(Bài viết thuộc Zzz Review số 3, 30-10-2018.
Đã được đăng lại trên tạp chí Nhà văn & Tác phẩm số 33, 2018.)
Nhân vật kể chuyện, nữ, 18, không tên, của cuốn tiểu thuyết vừa đạt giải Booker 2018, mở đầu câu chuyện ở một thành phố không tên, bằng những chi tiết rờn rợn: một khẩu súng chĩa vào ngực cô, một phát súng giết người đưa sữa, lời mời cho đi nhờ xe của gã đàn ông 41 tuổi ngồi ô tô con này với cô bé con vừa đi đường vừa đọc Ivanhoe, những tin đồn về một cuộc dan díu, anh rể trưởng đểu cáng mồm chuyên những từ bậy, một cậu bạn trai trù bị… Người đưa sữa ngay lập tức đưa độc giả vào một câu chuyện chân thực, đầy tính xáo động, ám ảnh, với giọng văn nhịp điệu, lặp đi lặp lại. Zzz Review trích dịch chương 1 của tác phẩm. [Update: Sách đã được Nhã Nam phát hành với bản dịch của Thiên Nga dưới tên gọi Người giao sữa, tháng 3/2020.]
Ngày mà Tên-gì-đấy McHọ-gì-đấy chĩa súng vào ngực tôi, gọi tôi là miu và doạ bắn tôi cũng là ngày mà người đưa sữa chết. Ông ta bị một gã trong đội xạ thủ bên phe chính phủ bắn và tôi không quan tâm đến việc người ta bắn ông ta. Nhưng những người khác thì có, mà nhiều thành phần trong số đó, nói kiểu dân trong vùng thì, “biết tôi là ai, biết là nhìn thôi chứ đừng có tới bắt chuyện” và tôi bị mọi người bàn tán sau lưng vì họ đồn, hay đúng hơn là anh rể trưởng đồn, là tôi đang dan díu với người đưa sữa, rằng tôi mới mười tám còn ông ta bốn mươi mốt. Tôi biết tuổi ông ta, không phải vì sau khi bị bắn tuổi ông ta được chường lên mặt báo, mà bởi chi tiết này đã được đem ra nói, nhiều tháng trước vụ ám sát, mà khơi mào là những người đã đồn thổi chuyện về tôi, rằng bốn mươi mốt với mười tám thì kinh quá, chênh nhau cả hai mươi ba tuổi như thế thì kinh quá, rằng ông ta có vợ rồi và không phải là kiểu bị tôi bỏ bùa mê thuốc lú vì có kha khá những con người thầm lặng, không để lộ chân tướng, đã để tâm theo dõi. Nhưng trong cuộc tình này chính tôi cũng có lỗi, trong mắt họ thấy vậy. Nhưng tôi có dan díu gì với người đưa sữa đâu. Tôi không ưa gì ông ta và đã rụng rời, bối rối khi người đàn ông này cứ muốn theo đuổi, tán tỉnh mình. Tôi cũng không ưa gì anh rể trưởng. Lúc lên cơn rồ, anh ta đi đơm đặt chuyện về đời sống tình dục của người khác. Về đời sống tình dục của tôi. Ngày tôi còn bé, mười hai tuổi, khi anh ta xuất hiện giữa lúc chị tôi muốn trả thù đời sau khi chia tay anh người yêu lâu năm vì anh này ngủ với người khác, gương mặt mới toanh kia làm chị tôi dính bầu và chẳng mấy mà họ cưới nhau. Anh ta buông ra những lời tục tĩu về tôi trước mặt tôi ngay từ lần gặp đầu tiên – về cái lồng, cái nhồn, cái bàn lộn, cái lỗ đen, cái lìn, cái hĩm, cái ấy và anh ta dùng những từ, những từ ngữ rất bậy, mà tôi không hiểu. Anh ta biết là tôi không hiểu nhưng đã đủ lớn để đoán ra chúng bậy. Đó là cái đem lại khoái cảm cho anh ta. Ngày đó anh ta ba mươi lăm. Mười hai với ba mươi lăm. Cũng là chênh nhau hai mươi ba tuổi.
