Cho tôi cảm ơn bác Trump
Những người sản xuất của Hulu vẫn hoài công nhắc nhở rằng season 1 bộ phim đã gây sóng gió The Handmaid’s Tale (2017) đã lên ý tưởng chuẩn bị đi vào sản xuất từ lâu trước khi Đại gia Trump trở thành Người Quyền Lực Nhất Trái Đất số 45 và một nửa nước Mỹ chợt thấy mặt đất dưới chân mình chao đảo, trong số đó có một lượng lớn các chị em kinh hãi thấy “grab them by the pussy” hẳn sẽ đi vào lịch sử trong top 5 danh ngôn được trích dẫn nhiều nhất của các đời tổng thống. Nhưng nếu trái đất đã xoay đi hơi khác, thì dưới thời nữ tổng thống đầu tiên của Hua Kỳ, hẳn đã không có các Women’s March hay khí thế tức nước vỡ bờ của #MeToo, bộ phim cũng không thể lên như diều gặp gió thời đại, các site phim lậu ở đất nước luôn nhanh nhảu về giải trí ở cách nửa vòng trái đất rẽ từng mây đã không nhập khẩu về ồ ạt, khiến một loạt bạn trẻ thế hệ sau bỗng dưng sốt sắng đi lùng tìm một cuốn sách ế đã tuyệt bản vài năm nay, làm đơn vị xuất xưởng cuốn sách ế nói trên sau khi nhấc lên đặt xuống nhiều lần cũng nhún vai tái bản, còn tôi có dịp đọc lại bà nhà văn đã trở thành ánh sáng của đời tôi này. Vậy là qua một chuỗi sự kiện rất ngoắt ngoéo về logic và cộng dồn những (tiến) độ trễ về thời gian, tôi có Trump để cảm ơn (và quý vị đã biết ai cần đổ tội) vì có cơ hội viết những dòng này, về Chuyện người Tùy nữ sắp tái bản tiếng Việt và hứa hẹn vẫn ế y như trước.
Bài viết dài vạn chữ; trong lúc suy nghĩ xem có thực sự nên lao vào hay không, mời quý vị ngắm một vài tấm ảnh cosplay Tùy nữ ngoài đời thực:
Margaret Atwood và Chuyện người Tùy nữ trong vỏ hạt dẻ…
Một sự khảo cổ kiểu Foucault về danh tiếng đôi khi nhắc lại cho ta những điều đáng kinh ngạc. Margaret Atwood, bảo vật quốc gia và mặt hàng xuất khẩu văn học hàng đầu của Canada, 5 tiểu thuyết vào chung kết Booker, hot girl của văn học highbrow hiện đại, đã thay hình đổi lốt rất nhiều trước khi đậu lại thành “bà già tiểu thuyết nữ quyền số 1 thế giới” (nói tiếng Anh) như ngày nay. Nguyên thủy, bà là nhà thơ. Tập thơ đầu tay The Circle Game, 1964, khi bà 25 tuổi và đã kết thúc cao học/đang làm tiến sĩ ở Harvard, in ở một nhà in không thể indie hơn, với một cái bìa tự vẽ, giành Giải Thủ hiến danh giá nhất Canada năm 1966; bà đã ra thêm 3 tập thơ nữa trước khi tiểu thuyết đầu tay The Edible Woman ra mắt sau 2 năm nằm lì trong chồng bản thảo bị lãng quên nhờ được giải thưởng kia ủn mông. Không phải bà lập tức thành nhà tiểu thuyết nổi tiếng: cuốn sách được chú ý tiếp theo là Survival: A Thematic Guide to Canadian Literature, một thứ “sổ tay tìm hiểu văn học Canada” qua chủ đề “Sống sót” mà bà coi là cái làm nên Canada tính. Cuốn sách nghiên cứu văn học này bán được 30 nghìn bản, gấp mười lần mong đợi của tác giả lẫn nhà xuất bản, và có ý kiến cho rằng chính nó đã giúp hồi phục nhà xuất bản indie House of Anansi lúc đó đang chật vật sắp khai tử.
Thời gian sau đó, Atwood làm thơ và viết truyện ngắn, tiểu thuyết, nhưng chủ yếu là viết bài, biên tập, dạy học, đi giảng khắp nơi. Nhiệt tâm của bà thời kỳ này dồn vào việc phát hiện lại văn học Canada mà trước những năm 1960 vẫn bị coi là không tồn tại, không có lấy một hình mẫu, và không một nhà xuất bản cho ra hồn. (Hội đồng nghệ thuật Canada, nhằm hỗ trợ cho tác giả và nghệ sĩ Canada – trong nước cũng như quốc tế; cả hai cuốn Atwood dịch ở Việt Nam cũng như rất nhiều cuốn sách của các tác giả Canada khác đều có sự hỗ trợ của hội đồng này – mãi tới năm 1957 mới được lập ra, 6 năm sau khi bản báo cáo Massey cho biết sau Thế chiến 2, có những năm xuất bản Canada chỉ cho ra chưa đầy 20 cuốn sách hư cấu. [Độ trễ có vẻ cũng là một hiện tượng phổ biến ở Canada.]) Survival của bà đã cho Canada một ý thức về bản thân, dù là một ý thức gây tranh cãi và phản bác đến tận giờ; những hoạt động của bà ở Hội nhà văn Canada và PEN Canada cũng như các buổi giảng ở nước ngoài nỗ lực giới thiệu văn học Canada ra thế giới. Năm cuốn tiểu thuyết đầu tiên, và mười trong số mười sáu cuốn tiểu thuyết đã ra mắt (mới nhất 2016) của bà đều lấy bối cảnh Canada, với dàn nhân vật và những vấn đề Canada đậm đặc; việc Chuyện người Tùy nữ lấy bối cảnh ở một nước Mỹ viễn tưởng hóa đã trở thành cuốn sách nổi tiếng thế giới đầu tiên và phổ biến nhất của bà, cơ hồ xóa hẳn tính ngữ “Canada” khi thế giới nghĩ đến Atwood, có thể coi là một sự mỉa mai của danh tiếng và sự truyền bá tác phẩm văn học[1].
Trên bình diện tạm gọi là tính nữ cũng tương tự: Chuyện người Tùy nữ, ba mươi ba năm sau khi nó ra đời, nổi tiếng, trở thành kinh điển, được lọc qua bộ lọc của nhiều năm SparkNotes, CliffNotes và các loại Notes và bây giờ là qua bộ lọc của series phim Hulu, đã được tiếp nhận như là đại biểu của Atwood, nữ quyền, và nữ quyền made in Atwood. Với hầu hết độc giả, đấy sẽ là sự tiếp nhận đầu tiên và duy nhất về bà, nếu có. Xét trên góc độ một fan Atwood đang phấn đấu trở thành completist, hay một độc giả chuộng văn học cao cấp, đây là một điều đáng tiếc: Chuyện người Tùy nữ như một tác phẩm, có thể gọi là ở mức trung bình của Atwood, giống như 1984 là mức trung bình của Orwell. (Nói như vậy, dĩ nhiên, không có nghĩa đó là một tác phẩm ở mức trung bình per se.) Thân phận người nữ trong đó nhạt nhòa so với ngay cả những cuốn sớm như Surfacing hay Lady Oracle, không hình tượng nữ nào sánh được những quái tượng trong The Robber Bride hay Alias Grace, thế giới viễn tưởng thua xa sự đầu tư và chi tiết khi xây dựng MaddAddam và thiếu tính giải trí hơn hẳn The Heart Goes Last, còn lối văn tỉ mẩn khiến nhiều người ứa nước mắt vì đẹp còn nhiều người khác nghiến răng vì không chịu nổi, thì mới ở trình tập sự so với Tay sát thủ mù đoạt giải Booker hay cuốn mới nhất Hag-Seed cự phách.
