là hoài nghi cũng nhanh chóng xuất hiện kéo chân tao chạm đất, để tao nhìn lại đống hạt mầm hóa ra nhiều phần lỏng lẻo, rồi nhanh chóng tưới vào đó một loạt tưởng tượng, phân tích, dự đoán khác. Quá trình sàng lọc lặp đi lặp lại không ngừng. Có vẻ như đầu tao, Mina, lâu ngày trở thành cái nia nhiều lớp. Nhưng tao cũng không bảo đảm được rằng từ những hạt mầm lọt qua lớp nia cuối, sau khi đã được tưới tắm và sàng lọc, có mọc ra được chút gì đáng tin cậy. Nói cho cùng thì tao là người trần mắt thịt chứ không phải Thượng Đế, tao viết chứ không dọn cỗ, và độc giả ai cũng có, theo cách riêng của họ, một bộ óc với năng lực lập luận và phán xét. Việc mà tao làm có lẽ chỉ là sắp xếp một chút ngôn từ, một chút thông tin, để kích thích nó, trong một phạm vi nhất định. Thế cũng khiến tao thấm mệt rồi, tao – một kẻ không ngừng bị hoài nghi truy đuổi.
Trong tất cả các nhân vật mà tao đã giới thiệu với mày hai tuần ấy, ngoài Pema bạn tao ở Sài Gòn, tao không còn gặp lại ai, ngay cả con Mè-zí và mấy đứa đồng hương Việt Nam sống ngay tầng dưới căn phòng áp mái của tao ở khu Pigalle. Mới đầu tao nghĩ chúng nó chán vì tao chẳng được tích sự gì, sau mới hay Thai Gogo Bar đã chuyển chúng nó đến một địa điểm khác dưới tỉnh xa. Theo bình luận của bà gác cổng Julietta, người báo tin cho tao, thì mục đích của việc này rất có thể là để tránh sự nhòm ngó của “công an khu vực”. Đêm ấy tao đã trằn trọc ít nhiều, đương nhiên không phải vì cụm từ nhạy cảm kia (tao biết có không ít di dân vẫn bị chế độ độc tài cố quốc ám ảnh, dù đã chạy sang Paris sinh sống mấy chục năm) mà vì tiếng nhạc từ tầng trệt vọng lên còn mỗi rock và lambada khiến tao tự hỏi “Hoa đẹp chăm pa” và Tango quận Cam giờ này đang rong ruổi cùng bốn đứa đồng hương của tao ở phương trời nào, có gần một quán Chào Bà cho chúng nó mỗi đầu giờ chiều mở mắt ra là được điểm tâm thịt heo ngũ vị hương hay cá kho, chả giò, khiến cái nhìn của chúng nó đỡ uể oải đôi chút và nỗi nhớ cơm Việt của chúng nó nguôi ngoai phần nào. – Tại sao người Việt đi đâu cũng khổ? hai mươi năm trước một nhân vật của tao từng hỏi, bây giờ chẳng lẽ tao hỏi lại mày, Mina.
