Bohumil Hrabal: Tiếng cười cận kề cái chết

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 15 phút

Tựa đề và các tiểu đoạn là của người dịch. Bài này lược dịch theo bài “Bohumil Hrabal’s Comic World” của nhà phê bình James Wood đăng trên tạp chí The London Review of Books, Vol. 23 No. 1 – ngày 04.01.2001. Bài này sau được James Wood đưa vào tập hợp tuyển phê bình The Irresponsible Self: On Laughter and the Novel (2004) của ông.

 

“… có một bà thầy bói từng bói bài cho tôi và nói là nếu không vì một đám mây đen nhỏ xíu lơ lửng trên đầu tôi thì tôi đã có thể làm nhiều chuyện lớn lao và không chỉ làm cho đất nước mình mà làm cho cả nhân loại ấy chứ…” Điều gì vừa buồn cười vừa tuyệt vọng, nỗi thống thiết hài hước nằm ở đâu trong câu văn ấy?

Ngay lập tức, một con người phơi mở trước mắt ta như một vết thương: có lẽ là một người đàn ông (cái giọng điệu hơi huênh hoang ấy), khát vọng lớn lao nhưng bị dính chặt vào một số phận hèn mọn, lập dị và có thể là khùng, một kẻ ba hoa, om sòm kể chuyện. Có chất hí lộng, và một nỗi buồn, trong viễn cảnh một tham vọng lớn (“cho cả nhân loại ấy chứ”) tới mức phải luôn vỡ mộng, và cũng hí lộng trong cái cách dễ dãi và thậm chí tự hào mà nhân vật này chấp nhận mình tuyệt vọng: chẳng phải y cũng có chút hài lòng với “đám mây đen nhỏ xíu” đã cản trở số phận đấy ư? – ít ra thì y cũng có chút danh tiếng đó chứ. Do đó nhân vật này có thể là lớn lao không chỉ trong tham vọng riêng mà còn trong cách y chấp nhận định mệnh. Và cái cụm từ “đám mây đen nhỏ xíu” há chẳng phải đã được viết rất khéo đó sao? Nó ám chỉ một kẻ tự thấy mình ngon lành đến độ y tự nhìn bản thân như một bình diện địa lý, như một vùng đất bị che phủ u ám đang trải qua một đợt áp thấp trên bản đồ thời tiết châu Âu. Quan trọng nhất, “nhỏ xíu” là một từ tuyệt hay, vì nó hàm ý rằng người đàn ông này, dù có lẽ kiêu hãnh về điều bất lợi của mình, nhưng cũng có thể khinh thường chính điều đó, hoặc tin rằng y có thể gạt bỏ nó đi ngay bất cứ lúc nào cần và tiếp tục làm những chuyện đại sự.

Đó là những điều thú vị gói gọn trong một câu hài hước điển hình của tiểu thuyết gia Séc lừng danh Bohumil Hrabal. Còn nhân vật đang tự an ủi mình qua lời thú nhận ngắn ở trên là một ông thợ đóng giày ba hoa, kẻ tự nhận là ngưỡng mộ “nghệ thuật Âu châu Phục hưng” – một uyển ngữ của khoái lạc ái tình – và là người thuật chuyện trong tiểu-thuyết-một-câu Bài học khiêu vũ cho người đứng tuổi (Taneční hodiny pro starší a pokročilé – 1964). Phải viết cả cuốn tiểu thuyết bằng một câu không ngắt đoạn xuống hàng và thậm chí không có dấu chấm kết thúc cuối cùng mới thể hiện được tính cách ba hoa bất tận của y. Nhưng nhiều nhân vật hài hước của Hrabal cũng lắm điều nhiều chuyện chẳng kém. Đó là Haňťa, người thuật chuyện trong quá ồn một nỗi cô đơn (Příliš hlučná samota – 1977), kẻ chuyên nén giấy loại suốt 35 năm và đã lén lút tự học bằng những kiệt tác mà y đã cứu khỏi đống rác thải. Haňťa lúc nhỏ mơ lớn lên sẽ thành triệu phú, y kể cho chúng ta nghe, để y có thể mua “những mặt số và kim đồng hồ dạ quang cho mọi chiếc đồng hồ công cộng” của Praha. Còn bây giờ y đọc để cứu vớt Kant và Novalis, và mơ tưởng được đi nghỉ hè ở Hy Lạp, ở đó y sẽ viếng Stagira, “nơi sinh của Aristotle, tôi sẽ chạy quanh đường đua ở Olympia, mặc quần lót ống dài bó sát mà chạy.” Haňťa không thích tắm vì nếu tắm y sợ sẽ mắc bệnh, “nhưng thỉnh thoảng, khi niềm khao khát cái đẹp lý tưởng Hy Lạp của tôi quá áp đảo, tôi sẽ rửa một bàn chân hay thậm chí rửa cần cổ.”