Tuy nhiên, xét trên góc độ “vấn đề phụ nữ”, cả trong tác phẩm lẫn trong sự tương tác với thế giới bên ngoài, thì Chuyện người Tùy nữ là một cuốn vỡ lòng rất tốt; nó không chỉ gom hầu như đầy đủ mọi vấn đề Atwood từng bàn đến về cái tạm gọi là căn tính nữ, mà còn tiếp cận những vấn đề đó theo những hướng mà các tác phẩm về sau chỉ củng cố và làm rõ thêm chứ không hề lật ngược. Sự tiếp nhận bùng nổ của những người xem đối với season 1 của phim, việc cuốn sách trở thành đầu sách bán chạy nhất của Amazon và Audible năm 2017, cho thấy bộ vấn đề đó đã và vẫn là những điều cơ bản mà phụ nữ ngày nay phải đối mặt, dù có thể hình hài đã thay đổi chút ít. Và Atwood, một nhà hoạt động xã hội/chính trị/môi trường cũng nhiều như một nhà văn, hẳn không phiền khi thấy thế hệ mới đã hớn hở cướp lấy biểu tượng ruột của bà để biến thành một biểu tượng hùng mạnh của hoạt động chính trị thập kỷ 201x.
[1] Trong năm cuốn còn lại, bộ ba MaddAddam cùng cuốn The Heart Goes Last diễn ra ở thế giới viễn tưởng/hậu tận thế với một dáng vẻ lờ mờ của nước Mỹ, và The Penelopiad là bản kể lại Odysseia từ góc nhìn của Penelopia. Cũng cần nói thêm là những cuốn lấy bối cảnh Canada được công nhận quốc tế của bà như Alias Grace (shortlist Booker 1996) hay Tay sát thủ mù (Booker 2000) đều được chú ý dưới góc độ nghệ thuật – người kể chuyện, cấu trúc tác phẩm, tính khả tín vân vân, và Hag-Seed 2016 là bản kể lại Cơn bão trong dự án Hogarth Shakespeare. Thế giới hầu như không nhận thấy căn cước Canada của Atwood, một sự mù địa lý phổ biến với những nhà văn nào không nổi tiếng nhờ độ hương xa của họ.
… và trong (?) cái khung “nữ quyền”
Dĩ nhiên, có thể sẽ có người phản đối cách diễn giải ấy đối với hình tượng người Tùy nữ, giống như một người đọc theo chủ nghĩa thuần túy (tôi) sẽ ít nhất cảm thấy gai gai khi nghe đến câu độc thoại nội tâm hết sức phi-Atwood trong tập cuối season 1, hứa hẹn nhiều đấu tranh, kịch tính và đánh trùm trong các season sau: “Đáng ra chúng đừng nên nhét chúng tôi vào đồng phục nếu không muốn chúng tôi trở thành một đạo quân.” Và những người trẻ đến từ phim có ấn tượng về Atwood như một ngọn đuốc sáng của phong trào nữ quyền thế giới hẳn sẽ giật mình khi đọc bản thân quyển sách, từ quan điểm “nữ quyền” như phổ biến hiện tại.
Thật ra, tôi vừa nói một câu khá hàm hồ; vì nếu hỏi thế nào là quan điểm nữ quyền hiện tại, tôi cũng chỉ có thể lắp bắp rồi thú nhận rằng kể cả nếu có ngụp vào một bể tất cả những bài lý thuyết và bút chiến mà người viết có một quan điểm rành mạch, rõ ràng (chưa nói đến mù mờ, lộn xộn, hay đầu một đằng đuôi một nẻo) thì tôi cũng sẽ chỉ trồi lên trong hoang mang, và đáp y như trước đó: tôi có cảm giác rằng quan điểm thống trị về nữ quyền là một cái gì đó chống đàn áp của đàn ông? và có lẽ là chống đàn ông? hay là giống đàn ông? hay là lập ra một trục hoàn toàn mới, không chỉ vuông góc, hay song song không bao giờ cắt, hay nằm trên một mặt phẳng hoàn toàn khác, thậm chí một chiều không gian khác với hệ tọa độ đàn ông, mà thuộc về một cõi khác nơi mọi quy tắc vật lý và nhân lý của thế giới đàn ông chẳng những không áp dụng mà còn không có lấy một ly leo ý nghĩa? :v Sau đó tôi sẽ bao biện rằng sự hoang mang ấy thật ra cũng rất là Atwood, người đã trở nên khét tiếng vì luôn chặn các câu hỏi nào có chữ “nữ” đứng cạnh chữ “quyền” bằng một tràng câu hỏi ngược: “Chị nói vậy nghĩa là sao? Tôi không ký khống đâu. Chị muốn nói tôi là kiểu nhà nữ quyền năm 1972 cho rằng đàn bà đi ngủ với đàn ông là phản bội giới? Tôi không phải nữ quyền kiểu đó. Tôi cũng không phải kiểu cho rằng đàn bà chuyển giới từ đàn ông thì không phải đàn bà. Vậy nên chị hãy cho tôi biết ý chị là gì rồi tôi sẽ nói tôi có phải kiểu đó không.”
Atwood, hiển nhiên, có một mối quan hệ khó khăn với cái nhãn này, từ tất cả các phe. Gần nhất, đầu năm 2018, một bài viết thường được tóm tắt bằng “Atwood chỉ trích #MeToo” của bà đã gây một cơn bão nhỏ trên mạng: “Tôi có phải là nhà nữ quyền tồi?” (“Am I a bad feminist”, nhân thể, là một cái tít vô cùng phổ biến trên các blog và tạp chí mạng; có vẻ phong trào nữ quyền cực đoan cũng gặp khó khăn với vấn đề [mà họ nghĩ rằng] tự diễn biến tự chuyển hóa). Điều nực cười là bà viết bài này mong dập tắt một cơn bão trước, khi lá thỉnh nguyện thư năm 2016 bà ký vào cùng nhiều người khác đòi nguyên tắc suy đoán vô tội cho một đồng nghiệp ở trường đại học bị cáo buộc quấy rối tình dục sinh viên đã được miệt mài ném đá. Atwood, tấm gương nữ quyền sáng chói, họ nói, đã phản bội lý tưởng. “Vì sao lại đi coi trách nhiệm và tính minh bạch là đi ngược với quyền của phụ nữ? Cuộc chiến trong nội bộ phụ nữ, trái với cuộc chiến chống phụ nữ, luôn khiến những kẻ ác ý với phụ nữ được khoái trá,” bà khẩn khoản yêu cầu đình chiến. “Atwood… nên thôi gây chiến với phụ nữ trẻ hơn, ít quyền lực hơn, thì hơn,” một cựu sinh viên trường đó và là nữ nhà văn trẻ (hơn) đáp, và tiếp tục cáo buộc Atwood cùng mọi bà già thế hệ cũ đã quá sành sỏi các phương thức để leo lên vị trí quyền lực như hiện giờ đến nỗi đánh mất khả năng thấu cảm với nạn nhân?. Ngày hôm đó Atwood, một người thường chỉ dành mỗi ngày mười phút trên mạng xã hội, đã bắn 30 cái tweet ngang ngửa level Trump, khiến mọi báo chí nghiêm túc lẫn lá cải trên mạng được một bữa bắp rang tức bụng.
