Tôi ít khi đọc sách của tác giả Việt Nam, phải thừa nhận như vậy, do thành kiến, nhưng tôi đã đọc một lèo sáu cuốn của Linda Lê, và sau đó, thêm hàng loạt tác giả Việt Nam nữa, vì đã hết thành kiến. Có thể nói, gặp Linda Lê là điều tất yếu phải xảy ra trên con đường giải trí văn chương của tôi. Bởi, nếu như đó không phải là ở Đà Lạt, vào một chiều buồn phải ẩn mình trong nhà sách (mà là Hà Nội, nóng váng đầu chẳng hạn); nếu không phải là cuốn Thư chết bìa trắng nhợt nằm cô độc, xa cách trên giá sách (mà xanh lét, hớn hở như Vượt sóng chẳng hạn); nếu như không phải nó mở đầu bằng cái chết ám người sống (mà là một lời ba hoa chẳng hạn);… thì tôi đã chẳng đọc Linda Lê.
Kể lể về đời sống cá nhân của mình hay đào bới đời sống cá nhân của tác giả trong một bài bình luận cơ bản là điều nhảm nhí nhưng với trường hợp của Linda Lê, tôi nghĩ một phi lộ kiểu này là cần thiết bởi các tác phẩm của cô luôn chạy qua chạy lại giữa giả và chân, giữa hư cấu với nỗi đau hiện diện trước mắt. Thế nên, rất nhiều ngày lang thang ở Đà Lạt, tôi đã đi tìm cánh cửa màu xanh, ẩn sau khu vườn bỏ hoang với hi vọng có thể thấy bóng ma của cô bé Linda Lê vì người ta nói sáng tác của Linda Lê là một điếu văn khổng lồ, còn cô nhận mình là con gấu núp trong hang, còn tôi thì cho rằng, nhiều mảnh trong điếu văn đó là cô viết cho chính mình và một phần của cô đã chết ở Đà Lạt, nơi cô ra đi và bỏ lại kỷ niệm đẹp cũng như buồn nhất.
Linda Lê sinh năm 1963 ở Đà Lạt. Theo tiểu sử cũng như những gì cô viết thì cha cô là một kỹ sư người miền Bắc, nghèo, mơ màng, có phần buông xuôi thời cuộc; ngược lại, mẹ cô sinh ra trong gia đình giàu có miền trong, có quốc tịch Pháp, sính ngoại, xu thời. Cô học trường Pháp thuở nhỏ khi ở Việt Nam, tới năm 14 tuổi thì theo mẹ và các chị em rời Việt Nam sang Pháp định cư, học về văn chương rồi vào học ở đại học Sorbonne. Cha cô ở lại Việt Nam, chăm lo mảnh vườn cũ đợi cô con gái không bao giờ trở về. Trong Vu khống, nhân vật tôi của cô y chang vậy, thậm chí cũng có cái họ Việt tên Tây, mà lý do được cho là vì thật ra bố ruột nhân vật không phải cái người bất tài kia (như bà mẹ nói), mà là một ông tướng tá tây, người đã bỏ đi khi biết người tình mang thai, chỉ để lại thừa kế cho đứa con là cái tên cùng ba món đồ lòe loẹt lai căng (mà mẹ cô ngày đêm lôi ra diễn tuồng).