Và còn có Ditie, nhân vật lang bạt trong Người hầu bàn cho vua chúa (Obsluhoval jsem anglického krále – 1971), một anh bồi trong một khách sạn của Praha, người từng hầu bàn cho Hoàng đế Ethiopia, và làm việc cùng với một viên quản lý nhà hàng từng hầu bàn cho Vua nước Anh. Ditie thường sai lầm trong mọi chuyện – anh chàng cưới một nữ vận động viên Đức trong lúc quân Quốc xã xâm lược Tiệp Khắc – nhưng có lúc anh chàng cũng nói ra những điều khôn ngoan hay có tính tiên tri, và mỗi khi được khen ngợi vì những chuyện đó, anh ta chỉ “khiêm tốn đáp, Tôi từng phục vụ Hoàng đế Ethiopia.” Và còn có Miloš Hrma, chàng nhân viên tín hiệu đường sắt nhút nhát trong tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Harbal, Những đoàn tàu giám sát chặt (Ostře sledované vlaky – 1965). Khi biết được ông trưởng ga của mình có thể được thăng chức Thanh tra Hoả xa Quốc gia, cậu ta đã háo hức kêu lên: “A ha, vậy khi đó thay vì ba sao nhỏ ông chỉ còn một sao nhưng có cầu vai chức thanh tra trên áo!” cho dù chức vụ này trong ngành đường sắt ở Tiệp thời đó là tương đương với cấp bậc thiếu tá trong quân đội.

Rõ ràng Hrabal đã lấy cảm hứng xây dựng những nhân vật bị đày đoạ này từ hình mẫu nhân vật Svejk, người lính ngốc nghếch hài hước đã sa chân vào Thế Chiến Thứ Nhất trong tiểu thuyết Anh lính Svejk gương mẫu (Osudy dobrého vojáka Švejka za světové války – 1923) của nhà văn Jaroslav Hasek (1883-1923). Svejk là một kiểu Sancho Panza, sống trong một thời đại không còn hùng ca, thậm chí không còn hài kịch. Hrabal hết sức ngưỡng mộ tiểu thuyết Anh lính Svejk gương mẫu. Svejk cũng giống nhiều nhân vật của Hrabal, một “gã nhỏ bé” dường như cứ vui vẻ lạc bước vào những sự kiện lịch sử lớn. Giống như việc Svejk thuyết phục một tên mật vụ bắt giam chính anh ta và sau đó đưa ra mặt trận, anh bồi bàn Ditie ngớ ngẩn đã trở nên giàu có của Hrabal đã tức điên lên khi hay tin tất cả các nhà triệu phú trong nước đều đã bị đưa đi cải tạo nhưng không hiểu sao riêng anh ta còn sót lại không bị bắt. Vì Ditie cả đời không hề mong muốn gì hơn là trở thành triệu phú, anh chàng đi thẳng đến cảnh sát, mang sẵn sổ trương mục ngân hàng để chứng minh mình là triệu phú và đòi phải được bắt giam ngay lập tức, và rốt cuộc cũng được toại nguyện. Vẻ ngu ngốc bề ngoài của Svejk che giấu một trí thông minh luôn muốn gây trở ngại cho giới chức trách nhưng lại tỏ ra như là chỉ biết phục tùng; tương tự như vậy, nhân vật Haňťa chuyên cứu những cuốn sách khỏi cỗ máy ép giấy loại, trong quá ồn một nỗi cô đơn, cũng không chỉ là một kẻ tự học thông thái vô dụng mà còn là một người nổi loạn nhỏ nhoi chống lại cả một chế độ kiểm duyệt to lớn.