Với Atwood, điều này chẳng qua là tiếp diễn những gì đã khởi đầu từ khi bà lớn lên trong làn sóng nữ quyền thứ hai. “Vấn đề của tôi không phải là người khác bắt tôi mặc váy hồng bèo nhún – vấn đề là tôi muốn mặc váy hồng bèo nhún, còn mẹ tôi, với kiểu của mẹ tôi, thì không muốn vậy. … Đã đi qua giai đoạn đầu của hình thức nữ quyền mà trong đó các chị không được phép mặc váy tô son – tôi không bao giờ muốn dính dáng gì với thứ đó,” bà nói, một tình cảm hẳn đã trở thành căn bản cho cô gái trẻ bị biến thành người kế tục cho “Chase và con trai” trong Tay sát thủ mù. Ấn tượng về làn sóng thứ hai ấy đã được trút hết vào hình ảnh người mẹ trong Chuyện người Tùy nữ: “Tôi nhớ mẹ trở về căn hộ nào đó trong vô số nơi chúng tôi đã sống, dẫn theo một bầy phụ nữ, trong số bạn bè không ngừng đổi mặt. Hôm đó họ vừa biểu tình về; đó là vào quãng nổi loạn chống khiêu dâm, hay là chống phá thai, hai cái cũng gần nhau. … Tôi thật không hiểu sao mẹ phải ăn mặc lối đó, lại còn quần yếm, cứ như trẻ trung lắm không bằng, không hiểu sao mẹ phải văng tục luôn miệng. Mày đúng là con rùa rụt cổ, mẹ thường bảo tôi, giọng điệu thực ra khá hài lòng. Mẹ thích tỏ ra tợn tạo hơn, nổi loạn hơn tôi.”
Tất nhiên, giới nữ quyền “chính thống” không hài lòng. “Thứ tiểu thuyết của nhà thơ,” một trong những nhà văn nữ điểm sách đầu tiên khịt mũi. “Thiếu hẳn sự châm biếm có thể trở thành mãnh lực tiêu diệt… không đáng sợ, chẳng có gì thức tỉnh.” “Tư thế chủ thể của nhân vật chính là tư thế nạn nhân,” một giáo sư (nam) phàn nàn. “Với mục tiêu là một văn bản nữ quyền [tôi nhấn mạnh], cuốn sách… triệt để từ chối đưa ra hình mẫu đáng học tập hay một lối thoát khác.” Nói ngắn gọn, cuốn sách dừng lại ở chủ nghĩa hiện thực, nhưng chưa tiến nổi tới chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Atwood, người luôn nhấn mạnh rằng cuốn 1984 “từ điểm nhìn của phụ nữ – thế giới theo Julia” này không phải “một cuốn ‘phản không tưởng nữ quyền’, trừ phi trao cho người đàn bà tiếng nói và đời sống nội tâm sẽ luôn bị gán mác ‘nữ quyền’ từ những kẻ nghĩ rằng đàn bà không đáng có những thứ đó”, hẳn chỉ thấy buồn cười. Cho đến khi Elisabeth Moss, diễn viên đóng vai Offred đang nổi đình nổi đám, trong một liên hoan phim thốt lên “tôi thấy đây không phải một câu chuyện có tính nữ quyền. Đấy là một câu chuyện về con người, bởi quyền của phụ nữ là quyền của con người” đã dấy lên một cơn bão nữa khiến cô và bản thân Atwood phải đi thanh minh tới tấp.
Cho tới đây đã có hơi nhiều cơn bão, có lẽ đã nên kết thúc phần này; phần tiếp theo sẽ là đầm lầy, mời quý vị ngắm một tấm ảnh Atwood trước khi tôi chuyển sang lảm nhảm về bản thân.
Mưa có rơi và nắng có phai
Sự phong phú của các diễn ngôn xã hội hiện đại đã biến tất cả chúng ta thành người dốt; không phân biệt tuổi tác, trình độ giáo dục hay số lượng tiếng hàng ngày lê la trên mạng Internet, sớm hay muộn chúng ta sẽ bắt gặp một vấn đề xã hội mà mình hoàn toàn không biết chút gì, và buộc phải bổ sung gấp ít nhất là thông tin nền nếu không muốn lỡ mồm thốt ra câu gì cho thấy rõ mình còn đang ở level dựa cột. Đó không phải vì thế giới đã trở nên phức tạp, như những người cảm thấy phiền hà vì điều này thích nghĩ; mà vì chỉ trong khoảng nửa thế kỷ trở lại đây sự dân chủ hóa về tiếng nói mới khiến người ta nhận rõ sự phức tạp cố hữu của thế giới: rằng bên ngoài Ta mà ta vẫn tưởng là trung tâm, có một/nhiều người Khác với những kinh nghiệm không kém phần có thực và điểm nhìn không kém phần chính đáng, với tiếng nói thường khi bị trấn áp hoặc trên phạm vi chung của xã hội, hoặc ít ra là trong bong bóng hạn hẹp của ta.
Trong số đó, thế lưỡng phân nam-nữ là một tình huống đặc biệt, dù có thể coi là cơ bản: bởi phần lớn mọi người trên thế giới có thể sống hết cuộc đời mà không tiếp xúc với, hoặc tiếp xúc mà không hề ý thức có (không chỉ vì ngồi trong tủ vẫn còn là một môn thể thao ưa thích trong mọi gia đình) một màu da khác, một tôn giáo khác, một sắc tộc khác, một giai cấp khác, một triết lý sống khác, một giới tính phi nhị nguyên, hoặc ở vài trường hợp hiếm hoi như Donald Trump thì dường như đã tránh được toàn bộ những điều trên, thì sự phân biệt giữa nữ và nam là điều bất cứ ai cũng được chứng kiến trong đời sống thường ngày; nhưng điều kỳ dị là, cho dù bản thân ta hoặc là thuộc về giới tính xã hội nữ, hoặc là kẻ Khác đối với giới tính xã hội nữ (tạm thời ở đây, giống như trong vật lý lý thuyết, tôi lại xin được giới hạn trong nhị nguyên), thì trừ những công thức sơ cấp như “làm con gái thật tuyệt” hay “đau đớn thay phận đàn bà”, diễn ngôn của căn tính nữ nói chung vẫn là một điều xa lạ trong đời sống thường ngày với những người không thực hành nữ quyền chuyên nghiệp. Trong một vài năm gần đây tôi đã nhiều lần được nhận ra điều đó, trong đời sống thường ngày, qua giao tiếp với bạn bè người thân, lần nào nhận ra cũng sửng sốt nhẹ, bởi nữ quyền đã đi vào Việt Nam rất lâu và đã kịp khiến người ta chán ngấy vì sự cực đoan của nó rất nhanh, dù chưa kịp hiểu gì về những tầng sâu của nó (tình trạng chung của mọi thứ lý thuyết du nhập vào Việt Nam từ Khổng cho đến Mác cho đến dân chủ), tới nỗi tôi ngỡ những khái niệm đó đã phải trở thành ngôn ngữ chung, nếu không để tán đồng thì ít nhất cũng không để phản bác. Tôi không nhận ra ngay, nhưng tới khi đọc lại Chuyện người Tùy nữ mùa hè rồi mới hiểu được bản thân mình đã ngấm những khái niệm và vấn đề đó không phải từ diễn ngôn nữ quyền (mà thú thực tôi cũng chẳng đọc mấy, vì sợ bão) mà chính từ cái “truyện” khá nhỏ nhắn xoàng xĩnh này.