Ngoài dự đoán của tao, ông chủ Giăng-Mắc của Thai Gogo Bar mà trong lần tiếp cận đầu tiên và duy nhất tao từng ngay lập tức ngưỡng mộ giọng nói du dương như ca sĩ chuyên nghiệp, đã không để trong tao những ấn tượng lâu dài. Đúng là nếu không đọc lại thư viết cho mày đêm hôm ấy, thì tao đã quên là ngay sau buổi gặp, tao đã tự đặt khá nhiều câu hỏi về con người này, về một mối tình rất có thể là lãng mạn với một đồng hương sống ngay trên tầng áp mái của tao, thậm chí tao còn xuống gặp cả mụ Julietta để dò tin. Nhưng sự quan tâm chỉ dừng lại ở đó. Mấy tháng sau, nhân phải trả bài cho một số báo Tết ở Hà Nội, tao đã thử biến gã thành nhân vật mà không sao tìm được cảm hứng. Mọi cố gắng tưởng tượng, phân tích, dự đoán nhanh chóng tan thành mây khói. Để rồi trong một đêm nằm nghe tiếng gió thổi phù phù qua lò sưởi, một truyện ngắn viết xong, đủ số từ yêu cầu, không bị chệch chủ đề “ẩm thực Việt ở nước ngoài”, nhưng gã đàn ông ấy hiện ra thật mờ nhạt. Lúc này, khi gộp nó vào đây, tao quyết định thêm tên riêng để giúp mày liên tưởng đôi chút đến Jean-Marc mà tao từng kể cho mày. Mày nhớ chứ dưới ánh đèn vàng, gã trán cao, mắt trong, thanh mảnh, tóc dài phủ kín vai. Mày nhớ chứ, giữa mùi son phấn ngầy ngậy, màu da thịt trắng ởn, tiếng reo hò bằng nhiều ngôn ngữ, Đức Phật Thích Ca bị lôi xềnh xệch, Maria Callas vẫn hát Ave Maria và gã ngó tao từ đầu đến chân – tao cũng ngó gã từ đầu tới chân. Gã nheo mắt – tao cũng nheo mắt. Gã hít một hơi thật sâu – tao cũng hít một hơi thật sâu. Gã hất hàm ra hiệu cho tao tiến lại gần hơn – tao cũng tiến lại gần hơn. Gã dùng tay phải vuốt tóc tao – tao cũng để cho gã vuốt. Gã dùng tay trái nâng cầm tao – tao cũng để cho gã nâng. Gã dùng cả hai tay đặt lên má tao – tao cũng để cho gã đặt. Gã nhìn sâu vào mắt tao – tao cũng nhìn sâu vào mắt gã. Gã hỏi tao: – Cô sống trên tầng áp mái? Tao gật đầu. Gã hỏi tiếp: – Cô ở đây lâu lắm rồi? Tao gật đầu. Gã hỏi tiếp nữa: – Mười bảy năm trước? Tao im lặng. Gã ngó tao trân trối. Tao ngó gã trân trối. Một đám mây nhỏ bay trước mắt gã. Gã quay lưng bỏ đi. Tao lại đứng như trời trồng… Bây giờ, khi gõ lại cho mày những dòng này, tao chợt nghĩ đến câu “Hãy cẩn thận, nhiều khi gã bịnh lắm” con Mè-zí và mụ Julietta mấy lần nhắc tao, trong vòng một tiếng đồng hồ hôm ấy. Tao không hiểu gã có “bịnh” không nhưng tao bỗng có cảm giác trong lòng gã là một nỗi đau há miệng đã từ lâu. Một hôm nào đó, vừa bước chân vào phố André-Antoine vốn im lìm các buổi sáng, tao phải bịt tai vì còi xe cứu thương và tiếng thất thanh của mụ gác cổng Julietta hay vài nhân viên của quán Chào Bà trước một thân thể bê bết máu sõng soài dưới mặt đường lát đá, tóc dài phủ kín vai. Nếu có một hôm như thế, thì có thể tao không có quyền ngạc nhiên. Tao sẽ phải nhìn lên các cửa sổ tầng áp mái. Phòng nào? Mười bảy năm về trước? Chủ nghĩa cá nhân biến mỗi chúng ta thành một ốc đảo mà ngay từ đầu cái chết đã lãnh nhiệm vụ một ngày nào đấy sẽ mang đi nguyên vẹn.
Tao đang viết cho mày từ bàn ăn căn hộ gia đình. Nói chính xác là căn hộ của Artur, chồng tao. Tao xách va li về đây khi anh ấy đã mua nó từ lâu, đã cho sửa chữa theo ý của anh ấy, đã sắp đặt mọi thứ từ đồ gỗ đến đồ điện, từ khăn lau trong bếp đến khăn mặt trong buồng tắm, tất cả đều theo ý anh ấy. Sự xuất hiện của tao hầu như không làm thay đổi cái gì trong nhà. Có chăng chỉ vài bộ quần áo, vài đôi giày, vài cuốn sách mà tao không mất công cũng tìm được một góc nào đấy để cất mà chẳng làm ảnh hưởng đến bố cục và trật tự chung đã có. Artur đã quyết định giúp tao tiếp tục thuê căn phòng áp mái nơi giữ lại phần lớn đồ đạc của tao. Nó là cái kho của riêng tao mà nếu chẳng may chuyển hết về căn hộ gia đình thì sẽ vô duyên như khách không mời. Trên thực tế, quyết định của Artur đâm ra có ích cho tao hơn cả cho anh ấy: căn phòng áp mái đã nghiễm nhiên trở thành bí mật thuộc về tao mãi mãi. Người Pháp hay nói “jardin secret”. Còn tao, tao không có vườn, mà có phòng. Căn phòng bí mật. Nơi tao có thể đến sống một vài tuần, như tao muốn, khi chồng tao mang thằng Viktor đi nghỉ. Nơi tao có thể nằm yên hàng giờ để nhớ về Vĩnh, như tao muốn, trong tiếng mưa gõ miên man lên mái nhà.