Giống như nhà văn Hasek, Hrabal luôn lắng nghe những câu chuyện phiếm trong quán bia. Ông ngồi hàng giờ trong quán Zlatého Tygra yêu thích ở Praha, nghe những câu chuyện tuôn trào theo bọt bia. Những ai quen biết Hrabal đều nhớ đến một người thích được lầm tưởng là một khách uống bia hơn là một nhà văn, thích ngồi im nghe ngóng và nhặt nhạnh – người ăn mày hào phóng của cộng đồng bia bọt. Ta có thể thấy nhà văn giữa đám đông chuếnh choáng đang xem một trận bóng đá qua màn ảnh truyền hình trong lúc nghe lóm Hrabal vừa bình luận trận đấu vừa trích dẫn Immanuel Kant hay những thần tượng triết học của ông.

 

Ngọc dưới đáy sâu

Hrabal, sinh năm 1914 ở Moravia, bắt đầu nghiệp văn chương bằng những bài thơ chịu ảnh hưởng trường phái Siêu thực Pháp. Đầu những năm 1950, ông tham gia một nhóm văn chương phi chính quy do nhà thơ Jiří Kolář (1914-2002) điều hành. Những bài thơ xuôi của Hrabal lúc này trở thành những truyện ngắn nhưng ông không hề có ý đăng tải xuất bản. Thay vào đó, ông đọc lên cho các bạn văn trong nhóm nghe. Có giai thoại rằng một hôm Hrabal tình cờ nghe được có người hỏi Kolar, người thời đó chuyên bán búp bê: “Kolar, còn chết nữa không?” Hiển nhiên câu hỏi đó là nói đến mẫu hàng con rối Thần Chết, được ưa chuộng ở Praha, nhưng khi Hrabal nghe được thì câu hỏi ấy lại gợi ra một lối viết văn mới, có thể cố tình cưỡng ép các yếu tố không đồng nhất cho chúng cọ xát, đối chọi nhau theo một cách hài hước, tự nhiên, nảy sinh từ những sự việc bình thường của con người chứ không phải những ý tưởng siêu thực hiển nhiên.

Hrabal bắt đầu thử nghiệm một văn phong tuôn chảy, không giới hạn, gần như một hình thức dòng ý thức (ông ngưỡng mộ Joyce, Céline và Beckett) và cho các nhân vật liên tưởng và độc thoại một cách điên rồ. Ông gọi cách viết đó là pábení, một kiểu “cà kê” chuyện này sang chuyện khác triền miên bất tận. Lối văn lan man vòng vo đáng yêu này âm vang trong tác phẩm của Hrabal vì liên quan đến sự dồi dào của những mẩu chuyện nhỏ hàm chứa. Thường ta có cảm giác như Hrabal lấy một chuyện khôi hài ngắn nghe được trong quán bia, và cường điệu tính chất khôi hài của mẩu chuyện này lên. Người thuật chuyện trong Bài học khiêu vũ kể thoáng qua cho chúng ta nghe chuyện một người tự treo cổ lên cây thánh giá cắm trên mộ bà mẹ đẻ khiến ông linh mục địa phận tức điên lên vì ông ta phải làm phép thánh lại cho cả khu nghĩa trang đó. Haňťa, trong quá ồn một nỗi cô đơn, bị một người xông tới dí dao vào cổ và kẻ hung hăng đó bắt đầu ngâm một bài thơ ca tụng vẻ đẹp miền quê ở Říčany, rồi sau đó xin lỗi và nói là “gã không tìm ra cách nào để cho người khác chịu nghe thơ của gã.” Trong Người hầu bàn cho vua chúa, một vị tướng đến khách sạn nơi Ditie làm việc. Ông này rất tham ăn nhưng lại có thói quen kỳ cục. Sau mỗi ngụm rượu sâm-banh và mỗi miếng thức ăn, ông ta lại rùng mình kinh tởm và nguyền rủa thứ vừa mới nuốt: “Gớm quá! Món này không thể nào ăn được!”