Vậy là anh ta cứ nói này nói kia, cho mình quyền nói này nói kia và tôi không nói lại gì vì tôi không biết phải phản ứng thế nào với con người này. Anh ta không ăn nói kiểu đấy khi có chị tôi trong phòng. Lần nào cũng thế, hễ chị tôi đi khỏi là kiểu như có một chiếc công tắc bật lên bên trong anh ta. May một điều là tôi không phải sợ anh ta sẽ làm gì mình. Vào thời đó, ở nơi đó, bạo lực là thước đo của mọi người để đánh giá người khác, nhưng tôi có thể thấy ra ngay anh ta không phải kiểu như thế, anh ta không quan niệm như vậy. Nhưng dù vậy thì bản năng thú săn mồi của con người này vẫn làm tôi tê dại đi mỗi khi gặp. Đúng là một tên rác rưởi, còn chị tôi thì phát điên vì chuyện bầu bí, vì vẫn còn yêu anh người yêu lâu năm kia và không thể tin được anh ta lại đối xử như thế với mình, không tin được chuyện anh ta không nhớ nhung gì mình, bởi anh ta không thương nhớ chị tôi. Anh ta đã biến đi với một mối tình mới. Trong mắt chị tôi không có người đàn ông kia, cái ông chú chị đã cưới làm chồng nhưng vì còn quá trẻ, quá bất hạnh, quá đắm đuối với tình yêu – chỉ là không phải với anh ta – để có thể thực sự bắt đầu một mối quan hệ. Tôi không ghé qua chỗ chị nữa dù cho chị tôi đang buồn bởi tôi không thể tiếp tục chịu đựng những gì anh ta nói và bộc lộ qua nét mặt. Sáu năm sau, trong khi anh ta cố tìm cách chiếm hữu tôi và hai chị gái còn lại của tôi, trong khi chúng tôi – trực tiếp có, không trực tiếp có, lịch sự có mà kiểu biến mẹ mày đi cũng có – cự tuyệt anh ta, thì người đưa sữa, cũng là một nhân vật không mời mà đến nhưng đáng sợ hơn hẳn, nguy hiểm hơn hẳn, đã mọc ra từ thinh không.
Tôi không biết ông ta đưa sữa cho nhà nào. Không phải là cho nhà tôi. Hay bất cứ nhà nào, tôi nghĩ vậy. Ông ta không nhận đưa sữa. Chẳng sữa siếc gì. Chưa bao giờ trông thấy ông ta giao sữa. Ông ta cũng không lái xe tải sữa. Mà ông ta đi ô tô con, nhiều chiếc khác nhau, thường hay là kiểu bóng bẩy dù ông ta không có cái vẻ ấy. Nhưng tôi chỉ chú ý đến ông ta và đống ô tô khi ông ta bắt đầu chường mặt chường xe ra trước mặt tôi. Rồi thì đến lượt chiếc xe thùng đó – nhỏ, màu trắng, không có gì đặc trưng và dễ bề biến báo. Lúc này hay lúc khác người ta lại bắt gặp ông ta ngồi sau tay lái cái xe thùng.
Ông ta xuất hiện một ngày nọ, xịch xe tới trong khi tôi vừa đi vừa đọc Ivanhoe. Thường tôi hay đọc sách lúc đi bộ. Tôi chẳng thấy việc đó có gì sai trái nhưng sau nó sẽ trở thành một trong những bằng chứng chống lại tôi. Trong cái danh sách ấy dứt khoát là có mục “Đọc sách trong khi đi bộ”.
“Cô là con gái út của cái-nhà-gì-đấy, có phải không? Ông-gì-đấy là cha cô, có phải không? Các anh trai cô, cái gì đấy, cái gì đấy, cái gì đấy, cái gì đấy, ngày trước chơi trong đội bóng hurley, nhỉ? Lên xe đi. Tôi đưa cô về.”
