Bohumil Hrabal, quá ồn một nỗi cô đơn (trích)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 12 phút

Tôi viết xong quá ồn một nỗi cô đơn khoảng năm 1976 và thực tế tôi đã làm công việc giống như nhân vật Haňťa trong bốn năm 1954-1958. Nhưng kinh nghiệm của thời gian đó quá mạnh tới mức khi viết tôi không phân biệt được giữa mình và Haňťa nữa; chúng tôi đã hoà thành một… và ý tưởng cứ đeo bám tới mức nhiều lúc tôi ngồi viết ngay trong ô-tô. Tôi đã chọn hình thức thơ tự do, như Apollinaire, để viết phiên bản quá ồn một nỗi cô đơn đầu tiên. Tôi hoàn tất sau một tháng, và khi cảm xúc dịu lắng tôi đọc lại những gì đã viết, tôi không thích và lại ngồi xuống viết phiên bản quá ồn một nỗi cô đơn thứ hai gợi hứng từ bản đầu, và tôi chen vào trang viết ngôn ngữ đường phố và tiếng lóng của Prague, và quá ồn một nỗi cô đơn trở thành văn xuôi, kiểu văn nói. Và tôi lại sung sướng khi viết phiên bản thứ hai, và khi viết xong, sau một thời gian băn khoăn với bản văn và thấy rằng Haňťa tiếp nhận học vấn không có chủ đích, tôi thấy nên thử phiên bản thứ ba, và theo kiểu văn viết học thức hơn. Thế là tôi lại hào hứng bắt đầu phiên bản quá ồn một nỗi cô đơn cuối cùng, thỉnh thoảng tôi đọc lại hai phiên bản kia, và tôi viết, viết rất lâu cho đến khi tôi tìm ra giọng điệu của phiên bản này, chính là nó… Nhưng tôi sợ hãi cả ba phiên bản quá ồn một nỗi cô đơn đó.

(Bohumil Hrabal trả lời phỏng vấn dịch giả bản tiếng Ý Sergio Corduas ngày 14.09.1987)

 … Bóng đèn vẫn rọi xuống đầu tôi, hai nút xanh đỏ vẫn đẩy vách máng ép lui tới, và cuối cùng tôi cũng đã tới đáy đống giấy, và như một công nhân xây dựng xúc đất tôi dùng đầu gối làm đòn bẩy nạy lên lớp đáy giống đá vôi, giống đất sét. Quẳng một xẻng đầy đặc sệt cuối cùng vào máng ép, tôi tưởng tượng mình là người nạo ống cống đang dọn sạch một lòng kênh ngầm hoang phế. Tôi mở cuốn Thiên Thể Luận ra đặt vào kiện cuối cùng, và sau khi ràng dây thép quanh kiện, cho lên xe đẩy đi, và lăn nó xuống cùng chỗ các kiện khác, tôi ngồi trên bậc cấp thả hai tay buông thõng giữa hai chân chạm vào sàn bê-tông lạnh. Hai mươi mốt bông hoa hướng dương sáng soi gian hầm tăm tối và mấy con chuột còn lại run rẩy vì thiếu giấy; một con chạy tới tấn công tôi, nhảy chồm trên hai chân sau và tính cắn hay quật ngã tôi, thân hình bé tí vươn thẳng, nhảy xổ vào chân tôi và gặm vào chiếc giày cho đến khi nó sau cùng đã hụt hơi rồi ngồi ở một góc giương mắt nhìn chăm chăm, nhìn thẳng vào mắt tôi, và ngay lập tức tôi bắt đầu rùng mình, vì trong đôi mắt chuột ấy tôi đã thấy điều gì đó lớn hơn cả vòm trời tinh tú trên đầu hay quy luật luân lý trong lòng. Như một ánh chớp loè Arthur Schopenhauer[1] hiện ra trước mặt và cho tôi thấy rằng quy luật cao nhất là yêu thương, tình yêu thương chính là lòng thông cảm. Tôi đã hiểu ra tại sao Arthur ghét anh chàng lực sĩ Hegel, và tôi mừng là Hegel với Schopenhauer không cầm đầu hai đạo quân thù địch, bởi vì hai người đó sẽ giao tranh cùng một trận chiến giống hệt như hai binh đoàn chuột trong lòng cống Praha.