Bác Chắt, chị Chiến, thằng Lùn, bà chủ tiệm may Saigon-Cali-Taylor, thi sĩ Nam Định và nàng thơ của anh, Roger Balasko và hai đứa con gái nuôi, tao đều không có dịp gặp lại. Các câu chuyện của họ thỉnh thoảng sống dậy trong đầu tao, mỗi lần dưới một dị bản ít nhiều khác nhau, khiến sự thật dường như ngày càng trở nên khó nắm bắt, bị lấp sau tầng tầng lớp lớp sương mù. Ký ức của tao vẫn cần mẫn tìm cách sắp xếp mọi thứ vào những ô nhỏ, theo một trật tự bí hiểm, mà tao nhiều khi muốn tìm lại cũng bó tay, hoặc không ít lần lẫn ô này vào ô kia và thỉnh thoảng cũng bất ngờ tạo ra một kết quả tạm gọi là thú vị theo kiểu râu ông này cắm cằm bà kia.
Pema gọi điện cho tao vào một buổi sáng mùa xuân. Trên đường qua Luân Đôn thăm gia đình, nó quá cảnh ở Roissy, nhưng thay vì bay tiếp, nó quyết định ghé Paris nửa ngày. Bọn tao ngồi với nhau trong công viên parc de Sceaux rất lâu. Chính nó đề nghị tao đưa thẳng đến đó. Nó bảo trước khi đặt chân vào đây, nó đã mường tượng ra một công viên như thế, qua lời kể của anh người yêu nó. “Anh ấy sống ở khu này, buổi sáng anh ấy thường chạy bộ dọc con kênh, chính cạnh ba con hươu bằng đồng đen anh ấy thường dừng lại nghỉ giữa chừng và nhắn tin cho em. Còn bức tượng Hercule ẵm đứa nhỏ, em đã nhìn thấy trong một bức ảnh anh ấy chụp vào đầu thu năm ngoái lúc công viên bắt đầu chuyển sang màu vàng. Lâu đài điểm gạch đỏ, đối diện là cái hồ nhỏ và những cây cảnh được cắt theo hình tháp, từng minh họa cho một bài báo của anh ấy về mối quan hệ Paris-Kabul. Em có cảm giác sáng nay, chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi bọn mình đến đây, anh ấy cũng đi dạo trên con đường này, dưới vòm hoa anh đào này, trong mùi cỏ ướt này, thậm chí ngồi ở ghế đá này để hút thuốc và nghĩ về Sài Gòn thành phố của em, về cơn mưa trưa mà em từng kể trong một bài thơ làm tặng anh ấy. Paris không có những cơn mưa đột ngột ập xuống khi trời đang nắng to.” Pema nhìn ra mặt hồ và tao thấy trong cặp mắt nâu trong veo của nó từ từ rơi ra hai giọt nước, trên mỗi giọt nước in bóng những bông anh đào trắng tinh như chiếc khăn lụa đang vắt hờ trên vai. Mina, tao chưa bao giờ thấy Pema xinh đẹp như lúc ấy. Tình yêu, ngay cả khắc khoải, vẫn có sức mạnh kỳ lạ. Tao chợt nghĩ và tao thấy nhớ Vĩnh cồn cào.
“Đó là thời trước khi đi làm tin ở Kabul. Anh ấy thường viết cho em những bức thư dài, đôi khi, cuối câu là một đoạn văn của Duras. Anh ấy biết em là fan của Duras.”