Những lời đó được nói ra tỉnh như không, cửa bên phía hành khách đã mở sẵn. Tôi rụng rời bừng tỉnh khỏi trang sách. Tôi đã không nghe thấy tiếng xe. Cũng chưa bao giờ giáp mặt người ngồi sau tay lái. Ông ta nhoài người ra nhìn tôi, mỉm cười, thân thiện kiểu có thiện chí. Nhưng đến lúc này, mười tám tuổi, “mỉm cười, thân thiện, có thiện chí” luôn đặt tôi vào tình trạng báo động. Không phải là bởi bản thân lời mời cho đi nhờ. Ở đây, những người đi ô tô vẫn thường dừng lại mời người khác đi cùng, cả là đi vào lẫn đi ra khỏi khu vực. Thời ấy xe ô tô con không sẵn còn phương tiện công cộng, sau các vụ doạ đặt bom, tấn công chiếm đoạt xe, thỉnh thoảng lại bị tạm dừng hoạt động. Rồi thì còn có vụ rề xe kiếm gái nữa, không phải một khái niệm xa lạ, nhưng cũng chưa được xem như một thực tế. Chắc chắn là tôi chưa thấy cảnh đó bao giờ. Dù gì tôi cũng không muốn đi nhờ xe. Ấy là nói đi nhờ xe nói chung. Tôi thích đi bộ – vừa đi vừa đọc, vừa đi vừa nghĩ. Còn cụ thể trong trường hợp này, tôi cũng chẳng muốn lên xe người đàn ông kia. Nhưng tôi không biết phải ăn nói theo kiểu gì, bởi ông ta không hành xử khiếm nhã, và ông ta quen gia đình tôi, kể ra đủ các cái tên, tên những người đàn ông trong gia đình tôi, và tôi không thể hành xử khiếm nhã bởi ông ta không hề hành xử khiếm nhã.
Vậy nên tôi ngần ngừ, hay đúng hơn là tê dại đi, tức là khiếm nhã với ông ta. “Tôi đi bộ thôi,” tôi nói. “Tôi đang đọc dở,” tôi giơ cuốn sách lên, như thể Ivanhoe sẽ giải thích được việc tôi đi bộ, sự cần thiết của việc ấy. “Cô đọc sách trong xe cũng được mà,” ông ta nói, tôi không nhớ mình đã đáp lại thế nào. Sau cùng ông ta phá lên cười mà nói, “Thôi khỏi đi. Cô không phải băn khoăn gì cả. Đọc sách vui nhé,” rồi đóng cửa lại lái xe đi.
Lần đầu tiên chỉ có từng ấy chuyện – nhưng chưa gì tin đồn đã rộ lên. Chị cả ghé qua nhà thăm tôi vì chồng chị, ông anh rể giờ đã bốn mươi mốt tuổi, phái chị sang gặp tôi. Nhiệm vụ của chị là cảnh báo tôi. Chị nói người ta bắt gặp tôi nói chuyện với người đàn ông đó.
“Mẹ nó chứ,” tôi nói. “Như thế tức là sao – người ta? Ai là người ta ở đây? Chồng chị à?”
“Em phải nghe lời chị,” chị tôi nói. Nhưng tôi sẽ không nghe – sẽ không nghe anh ta và cái tiêu chuẩn kép của anh ta, sẽ không nghe chị tôi, người đã nhịn nhục mà sống với tất cả những thứ ấy. Ngày đó tôi không biết là mình đổ hết lỗi lên đầu chị, đã và đang đổ lỗi lên đầu chị, cho những lời bậy bạ anh ta nói với tôi từ năm này qua năm khác. Ngày đó tôi không biết mình đổ lỗi lên đầu chị vì đã cưới anh ta trong khi không yêu gì anh ta, cũng không tài nào có thể tôn trọng anh ta, vì hẳn là chị tôi phải biết chứ, sao có thể không, tất cả những trò mèo anh ta làm.