Những chi tiết này khiến ta nhớ đến nhà văn Nga Chekhov, người thường lấy những mẫu tin trên báo và biến thành truyện ngắn, nhưng Chekhov lại tỉ mỉ thận trọng đến đáng sợ trong khi Hrabal lại thích nung nóng những điều bí ẩn vừa tóm bắt được, những chuyện lạ lùng vừa vồ chộp được, để cho chúng toả ra một màn hơi mù huyền ảo. Hrabal thừa khả năng viết hiện thực kiểu Chekhov nhưng ông luôn dè chừng những điểm thăng hoa siêu tuyệt trong câu chuyện – mà ông gọi là “ngọc dưới đáy sâu” – thường thì ông để cho các nhân vật lắm mồm tiếp tục ba hoa, kéo dài và căng giãn các câu chuyện. Một ví dụ vô song xuất hiện trong Người hầu bàn cho vua chúa, tác phẩm viết một mạch trong vòng 18 ngày từ đầu những năm 1970 nhưng mãi đến 1983 mới được xuất bản và bị tịch thu. Ditie đang kể những chuyện về những người chào hàng lưu động khác nhau trọ tại Khách sạn Praha Thành Phố Vàng. Trong số đó có một người đại diện cho một hãng may mặc nổi tiếng ở Pardubice, và ông ta giới thiệu một kỹ thuật may đo vừa khít có tính cách mạng. Kỹ thuật này bao gồm việc đính những mảnh giấy da lên thân hình người đặt may quần áo rồi ghi số đo lên đó. Khi về xưởng may, các mảnh giấy da này được khâu lại thành một kiểu hình nộm của thợ may với một bong bóng cao su nhét bên trong; bong bóng này được bơm từ từ cho đến khi phồng căng hết hình nộm bằng giấy da; sau đó hình nộm được phủ keo cho cứng lại trong hình dạng thân thể của khách hàng. Khi tháo quả bong bóng ra, thân hình này sẽ bay lơ lửng lên trần nhà, luôn luôn phồng căng, và được buộc bằng một sợi dây có đính nhãn tên và địa chỉ. Hình nộm của khách “cứ ở trên trần nhà giữa hàng trăm thân người đủ màu sắc, cho đến khi khách hàng chết mới thôi.”

Tất nhiên là anh chàng Ditie mê tít cái sáng kiến vô nghĩa một cách tuyệt vời này, và mong ước được đặt may một bộ tuxedo ở công ty danh tiếng này, “để tôi và hình nộm của tôi có thể bay bổng lên trần nhà của một công ty chắc chắn là độc nhất vô nhị trên đời này, bởi vì chỉ có người Tiệp mới có thể nảy ra một ý tưởng như thế mà thôi.” Anh chàng dốc tiền dành dụm ra và đặt may đo một bộ. Ditie đi đến Pardubice để nhận hàng, và “con người nhỏ bé” này (thực tế là Ditie rất thấp lùn, và phải mang giày độn hai đế) choáng ngợp trước quyền thế xã hội của những hình nộm số đo của công ty này: “Đúng là một cảnh tượng huy hoàng. Lơ lửng trên trần nhà là thân người của các vị tướng và trung đoàn trưởng và tài tử danh tiếng. Chính [tài tử] Hans Albers cũng đặt may đồ ở đây, cho nên ông ta cũng ở trên đó…” Hrabal có lẽ đã nghe ai kể về một kế hoạch điên rồ của công ty có thật, nhưng ông lấy câu chuyện đó và cho đi qua lăng kính điên rồ của nhân vật sống trong cõi mộng này, và bằng cách đó, làm cho câu chuyện càng tăng thêm tính chất lạ lùng. Quyết định của Hrabal có một ma lực giúp tạo hình cho chuyện kể, thêm màu sắc cho những bí ẩn, khiến ta không những được biết qua phương pháp của công ty này mà còn được mời gọi mường tượng ra một căn phòng đầy những phần thân trên lủng lẳng.

