
Bài phỏng vấn do James Gibbons thực hiện, đăng trên Nghệ thuật tiểu thuyết số 215, The Paris Review, Đông 2011.
Tôi viết lại rất nhiều. Đó là lý do tại sao tôi không xuất bản sách thường xuyên. Thực tế rằng tôi làm việc hằng ngày nhưng hiếm khi xuất bản cho thấy tôi xem lại và viết lại rất nhiều, ở cấp độ câu, cấp độ đoạn văn và cả cấp độ cấu trúc nữa.
Sinh ra tại Detroit vào năm 1960, Jeffrey Eugenides đã sống qua những tháng năm huy hoàng cuối cùng ở nơi là trái tim của ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông The Virgin Suicides (1993) và Middlesex (2002) đều bắt nguồn từ Detroit và vùng ngoại ô Grosse Pointe, nơi ông đã trải qua gần hết thời niên thiếu. Hai khung cảnh đó – một thành phố từng là niềm tự hào nhưng đang chết dần và vùng ngoại ô giàu có của nó, riêng biệt mà gắn kết mật thiết – đã được tái hiện một cách sống động như những nhân vật trong hai cuốn tiểu thuyết. Câu chuyện trong The Virgin Suicides diễn ra ở Grosse Pointe (“dải đất có nước bao quanh của chúng tôi đã được những nhà thám hiểm người Pháp đặt tên là Mũi Béo”). Câu chuyện về 5 chị em gái và cái chết kinh khủng của họ qua lời kể của 5 người vốn có thể đã là 5 người theo đuổi, sau nhiều năm vẫn bị ám ảnh vì vụ tự tử của những cô gái ấy.
Việc sử dụng giọng kể ở ngôi thứ nhất, số nhiều trong The Virgin Suicides là một nước cờ táo bạo của Jeffrey Eugenides, mạo hiểm không kém sự lựa chọn một người liên giới tính để tường thuật câu chuyện trong Middlesex. Được nuôi nấng như con gái, sau một tuổi dậy thì đầy rắc rối và nhiễu loạn cùng vài chuyến viếng thăm một vị bác sĩ chuyên gia đáng sợ ở Manhattan, Callie Stephanides quyết định bước qua lằn ranh của giới tính và sống như một người đàn ông. Để hiểu mình là ai – trong xã hội, trong bản ngã, trong nguồn gốc – người đàn ông Cal ở tuổi trưởng thành không chỉ thăm lại những kí ức thời thơ ấu từ những năm 60, 70 mà còn tái tạo lại, tốt nhất có thể (đôi khi rất hoành tráng), lịch sử của một gia đình từ một ngôi làng hẻo lánh vùng cao của Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu thế kỷ XX đến thành phố Detroit phồn hoa trong những năm thịnh vượng nhất của kỉ nguyên ô tô.
Middlesex đã được trao giải Pulitzer. Năm 2007, Oprah Winfrey chọn cuốn sách này cho câu lạc bộ đọc sách của mình, đưa Jeffrey Eugenides thành cái tên quen thuộc với mọi nhà.
Cuộc phỏng vấn của chúng tôi được chia làm hai phần, diễn ra vào cuối tháng Tám vừa rồi tại ngôi nhà ở Princeton, New Jersey của Jeffrey Eugenides, nơi ông sống cùng vợ và con gái. Khi chúng tôi xem lại những ghi chép của cuộc phỏng vấn đó thì Jeffrey Eugenides đã bắt đầu một tour giới thiệu sách kéo dài trên khắp nước Mỹ, Canada và châu Âu. Những câu hỏi được trao đổi lại qua điện thoại và rất nhiều câu trả lời đã được làm rõ, hoặc được viết lại, bằng chữ viết tay trên một tờ giấy của khách sạn – rõ ràng là trong những giờ phút bận rộn – khi Jeffrey Eugenides bay qua bay lại giữa LA, San Francisco, Portland, Seattle, Chicago và Toronto.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Căn phòng này đẹp quá. Ông viết ở đây ư?
JEFFREY EUGENIDES
Đây là văn phòng mùa hè của tôi, gần như toàn là kính và trông ra vườn. Tôi từng nghĩ nó sẽ là một văn phòng như mơ ước, nhưng thực ra lớp kính gây mất tập trung lắm, nên cuối cùng tôi lại dùng một phòng ngủ ít ánh sáng ở trên gác. Leonardo nói phòng nhỏ thì giúp tâm trí tập trung. Tôi cũng nhận ra là so với một văn phòng đẹp đẽ, mình thích làm việc trong những căn phòng nhỏ, kín và ít đồ đạc hơn. Nhưng không sử dụng căn phòng này thì tôi lại cảm thấy tội lỗi, vậy nên mùa hè tôi sẽ xuống đây và cố làm gì đó hữu ích. Cảm ơn anh đã cho tôi cơ hội để sử dụng văn phòng đẹp đẽ này của mình. Tôi không muốn thực sự viết ở những nơi dễ chịu, thoải mái. Thậm chí tôi đã nghĩ tới chuyện chuyển lên tầng áp mái bởi đó là nơi đơn sơ và cách biệt nhất trong ngôi nhà.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông cũng làm việc trong những căn phòng nhỏ như thế khi sống ở những nơi khác ư?
JEFFREY EUGENIDES
Hồi ở trường và cả khi ra trường rồi sống trong những căn hộ, tôi chỉ có một phòng của riêng mình – phòng ngủ. Vậy nên tôi đã quen với việc viết ở chiếc bàn học cách không xa chiếc giường là mấy. Một phần trong Middlesex là tôi viết ở phòng khách. Khi chuyển đến Berlin, cuối cùng, chúng tôi cũng có một căn hộ lớn hơn, và tôi ngồi viết ở một phòng ngủ dư ra. Chủ yếu tôi đã viết các cuốn sách của mình trong các phòng ngủ của các căn hộ. Đây là ngôi nhà đầu tiên của chúng tôi, vậy nên tôi đã có một văn phòng thực sự. Lúc ấy tôi cũng đã gần năm mươi tuổi rồi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có lên thời gian biểu chặt chẽ cho việc viết không?