Tôi biết đến Atwood lần đầu tiên là nhờ được giao cái job dịch ấy, cũng có thể coi là xấp xỉ mốc bước từ trường học ra “trường đời”; trước đó, tôi không nhớ nổi có bao giờ mình đọc “văn học nữ” (khác với tác giả A B C tình cờ là nữ) một cách có ý thức, thậm chí là có hứng thú hay không. Trước khi tốt nghiệp bằng mười vạn bài thơ Yeats, Chúa ba ngôi của tôi là Dostoyevsky, Kundera, Cao Hành Kiện; thuở bé thơ xã hội chủ nghĩa, tôi đọc Chiến tranh hòa bình mà bỏ qua Anna Karenina, không ưa Meggie bằng Justina, chỉ bắt đầu thích Scarlett từ khi làm bà chủ xưởng gỗ đánh xe vỗ mặt thiên hạ; và những nhà thơ tôi có thuộc quá một bài hình như toàn là đàn ông (“Thông minh nhất nam tử, Yếu vi thiên hạ kỳ”? “Nàng bèo bọt quá, em lăn lóc, Chắp nối nhau hoài cũng uổng công”?).
Đọc bảng liệt kê chiến tích trên đây chắc quý vị cũng có thể hình dung đời sống tình ái sôi động nhiều phấn khích của tôi; nhưng điều tôi muốn nói đến là, không chỉ lịch sử văn học đối với học sinh chăm ngoan là tôi là một lịch sử văn học của đàn ông, trong đó Hồ Xuân Hương hay T.T.Kh là những con cừu đen khó hiểu, mà tôi, dù không ý thức, đã quen đo cuộc đời theo thước tấc đặc trưng của đàn ông (một điều mà giờ với mọi tầng ý thức đã nhặt nhạnh về hẳn là tôi cũng sẽ không bao giờ/muốn bỏ hẳn). Hẳn là có thể tôi đã đọc nhiều hơn, nhưng cái sự thực rằng đây là những gì lưu lại trong ký ức tôi đã đủ nói lên nhiều điều. Những tác giả nữ hiện đại Việt Nam được (các thầy) đề cập đến trong chương trình không để lại ấn tượng gì mấy. Muốn điều gì có cảm giác thực hơn, phải tìm trong những phá cách bên ngoài; nhưng những mẫu hình có thể tìm được ở Việt Nam thời kỳ ấy – Vi Thùy Linh, nhóm Ngựa Trời, Vệ Tuệ và văn học linglei, Lê Vân :v – là một style “yêu và sống” xa lạ với tôi, và cái định nghĩa về nữ quyền dựa trên mẫu hình ấy không khiến tôi muốn gia nhập. Nguyễn Ngọc Tư hay Phan Thị Vàng Anh, tôi mê, nhưng như mê những câu chuyện được viết tuyệt đẹp hơn là cái gì có thể hiểu được trong đời thực.
Hiển nhiên, tôi rất dốt. Tôi tự an ủi rằng thế hệ ngày nay, dù mới sau mười mấy năm, mặt bằng chung đã khá hơn rất nhiều; họ hiểu biết hơn, về lý thuyết và hẳn về cả thực hành?, nhưng tôi chỉ biết câu chuyện của tôi, và vì từ quan sát (ngẫu nhiên, qua đường, không theo một chủ định chọn mẫu nào cả) có vẻ vẫn còn nhiều bạn trẻ, cũng như già, ở điểm giống như tôi năm ấy, nên câu chuyện này vẫn có chút liên quan nào chăng.
Vậy là, Atwood. Tôi thích bà ngay, dù không thật đánh giá cao cuốn Chuyện người Tùy nữ về tổng thể (trái lại, cuốn thứ hai mà tôi đọc đến, Tay sát thủ mù, khiến tôi phát điên). Nhưng không liên quan gì đến người nữ, giới nữ, thân phận nữ hay tiếng nói nữ hết cả. Tôi thích Tùy nữ đầu tiên là ở nhịp điệu, cái nhịp điệu mà tôi đã cố gắng tái tạo trong chừng mực hợp lý trong bản dịch và nhận được nhiều lời chê mà đầu tiên là của chị Zét; tôi thích, mà còn chưa thật nhận ra mãi cho đến khi đọc vào Tay sát thủ mù, cái lối khô khan đúng lý mà để ý kỹ sẽ thấy rất hài và tinh quái; tôi thích cách tác giả miêu tả mối quan hệ khó khăn giữa nhân vật chính với bà mẹ “nữ quyền” cùng sự phản kháng ấm ức nhưng lại song song với tiếp nhận vô thức trước mọi hình tượng nữ thống trị vẫn cố dạy dỗ cô ta theo các hướng khác nhau.
Còn câu chuyện, đối với tôi ở tuổi 23 chưa đủ tình tiết và hấp dẫn – cô ta làm gì? ngồi trong phòng cả ngày trừ những khi đi chợ, giống hệt như tôi? – và về phần kiến tạo thế giới thì, đối với người đọc sci-fi từ thuở bé như tôi, thật chán ốm. Mỗi thế giới không tưởng hay phản không tưởng là một khái niệm, và chỉ có thể yêu như một khái niệm, nghĩa là khi đọc về nó qua Wikipedia hay các loại từ điển văn học, hoặc khi đã quên nó đủ lâu chỉ còn đọng lại trong đầu những nét chính; nó không liên quan gì tới cái kinh nghiệm thực tế khi lội qua các trang sách (một điều lại cũng không liên quan gì tới sự xấu xí của thế giới người ta vẽ ra); vì thế, 1984, cuốn dystopia vĩ đại của thế kỷ, có trải nghiệm đọc giống như gặm một miếng bánh mì khô trong phòng máy lạnh trong lúc đang khát vì cà phê, còn 451 độ F với sự sắc sảo kinh ngạc khi mô tả cái trống rỗng con người có thể trở thành nhờ tiêu thụ truyền thông không ý thức, thì giống như ngồi nghe tâm sự của một cậu học trò cấp ba sến súa. Lần đầu đọc Chuyện người Tùy nữ, tôi biết đây là một cuốn sách phản không tưởng, và ghi nhận sự khéo léo tài tình khi bà cài cắm các phần kiến tạo thế giới vào trong sinh hoạt hàng ngày của nhân vật chính, giống như đi giữa rừng cây ken đặc chỉ thỉnh thoảng thấp thoáng thấy những mảnh ghép của khung cảnh bên ngoài; nhưng điều đó không che giấu sự thực rằng cuốn sách khá mỏng so với những điều nó cần miêu tả, một điều Atwood đã vừa chặn lại, vừa giải quyết trong “phụ lục” cuối sách khi các ông giáo sư đàn ông chê cười lối kể chuyện đàn bà của Offred, và cung cấp một cái nhìn tổng thể nhưng vẫn sơ lược về thế giới của truyện. (Giống như Winston cuối cùng đã phải được phát cho tập sách giải thích cho anh ta và người đọc hiểu thế giới mới này cấu thành cách sao.) Ngay cả bây giờ đọc lại, tôi vẫn thấy thế giới ấy là sơ lược; một thứ học trò của bộ ba MaddAddam (2003-2013) của bà sau này, mà thực tế là đã xây dựng không chỉ một mà ba tiểu thế giới cực kỳ chi tiết, với hệ quả tất yếu là một bộ sách 1200 trang.