Tôi đã rã rời khi về tới nhà nên để nguyên quần áo ngả người xuống giường, và nằm vắt ngang đó dưới mái che là những dãy kệ chứa hai tấn sách, tôi nhìn lên xuyên qua ánh sáng lờ mờ ngoài đường hắt vào và qua những khe hở trong các kệ sách, và khi mọi vật im lặng như tờ tôi bắt đầu nghe tiếng răng chuột gặm, nghe chúng nhấm liên tục trên vòm trời sách của tôi, và âm thanh rúc rích ấy khiến tôi kinh hãi, bởi vì chẳng bao lâu nữa chúng sẽ làm ổ, và vài tháng nữa sau khi lũ chuột làm ổ chúng sẽ tìm được chốn an cư, và sáu tháng sau chúng sẽ thành cả một ngôi làng, và theo cấp số nhân sẽ cùng phát triển trong vòng một năm thành một đô thị, một đô thị chuột có khả năng gặm thủng những vách ván và xà nhà hết sức tài tình tới độ chả mấy lúc – phải, thời gian không còn xa nữa – chỉ cần một tiếng lớn giọng hay một động chạm vô tình là nguyên cả hai tấn sách đổ ập xuống đầu tôi và trả thù tôi cho thoả vì bao nhiêu kiện giấy tôi đã nghiến bẹp lũ chuột bên trong. Dù vậy, tôi vẫn nằm đấy, lơ mơ ngủ, chìm đắm trong tiếng gặm nhấm không ngừng trên đầu, và như thường lệ khi tôi thiếp đi, hoà vào giấc ngủ cùng tôi là cô gái di-gan bé bỏng mang hình hài dải Ngân Hà, nàng di-gan lặng lẽ, vô tư là mối tình thanh xuân của tôi và từng đứng chờ tôi với một bàn chân hơi đưa lên phía trước và đặt sang một bên, như tư thế cơ bản của người vũ nữ ballet, người đẹp yêu kiều đã quên lãng từ lâu của tôi thời trai trẻ.

Người nàng đầy mồ hôi và một chất nhờn mùi sáp thơm xạ hương bao bọc những ngón tay tôi ve vuốt, và nàng luôn mặc cùng một chiếc váy phía trước dính đầy nước xúp và nước thịt và phía sau đầy những đốm mọt đục và vôi trắng do mang vác những tấm gỗ mục nàng tìm được trong đống đổ nát. Tôi gặp nàng gần cuối cuộc chiến khi trên đường về nhà từ quán Horky, nơi tôi đã làm mấy vại bia, nàng đã bám riết lấy tôi, đi theo không mời gọi, khiến tôi phải ngoái qua vai trò chuyện, nàng không thử bước lên trước một lần, cứ khoan thai lặng lẽ đi sau, và khi tới giao lộ đầu tiên tôi nói, À, tạm biệt, anh phải đi đây; nhưng nàng nói nàng đang đi cùng hướng, khi đến cuối đường Ludmila tôi nói, À, tạm biệt, anh phải về nhà thôi; và nàng nói nàng đang đi cùng hướng, thế là chúng tôi đi, tôi cố ý đi đến tận Žertva rồi chìa tay ra cho nàng và nói, Giờ anh phải về nhà thôi; nhưng nàng vẫn em đang đi cùng hướng, khi đã đến đường Na Hrázi, tôi nói anh đến nhà rồi và chúng ta phải chia tay; và khi đã dừng chân dưới ngọn đèn khí đốt trước cửa nhà mình và đã nói, À, tạm biệt thôi, đây là nơi anh sống; nàng vẫn là em cũng sống nơi đây, thế là tôi mở cửa rồi ra dấu nhường cho nàng vào nhưng nàng từ chối bảo tôi đi trước, do hành lang tăm tối, tôi nghe theo, đi xuống cầu thang vào sân trong rồi lên tới cửa phòng mình, và khi mở cửa, tôi quay lại bảo, À, tạm biệt, đây là phòng của anh; và nàng nói đó cũng là phòng nàng, rồi nàng vào trong, chia sẻ chiếc giường cùng tôi, và khi tôi thức dậy trên chiếc giường còn ấm hơi nàng thì nàng đã ra đi. Nhưng hôm sau, và ngày ngày sau nữa, tôi vừa đặt chân vào sân nhà là đã thấy nàng ngồi trên bậc cấp trước cửa phòng tôi và nằm dưới cửa sổ là mấy tấm gỗ trắng và xà nhà cưa nhỏ, tôi mở khoá, nàng thường bật dậy như con mèo và chạy vụt vào phòng, cả hai không ai nói một lời. Sau đó tôi đi mua bia với chiếc bình lớn năm lít, còn cô gái di-gan sẽ nhóm chiếc lò gang cũ, lò cháy phừng ngay cả khi mở cửa lò, do phòng này từng là tiệm thợ rèn có trần cao và một lò sưởi khổng lồ, và nàng sẽ làm bữa tối, lúc nào cũng chỉ một món goulash khoai tây với salami thịt ngựa, rồi ngồi bên lò, châm củi đều, lửa nóng rực khiến vạt áo nàng ánh vàng và mồ hôi ánh vàng trên đôi tay, trên cổ và trên gương mặt trông nghiêng không ngừng biến đổi, còn tôi nằm trên giường, chỉ ngồi dậy giải khát bằng bình bia, uống xong tôi đưa bình cho nàng, và nàng thường cầm chiếc bình lớn bằng cả hai tay rồi uống say sưa tới mức tôi nghe tiếng cổ họng nàng máy động, nghe trong ấy một âm rền rĩ khe khẽ như tiếng máy bơm đâu đó xa xăm. Ban đầu tôi nghĩ nàng cho quá nhiều củi vào lò cho tôi hài lòng, nhưng sau đó tôi hiểu ra chính là lửa ở trong nàng, ngọn lửa thâm tâm, nàng không thể sống thiếu lửa.