JEFFREY EUGENIDES
Có chứ. Tôi cố gắng viết hằng ngày. Bắt đầu khoảng lúc mười giờ sáng và tới giờ ăn tối, hầu hết các ngày. Đôi lúc cũng không năng suất lắm, và rất nhiều lúc xuống tinh thần. Thỉnh thoảng tôi ngủ ngay trên ghế, nhưng tôi cảm thấy rằng nếu ở trong phòng cả ngày, tôi sẽ hoàn thành được việc gì đó. Tôi coi nó như một công việc văn phòng.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có nghi thức nào đặc biệt không, hay là ông thấy viết lách là chuyện chỉ cần nghiêm túc ngồi xuống và viết thôi?
JEFFREY EUGENIDES
Không có gì đặc biệt cả. Chất xúc tác thường xuyên của tôi là trà hoặc cà phê. Cuối mỗi cuốn sách, khi tôi đã quá kiệt sức, tinh thần mệt mỏi, đôi lúc tôi sẽ chuồn ra sân và hút một điếu xì gà, có lẽ mỗi cuốn khoảng sáu, bảy lần như thế. Cái thói quen xấu đó tôi đã có từ hồi ở Berlin.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Cal trong Middlesex cũng hút xì gà.
JEFFREY EUGENIDES
Đấy là lý do nó được đưa vào đấy. Thỉnh thoảng, thay vì uống một lon Red Bull như một chàng hai mươi tuổi, tôi lại viện đến phương pháp của Thomas Mann, một điếu Maria Mancini, nhưng không thường xuyên đâu. Xì gà là liều thuốc hoàn hảo cho chữ nghĩa. Tôi hiểu tại sao Mann, Freud và rất nhiều người có sức làm việc bền bỉ lại hút xì gà. Nó thực sự khiến tâm trí bạn tập trung.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có lên khung cho các cuốn tiểu thuyết của mình không?
JEFFREY EUGENIDES
Tôi không bắt đầu với một ý tưởng và lên khung cho nó. Tôi không hiểu, làm sao ta lại biết trước được chuyện gì sắp xảy ra trong một cuốn sách hay cuốn sách viết về điều gì. Vậy nên tôi đành cắm cúi lao vào viết thôi, và sau một lúc, tôi bắt đầu lo rằng tôi không biết mình đang làm gì hoặc mình sẽ đi đến đâu, vậy nên tôi bắt đầu lên một khung sườn đại khái, nghĩ về chuyện có thể xảy ra trong cuốn sách hay chuyện tôi có thể xây dựng cấu trúc cho nó như thế nào. Rồi cái khung đó sẽ liên tục được chỉnh sửa. Tôi sẽ để nó ở đó, như một chiếc chăn bảo vệ vậy, để khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn về những gì mình đang làm, nhưng chỉ để phòng vậy thôi. Khi bạn viết, bạn sẽ liên tục khám phá ra thêm nhiều thứ và có thêm ý tưởng xem chuyện này sẽ ra sao; và thông thường, sự ngạc nhiên khi nhận thức được điều này cũng chính là điều khiến kết cấu truyện của cuốn sách gây ngạc nhiên cho độc giả. Nếu ngay ngày đầu tiên bạn đã có thể nhìn thấy điều gì sẽ xảy ra, thì độc giả cũng sẽ đoán được. Các ý tưởng càng phức tạp, các kết quả của câu chuyện càng khó dự đoán, viết về điều đó thú vị hơn, và đọc về điều đó cũng thú vị hơn.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vậy còn những tiết tấu mang tính ẩn dụ thì sao? Ví dụ như lụa chẳng hạn, nó rất quan trọng xuyên suốt trong cuốn Middlesex. Ông định mở rộng đến đâu những motif lặp đi lặp lại đó?
JEFFREY EUGENIDES
Anh đào sâu về đối tượng nhất định nào đó thì tiết tấu đó sẽ xuất hiện. Trong Middlesex, ông bà của người kể chuyện là người dệt lụa. Tôi rất thích viết về điều đó và cái thị trấn quê hương của họ ở vùng Tiểu Á. Sau đó, khi tôi bắt đầu đọc về lụa, tôi phát hiện ra truyền thuyết về nàng công chúa Trung Hoa đã phát minh ra nghề dệt lụa. Đây là một câu chuyện thật đẹp, và dường như ngay lập tức, nó có sự kết nối với câu chuyện tôi đang viết. Vậy nên khi bạn đang viết gì đó, đặc biệt là thứ dài như Middlesex, tôi nghĩ Joyce đã nói thế này, tất thảy mọi thứ ở thế giới ngoài kia đều liên quan đến câu chuyện của bạn. Bạn sẽ liên tục tìm thấy những điều có ẩn dụ liên quan đến câu chuyện bạn đang viết. Dần dần, khi viết, bạn sẽ nhạy cảm hơn, nhận thức rõ hơn về những liên kết đó, và rồi bạn nối chúng lại với nhau một cách mạch lạc thành hệ thống, nhịp điệu. Với Middlesex cũng vậy, dải lụa trở thành một hình ảnh ẩn dụ không chỉ cho sự chuyển hóa gene mà còn cho chính bản thân nghệ thuật kể chuyện.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Dải lụa đã biến sự kết hợp tưởng chừng như không thể giữa nhân vật Desdemona và tổ chức Quốc gia Hồi giáo ở Detroit thành có thể. Đây có phải là điều ông đã định viết ngay từ đầu không?