Ngoài ra, tôi không hiểu mình cần thông cảm với Offred là vì sao; ngoài việc không được đi làm, mọi vấn đề cô mắc phải từ cả thời kỳ tiền Gilead tôi đều khá thờ ơ, không phải vì nghĩ đó là những chuyện tủn mủn, đàn bà, vớ vẩn như giáo sư Pieixoto và rất nhiều người điểm sách (nam) của Atwood, mà vì phần lớn là những vấn đề lạ lẫm, không hề liên quan đến mình, những vấn đề của lối sống Mỹ :v Nhưng hiển nhiên, đó là những vấn đề gần gũi và thiết thân với Atwood cùng các độc giả nữ của bà ở thời điểm cuốn sách ra đời; và như một học sinh chăm chỉ, tôi muốn hiểu vì sao; vậy là, trong lúc chỉnh sửa sau khi hoàn thiện bản nháp đầu, cũng như suốt quá trình trao đi đổi lại với các biên tập viên sau đó, tôi dấn thân vào một cuộc hành hương Google.
Tôi được biết rằng thuốc tránh thai, được gọi The Pill một cách tôn kính, tới cuối thập kỷ 1950 mới bắt đầu được bán phổ biến, và đã nhanh chóng được ca ngợi là thuốc thần của phong trào giải phóng phụ nữ: rằng tác dụng chính của nó không phải là “tình dục không hậu quả”, như những người phản đối mè nheo và cũng là thứ duy nhất tôi có thấy chút gì liên hệ đến mình và những bạn bè cùng lứa, mà là tạo điều kiện cho phụ nữ đi làm, không phải ở nhà giữa mười một đứa con, hoặc lại ở nhà ngay khi vừa hồi lại trong công việc, hoặc bị trói vào đứa con của một vụ cưỡng hiếp, một cuộc hôn nhân bất hạnh, một nhầm lẫn trong trường tình. Tóm lại là “kế hoạch hóa gia đình”, cụm từ xuất hiện khắp nơi những năm 1990 nhưng – trên bình diện công khai và theo trí nhớ mơ hồ của tôi – chỉ là mệnh lệnh “đẻ ít!” chứ không chỉ cách nào thực hiện.
Tôi xuyên thủng được cặp thuật ngữ hũ nút pro-life/pro-choice (hoặc anti-woman/baby-killer như phe kia sẽ gọi), và những ám chỉ rùng rợn về mắc áo, bàn bếp, dao chặt thịt; tôi lờ mờ nhớ lại những tờ tạp chí thiếu niên đọc mới vài năm trước khuyên đừng tin vào “nước chanh, tắm nước nóng, uống nước lá, hay trồng cây chuối ngay khi vừa xong”. Vốn chỉ biết được cặp lập luận giữa đạo đức và kinh tế “thương lắm, dã man quá” và “ai mà nuôi được!”, tôi đọc những lập luận của cả hai phe, vừa ghê sợ lại vừa sửng sốt: người ta có thể tranh cãi quá nhiều (bằng y học? triết học? thần học?!!!) xem tư cách con người bắt đầu từ một hợp tử, hay một cơ quan nội tạng, hay tới khi có thể độc lập sống được bên ngoài “vật chủ”; xem ai là người có quyền phán quyết cuối cùng, nhà thờ, nhà nước, hay nhà đẻ; tôi được biết những vụ đặt bom phòng khám và những vụ biểu tình trước nhà thờ (mà Atwood đã nhắc đến khá nhiều khi nói về mẹ Offred). Và trên tất cả, có một điệp khúc nghe đi nghe lại, một câu mới nghe tưởng chừng quá hiển nhiên, nhưng chỉ đạt được bằng rất nhiều đấu tranh với xung quanh và với bản thân trước hết, một điệp khúc mà các cô gái nhắc đi nhắc lại với nhau, không phải như nhắc một công thức khó nhớ với những người bạn óc trên mây, mà như cầu nguyện, như thể cần được nghe nhau khẳng định để tin, để thấy đấy là một điều đáng tin: rằng thân thể của mỗi người phụ nữ là do người ấy quyết định, chứ không phải nguyện vọng/ép buộc của gia đình, của tổ chức, của những định chế xã hội. Cả suy nghĩ đó, cũng là một điều mới lạ.
Và tới đó, họ vẫn còn sợ mình đòi tự quyết như vậy là ích kỷ: để tìm cách xoay chuyển câu chuyện tích cực hơn, họ đề ra khẩu hiệu “Mỗi đứa trẻ đều do lựa chọn”, không phải do trót, do lỡ, do nhầm. Một khẩu hiệu đã định hình mối quan hệ giữa mẹ con Offred, cũng như mối quan hệ méo mó giữa các Tùy nữ với chính quyền.
Mà đấy là nếu bạn có quyền lựa chọn. Tôi được đọc về Roe v. Wade, vụ kiện lịch sử đã khiến phá thai được công nhận là quyền được bảo vệ trong Hiến pháp Mỹ vào năm 1973 (1973!); trong xã hội quanh tôi khi đó, phá thai – mà lứa tuổi tôi cũng thực hành không ít – nói chung vẫn là một vết nhơ, nhưng chủ yếu về đạo đức; phá thai bị coi là phạm pháp là một điều tôi không thể tưởng tượng nổi. Bây giờ đọc lại câu chuyện về cô gái không tiền, không gia đình, không nơi nương tựa đứng sau vụ kiện kia, tôi càng nhận thức rõ một điều: vận động thay đổi luật pháp là để bảo vệ những đối tượng yếu đuối nhất trong xã hội, bởi những người ở vị thế cao hơn luôn tìm được cách để đứng trên luật pháp: những nhà giàu có tìm bác sĩ tư hay đưa con cái tới những bệnh viện bí mật ở châu Âu (ta sực nhớ lại vụ bắt cóc cô bé Laura trong Tay sát thủ mù), cô luật sư của Roe bay đi Mexico để làm thủ thuật, phụ nữ (có điều kiện) toàn nước Mỹ kéo đến New York khi bang này thông qua luật phá thai sớm ba năm trước phán quyết lịch sử kia (và được khuyến mãi thêm, từ phe phản đối, những mỹ từ như là “phòng phá thai của cả dân tộc”, “thủ phủ phá thai toàn quốc”) giống như các cô gái Ireland đổ đến London hay, không liên quan lắm, cộng đồng chuyển giới Việt Nam tràn qua Thái. Còn nếu không có tiền, hay không có giấy tờ, hay luật cho phép nhưng bảo hiểm không chấp nhận, mời bạn quay lại với những phòng khám lậu, với bàn bếp, với mắc áo nhiễm trùng hay vót nhọn, và đánh cược mạng sống của mình (hoặc đánh cược với việc sinh ra một đứa con méo mó, dị tật, hoặc đánh cược với việc sinh ra một đứa con lành lặn, mồ côi).
Và cuối cùng, “Hãy giành lại đêm”. Đây là khẩu hiệu khiến tôi hoang mang nhất, bởi nó yêu cầu một điều hầu như phi lý: hãy tạo điều kiện cho phụ nữ có thể an toàn đi ngoài đường ban đêm? vì sao? Chẳng phải tốt hơn hết là đàn bà hãy tránh đặt mình vào những tình huống thiếu an toàn? Phải tới khi, lên cao học, thường xuyên trở về giữa đêm từ thư viện, tôi mới hiểu điều này. Chính xác hơn là hiểu sau khi hai vụ án xảy ra ngay trong khuôn viên trường và một nhóm sinh viên biểu tình đòi trường đảo ngược lại quyết định tắt bớt đèn ban đêm để tiết kiệm chi phí. (Và quý vị đoán xem tôi tham gia biểu tình hay chuyển giờ về sớm hơn?)