Như thế chúng tôi cùng chung sống mặc dù tôi quả thật không hề biết tên nàng và nàng không hề biết hay muốn hay cần biết tên tôi; chúng tôi cứ gặp nhau mỗi tối, dẫu tôi không bao giờ giao cho nàng chìa khoá và có khi ở ngoài rất muộn, mãi tới nửa đêm, nhưng ngay khi tôi mở cửa chính là sẽ thấy một chiếc bóng lướt qua, và nàng đó, đánh một que diêm, đốt mấy tờ giấy, và một ngọn lửa sẽ phập phồng bừng cháy trong lò, cái lò nàng không ngừng châm bằng nguồn củi gỗ của cả tháng nàng đã đặt dưới cửa sổ. Và sau đó trong buổi tối, lúc chúng tôi im lặng dùng bữa, tôi thường bật sáng đèn lên ngắm nàng bẻ bánh mì ăn cứ như đang nhận thánh thể rồi gom hết vụn bánh trên váy áo sùng kính ném vào lửa. Rồi chúng tôi tắt đèn và nằm ngước lên trần nhà nhìn vào vùng lung linh của bóng tối và ánh sáng, chuyến đi tới bình bia trên bàn giống như việc lội qua một hồ cá đầy rong rêu và các loài hải tảo hoặc như cuộc săn rình băng rừng rậm giữa đêm trăng, và trong lúc uống tôi luôn quay lại ngắm nàng di-gan trần truồng của mình đang nằm kia nhìn ngược lại, tròng mắt trắng rạng ngời bóng đêm; chúng tôi nhìn nhau trong bóng tối nhiều hơn dưới ánh ngày, tôi luôn thích giờ chạng vạng, khoảng thời gian duy nhất tôi có cảm giác rằng một điều quan trọng nào đó có thể xảy ra, mọi thứ đều tuyệt vời hơn khi chìm trong ánh nhá nhem, mọi con đường, mọi quảng trường, và mọi con người đang đi băng qua; tôi thậm chí tưởng tôi là chàng trai trẻ đẹp, và tôi thích ngắm mình trong gương, nhìn bóng mình trên các ô cửa kính bày hàng trong lúc sải bước đi, và ngay cả khi tôi sờ lên mặt mình, tôi không hề cảm thấy nếp nhăn nào quanh miệng hay trên trán. Đúng, đi cùng sáng tối chập choạng là vẻ đẹp. Bên ngọn lửa trong chiếc lò để mở, nàng di-gan đứng dậy, trần truồng, và trong lúc nàng di chuyển, tôi nhìn thân hình nàng hiện rõ đường nét trong hào quang vàng của lửa như vòng hào quang bao quanh tượng thánh cha Ignace de Loyola gắn cứng trên đỉnh mặt tiền nhà thờ ngoài Quảng trường Charles. Và khi thêm ít củi vào lửa rồi quay lại nằm trên người tôi, nàng quay đầu ngắm gương mặt trông nghiêng của tôi và lướt ngón tay quanh mũi miệng tôi; nàng không bao giờ hôn tôi và tôi cũng không hôn nàng, chúng tôi nói mọi điều bằng những bàn tay và rồi nằm đó nhìn những tia lửa và ánh bập bùng trong chiếc lò gang cũ méo mó, những vòng xoắn ánh sáng từ cái chết của gỗ. Chúng tôi chỉ muốn được sống như thế mãi mãi, vô cùng, chẳng khác gì chúng tôi đã nói hết mọi điều cần nói với nhau, chẳng khác gì chúng tôi đã sinh ra cùng nhau và không bao giờ chia lìa. Trong mùa thu cuối cùng của cuộc chiến tôi đã mua ít giấy gói màu xanh, một cuộn dây bện, keo dán, và trong lúc nàng di-gan luôn châm đầy bình bia cho tôi, tôi bỏ nguyên một ngày Chủ Nhật ngồi dưới sàn nhà làm một con diều, cân bằng thật kỹ để diều bay cao được, và tôi đính vào một cái đuôi dài làm bằng những con bồ câu giấy bé tí do nàng di-gan kết nối chúng vào nhau theo hướng dẫn của tôi, rồi chúng tôi lên đồi Okrouhlík, và sau khi tung diều lên trời và thả cuộn dây cho diều kéo tự do một lúc, tôi nắm dây lại giật vài cái cho con diều vươn thẳng và đứng bất động giữa trời chỉ còn mỗi chiếc đuôi rập rờn chữ S, và nàng di-gan đưa tay che mặt chừa hai con mắt, đôi mắt mở to ngỡ ngàng. . . Rồi chúng tôi ngồi xuống và tôi giao nàng cuộn dây, nhưng nàng kêu lên sợ con diều sẽ kéo nàng bay lên trời, nàng có cảm giác mình sẽ thăng thiên như Mẹ Đồng Trinh; thế là tôi đặt hai tay trên vai nàng và nói nếu vậy chúng ta sẽ bay cùng nhau, nhưng nàng trả lại tôi cuộn dây rồi cả hai cứ ngồi yên, đầu nàng tựa vai tôi, và đột nhiên tôi nảy ra ý định gửi đi một lời nhắn, tôi lại giao con diều cho nàng di-gan, nhưng nàng lại điếng người bảo diều sẽ bay đi cùng nàng và nàng sẽ không bao giờ gặp lại tôi nữa, tôi bèn cắm chiếc que xâu cuộn dây xuống đất, xé một tờ trong tập giấy của tôi rồi gắn vào đuôi diều, ngay khi cuộn dây đã nằm lại trong lòng bàn tay tôi, nàng bắt đầu thét lên với tay theo lời nhắn khi con diều giật mảnh giấy vút lên trời cao, từng đợt gió luồn qua những ngón tay tôi rồi lan toả khắp người, ngay cả tôi cũng cảm nhận ra lời nhắn đã chạm tới mũi diều, và bất ngờ tôi rùng mình toàn thân, bởi bất ngờ cánh diều trở thành Chúa Cha và tôi là Chúa Con, còn sợi dây là Chúa Thánh Thần sẽ cho con người tiếp xúc với Tối Cao, đối thoại cùng Thượng Đế. Và khi chúng tôi đã cho diều lượn bay vài vòng nữa, nàng di-gan thu hết can đảm cầm lấy sợi dây, cũng run rẩy như tôi run rẩy, run rẩy nhìn cánh diều run rẩy trong lồng lộng gió, rồi quấn sợi dây quanh ngón tay, nàng hét lên niềm vui sướng ngất ngây. . .