Chị cứ một mực khuyên tôi phải cư xử đúng mực, cảnh báo tôi đang mua rắc rối vào người, chọn ai không chọn lại chọn người đó… Nhưng thế là quá lắm. Tôi nổi đoá lên và tiếp tục chửi bậy vì chị không thích nghe chửi bậy, đó là cách duy nhất để tống tiễn chị ra khỏi phòng. Tôi tiếp tục gào lên qua cửa sổ với tấm lưng của chị, nếu cái lão hèn đó muốn nói gì thì đi mà nói thẳng vào mặt em đây này. Một việc tai hại: bị cảm xúc chi phối, để cho người khác nhìn và nghe thấy mình bị cảm xúc chi phối, gào thét qua cửa sổ, ra ngoài phố, để cho mình bị cuốn đi. Thường thì tôi tránh được điều đó. Nhưng tôi đã giận dữ. Tôi ôm nhiều nỗi giận dữ trong lòng – giận chị, vì sống cuộc đời một người vợ bé mọn, vì luôn làm theo lời anh ta bảo, và giận anh ta, vì cứ cố áp sự đáng khinh của anh ta lên tôi. Tôi có thể cảm nhận được sự cứng đầu cố hữu, cái suy nghĩ “đi mà lo chuyện của các người ấy” đã kịp trồi lên. Mà hễ rơi vào những lúc như vậy, tôi sẽ biến thành quái vật, không chịu tiếp thu và đâm giận quá mất khôn. Còn về cái tin đồn về tôi với người đưa sữa, tôi phủi đi mà không nghĩ ngợi gì. Nhu cầu can dự thái quá vào cuộc đời người khác là chuyện thường trực ở khu này. Tin đồn dội đến, dội đi, đến rồi đi, rồi lại chuyển sang một đối tượng mới. Thế nên tôi không chú ý gì đến mối tình họ dựng lên cho tôi với người đưa sữa. Rồi ông ta lại thò mặt ra – lần này thì là tự thân mà đến, không dùng xe, trong khi tôi chạy bộ trong hai công viên quanh hồ chứa nước bên trên và bên dưới.
Lần này tôi chỉ có một mình và không đọc gì cả, tôi không bao giờ đọc trong khi chạy. Và ông ta xuất hiện, lại một lần nữa mọc ra từ thinh không, lần này thì là rảo bước chạy đến bên cạnh tôi ở nơi ông ta chưa bao giờ có mặt. Tức thì chúng tôi đã đang chạy cùng nhau, và trông như thể chúng tôi luôn chạy cùng nhau như thế, và lại một lần nữa tôi thấy rụng rời, như rồi sẽ thấy rụng rời trong tất thảy những lần chạm trán, ngoại trừ lần cuối cùng, giữa tôi với người đàn ông này. Mới đầu ông ta không nói gì, còn tôi không thể nói được gì. Rồi thì ông ta nói, không phải kiểu bắt chuyện mà là xộc luôn vào giữa chừng một câu chuyện, và lại một lần nữa cảm giác như thể chúng tôi luôn ở giữa chừng một cuộc nói chuyện. Từ ngữ ông ta dùng vắn gọn, có chút ráng sức, do tôi chạy tương đối nhanh, và chủ đề là về chỗ tôi làm việc. Ông ta biết về công việc của tôi – tôi làm ở đâu, làm cái gì, từ mấy giờ đến mấy giờ, ngày nào đi làm ngày nào nghỉ, và về chuyến xe buýt lúc tám giờ hai mươi tôi bắt mỗi sáng, khi nó không bị tấn công, để tới chỗ làm ở trên phố. Ông ta còn tuyên bố tôi không bao giờ bắt xe này về nhà. Đúng như vậy. Các ngày trong tuần, dù trời nắng trời mưa, súng đang nổ hay bom đang nổ, đang dấy loạn hay hòa hoãn, tôi vẫn thích đi bộ về nhà, trên tay là cuốn sách đang đọc dở. Một tác phẩm thế kỷ mười chín, bởi tôi không ưa gì truyện thế kỷ hai mươi bởi tôi không ưa gì thế kỷ hai mươi. Giờ, nghĩ lại, tôi đoán chừng cả điều đó người đưa sữa cũng biết rõ.