JEFFREY EUGENIDES
Đó là một sự ngẫu nhiên hết sức thú vị. Tôi đã hứng thú từ lâu với những câu chuyện của mình về những người nhập cư Hy Lạp, vốn là nông dân nuôi tằm dệt lụa mới chuyển đến Detroit vào những năm 30, thì tình cờ tìm được một bài báo của Darryl Pinckney trên tờ The New York Review of Books về tổ chức Quốc gia Hồi giáo này. Người đàn ông sáng lập ra nó có tên là W. D. Fard, nghe nói đến từ vùng Cận Đông. Ông ấy là một người buôn lụa. Ông ta tuyên truyền những học thuyết đầy sự thù địch sắc tộc và kiến tạo gene – và rồi ông ta xuất hiện ở đó, ngay tại Detroit năm 1932. Ông ta cứ như thể van nài được trở thành một phần trong cuốn tiểu thuyết, và chẳng bao lâu sau thì được như ý nguyện.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vào thời điểm nào ông quyết định mình sẽ trở thành một nhà văn?
JEFFREY EUGENIDES
Tôi ra quyết định rất sớm, từ hồi lớp 11. Năm đó, chúng tôi đã đọc Chân dung chàng nghệ sĩ trẻ, và nó có ảnh hưởng rất lớn đến tôi, vì những lý do mà bây giờ tôi thấy khá bất ngờ. Tôi mang hai dòng máu Ireland và Hy Lạp, gia đình nhà mẹ tôi đều là người Kentucky, những nông dân miền Nam, và gia đình ông bà nội của tôi là những người nhập cư từ vùng Tiểu Á – và, vì lý do đó, tôi thấy mình giống như Stephen Dedalus: mọt sách, con ngoan trò giỏi, và sở hữu một cái tên “kỳ dị, như một người Hy Lạp cổ đại”. Joyce đã từng viết ở đâu đó rằng Dedalus coi tên mình như một điềm báo cho số phận của anh ta, và tôi, ở tuổi mười sáu mộng mơ, cũng nghĩ vậy. “Eugenides” có trong The Waste Land. Giáo viên tiếng Latinh của tôi đã bảo thế. Lý do duy nhất khiến tôi say mê những điều mộng tưởng như vậy ngay từ đầu, tất nhiên, là bởi sức mạnh trong ngôn ngữ của Joyce và câu chuyện của Stephen Dedalus, rằng anh ta từ chối trở thành linh mục để theo đuổi sứ mệnh nghệ thuật, điều đó thật quá hấp dẫn với tôi. Dedalus muốn tạo nên một “lương tri chưa từng có của dân tộc mình”. Đó chính là điều tôi muốn làm, dù cho khi đó tôi không biết thực sự nó nghĩa là gì. Tuy nhiên, tôi nhớ rõ rằng mình đã có suy nghĩ rằng, trở thành một nhà văn là điều tốt nhất một con người có thể làm. Dường như nó hứa hẹn những cảnh tỉnh cao độ nhất cho cuộc đời. Điều ấy thật thiêng liêng với tôi, gần như một tôn giáo.
Tôi thực hiện giấc mơ ấy rất có bài bản, kế hoạch. Tôi chọn Brown chủ yếu là để được theo học John Hawkes bởi tôi ngưỡng mộ những tác phẩm của ông ấy. Tôi bắt đầu chương trình chuyên sâu và nâng cao về văn học Anh (honor program), nên buộc phải học toàn bộ truyền thống văn chương Anh, bắt đầu với Beowulf. Tôi cảm thấy rằng nếu đã có ý định đóng góp cho truyền thống đó, tôi nên biết chút gì về nó.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Khi còn trẻ ông đọc sách thế nào?
JEFFREY EUGENIDES
Trong phòng khách ở ngôi nhà nơi tôi lớn lên có một giá sách rất lớn, được xây âm vào tường. Cha mẹ tôi đã trưởng thành trong những hoàn cảnh khiêm tốn, nhà mẹ khá thiếu thốn, đã luôn mong ước về những điều kiện tốt hơn cả về văn hóa lẫn kinh tế. Và thế là họ trở thành mục tiêu khách hàng hoàn hảo cho những người rao bán bách khoa toàn thư. Hồi đó, người bán hàng sẽ đến cửa nhà bạn rồi ấn chuông, và bố mẹ tôi mời rất nhiều trong số họ vào nhà. Với 3 đứa con để nuôi dạy, bố mẹ tôi đầu tư rất nhiều loại sách khác nhau: bộ sách Great Books, cuốn Bách khoa toàn thư thế giới, bộ Modern Library v.v… Mẹ tôi vốn luôn mê đọc tiểu thuyết, vậy nên chúng tôi cũng có rất nhiều sách đương đại. Giá sách khổng lồ như một thứ quyền năng đối với đứa trẻ là tôi khi đó. Lên trung học, khi tôi đã nhận thức rõ hơn về văn học, tôi nhận ra là nhà mình có rất nhiều tác phẩm kinh điển trên giá sách, và thường là chưa được đọc. Tôi đã tìm thấy Ulysses theo cách đó, và An American Tragedy, và ở hàng trên cùng của giá, Everything You Always Wanted to Know About Sex. Trong lúc đó, ở trường tôi lại đang phải đọc Henry James. Tôi ghét lắm. Và kết quả là James trở thành một trong những nhà văn yêu thích của tôi.
Tuy nhiên, tôi lên đại học mà chẳng biết gì nhiều. Cho đến những năm tuổi 20 tôi mới trở thành một người đọc nghiêm túc. Những năm giữa tuổi 20 và 30, tôi đọc ngấu đọc nghiến, đọc nhiều hơn bất cứ khoảng thời gian nào trong đời. Tôi chỉ đang cố bớt ngu đi một chút.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Những nhà văn nào quan trọng với nghiệp viết của ông sau này?