Có khi Hrabal cũng được gọi là một nhà văn đầy tính điện ảnh, có lẽ nhờ bộ phim thành công được giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 1968 dựa theo tiểu thuyết Những đoàn tàu giám sát chặt của ông. Nhưng đặc tính tạo hình này, lạ thay, lại gây khó khăn cho điện ảnh, bởi vì nó dễ lôi cuốn bộ phim dựng cảnh nhại theo mà thôi. Thế nhưng những cảnh như thế trong văn chương của Hrabal lại có một yếu tố kỳ lạ là, dù đầy hình ảnh cụ thể, chúng lại gần như mang trạng thái giả định, đó là trạng thái mộng mị. Theo nghĩa nào đó, cảnh trên chẳng phải là giấc mơ của Ditie sao, bất kể thực tế là nó đã xảy ra rành rành? Những miêu tả của Hrabal thường vừa rõ ràng vừa vô hình đầy mâu thuẫn. Một kiểu hư hư thực thực. Ta có cảm tưởng như Harbal mời gọi độc giả không chỉ là để nhìn thấy những thân hình nộm lủng lẳng, mà còn mường tượng về một kẻ đang mường tượng về những cảnh này, một chiều kích ít nhiều khác biệt. Trong phương diện nào đó, Hrabal là một nhà văn hiện thực huyền ảo thời kỳ đầu. Nhưng những câu chuyện huyền ảo của Hrabal lại đầy chất hài hước và nhân văn – chúng thật sự khao khát được hiện thân cho con người. Và nghịch lý thay, chính vì thế mà tác phẩm của ông lại không ăn bám vào tính hiện thực như nhiều tác phẩm hiện thực huyền ảo khác. Chúng nương náu trong một địa hạt không tưởng, thế giới của tiếng cười và nước mắt song song. Hài làm sao và cũng bi làm sao khi hình dung cảnh Ditie trầm trồ trước danh tiếng của những thân hình nộm lủng lẳng, và cũng đẹp sao khi thấy Ditie cũng cảm phục sự hiện diện của thân hình nộm ông chủ khách sạn Beránek, chẳng kém gì đã kính nể các thân hình nộm của các tướng lĩnh và tài tử, diễn viên.

Hrabal không hề là cây bút phúng dụ hay nặng tính ý thức hệ. Tuy nhiên, tập truyện đầu tiên của ông, Chim nhạn trên dây (Skřivánci na niti) vào năm 1959 đã in xong chỉ còn một tuần nữa là phát hành lại bị tịch thu và tiêu huỷ. Bốn năm sau tập truyện này được sửa chữa và xuất hiện lại dưới tựa đề Ngọc dưới đáy sâu (Perlička na dne – 1963). Tập truyện này lập tức khiến tên tuổi Hrabal chói sáng trên văn đàn Tiệp Khắc và được hâm mộ chưa từng thấy. Bài học khiêu vũ ra mắt năm 1964, Những đoàn tàu giám sát chặt một năm sau đó. Thành công vang dội của bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết này và giải Oscar 1968 giúp Hrabal được an toàn. Thế nhưng ông vẫn có thể bị cấm xuất bản ở Tiệp Khắc. Cuốn Chồi non (Poupata) của Hrabal vào năm 1970 cũng chịu chung số phận với Chim nhạn trên dây. Bất kể việc ông là một cây bút sung mãn, tác phẩm của Hrabal suốt một thời gian dài từ 1970 không được xuất bản ngay tại quê hương mà chỉ được in ở nước ngoài.