Đấy là những nét chính, và dĩ nhiên những độc giả đầu tiên của Atwood không cần phải goo… vào thư viện để biết những điều này. Đấy là thực tế hàng ngày của họ, giống như những cuộc biểu tình đã được cập nhật thành đa sắc tộc trong series phim The Handmaid’s Tale đang là thực tế hàng ngày của những người xem trực tiếp của Hulu. Nhưng tôi ở thời điểm ấy, với version “nữ quyền” của riêng tôi vỏn vẹn ba điều: cái gì bọn con trai làm được thì tôi làm được; đám chọc ghẹo ngoài đường cần được trừng trị tại chỗ; và khi nào các bà các mẹ mở miệng nói về “con gái thì phải” chỉ cần tắt tai đi là xong (tóm lại là một phiên bản cháo loãng của Moira, trừ yếu tố mê gái) cảm thấy thật ngạc nhiên. Và thật xa lạ. Thêm nữa, các chủ điểm trên chủ yếu xoay quanh bạo lực – tính dục hoặc không – và thân thể nữ; mà tôi, sau khi lớn lên giữa hai hình mẫu cho lựa chọn “thân thể là thứ để trao nộp và chịu đựng” và “thân thể là thứ để o bế, và rất có thể dùng làm công cụ để thống trị hoặc tiến thân”, đã có quyết định từa tựa Moira, gạt bỏ hẳn vấn đề cho đời đơn giản: tôi sẽ làm bộ não bơi trong bể kính.
Tóm lại, những câu chuyện của đàn bà Mỹ, không liên quan gì đến tôi. Nhưng cũng hay, khi biết nhiều điều mới, và dù sau khi đã rành rẽ mọi lập luận của đôi/các bên vẫn hoang mang không hiểu bên nào mới “đúng”, ít ra giờ tôi cũng có một cái khung để chẳng may có (dù hẳn sẽ không) bao giờ cần đến, tôi sẽ biết trên hai bàn cân có những gì.
Và tất nhiên, tôi đã cần.
Becoming-woman
Và tất nhiên, tôi đã cần. Và tất nhiên, tôi đã thấy các “vấn đề phụ nữ” khép vòng vây lại quanh mình, nếu chưa phải với chính tôi, thì cũng là bạn bè tôi, từng người một. Phá thai, bạo lực tình dục, bạo lực tình cảm là những đề tài người ta không nói đến với “người ngoài”; có một vết nhơ và một nguy cơ bị phán xét lớn gắn với những điều thú nhận thuộc loại đó; nhưng chừng nào bạn bước qua một cái ngưỡng khó định nghĩa để bước vào một câu lạc bộ thần bí nào đó, bạn sẽ đột nhiên nhận ra những thành viên câu lạc bộ ấy có ở khắp nơi, và rất nhiều là những người thân của mình mà mình chưa hề ngờ đến, và không ngờ họ có thật nhiều kinh nghiệm, và nhiều đồng cảm, để nói với mình.
Và tôi thấy mọi lý thuyết đều đổ sông đổ biển. Trừ một điều lý thuyết cực kỳ chính xác rằng: rốt lại đó là quyết định cho một trường hợp cụ thể, của một người, và không so sánh hay tấm gương hay tham khảo nào từ mẹ, từ bạn, từ người ngoài, từ người thân, từ hình mẫu lịch sử hay pháp lý hay sách vở nào có ý nghĩa gì hết.
Con đường ý thức được mình không thể thoát khỏi thân thể, hay rộng hơn mình không thể thoát khỏi quyết định luận sinh học một cách tuyệt đối triệt để, dài và chậm chạp. Trên con đường ấy, tôi đọc được lý thuyết về “rape culture” (rồi quên); đọc được những cấu xé nhau giữa nghìn phe phái nữ quyền (rồi quên); đọc về ngành công nghiệp khiêu dâm và quyền của gái điếm (rồi quên); diễn ngôn về căn tính nữ thật dài và rối rắm, nhưng có thể mường tượng rằng nếu không có Atwood khai tâm, có thể tôi đã chẳng bao giờ để ý đọc đến những bài viết ấy. (Hoặc có thể sẽ được một bà chị khác khai tâm, và đi theo một con đường hoàn toàn khác, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn?)
Tôi tiếp tục đọc Atwood, một nhà tiểu thuyết cự phách, một bậc thầy ngôn từ sắc sảo, một đầu óc châm biếm đọc mỗi câu một giật mình, mà tình cờ lại là phụ nữ và kể chuyện chủ yếu về những kinh nghiệm đàn bà. Đi theo con đường Atwood, tôi không viết đơn vào Nữ đảng, đêm đêm chong đèn nghiên cứu Nữ quyền tư tưởng hệ. Tôi còn phải sống chứ. Tôi còn một ngàn mối quan tâm khác. Ví dụ như viết bài này cho kịp để chị Zét có thể ngưng giục giã; mà viết xong tôi cũng sẽ quên bẵng thôi. Thỉnh thoảng tôi quên cả mình (thuộc vào giới được định nghĩa) là phụ nữ cơ mà. Nhìn chung, tôi ổn.
Tôi ổn, theo nghĩa là tôi đang ở trong một vị trí có thể cảm thấy là mình ổn. Vị trí về kinh tế, xã hội, nhận thức cụ thể, và vị trí ở một đất nước mà bất chấp một vạn thiếu sót, quyền thân thể của đàn bà cũng không đến nỗi tệ. Vậy thì tôi có thể thông cảm với những đàn bà ở vị trí cần tranh đấu, từa tựa như thông cảm với phụ nữ bên Ấn Độ vậy, nhưng bởi không thể đấu tranh thay họ, nên tốt nhất là tôi làm tốt những công việc của tôi, phải không? Suy cho cùng, những người đàn ông quanh tôi có vẻ đều tử tế, tôi cũng không biết đem họ ra làm bia ngắm bắn bằng cách nào.