JEFFREY EUGENIDES
Thời đại học, tôi yêu thích nhất là những nhà văn lớn thuộc chủ nghĩa hiện đại. Joyce, Proust, Faulkner. Từ họ, tôi tiếp tục khám phá ra Musil, Woolf, và những người khác nữa, và chả bao lâu sau tôi và các bạn lại đọc Pynchon và John Barth. Thế hệ của tôi trưởng thành ngược. Chúng tôi bị ảnh hưởng sâu sắc bởi lối viết thể nghiệm ngay cả trước khi đọc được nhiều về văn chương thế kỷ XIX, thứ các nhà văn hiện đại và hậu hiện đại phản đối. Nó giống như học lịch sử hội họa mà lại bắt đầu bằng trường phái Lập thể trước khi đi học về thời Phục Hưng của Ý. Những năm đầu tuổi 20, lần đầu tiên tôi đọc Tolstoy và nhận ra mình đã bỏ lỡ mất điều gì.
Tôi thích cách tư duy sống động không ngừng trong Joyce, phong thái sáng suốt điềm đạm, những lối chơi chữ, cách vui đùa với ngôn ngữ. Tôi thích sự cụ thể, đặc trưng trong những chân dung Dublin ông ấy khắc họa, và cả tính chất phản tư của văn bản chủ nghĩa hiện đại. Nhưng tôi còn thích sự rõ ràng của Tolstoy hơn, và sự chân thực, sự sống động của các nhân vật của ông. Tôi không hề thấy các phương pháp của ông ấy là cũ kỹ hay sáo mòn. Tôi thấy nó vẫn đang truyền ý nghĩa tới tôi, trực tiếp từ Yasnaya Polyana đến căn hộ tầng ba của tôi. Toàn bộ sự nghiệp từ trước tới nay của tôi là một nỗ lực để hòa hợp hai thái cực này của văn chương, sự thể nghiệm của những nhà văn hiện đại chủ nghĩa với lực trần thuật và tầm quan trọng của nhân vật của các nhà văn hiện thực thế kỷ XIX.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có từng thấy hứng thú với thơ không?
JEFFREY EUGENIDES
Tôi khởi đầu sự nghiệp như một nhà thơ đấy chứ. Tôi viết thơ cả ở phổ thông và đại học. Khoản tiền thưởng đầu tiên mà tôi nhận được từ việc viết lách chính là phần thưởng cho giải nhì của một cuộc thi sáng tác thơ ở trường đại học. Bài dự thi của tôi là một bài thơ theo chủ nghĩa hình tượng bị ảnh hưởng sâu sắc từ Pound có tên là Fox Point. Tôi nhận được 75 USD và cảm thấy hết sức phấn khích.
Rồi tự sự chen vào giữa tôi và thơ. Những bài thơ yêu thích của tôi, theo một nghĩa nào đấy, là những sử thi viết bằng thơ, Iliad, Odyssey và Aeneid. Tôi muốn dùng ngôn ngữ của thơ để viết tự sự, và với tôi giờ đó dường như đã là mảnh đất nuôi dưỡng cho cuốn tiểu thuyết này – một cuốn tiểu thuyết giàu nhịp điệu, có lẽ, như cuốn đầu tiên The Virgin Suicides.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
The Virgin Suicides quá sống động và huyền ảo tới mức nó được coi như một kiểu thơ văn xuôi. Ông có chủ định kiểu tiểu thuyết ngoại ô truyền thống của Updike-Cheever khi viết nó không?
JEFFREY EUGENIDES
Không hẳn. Tôi có ý thức được rằng anh không nên viết về vùng ngoại ô, rằng nó không đáng theo một cách nào đó, đề tài đó không đủ tầm quan trọng và ảnh hưởng. Vậy nên, chính điều này đã khiến tôi không viết về vùng ngoại ô trong một thời gian dài. Nhưng một khi tôi bắt đầu, tôi nhận ra rằng nó cũng thú vị như bất kỳ địa điểm nào khác. Tôi đã viết suốt nhiều năm trước khi tôi viết The Virgin Suicides nhưng kỳ lạ thay The Virgin Suicides lại là một trong những cuốn đầu tiên tôi chọn quê hương mình làm bối cảnh, dù tôi không hề nêu tên nó ra.
Như rất nhiều nhà văn trẻ, khi bắt đầu, tôi chỉ có một khái niệm rất mơ hồ về tư liệu của mình. Tôi đã viết về những con người và những nơi chốn xa xôi, khác biệt hẳn so với con người và nơi chốn tôi biết. Sau đó, tương tự như vậy, nếu tôi cố gắng viết về bản thân mình, kết quả hết sức mù mờ, bởi lý do đơn giản là tôi đã không hiểu rõ về bản thân mình. Tuy nhiên, ngay sau khi tôi bắt đầu viết The Virgin Suicides, tôi bỗng nhiên nhận ra rằng tôi đã biết rất nhiều, không phải về những không gian tâm lý của tôi mà là về thị trấn nơi tôi lớn lên. Tôi biết mọi thứ về những người sống trên con phố cũ của nhà tôi. Tôi nhớ sự kỳ lạ của họ, lịch sử gia đình họ, những thị phi và những lời đồn. Tôi nhớ thời tiết nơi đây, nhớ những huyền thoại của vùng đất này, những căng thẳng sắc tộc, hệ động vật và thực vật. Tôi không còn cảm thấy xấu hổ vì là dân ngoại ô đến từ Trung Tây. Tôi coi nó như quận Yoknapatawpha của riêng mình, và lần đầu tiên, viết ra thứ gì đó hấp dẫn với người đọc trưởng thành.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vùng ngoại ô vốn được coi là nơi an toàn, bình lặng nhưng tất nhiên vẫn có những thôi thúc, bốc đồng rất bản năng và con người, đặc biệt là nguồn năng lượng nổi loạn của thanh thiếu niên giữa không gian này. The Virgin Suicides diễn ra trong bối cảnh của những câu chuyện này. Bối cảnh này sinh ra một kiểu khát khao mong đợi, và tất nhiên, cả sự thất vọng của nó.