Một tối tôi về nhà không thấy nàng đâu nữa. Tôi bật đèn sáng rồi cứ lui tới từ nhà ra đường đến tận sáng, nhưng nàng không về, không về hôm đó hay hôm sau và mãi không trở lại, dù tôi tìm kiếm khắp nơi. Cô gái di-gan bé bỏng như trẻ nhỏ của tôi, đơn giản như gỗ mộc, như hơi thở Thiên Thần; nàng nào muốn gì hơn là châm bếp lò bằng những tấm ván và xà gỗ to nặng, lấy từ những đống đổ nát, mà nàng mang trên lưng như mang thánh giá; nàng nào muốn gì hơn là làm món goulash khoai tây với salami thịt ngựa, châm củi nuôi ngọn lửa, và thả những con diều mùa thu. Sau này tôi biết nàng bị Gestapo bắt giữ và đưa đi cùng một nhóm người di-gan đến tại tập trung, và nàng không bao giờ trở về, không rõ đã chết thiêu ở Majdanek hay chết ngạt trong buồng hơi ngạt Auschwitz. Trời cao không nhân đức, dù tôi lúc ấy nhân đức vẫn còn. Khi nàng không trở về sau cuộc chiến, tôi đốt con diều và cuộn dây và chiếc đuôi dài nàng đã trang trí, cô gái di-gan nhỏ bé mà tên nàng tôi đã quên.