Tính đến nay, Linda Lê đã ra mắt 25 cuốn sách, từng đoạt nhiều giải thưởng như Vacation, Fénéon, Wepler, Prix Renaudot Poche… riêng cuốn Sóng ngầm lọt chung khảo Goncourt năm 2012. Theo các tác phẩm tôi đã đọc, văn Linda Lê có thể chia thành ba mảng dựa theo đời sống cá nhân của cô như sau:
- Non trẻ:
Điển hình là cuốn đầu tay, Tình ca ác quỷ, xuất bản năm 1986, khi cô 23 tuổi. Linda Lê được cho là từ mặt đứa con đầu lòng này. Với những ai từng đọc cuốn này, rất dễ hiểu tại sao nó lại bị mẹ đẻ hắt hủi tới vậy. Tình ca ác quỷ lòe loẹt phô trương, vặn xoắn gây sốc, ái tình nóng bỏng, thêm cả yếu tố giới tính mập mờ nữa. Nhưng nếu nhìn vào mặt văn chương thuần túy thì thật ra cuốn sách cũng không đến nỗi, vẫn có những điểm sáng về cả câu từ, cốt truyện lẫn tâm tư. Nói về đầu lòng, có khi còn ăn đứt Buồn ơi chào mi của Françoise Sagan. Linda Lê khi viết có vẻ là một cô bé ngây thơ hăm hở muốn khoe tất thảy những món đồ chơi trong tay. Ấy thế nhưng Tình ca ác quỷ này chẳng có gì liên quan tới Linda Lê mà mọi người vẫn nhớ tới, tức là một người hết sức cay nghiệt.
- Là chính mình:
Những cuốn đã dịch ở Việt Nam có thể điểm danh là Vu khống (1993), Tiếng nói (1998), Thư chết (1999). Đây có lẽ là mảng tôi thích nhất ở Linda Lê. Trong những cuốn này, dựa theo tiểu sử, có lẽ là một dạng nửa giải tỏa ấm ức tâm tình cá nhân, nửa văn chương (như Thư gửi bố của Franz Kafka). Ở đây, Linda Lê thật nhất, buông thả nhất, nghiệt ngã nhất, với cả bản thân và toàn thể nhân loại, và do đó, cũng gây đau đớn nhất cho người đọc. Cũng chính ở mảng này, cô giống nhất với thần tượng của mình là Thomas Bernhard. Tất cả là nỗi dằn vặt của đứa con dối trá, thất hứa, suốt bao nhiêu năm hứa hẹn mà không về thăm người cha hết lòng yêu thương mình lấy một lần, để rồi đến khi cha nhắm mắt vẫn chỉ thấy con trong những mơ màng. Song song với đó là thù hận dành cho hàng loạt nhân vật, những kẻ ngăn cản cô (thật ra chỉ là cô kiếm cớ thôi) tới với cha. Linda Lê như con nhện, ngồi một chỗ giữa mạng tơ của mình, ăn sạch gia đình mình và bất kỳ con mồi nào lảng vảng xung quanh. Đặc biệt, cuốn Tiếng nói hết sức tăm tối, nhưng có lẽ chính là cách Linda Lê moi ra những sâu xa thầm kín nhất trong mình.
- Mượn lời người khác:
Linda Lê, giống như Patrick Modiano vậy, luôn kể cùng một câu chuyện, ám ảnh từ bất hạnh tuổi thơ, trong gần như tất cả các cuốn sách của mình. Nhưng trong loạt sách những năm gần đây như Sóng ngầm (2012) hay Vượt sóng (2014), không còn là Linda Lê với những dòng ký ức như thác đổ nữa mà đã có cốt truyện, lớp lang đầy đủ. Điều này rõ ràng khiến nhiều độc giả dễ chịu khi có chỗ bám víu. Tuy vậy, dù các nhân vật chính là nam, có cuộc đời riêng khác, nhưng tựu trung, vẫn là bóng hình của chính tác giả. Linda Lê núp trong các nhân vật này, do đó, cô có phần tiết chế ở những chi tiết riêng tư, ngược lại, thả phanh về mặt tư tưởng. Vẫn là những kẻ gốc Việt nhưng không quê hương, một đấng sinh thành bị bỏ rơi, một cặp loạn luân, vài kẻ phân biệt chủng tộc… nhưng chỉ tới Văn và Sorel, Linda Lê mới mạnh dạn nói đời sống một người cầm bút. Nghèo túng mà cao ngạo. Vì là kẻ núp trong bóng tối nên ở mảng này, Linda Lê viết rành mạch, cầu kỳ, ý tứ hơn hẳn, đâm ra kém cảm xúc hơn mảng 2.