JEFFREY EUGENIDES
The Virgin Suicides cũng là về thành phố, về Detroit theo một cách gián tiếp nhưng quan trọng. Phải mất nhiều năm sau khi hoàn thành cuốn sách tôi mới hiểu được điều này. Khi tôi sinh ra, Detroit vẫn là thành phố lớn thứ 4 nước Mỹ. Dân số khi đó vào khoảng hơn 1 triệu người. Nhưng mọi người đã bắt đầu rời đi, và vào năm 1967, và khi bạo động xảy ra, cơn rả rích đã biến thành một cơn lũ. Cả tuổi thơ của tôi diễn ra trong thời kỳ suy thoái của Detroit. Tôi lớn lên và chứng kiến nhà cửa, đất đai tan rã rồi biến mất. Cảm giác của tôi về thế giới thấm đẫm sự tiếc nuối, và xót xa – kết quả từ những trải nghiệm trực tiếp về sự mong manh và phù du của thế giới vật chất. Đó chính là những điều tôi thực sự viết về. Tôi đã tưởng tượng ra một gia đình với những người chị em tự sát, 5 cuộc đời ngắn ngủi và tôi sẽ đặt họ vào một bầu không khí của sự đổ nát và suy tàn – những nhà máy sản xuất ô tô đang chết dần, những hàng cây du đang chết dần – nhưng nguồn gốc của tất cả những điều này, xét trên những lý thuyết về tâm lý hay chỉ xét trên cảm xúc đơn thuần, đều có liên quan đến sự tồn tại ngắn ngủi của mọi thứ mà tôi biết khi còn là một đứa trẻ.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông vốn luôn định kể The Virgin Suicides theo ngôi thứ nhất số nhiều sao?
JEFFREY EUGENIDES
Đúng vậy, tôi bắt đầu với “chúng tôi”. Trong bản nháp đầu của chương 1, tôi đã để một cậu bé thay lời cho tất cả. Anh Donald Antrim đã đọc nó và cho tôi một lời khuyên rất hữu ích. Anh ấy nói, “Tại sao cậu lại dùng đúng một chữ ‘tôi’ sau khi tất cả nội dung là ‘chúng tôi’? Thật sự không cần thiết như thế.” Và anh ấy nói đúng. Toàn bộ câu chuyện là về “chúng tôi” ngoại trừ một hoặc hai ví dụ. Tôi dùng giọng “chúng tôi” nhưng tôi lại không hoàn toàn tin tưởng nó. Và Don đã cho tôi sự tự tin để làm vậy.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nếu ông thực sự bận tâm với chi tiết đó, ông có thể thử tìm xem cậu bé nào đang tường thuật lại câu chuyện, nhưng ông sẽ thất bại thôi. Chính điều này giúp The Virgin Suicides có tính “thể nghiệm” nhất trong số ba cuốn tiểu thuyết của ông.
JEFFREY EUGENIDES
Trong cuốn How Fiction Works, James Wood viết, “Ngôi nhà hư cấu có rất nhiều cửa sổ nhưng chỉ có 2 hoặc 3 cánh cửa ra vào. Tôi có thể kể một câu chuyện ở ngôi thứ ba hoặc ngôi đầu tiên, và có lẽ cả ở ngôi thứ hai số ít, hoặc ngôi thứ nhất số nhiều, dù những ví dụ thành công của hai kiểu sau thực sự rất hiếm.” Chúng thật sự rất hiếm, và theo đúng nghĩa như thế, The Virgin Suicides được đánh giá như một thể nghiệm. Ngôi thứ nhất số nhiều rất hiếm khi tôi dùng nó hồi năm 1993. Tôi chỉ biết 2 ví dụ – Bông hồng cho Emily của Faulkner và Mùa thu của vị trưởng lão của Gabriel Garcia Marquez. Gần đây, rất nhiều nhà văn đã sử dụng ngôi này, thường xuyên như tôi đã dùng, trong các tiểu thuyết về tuổi thơ và thời thanh thiếu niên. Một giọng kể cho phép bạn nói những điều mà nếu không dùng nó bạn sẽ không thể dùng được. Nó giải phóng bạn khỏi nhà tù của cái tôi và những giới hạn của suy nghĩ thành lối mòn. Một trong những bí ẩn lớn nhất và cũng là vui thú đáng kể nhất của việc viết văn hư cấu là sự khám phá ra một giọng nói mở ra con đường dẫn tới những tri thức, phiếm chỉ nhưng vẫn cụ thể.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ý tưởng về một người kể chuyện liên giới có vẻ hoàn toàn mới lạ. Ông có xem hay tham khảo ý tưởng nào tương tự trước đó không?
JEFFREY EUGENIDES
Những năm 80, tôi có đọc được cuốn Herculine Barbin: Being the Recently Discovered Memoirs of a Nineteenth-Century French Hermaphrodite của Michel Foucault. Câu chuyện khiến tôi tò mò. Tôi muốn biết là Herculine thì sẽ như thế nào. Thật không may, bà ấy lại không thể tự miêu tả đời mình một cách chi tiết như tôi mong muốn. Cuốn hồi ký rất tránh nói về cấu trúc giải phẫu học của Herculine. Phong cách viết rất bi tráng. Herculine là nữ sinh trường dòng, và cô ấy viết về tình dục một cách dè dặt và thiếu hẳn những suy tư về tâm lý mà bạn có thể sẽ mong đợi. Cuốn hồi ký đó khiến tôi bực mình. Tôi muốn nó khác đi. Vậy nên tôi quyết định tự mình sẽ viết một cuốn.