Đến tận những năm 1950 gian hầm tôi vẫn chất cao những ấn phẩm Quốc xã, và không có gì tôi thích thú cho bằng lèn chặt hàng tấn truyền đơn và tập sách của Quốc xã, hàng trăm ngàn trang có in hình đàn ông, đàn bà, trẻ con tung hô, bô lão tung hô, công nhân tung hô, nông dân tung hô, lính SS tung hô, binh sĩ tung hô. Tôi đặc biệt khoái trá khi chất đầy máng ép với Hitler và tuỳ tùng tiến vào Danzig đã giải phóng, Hitler tiến vào Warsaw đã giải phóng, Hitler tiến vào Praha đã giải phóng, Hitler tiến vào Vienna đã giải phóng, Hitler tiến vào Paris đã giải phóng, Hitler ở nhà, Hitler dự lễ hội mùa gặt, Hitler với con chó chăn cừu trung thành, Hitler viếng thăm binh sĩ ở tiền phương, Hitler thị sát hàng rào phòng thủ Đại Tây Dương, Hitler trên đường đến các thành phố đã khuất phục ở phía Đông và phía Tây, Hitler khom lưng trên bản đồ quân sự. Và càng lèn chặt những đàn ông, đàn bà, trẻ con tung hô ấy, tôi càng nghĩ đến nàng di-gan của mình, người không bao giờ tung hô, người nào muốn gì hơn là châm củi lửa, làm món goulash khoai tây, và rót đầy bình bia lớn cho tôi, nào muốn gì hơn là bẻ bánh mì ăn cung kính như được ban Thánh Thể và nhìn vào cửa lò, ngây người vì ánh hồng và sức nóng và tiếng reo của ngọn lửa, bài ca của lửa, ngọn lửa nàng đã quen thuộc tự ấu thơ và là mối ràng buộc thiêng liêng của dân tộc nàng, ngọn lửa đẩy lùi mọi đau khổ sau lưng và dỗ dành gương mặt nàng nở nụ cười sầu muộn, một phản chiếu của hạnh phúc đủ đầy. . .

Bây giờ tôi đang nằm ngửa vắt ngang giường và một con chuột bé tí vừa rơi xuống ngực tôi, trượt nhanh xuống sàn nhà, rồi cuống cuồng tìm chỗ nấp dưới gầm giường; có lẽ tôi đã mang về nhà mấy con chuột trong cặp táp hay cả trong túi áo khoác nữa. Một mùi hương thoảng từ dưới sân trôi dạt lên phòng; trời sắp mưa, tôi tự nhủ. Quá mệt vì công việc và bia, tôi không thể nhúc nhích dù chỉ một ngón tay; đã hai ngày ròng tôi dọn sạch gian hầm chấp nhận hy sinh những con vật nhỏ bé hèn mọn mà chúng nào muốn gì hơn là nhấm nháp vài cuốn sách cũ và sống trong những hang hốc giấy loại, sinh ra những con chuột khác và nuôi chúng trong những cái ổ ấm áp, những con chuột bé nhỏ nằm cuộn tròn giống như nàng di-gan bé nhỏ nằm cuộn tròn cạnh tôi những đêm lạnh lẽo. Trời cao không nhân đức, nhưng tôi cũng đã quên thông cảm và yêu thương.

[1] Arthur Schopenhauer (1788–1860), triết gia Đức là người đã đồng thời phản bác cũng như mở rộng tư duy triết học của Immanuel Kant và xây dựng lý thuyết siêu hình.

 

Đăng Thư dịch

(Bài viết thuộc Zzz Review số 3, 30-10-2018)

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Đăng Thư

Đăng Thư là một bút danh dịch thuật của Trần Đức Tài, sống ở Đà Lạt, có dịch phẩm đầu tay xuất bản từ 1988 và vẫn tiếp tục dịch lai rai.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*