Vậy là ông ta nói ra những chuyện đó trong khi chúng tôi chạy men theo một bên bờ cái hồ chứa nước ở đầu này của khuôn viên. Có một hồ chứa nhỏ hơn gần sân chơi cho bọn trẻ ở đầu kia. Ông ta nhìn thẳng phía trước, người đàn ông này, trong khi nói chuyện với tôi, không một lần quay đầu về phía tôi. Suốt lần gặp thứ hai ông ta không hỏi tôi lấy một câu. Có vẻ như ông ta cũng không chờ phản ứng của tôi. Ấy là nếu tôi có thể. Tôi vẫn bị mắc kẹt ở câu hỏi “ông ta từ đâu mọc ra?” Chưa kể, tại sao ông ta lại xử sự như thể quen tôi, như thể chúng tôi biết nhau, trong khi chúng tôi không hề biết nhau? Tại sao ông ta lại giả định tôi không thấy phiền chuyện ông ta cứ kè kè bên cạnh tôi trong khi tôi thực sự thấy phiền? Tại sao tôi không thể cứ thế dừng cuộc chạy này lại và bảo ông ta để cho tôi yên? Ngoại trừ câu hỏi “ông ta từ đâu mọc ra?” thì phải một thời gian sau những câu hỏi còn lại mới đến với tôi, và tôi không định nói là một tiếng sau. Mà là hai mươi năm sau. Vào thời điểm đó, mười tám tuổi, lớn lên trong một xã hội có máu điên nơi nguyên tắc căn bản là – nếu không có hành động bạo lực nào giáng xuống ta, nếu không có lời nhục mạ thẳng thừng nào nhằm vào ta, nếu không có cái nhìn đểu nào đến từ xung quanh thì tức là chẳng có chuyện gì xảy ra cả, vậy nên làm sao ta có thể bị đe doạ trong khi ở đó chẳng có gì? Mười tám tuổi, tôi không rành rẽ những cách thức cấu thành nên sự xâm phạm. Tôi chỉ có thể cảm nhận được chúng, bằng trực giác, bằng sự ghê tởm dành cho một vài tình huống, một vài người, nhưng tôi không biết trực giác và sự ghê tởm cũng có chỗ đứng của nó, tôi không biết mình có quyền không thích, không phải chịu đựng, bất cứ ai và tất cả mọi người tiến lại gần mình. Ngày ấy tất cả những gì tôi có thể nỗ lực được là hy vọng đối phương sẽ mau chóng nói ra cái mà anh ta hay cô ta nghĩ mình đang vì thiện chí mà nói ra, và hy vọng nói xong họ sẽ đi; hoặc không thì tự tôi sẽ đi, một cách lịch sự, vội vã, ngay lúc tôi có thể.
Qua lần gặp thứ hai tôi biết người đưa sữa đang để mắt đến mình, có ý định tán mình. Tôi biết tôi không thích việc ông ta thích mình, cũng không có cảm xúc gì với ông ta. Nhưng ông ta không trực tiếp nói ra lời nào để thúc đẩy chuyện đó. Ông ta cũng chẳng đòi hỏi gì ở tôi. Hay đụng chạm vào người tôi. Trong lần gặp thứ hai này ông ta còn không buồn nhìn tôi lấy một lần. Thêm vào đó, ông ta lớn tuổi hơn tôi, lớn hơn rất nhiều, liệu có thể nào, tôi tự hỏi, tôi đang hiểu nhầm hết cả, rằng câu chuyện này không hề giống với cái tôi hình dung? Về phần cuộc chạy, hai chúng tôi đang ở chỗ công cộng. Nơi này, vào ban ngày, là hai công viên lớn giao với nhau, còn đến đêm thì là một chỗ tệ lậu, dù ban ngày nó cũng tệ lậu. Mọi người không muốn thừa nhận nó tệ lậu vào cả ban ngày vì như thế ít ra họ còn có chỗ để đi. Tôi không sở hữu chỗ này, tôi chạy ở đây được thì có nghĩa ông ta chạy ở đây được, bọn nhóc thập niên bảy mươi uống rượu ở đây được, bọn nhóc lớn tuổi hơn tí của thập niên tám mươi hít hơi keo ở đây được, cái lứa lớn tuổi hơn thập niên chín mươi chích ma tuý ở đây được còn vào thời điểm hiện tại thì là các lực lượng chức năng có quyền núp ở đây để chụp ảnh các đối tượng chống phá nhà nước. Họ còn chụp hình cả người quen của các đối tượng, những người họ đã biết danh tính hoặc chưa, và đó cũng chính là cái đã xảy ra. Một tiếng “tách” vang lên khi người đưa sữa với tôi chạy qua