Còn những trường hợp trước đó thì rất rõ ràng rồi – những huyền thoại cổ đại, đặc biệt là Hóa thân của Ovid và Orlando của Woolf. Không giống những ví dụ đó, tôi không muốn viết chuyện về một nhân vật đẹp đẽ có thể thay đổi giới tính một cách kỳ diệu. Tôi muốn viết về một con người thực sự gặp phải vấn đề này, và tôi muốn các thông tin sinh học chính xác nhất có thể. Với mục đích đó, tôi bắt đầu nghiên cứu tại Thư viện Y học ĐH Columbia và đọc về những tình huống đa dạng của cái được người ta gọi là tình trạng lưỡng giới tính giả. Tình huống mà tôi chọn cho người kể chuyện của mình – hiện tượng thiếu hụt enzim 5-alpha-reductase (5-ARD) – cực kỳ hợp với mục đích của tôi. Những người sinh ra với tình trạng này – lúc mới sinh thì là nữ giới nhưng đến lúc dậy thì lại phát triển rất mãnh liệt các đặc điểm của nam giới. Tuy nhiên, thông tin đáng chú ý nhất về tình trạng này là nó là kết quả của một đột biến lặn. Ngay khi tôi biết được điều này, toàn bộ cuốn sách thực sự đã trở thành một điều gì đó khác biệt. Thay vì là một cuốn hồi ký hư cấu ngắn gọn giống như một Herculine Barbin nữa, cuốn sách sẽ là câu chuyện về một gene đột biến được truyền qua ba thế hệ trong một gia đình, cho tới khi 2 bản sao của gene này rơi vào nhân vật người kể chuyện của tôi, và từ đó đem tới cho anh ta một cuộc đời bất thường, nhưng rất thuyết phục và chân thực.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Có một câu trong cuốn tiểu thuyết nói rằng muốn hiểu Cal thì anh phải hiểu điều gì xảy ra trước đó.
JEFFREY EUGENIDES
Di truyền học đưa tôi trở về trước đó vài thế hệ, và tất nhiên, bước vào quá khứ. Bởi hội chứng thiếu hụt 5-ARD chỉ xảy ra với các nhóm dân cư nội phối và cô lập, tôi nghĩ ra ý tưởng bắt đầu cuốn sách với những người Hy Lạp sống trong một ngôi làng nhỏ ở vùng Tiểu Á.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Cuốn tiểu thuyết có dài hơn ông dự tính không?
JEFFREY EUGENIDES
Vào lúc đó tôi đã biết nó sẽ là một cuốn khôi hài dài như sử thi. Tôi mất rất nhiều thời gian để có được tông giọng đúng cho nó nhưng tôi biết trong tay mình đã có một cuốn sách lớn.
Một điểm cuối cùng nữa – mọi người thường hỏi tôi tại sao lại chọn tường thuật một cuốn tiểu thuyết từ góc nhìn của một người liên giới tính, và câu trả lời của tôi là, mọi cuốn tiểu thuyết đều nên được kể bởi một người liên giới tính. Công việc của tiểu thuyết gia là đóng vai cả nhân vật nam và nữ, vậy nên, theo một nghĩa nào đó, tiểu thuyết gia nên có một trí tưởng tượng lưỡng tính.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông cảm thấy góc nhìn nữ giới khác với góc nhìn nam giới ở điểm nào?
JEFFREY EUGENIDES
Tôi không nghĩ theo kiểu đây là góc nhìn của nam giới hay nữ giới. Tôi luôn nghĩ theo những cá nhân. Tôi chưa bao giờ viết về “phụ nữ”. Tôi viết về một người phụ nữ, hoặc một người đàn ông, hoặc một người liên giới tính. Văn học hư cấu nên đi theo hướng cụ thể chứ không phải khái quát, bởi con người là những cá thể riêng biệt.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có suy nghĩ gì không về việc nam giới và nữ giới viết khác nhau?
JEFFREY EUGENIDES
Suy nghĩ rập khuôn hay cho rằng nam giới thì viết theo phong cách logic, thẳng thừng, tiến triển còn nữ giới thì viết theo phong cách trực giác, lòng vòng. Chà, những miêu tả đầu tiên phù hợp với Flannery O’Connor và những miêu tả thứ hai hợp với Proust. Vậy nên tôi không nghĩ sự phân biệt này có ích gì mấy.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Kate Christensen nói về việc giải phóng cái “con cu nội tại” của mình để viết một trong những cuốn tiểu thuyết của bà, phủ định cái ý tưởng rằng thực sự có tồn tại một cách viết thiết yếu cho giới tính này hoặc giới tính kia.
JEFFREY EUGENIDES
Tôi phải nói lại rằng, với Middlesex, tôi đã cố gắng viết cụ thể nhất có thể. Tôi phân tích Cal như một bác sĩ. Cal có nhiễm sắc thể XY. Bẩm sinh và ở tuổi dậy thì, anh ta vẫn có mức độ hormone testosterone bình thường trong tử cung. Nếu những thứ này ảnh hưởng đến phản ứng hóa học tại não bộ, và nếu, đến lượt mình, những ảnh hưởng này dẫn đến một khung ngôn ngữ định nghĩa được nam và nữ – thì một lần nữa, vấn đề vẫn chưa thể kết luận chắc chắn – khi đó Cal sẽ có cái giọng được-coi-là nam, bất kể điều đó có nghĩa là gì. Tất cả những gì tôi cần làm là tạo ra một giọng điệu mà chỉ riêng Cal mới có. Tôi không cần phải tỏ ra là nữ tính hay lưỡng tính, điều này cũng tốt, bởi dù sao tôi vẫn còn hoài nghi về những cách phân loại đó lắm.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có nhận được phản hồi nào từ những người liên giới tính không?