…
Vấn đề ở đây là khi nhìn nhận mình trong từng mối quan hệ cụ thể – không chỉ quan hệ luyến ái với một người yêu, một người chồng, mà đơn giản là một người bạn, một người anh, một người cha, một người thầy, hoặc ngược lại một người em, một người con, một người trò (nhắc lại, tôi đang tự giới hạn trong cõi nhị nguyên) – bạn sẽ rất khó khớp con người cụ thể ấy với cái khung khổ “cuộc chiến giới” trên lý thuyết. Bạn sẽ nghĩ, người ấy khác. Mối quan hệ này khác. Bởi lý thuyết là một bản giản lược bản chất luận, còn con người trước mặt thì bạn biết rành mọi mặt, bạn biết đấy là một con người, và đã là con người thì, như cái câu sáo mòn đó, không ai là toàn thiện hay toàn ác. Atwood đã tóm tắt tuyệt vời sự mâu thuẫn ấy trong mẩu hồi ức ngắn gọn về người đàn bà nhân tình của tên sĩ quan SS mà Offred nhớ lại: “Ông ta không phải quỷ”, một câu chuyện đã ánh xạ lại trong mối quan hệ khó gọi tên giữa cô và Quân trưởng, và Offred có ý thức về sự mỉa mai này, tuy không vì thế mà phủ định nó. Bạn không thể, và không muốn, tin người đó và mình có gì khác biệt; bạn muốn tin rằng dù thế giới có chia làm hai phe thì “chúng ta” vẫn là một team …
… cho đến lúc bạn phẫn nộ vì phát ngôn “grab them by the pussy” và anh ta bảo bạn chuyện bé xé ra to (hãng Tin Con Vịt cho biết Trump đã trở thành nguyên nhân chia tay số một của các cặp đôi Mỹ vào năm 2016), cho đến lúc bạn tâm sự về cảm giác bị đối xử bất công, ở trường học, ở chỗ làm, ở ngoài đường vì lý do giới tính, và anh ta kêu “đàn bà nhạy cảm”, cho đến lúc anh ta bật cười trước một chuyện cười xúc phạm đàn bà; cho đến lúc bạn cố gắng làm cho anh ta hiểu vì sao bạn sợ đi một mình ngoài đường ban đêm, vì sao bạn không muốn đi ăn với ông sếp của anh ta ưa đùa nhả, vì sao bạn bực mình khi thấy một MC thản nhiên đem sắc đẹp một nhà văn nữ ra bình phẩm ác ý trong một tọa đàm văn học, và bạn nhìn vào con mắt trống rỗng của anh ta và lạnh người chợt hiểu, dù hai người có ăn ý đến đâu, hòa hợp đến đâu về các mối quan tâm trí tuệ và cảm xúc thì vẫn còn một vực sâu như thế này, ăn sâu trong chính căn cước của bạn, không thể vượt qua. Atwood đã cực tài tình khi miêu tả cảm giác gai người ấy mà Offred thỉnh thoảng cảm thấy về Luke, tình yêu lớn của đời cô; và bộ phim cũng đã khai thác cực kỳ hiệu quả, cảnh khi cô trở về nhà, chấn động, cái ngày toàn bộ đàn bà cả nước bị đuổi khỏi chỗ làm, tài khoản bị đóng băng chuyển sang tên chồng, và anh an ủi: “Chỉ là một chỗ làm thôi. Em biết anh sẽ chăm sóc em mà.” Mười năm trước đọc câu này, tôi chỉ thấy kỳ vì nhớ lại lần bố tôi đã khuyên mẹ tôi ở nhà cho ông nuôi; lần này xem cảnh đó, tôi cảm thấy như chính mình ăn tát. (Mặc dù hẳn những người xem nam sẽ chỉ thấy Moira phản ứng quá đà?)
Từ năm 2018 nhìn lại, tôi nhận ra phát biểu chí lý mở đầu Giới tính thứ hai quả là chí lý: “Người ta không sinh ra làm đàn bà, mà trở thành đàn bà.” Nhưng lần nữa ở đây, nhãn hiệu có thể là lừa dối: tôi trở thành đàn bà, nhưng là Offred, chứ không phải Moira. Hoặc đúng hơn, là một dạng không ngừng dao động giữa Moira và Offred; phải có một tâm hồn rất thơ trẻ, hoặc rất chai sần, mới có thể chỉ vào người thân bên mình mà nói, ngươi là tên phản động kẻ thù. Vào thời điểm dịch cuốn này, tôi nghĩ Offred ngớ ngẩn, yếu đuối, kém cỏi; giờ đây đã ở tuổi cô, tôi nghĩ Atwood đã nhìn thấu cõi lòng mọi người phụ nữ trung bình trong xã hội khi viết câu: “Nhưng nếu tình cờ người lại là đàn ông, ở thời điểm tương lai nào đó, và người đã theo tới tận đây, xin hãy nhớ: người sẽ không bao giờ phải chịu sự cám dỗ, hay cảm giác, rằng cần tha thứ, cho một người đàn ông, như đàn bà.”
Atwood đã bị chỉ trích nhiều vì hình tượng Offred, như đã nói. Những người chỉ trích thường quên mất một điều rằng cô không bao giờ được xây dựng như một nhân vật điển hình cần noi gương học tập: giống như mọi tác phẩm văn xuôi trước và sau đó, Atwood chỉ cho nhân vật làm những điều mà bà nghĩ là chân thực trong tình cảnh ấy, và thường khi, cảm quan về “chân thực” của bà khá bi quan. (Những điều này, hiển nhiên, sẽ khó bán với Hulu, nên họ đã bưng một lượng lớn tính cách và hành động của Moira sang cho Offred.) Tuy nhiên, nhờ vậy, Offred đã miêu tả hầu như đầy đủ những suy nghĩ và hành động hợp lý của một người phụ nữ trung bình trong xã hội trong hoàn cảnh tương tự; và giống như cuộc trường chinh Google của tôi cho thấy: đôi khi, biết rằng có đặt ra những vấn đề như thế, hoặc thậm chí chỉ cần biết có tồn tại một từ như thế, cũng đã đủ gợi ra suy nghĩ, đủ để nhìn thấy thế giới quanh mình và chính bản thân mình một cách rõ ràng hơn. Và nhiều khi, chỉ cần một gợi ý là đủ bắt đầu một quả bóng tuyết rồi có thể (dù cũng có thể không) gây ra lở đất; giống như nội việc Kavanaugh được đề cử đã đủ cho một nhóm vận động hậu trường miệt mài hoạt động đòi bỏ quyền phá thai trong hiến pháp Mỹ (và sau một nghiên cứu cho thấy phụ nữ bỏ phiếu cho Hillary là chủ yếu, một nhóm Trump fan đã nửa đùa nửa thật rủ nhau reo hò trên mạng đòi tước quyền bầu cử của đàn bà).
Quá trình “trở thành đàn bà” của tôi tiếp tục cả với bài viết này; một bài viết rất kỳ, bởi ban đầu nó là một bài chia sẻ về quá trình dịch cuốn Chuyện người Tùy nữ và những nỗi kinh hoàng khi đọc lại sau mười năm (bản tái bản đã được sửa chữa kha khá, xin hứa!). Thế nào đó mà trong ba tháng độ trễ từ Zzz1-2 sang tới đây, phần chuyên môn đã tiêu biến, phần tâm sự mỏng cũng đã biến thành một bài có vẻ như bút chiến? mà tôi cũng ngạc nhiên khi thấy mình viết ra. Điều kỳ nhất là việc xuất hiện chữ “tôi” (có lẽ không phải cái tôi?) dày đặc, một điều xin thề không phải thói quen của tôi, chẳng hạn như (quảng cáo lại) bài viết về Orwell ngàn năm trước.
Nhưng tới đó, tôi nhận ra đây cũng thuộc về “cách nói nữ”. Atwood khi nói về những nguồn gốc chính của cuốn Tùy nữ, đã nhấn mạnh tới thể loại làm chứng: thể loại dành cho tất cả những giới không được trao quyền trong xã hội, thể loại vừa hùng mạnh lại vừa yếu đuối, trao micro vào tay những cá nhân đơn lẻ nhưng không trao kèm quyền uy cho họ, trong lúc cam kết với người nghe rằng đây chỉ là tiếng nói của một người, có giá trị của một người mà thôi. Giáo sư Pieixoto đã chê bai Offred kịch liệt ở điểm này. Nhưng tôi không thể không làm khác: dù viết về một vấn đề có vẻ sát sườn đến như ý thức về căn tính của bản thân, tôi cũng như không ngớt nghe thấy những tiếng thì thầm “có đúng thế không? Có phải thế không? Mày có quyền gì mà nói thay tất cả?” Vậy là tôi lại đành rút về nói riêng từ kinh nghiệm của bản thân. Liệu đây có phải là một tình trạng chung của diễn ngôn căn tính thiểu số, trong đó đàn bà là nhóm thiểu số par excellence? Hay là hậu quả, như nhiều người nói, của tiếng nói đàn bà đã quen bị coi nhẹ có hệ thống tới nỗi bản thân đàn bà (trung bình trong xã hội; hiển nhiên không phải giới nữ quyền) đã thành phản xạ luôn tự ngờ vực bản thân, luôn lọc qua một tầng kiểm duyệt của con mắt được cho là xã hội, cả khi nói về những vấn đề của bản thân mình?