một bụi cây, cái bụi cây tôi đã cơ số lần chạy qua mà chẳng nghe thấy tiếng “tách” bao giờ. Tôi biết lần này âm thanh đó vang lên là bởi người đưa sữa và sự can dự của ông ta, với cụm từ “can dự” tôi có ý nói “có liên hệ”, và với “có liên hệ” tôi có ý nói tích cực chống đối, và với “tích cực chống đối” tôi muốn nói đối tượng chống phá, kẻ thù của chính phủ, là nguyên do cho những vấn đề chính trị tồn tại trên mảnh đất này. Và giờ thì tôi sẽ xuất hiện trong một hồ sơ ở đâu đó, trong một bức ảnh ở đâu đó, mới đây thôi còn chưa được biết tới nhưng giờ thì dứt khoát là rồi. Bản thân người đưa sữa không đả động gì đến tiếng “tách” dù cho không thể nào có chuyện ông ta không nghe thấy. Còn tôi đáp lại nó bằng cách rảo bước chạy nhanh hơn để kết thúc cho sớm cuộc chạy này, và bằng cách giả vờ như mình cũng chẳng nghe thấy gì.
Nhưng ông ta lại ghìm tốc độ lại cho đến khi chúng tôi chỉ còn đi bộ. Đó không phải là bởi ông ta không đủ sức theo tiếp mà bởi ông ta không phải người chạy bộ. Ông ta chẳng hứng thú gì với chạy. Mục đích của quãng đường chạy bộ dọc theo hai hồ chứa nước ở cái nơi tôi chưa bao giờ thấy ông ta đi chạy này không phải là để chạy. Mà mục đích của nó là vì tôi. Nói chuyện với tôi, ông ta ra cái điều lý do ông ta giảm tốc độ là để điều hoà lại, nhưng tôi biết điều hoà là thế nào và với tôi, đi bộ trong lúc chạy không phải điều hoà. Nhưng tôi không thể nói vậy, vì không lý gì tôi lại khoẻ hơn người đàn ông này, hiểu biết về chế độ tập của bản thân hơn người đàn ông này, vì cái nhìn về nam với nữ ở đây sẽ không bao giờ cho phép điều đó. Chúng ta lại đã sa vào địa hạt “tôi là đàn ông còn cô là đàn bà”. Nó là những gì ta có thể nói ra nếu ta là một đứa con gái nói chuyện với một đứa con trai, một người phụ nữ với một người đàn ông, hoặc một đứa con gái với một người đàn ông và những gì ta không được phép nói ra – ít ra thì là theo kiểu chính thức, giữa chốn đông người, và nhiều hơn một lần. Là việc một vài đứa con gái nhất định sẽ không được dung thứ nếu bị xem là không chịu phục tùng đàn ông, không chịu công nhận sự vượt trội của đàn ông, thậm chí còn đi xa đến mức dám bật lại đàn ông, mà về cơ bản là những đứa con gái cứng đầu, một giống loài xấc láo và quá đinh ninh về mình. Nhưng không phải tất cả đàn ông con trai đều như vậy. Một số phá lên cười và thấy các anh đàn ông bị xúc phạm ngồ ngộ. Đó là những người mà tôi thích – và bạn-trai-trù-bị có trong số đó. Anh sẽ cười mà nói, “Em đang lừa anh phải không. Làm sao có thể tệ như thế, tệ như thế thật à?” khi tôi nhắc đến đám con trai mà tôi biết tỏng là không ưa gì lẫn nhau nhưng lại hiệp lực đồng tâm đả phá giọng hát ồn ào của Barbra Streisand; những đứa con trai nổi đoá lên với Sigourney Weaver vì đã giết được sinh vật trong cái bộ phim mới ra mắt mà cả đám nhân vật nam trong phim không ai giết được; những đứa con trai xù lông lên với Kate Bush vì điệu bộ như mèo, với mèo vì điệu bộ như đàn bà, nhưng tôi không nói gì về số lượng mèo bị giết chết và phanh thây đã nhiều đến mức chẳng còn lại mấy con mèo trong khu nhà tôi. Thay vào đó tôi dừng lại ở chuyện Freddie Mercury vẫn còn được ngưỡng mộ miễn chừng nào người ta còn có thể chối đây đẩy là anh ta không ái, nghe đến đấy bạn-trai-trù-bị đặt bình pha cà phê xuống – trong số những người tôi biết chỉ có mỗi anh với bạn anh, đầu bếp trưởng, là có bình pha cà phê – rồi ngồi xuống mà cười bò ra.