JEFFREY EUGENIDES
Khi cuốn sách được ra mắt lần đầu tiên, tôi đang có một buổi đọc sách ở Portland, Oregon, và có một nhóm nhỏ những người thuộc Hiệp hội người Liên giới tính vùng Bắc Mỹ tụ tập trước cửa. Họ tức giận vì tôi đã dùng từ hermaphrodite (lưỡng tính), một từ mà theo họ là có ý miệt thị. Sau buổi đọc, tôi đã thảo luận với họ và chúng tôi đã thống nhất được quan điểm.
Tôi đồng ý rằng sẽ không bao giờ gọi bất cứ ai, một thực thể có sự sống nào, là một người lưỡng tính. Tôi cam kết sẽ truyền bá sự phân biệt này bất cứ khi nào và nhiệt tình nhất có thể. Tuy nhiên, tôi bảo lưu quyền dùng từ lưỡng tính khi nói về các nhân vật văn học và thần thoại, ví dụ như Tiresias. Thuật ngữ lưỡng tính đã có một lịch sử lâu dài và sẽ thật là sai lầm nếu ta biến nó thành một từ bất-khả-xâm-phạm. Những người biểu tình này cho rằng quan điểm của tôi là hợp lý và từ đó không buổi đọc sách nào của tôi bị biểu tình phản đối nữa.
Sau khi cuốn sách được công chúng biết đến, tôi bắt đầu nhận được thư từ những độc giả là người liên giới tính, tất cả họ đều rất tích cực. Rồi sau đó, tôi được mời đến chương trình của Oprah, và chương trình chủ yếu tập trung vào vấn đề này.
Vừa mới tuần trước, một người đã đến tìm tôi trong một buổi đọc và thì thầm vào tai tôi rằng anh ấy là một người mắc hội chứng thiếu hụt 5-ARD. Anh ấy là người đầu tiên tôi gặp mà mắc hội chứng hiếm như vậy. Anh ấy trao cho tôi một lá thư, cảm ơn tôi đã viết Middlesex. Anh ấy nói rằng cuốn sách đã cứu vớt cuộc đời mình thời trung học. Anh này còn nói thêm rằng, ngoài sự cảm ơn đối với tôi, đôi lúc anh ta lại cảm thấy tức giận vì anh ta cảm thấy tôi đã viết cuốn sách mà lẽ ra bản thân anh ta mới nên là người viết nó.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nửa đầu của Middlesex, về cơ bản, như một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Viết như thế có khó không?
JEFFREY EUGENIDES
Khó, bởi tôi thường không thích tiểu thuyết lịch sử. Tuyên bố rằng mình có thể hiểu và tái hiện một khoảng thời gian đã mất, khoảng một thế kỷ trước khi mình sinh ra, ít nhất, là một hành động ngông cuồng. Và rồi còn chuyện giọng tường thuật của rất nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử nữa. Họ cố gắng nghe có vẻ hoài niệm, cũ kỹ và kết quả là những lời văn đó trở nên cứng khô như gỗ. Họ đã bị ảnh hưởng bởi cái quá khứ mà họ muốn tái hiện, muốn ghi lại. Vậy nên tôi phải tránh những cái bẫy như vậy đối với Middlesex bằng cách giấu nhẹm chuyện tôi biết hết mọi điều. Cal kể lại câu chuyện của ông bà anh ta một cách thành thực nhất có thể, nhưng rõ ràng là anh ta đang tạo nên câu chuyện, thêm mắm dặm muối cho câu chuyện của chính mình. Có rất nhiều đoạn độc thoại với người đọc mà Cal gần như thừa nhận tất cả. Tôi cảm thấy rằng những thừa nhận như vậy là một cách đối xử trung thực và chân thành đối với độc giả. Tôi cũng cảm thấy rằng tông giọng của cuốn sách sẽ chiểu theo tính cách của Cal. Nhu cầu muốn hiểu được làm sao mình lại ra thế này của Cal sẽ khiến anh ta kể câu chuyện lịch sử của mình, đôi khi ở ngôi thứ nhất, đôi khi ở ngôi thứ ba, thoát khỏi cái tôi của mình theo đúng nghĩa đen. Cách kể chuyện của Cal là một cách trả lời cho tình trạng gene của anh ta. Lịch sử ấy hoàn toàn cá nhân, dù những sự kiện có xảy ra trước khi anh ta được sinh ra.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có tới Izmir không, thành phố từng mang tên Smyrna ấy?
JEFFREY EUGENIDES
Tôi đã tới đó năm 1985 mà không nhận ra tầm quan trọng của nó. Lúc đó, tôi chẳng biết gì nhiều về lịch sử của ông bà mình ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ khi quyết định viết về một ngôi làng Hy Lạp ở gần Bursa thì tôi mới bắt đầu tìm hiểu về nó. Cuối cùng, nhiều năm trời sau khi hoàn thành Middlesex, tôi mới tới thăm ngôi làng quê hương của ông bà tôi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Trận hỏa hoạn thiêu rụi Smyrna và sự lụi tàn của Detroit như vang vọng vào nhau trong cuốn tiểu thuyết này.