Nói về kỹ thuật. Ban đầu, khi mới đọc Linda Lê, tôi cực kỳ ấn tượng với kiểu viết của cô. Tuy nhiên, khi đọc tới thần tượng của cô, cụ thể là đọc Diệt vong của Thomas Bernhard, tôi mới thấy những điểm ấn tượng này đều là học từ Bernhard. Không quá khi nói Linda Lê là cô học trò sùng kính thầy. Có thể điểm ra vài nét: thủ pháp dòng ý thức với những câu chữ cứ thế chảy tràn hết trang này tới trang khác, rất hiếm gặp đối thoại; giọng văn đay nghiến, cùng một vấn đề có thể nhai đi nhai lại vài chục lần không chán; thái độ thù địch với mọi thứ; trích dẫn văn chương dày đặc… và buồn cười nhất là một cái kết rất không liên quan.
Tuy vậy, như đã nói ở trên, Linda Lê vẫn chỉ là học trò. Thomas Bernhard phiên bản nữ này, do phần nữ tính luôn dâng trào, nên nhiều lúc buôn dưa lê bán dưa chuột, thiếu hẳn những tư tưởng, khám phá. Khi đọc Thư chết, tôi có một phen cười sặc vì ở phần cuối sách, máu đàn bà của nhân vật nữ lên cao quá khiến cô tự dưng chuyển qua đay nghiến người tình hàng mấy chục trang, quên bẵng luôn ông bố tội nghiệp. Phần đàn bà này tạo ra sự khác biệt ở Linda Lê, nhưng lại khiến cô không thể xuất chúng. Mỗi nhà văn xuất chúng đều cần một tia sáng sắc mạnh, bừng lên hẳn so với những ánh tà cuối ngày. Thoáng qua về Bernhard, độc giả dễ nghĩ về một con người phiến diện, độc đoán nhưng nhìn kỹ lại, đấy là nhân vật đầy hoài nghi, luôn nhìn mọi thứ ở nhiều mặt, và cũng chẳng phủ nhận mặt nào. Linda Lê thì khác, cô chỉ có một mặt, một dòng chảy. Một người chết. Có thể nói Linda Lê có kỹ thuật viết giống Thomas Bernhard, nhưng câu chuyện, tư tưởng thì khác hẳn.
Dĩ nhiên nhờ vậy mà khác với Bernhard, cô rất được đón nhận tại quê nhà. Sách của Linda Lê sớm được dịch tại Việt Nam. Ngay từ cuốn đầu tiên, Tình ca ác quỷ, dường như ngay sau khi xuất bản ở Pháp thì đã có người dịch sang tiếng Việt. Gần đây, thêm nhiều đầu sách của cô liên tiếp ra mắt độc giả quê nhà. Phải nói là Linda Lê cực kỳ được ưu đãi. Sách của cô đều được dịch rất chỉn chu. Khi nói về dịch giả, tôi nghĩ giỏi ngoại ngữ là tất yếu, nhưng hơn nhau là ở chỗ giỏi tiếng Việt. Phải rất lâu rồi, sau Nam hoa kinh do Nhượng Tống dịch, tôi mới gặp một cuốn khiến mình phải ngả mũ kính nể về mặt tiếng Việt như Sóng ngầm.
Như đã nói ở đầu, Linda Lê cũng là người dẫn lối đưa tôi trở về đọc văn học Việt. Trước tôi vốn ít đọc bởi cứ thấy cây đa giếng nước là ngán tận họng. Ở Linda Lê, cô cũng chẳng thiếu những cảnh ấy, nhưng rõ ràng, câu chuyện dù quen thuộc tưởng đến ngán, nhưng qua tay một “cao thủ”, vẫn có những ý vị riêng. Nói gì thì nói, bất chấp những thiếu sót, Linda Lê vẫn là một người đàn bà tàn độc, mà đàn bà tàn độc thì bao giờ cũng có thành tựu.
Bùi An Bình
(Bài viết thuộc Zzz Review số 3, 30-10-2018)
Người góp chữ
Bùi An Bình
Một người thích đọc sách nhưng không thích mô tả bản thân.
tôi tò mò không biết bùi an bình là ai ?