Hrabal bắt đầu viết Người hầu bàn cho vua chúa vào thời kỳ cấm xuất bản này. Tiểu thuyết được lưu hành dưới dạng samizdat khoảng năm 1975 và mãi đến 1983 mới được xuất bản “bán chính thức” nhờ các bạn hữu trong Hội nhạc Jazz thuộc Hiệp hội Âm nhạc Tiệp Khắc trong hình thức ấn phẩm lưu hành nội bộ dành cho hội viên. Hội nhạc Jazz in 5000 bản và phát tờ rơi cho những ai quan tâm đến mua trực tiếp tại văn phòng hội. Những người bạn uống bia của Hrabal tìm tới, mang theo những tấm đế lót cốc bia có chữ viết của tác giả: “Giao cho người này một cuốn Người hầu bàn cho vua chúa – B. Hrabal.” Những người bạn của Hrabal bị bắt giam năm 1986 và các viên chức tìm được nhiều thùng chứa bản in tiểu thuyết cấm này và đem sách bán cho nhau như những món quà Giáng Sinh.

 

Hài hước là những nụ cười rưng rưng lệ

Người hầu bàn cho vua chúa là một câu chuyện phiêu lưu lang bạt, khởi đầu vui nhộn và kết thúc trong nước mắt và cô đơn, một cung bậc thăng trầm điển hình trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Hrabal. Ở đoạn cuối, nhà triệu phú Dittie đã trở thành vô sản và đi lao động đắp đường ở một vùng núi rừng biên giới. Tâm tình trong quán bia, Ditie muốn khi chết sẽ “thành một công dân thế giới, với một nửa tôi trôi theo sông Vltava hoà vào sóng Elbe rồi đi ra Biển Bắc, còn nửa kia theo sông Danube chảy vào Hắc Hải và cuối cùng tan vào Đại Tây Dương.” Giống như người thuật chuyện trong Bài học khiêu vũ và “đám mây đen nhỏ xíu” của y, Ditie đã mở rộng bản thân theo bình diện địa lý. Buồn cười thay, nhân vật này đã hoàn thành giấc mơ Tiệp Khắc, vừa là một quốc gia tự thân vừa là thứ gì khác lớn lao hơn cả một quốc gia – anh chàng là một công dân thế giới lưu động sau khi chết. Chiều sâu của khát vọng này, cùng những biến cố hài hước ngăn trở khát vọng đó chính là những chủ đề thường trực của Hrabal.

Chẳng hạn, động lực của nhân vật Haňťa, người thuật chuyện trong quá ồn một nỗi cô đơn đã mơ ước được mặc quần lót ống dài bó sát mà chạy quanh đường đua ở Olympia để hoàn thành giấc mơ của y về lý tưởng điền kinh Hy Lạp. Điều cảm động ở tất cả các nhân vật này là khoảng cách tàn nhẫn giữa khát vọng của họ và những phương tiện hạn hẹp mà họ thường phải bằng lòng chấp nhận. Hài kịch của Hrabal vì thế mà nghịch lý một cách phức tạp. Khi phải giữ cân bằng giữa khát khao vô bờ và sự bằng lòng trong giới hạn thì đó là một điều vừa có tính nổi loạn vừa có tính định mệnh, vừa bất an vừa minh triết. Các nhân vật của Hrabal muốn được thành mọi thứ; nhưng họ không hề ý thức được tầm vóc của những khao khát đó, và bằng lòng những điều ít ỏi hơn mà không hề biết là đang chấp nhận số phận. Đó là kiểu hài kịch của kẻ bế tắc, của kẻ bị loại trừ, của kẻ bị lừa gạt, của kẻ bị chối bỏ. Nên không có gì ngạc nhiên khi Hrabal có lúc nói rằng cội nguồn hài kịch của ông nảy sinh từ một trong những vật tìm được tình cờ mà ông yêu thích nhất, một tờ biên lai của tiệm giặt ủi có câu: “Một số vết nhơ chỉ có thể tẩy sạch bằng cách phá huỷ luôn chính lớp vải may.” Hài hước của Hrabal là những nụ cười rưng rưng lệ. Và xét theo nghĩa đó, Hrabal là nhà hài hước vĩ đại.