Thật nhức đầu. Có lẽ tôi cần là cần đi tìm một nhà tâm phân học, để tìm hiểu những ẩn ức tôi không biết mình che giấu, biết đâu sản phẩm sẽ ra một Cuốn Sổ Vàng 4.0 đoạt giải Doris Lessing; có thể tôi cần lao mình vào Nữ Quyền Chủ Nghĩa mà tôi đã ra sức chối từ, như Katniss bước vào vai trò Húng Nhại, và gia nhập #MeToo khi còn chưa tắt hẳn. Hoặc có lẽ tôi nên nghiên cứu thêm về việc phá thai khi còn quá rảnh. Giống như mọi đàn ông nếu sống đến 200 tuổi tất sẽ chết vì ung thư tiền liệt tuyến, có vẻ hầu hết đàn bà dị tính nếu không chết quá sớm đều sẽ phải đối mặt với câu hỏi này ít nhất một lần trong đời.
“Năm mươi năm sau”
Một trong những ý mà Atwood nhắc đi nhắc lại không mệt mỏi, cũng như mỗi nhà báo lần đầu viết về bà đều lặp lại trong kính phục, và mỗi người đọc quen thuộc với bà đều tự động bỏ qua khi đọc một bài báo mới, đấy là: thế giới “huyễn tưởng” mà bà dựng lên trong tác phẩm đều không có gì mới, nhà văn chỉ đóng vai trò giám tuyển những yếu tố đã từng thực sự tồn tại trong thực tế. “Tinh thần của nó mang tính tổng hợp”, như giáo sư Pieixoto nói[1]. Đây là một sự cẩn trọng cần thiết khi bắt tay sáng tác một cuốn phản không tưởng: bởi thể loại dành riêng cho cảnh báo thời cuộc này sẽ mất ngay ý nghĩa khi bị quy về tất cả là do trí tưởng tượng méo mó của một nhà văn; là một nhà văn nữ sáng tác một cuốn phản không tưởng nữ càng phải cẩn thận gấp đôi, bởi mỹ từ “ghét đàn ông” luôn lơ lửng trong nội hàm chữ “nữ quyền” chỉ chờ dịp thích hợp. Ai mà nghĩ những màn xử tội tập thể, hay threesome theo nghi thức, hay mang thai hộ cho nhà nước, không phải là kết quả của một đầu óc bạo dâm? Nhưng tất cả đã có trong lịch sử, Atwood nói, nhìn đi, “tôi không bịa ra một thứ gì”.
Và lịch sử không quên lặp lại một thứ gì. Atwood nhớ lại tiếp nhận ban đầu với Chuyện người Tùy nữ, ở Anh là một tác phẩm tưởng tượng có tính giải trí cao, ở Canada người ta lo lắng – “Chuyện có thể diễn ra ở đây không”, nhưng ở Mỹ thì đồng loạt: “Còn bao lâu nữa chúng ta sẽ đến thời điểm ấy?” Năm 2018, Brett Kavanaugh chỉ cần vượt qua vài lời cáo buộc cưỡng dâm nữa là tiến vào chiếc ghế trống mới trong Tòa Tối Cao Hoa Kỳ, một động thái được tiên đoán sẽ tạo điều kiện cho việc hạn chế hoặc cấm hẳn quyền phá thai tại 24 bang chỉ trong vòng 2 năm sau đó (trong lúc đất nước lạc hậu, nghèo đói và sùng đạo Ireland, mỉa mai thay, đang trên đường hợp pháp hóa phá thai sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử tháng 5.2018, chỉ ba năm sau khi thông qua hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới).[2] “Không may thay, con người là giống tư duy ngắn hạn, chính trị gia là giống tư duy ngắn hạn,” bà tâm sự về cuốn sách đầu tiên của mình với các học viên khóa viết văn Masterclass, và nói rằng không bao giờ được ngủ yên trên những thành tựu ngỡ đã là chắc chắn của thế hệ trước, như Offred đã đối xử với mẹ cô.
[1] Một sự đọc có chủ ý bộ ba hậu tận thế đồ sộ MaddAddam cũng như tác phẩm viễn tưởng ái tình trào phúng The Heart Goes Last càng khẳng định mức độ đào sâu nghiên cứu của Atwood cùng các trợ lý trong việc xây nên thế giới mới, cũng như sự nghiêm túc của bà khi tuân thủ luật lệ do bà tự đặt ra: “Nếu định tạo ra một khu vườn ảo, tôi muốn từng con cóc đều là thật.” Từ Deep Web cho tới các phòng thí nghiệm thức ăn nhân tạo, biến đổi gen, các phong trào Thế giới mới trong bộ ba, cho tới việc tư nhân hóa nhà tù kinh khiếp đang trở thành vấn nạn ít ai muốn nghĩ đến trong nước Mỹ thập kỷ 201x cùng ngành công nghiệp búp bê/robot tình dục triệu đô, người ta phải thán phục sự nhanh nhạy với thời cuộc lẫn mối quan tâm rộng lớn trải trên nhiều lĩnh vực của người dường như đã muốn biến mình thành lương tâm của thế giới mới từ một cái nhìn vừa hồn hậu vừa mai mỉa mà vẫn rất nữ tính này.
[2] Nếu quá rảnh còn muốn đọc một bản tóm tắt về điều kiện tiếp cận phá thai của phụ nữ thế giới, có thể xem thêm ở đây: https://www.nytimes.com/2018/07/09/reader-center/abortion-around-the-world.html?rref=collection%2Ftimestopic%2FAbortion
*
Trong thời gian tôi viết bài này, chốc chốc báo Tuổi trẻ lại nảy ra một bài về cô giáo tự tử vì bị ép trồng hành, hay cô bé sinh viên quăng con khỏi chung cư cao cấp; muốn thoát khỏi hiện thực trực tiếp, tôi bật báo chí Mỹ giải trí, bèn gặp bài viết về cô bé Nhật bị thai lưu nhưng không được ông chủ cho về trước khi hết ca đêm, về những cô gái Nhật trong Thế chiến 2 tình nguyện sung vào đội quân làm điếm của chính phủ để lính Mỹ khỏi tràn vào các làng hãm hiếp, về cô gái da màu nhập cư trái phép ở Mỹ bị lừa mổ bụng lấy con khi một cô gái da trắng tuyệt vọng muốn lừa bạn trai mình đã đẻ con để khỏi bị đuổi ra đường (spoiler: câu chuyện kết thúc bằng hai đám tang và một án tù). Ngao ngán, tôi chuyển qua ăn vạ chị Zét; chị bèn quẳng cho tôi các bài số này đọc cho bớt rảnh bớt ỉ ôi. Vì thế, chắc hẳn một phần lớn lòng can đảm để hoàn thành bài viết này cũng là có được từ những người, nếu quý vị đọc theo thứ tự, xuất hiện trước tôi, nhất là những người viết nữ; cách nào đó, tôi cũng được dạy một phần nhờ họ.
(Dù tất nhiên, đến mai tôi lại quên ngay thôi.)
10.2018
Nguyễn An Lý
(Bài viết thuộc Zzz Review số 3, 30-10-2018)
Người góp chữ
ếch giời leo
Leave a Reply