Tao mở to mắt nhìn Pema, mọi thứ trước tao bỗng nhòa đi. Giọng Sài Gòn của nó trầm hẳn xuống:
- Hi-ro-shi-ma… c’est ton nom.
- C’est mon nom, oui. Ton nom à toi est Ne-vers-en-Fran-ce.
Lần cuối cùng tao nghe câu này là trong khách sạn ở Barcelona. Vĩnh đọc với cái giọng nửa Bắc nửa Nam của anh.
“Anh ấy bảo ở Hiroshima, sau khi quả bom đó ném xuống, người ta vẫn buộc mỗi ngày phải hít thở, ăn uống, đi đứng, làm việc, suy nghĩ, ngủ, và gặp ác mộng. Nhưng trên đời này, ít ai có thể làm tình bên cạnh các hồn ma. Trừ những kẻ thèm khát nhau ghê gớm. Anh ấy tin rằng để tồn tại được đến bây giờ, thành phố này đã giữ lại những công dân thèm khát nhau ghê gớm. Nhưng thay vì tới Hiroshima, anh ấy đã chọn Kabul, anh ấy bảo một nhà báo chiến trường không thể không có mặt tại điểm nóng nhất hành tinh hiện nay. Ở Kabul có bao nhiêu kẻ thèm khát nhau ghê gớm, em không biết, nhưng em biết anh ấy nhanh chóng nghiện cảm giác chênh vênh, nghiện sự nguy hiểm. Chiến tranh đã làm hỏng tất cả, ngay cả khi người ta vô can,” Pema nói, chiếc khăn trắng phập phồng theo gió đưa từ mặt kênh.
Buổi chiều muộn, trên sân ga Du Nord, khi còi hú lên báo hiệu sắp đến giờ tàu Paris – Luân Đôn chuyển bánh, nó nhìn tao khẽ nói: “Em sẽ đóng gói cuộc hò hẹn dài, đẹp, nhưng ít hiệu quả này lại, cất vô… bảo tàng. Em hy vọng cuối đời nhìn lại, anh ấy sẽ cảm thấy tự hào vì đã lấy được tình yêu trọn vẹn của em 365 ngày liên tiếp. Quả thật, suốt một năm ấy, không ai có được đặc quyền này đâu.”
Họ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Pema chủ động biến khỏi tầm mắt của anh nhà báo chiến tranh sau một cú click. Nó bảo cái gì chưa bao giờ bắt đầu thì cũng sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Nó là đứa thích những cái dở dang, tao biết. Mấy tháng sau, tao gặp anh ta, một cách tình cờ, trong buổi ra mắt sách của một đồng nghiệp. Ngay lập tức tao nhận ra người đàn ông mà Pema từng yêu, một trung niên cao gầy, đeo túi vải, luôn giữ trong tay chiếc máy ảnh gắn ống kính dài. Chúng tao trao đổi dăm ba câu. Giữa chừng, tao tự hỏi hôm nào đó có nên gặp lại anh ta, cho anh ta xem những gì Pema đã kể, thậm chí có thể gợi chuyện để dò tin. Câu chuyện của hai con người này có vẻ thú vị nhưng đã được lọc qua ống kính của Pema, e là khó khách quan. Nhưng như mày thấy đấy, cho tới bây giờ vẫn chưa ai được quyền chạm vào, dù chỉ một dòng trong những lá thư này. Tự thâm tâm, tao muốn mày đọc chúng. Có lẽ đó là lý do tao sẽ cho xuất bản mà không chỉnh sửa. Đây có thể được coi là một tác phẩm văn chương không, tao không biết. Nhưng thế nào là một tác phẩm văn chương, tao cũng có biết đâu.
Mina, chào mày nhé, bạn hiền của tao. Hy vọng từ một nơi nào trên trái đất, mày đọc được những dòng này và nhận ra tao. Tao biết hy vọng của tao nhỏ nhoi vô cùng. Ngăn kéo mang tên “Mina” hóa ra chưa thể đóng lại.
Người góp chữ
Thuận
Tốt nghiệp Khoa văn trường ĐH tổng hợp Sorbonne. Sống và làm việc tại Paris. Tác giả của 8 tiểu thuyết và dịch giả của một số tác phẩm.
Leave a Reply