Và là nhà văn lớn. Tuyệt tác của ông, quá ồn một nỗi cô đơn, tái hiện một cung bậc còn kịch liệt hơn, từ hăm hở ban đầu cho đến tuyệt vọng về sau. Bản thân từng làm công việc ép giấy loại thành kiện trong nhà máy, Hrabal đã sáng tạo ra, qua nhân vật Haňťa, mẫu “kẻ khùng” tinh tế nhất của mình. Cũng giống như nhân vật, nhà văn cũng đã cứu nhiều cuốn sách thoát khỏi máy nén giấy loại, và mang về gom góp thành một tủ sách trong căn nhà vùng quê ngoại ô Praha của ông. Vốn đọc rộng của Haňťa cho phép Hrabal sử dụng hết tài nguyên tinh thần của nhân vật này, dù sử dụng một cách điên rồ, và kết quả là một dòng văn xuôi tuôn chảy tự do uyển chuyển phi thường, một kiểu văn xuôi với nhiều nội cảnh nằm trong nội cảnh, như những bức hoạ của các bậc thầy cổ điển Hà Lan – hay có lẽ với rất nhiều tầng đáy đánh lừa ta. Hình tượng đó có thể là một miêu tả chân phương, phù hợp cho tính chất Hrabal.

Thực tế là Haňťa bị mất việc vì sự xuất hiện ở ngoại ô Praha của một cỗ máy nén giấy loại to lớn hơn, loại công nghiệp đại quy mô. Y đến xem và không thích chút nào. Rõ ràng cỗ máy này không chỉ nén giấy loại, thỉnh thoảng có lẫn vào một cuốn sách bị vứt bỏ, như cỗ máy ép nhỏ của y, mà nó nuốt chửng hàng nghìn cuốn sách. Xe tải xếp hàng dài chở sách tới. Đó là một cỗ máy kiểm duyệt khổng lồ bằng kim khí, và là vật báo hiệu một thời đại mới. Nhìn thấy cỗ máy đồ sộ này rồi thì Haňťa phản ứng thế nào? Y quay về cỗ máy nhỏ một người điều khiển của mình, cố tăng sản lượng lên 50 phần trăm để khỏi mất việc. Như thường thấy ở Hrabal, sự phê phán chính trị được trung hoà một cách ranh mãnh bằng điều không đáng tin, trong trường hợp này chính là sự điên rồ của nhân vật thuật chuyện, kẻ suốt 35 năm nén giấy loại và cứu vớt những cuốn sách, một kẻ cắp tư tưởng, tâm trí y là một kiện nén chặt những ẩn dụ. Và lựa chọn huỷ diệt.

Đau yếu và tuyệt vọng, Bohumil Hrabal bị ám ảnh bởi “nỗi cô đơn ồn ào” của chính mình, và bởi chính một ý tưởng mà ông đã viết trong một bút ký: “nhảy từ tầng lầu thứ năm, từ căn hộ của tôi nơi mọi căn phòng đều đau đớn.” Ngày 3 tháng Hai 1997, nhà văn đã ngã xuống từ tầng thứ năm của một bệnh viện trong lúc đang cố cho đàn bồ câu ăn. Hình như đó là tai nạn.

James Wood 

Đăng Thư dịch

(Bài viết thuộc Zzz Review số 3, 30-10-2018)

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Đăng Thư

Đăng Thư là một bút danh dịch thuật của Trần Đức Tài, sống ở Đà Lạt, có dịch phẩm đầu tay xuất bản từ 1988 và vẫn tiếp tục dịch lai rai.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*