JEFFREY EUGENIDES
Cuốn sách chứa đầy những kí ức vang vọng, những sự lặp lại, giống như bao cuốn sách về gene khác. Trận đại hỏa hoạn Smyrna gây ra một khó khăn khác cho tôi khi viết những đoạn về lịch sử, đó chính là tôi chẳng biết gì cả. Tôi ở Yaddo khi tôi viết về Smyrna và cuốn sách không tiến triển được chút nào. Tôi đang cố gắng tái hiện lại thành phố và đám cháy hoàn toàn từ những tưởng tượng của tôi. Một ngày, tôi đã tuyệt vọng. Tôi định sẽ từ bỏ toàn bộ cuốn sách thì tôi phát hiện ra một cuốn sách trên chiếc bàn trong căn biệt thự. Cuốn sách do Marjorie Housepian Dobkin viết và có tên Smyrna 1922. Cuốn sách đó đã dạy tôi mọi điều tôi cần về trận hỏa hoạn của Smyrna, nó dạy tôi bắt tay vào nghiên cứu nghiêm túc hơn. Trí tưởng tượng thôi thì chưa đủ.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Một trong những điều tôi ngưỡng mộ nhất ở Middlesex là cách ông xây dựng và phát triển mối quan hệ loạn luân giữa Lefty và Desdemona. Vì mối quan hệ loạn luân như vậy là một trong những điều cấm kỵ cơ bản của con người, và nó dễ lấn át phần còn lại của câu chuyện.
JEFFREY EUGENIDES
Không phải ai cũng nghĩ rằng tôi xây dựng và phát triển nó thành công. Tôi còn nghe nói rằng một vài người đã gập ngay cuốn sách lại khi đọc đến đoạn đó. Tuy nhiên, loạn luân cần thiết cho cả câu chuyện. Tôi cần kịch hóa vấn đề nội phối. Chuyện nội phối diễn ra chậm chạp, vô hình qua hàng thế kỷ nay. Tôi phải làm nó diễn biến nhanh hơn, vậy nên tôi để một người em trai và một cô chị gái phải lòng nhau.
Zeus và Hera, tất nhiên, cũng là anh em đấy thôi. Middlesex mở đầu như một câu chuyện cổ tích. Ý tưởng là có thể khiến cuốn sách này tóm gọn lại DNA của Tiểu thuyết. Vì vậy, nó bắt đầu với những sự kiện lịch sử và trở nên, ở nửa sau của cuốn tiểu thuyết, hiện đại hơn, tâm lý hơn, thực tế hơn. Chuyện loạn luân xảy ra ở những phần như ngụ ngôn, như thần thoại trong cuốn tiểu thuyết. Nó không có độ thực tế đến mức có thể khiến người ta cảm thấy bị xúc phạm. Vậy nên, đúng, anh nói đúng. Tôi đã cố gắng xây dựng và phát triển yếu tố dễ gây tranh cãi này và xử lý nó một cách nhẹ nhàng.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Có điều gì trong những lời phê bình mà ông cho là đã hiểu sai về tác phẩm của mình không? Có hiểu lầm nào khiến ông cảm thấy bất công hoặc ở mức nào đó bỏ lỡ điều ông muốn nói?
JEFFREY EUGENIDES
Tất cả những gì bạn có thể yêu cầu là người điểm sách sẽ bình luận về cuốn sách bạn ĐÃ viết, chứ không phải cuốn sách họ TƯỞNG bạn đã viết. Một số người điểm sách mang theo cả ý kiến cá nhân của họ vào tác phẩm của bạn. Ví dụ, một số nhà phê bình thấy không vui vì Cal phát hiện ra nhân dạng nam của mình chủ yếu bởi vì anh ta phải lòng người bạn gái thân nhất của mình. Một số nhà phê bình thấy chuyện này có vấn đề, bởi rõ ràng là, sự hấp dẫn đồng giới không quyết định bản dạng giới tính. Đồng tính nam thì vẫn là nam. Tuy vậy, vấn đề là Middlesex không phải là một cuốn tiểu thuyết về gay tính. Nó là cuốn tiểu thuyết về liên giới tính. Và không phải về toàn bộ những người liên giới tính mà chỉ là một người liên giới tính cụ thể. Cách Cal phát hiện ra giới tính của mình không nhất thiết khẳng định hết trải nghiệm hay cách phát hiện của người khác. Đó chỉ là trải nghiệm của riêng anh ta. Các nhà phê bình thích khái quát hóa. Các tiểu thuyết gia thích cụ thể hóa. Nhưng vẫn còn rất nhiều nhà phê bình thực sự đọc và nhận xét cuốn sách bạn đã viết, và đó là tất cả những gì bạn có thể yêu cầu rồi.
Nhưng hãy để tôi kể cho bạn nghe một ví dụ để thấy những nhận xét chỉ mang tính nhất thời như thế nào. Khi Middlesex ra mắt, tờ The Economist đã có một bài điểm sách không tích cực lắm. Tôi chưa đọc bài điểm sách về cuốn The Marriage Plot nhưng mẹ tôi đã đọc một đoạn trong bài điểm sách của The Economist cho tôi nghe, trên điện thoại, trước khi tôi kịp ngăn bà lại. Giờ tạp chí đó nói rằng họ hơi thất vọng với cuốn sách mới. Tại sao? Vì nó không đáp ứng được kỳ vọng “tiêu chuẩn cao không tưởng” của Middlesex! Thứ họ đã không thích khi nó ra mắt.
Qua thời gian, sách sẽ tự tạo danh tiếng cho mình. Đó là điều ta cần phải nhớ.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Đã có lời phê bình tiêu cực nào mà ông cảm thấy hữu dụng chưa?
JEFFREY EUGENIDES
Nhà văn nhận thức khá rõ những khuyết điểm trong các cuốn sách của họ. Chúng tôi biết chúng tôi chưa thành công ở điểm nào và chúng tôi nên làm gì để lần sau tốt hơn.
Chiêu Dương dịch
(Bài viết thuộc Zzz Review số 3, 30-10-2018.
Đã được đăng lại trên tạp chí Nhà văn & Tác phẩm số 33, 2018.)
Người góp chữ
Chiêu Dương
Tức Thu thơ thẩn.
Leave a Reply