Đó là “bạn-trai-trù-bị đến giờ đã quen được gần một năm” của tôi, người tôi sẽ gặp vào các tối thứ Ba, thỉnh thoảng vào tối thứ Năm, hầu hết các tối thứ Sáu – ở lại đến sáng thứ Bảy, và tất cả các tối thứ Bảy – ở lại đến sáng Chủ nhật. Đôi khi đó có vẻ là một mối quan hệ nghiêm túc. Đôi khi không. Một vài người bên đằng anh xem bọn tôi là một cặp. Nhưng đa phần nghĩ bọn tôi là kiểu cặp mà không cặp, kiểu gặp nhau thường xuyên đấy nhưng không phải vì thế mà thành một cặp đôi đúng nghĩa. Tôi ước gì hai bọn tôi là một cặp đôi đúng nghĩa và hẹn hò chính thức và đến một lúc tôi đã nói như thế với bạn-trai-trù-bị, nhưng anh nói không, rằng không phải vậy, rằng tôi hẳn đã quên rồi nên anh phải nhắc lại cho tôi nhớ. Anh nói đã từng có lúc bọn tôi thử – anh làm bạn trai nghiêm túc của tôi, tôi làm bạn gái nghiêm túc của anh, chúng tôi gặp gỡ nhau, sắp đặt và, dường như vậy, hướng đến, như các cặp đôi đúng nghĩa, một tương lai chung. Anh nói tôi đã đâm ra rất khác. Anh nói anh cũng đâm ra rất khác, nhưng anh chưa bao giờ thấy ở tôi có nhiều nỗi sợ như vậy. Láng máng, trong khi anh nói, tôi nhớ ra đôi chút những gì anh đang thuật lại. Nhưng một phần khác trong tôi lại nghĩ, hay là anh đang dựng chuyện? Anh nói đã đề nghị, nhằm vớt vát lại những gì bọn tôi từng có, bất kể đó có là gì, bọn tôi thôi không làm bạn gái nghiêm túc và bạn trai nghiêm túc nữa, mà ai mong muốn sự nghiêm túc đó đây? chỉ có tôi, sử dụng nó làm cớ để tròng anh vào “những cuộc trò chuyện về cảm xúc” mà, cứ xem phản ứng dữ dội của tôi khi hai bọn tôi thực sự nói chuyện về cảm xúc, cứ xem việc tôi nói về cảm xúc thậm chí còn ít hơn cả anh thì hẳn là từ đầu tôi đã chẳng tin gì mấy vào chuyện này. Thay vào đó anh gợi ý bọn tôi trở lại địa hạt trù bị, cùng mù mờ không biết mình có đang hẹn hò người kia không. Thế là bọn tôi làm vậy và anh nói tôi đã bình tĩnh trở lại và cả anh cũng bình tĩnh trở lại.
Trở về với địa hạt “đàn ông và phụ nữ” được chính thức công nhận, với những gì phụ nữ có thể nói và không, tôi không nói gì khi người đưa sữa theo đuôi tôi, ghìm tôi lại rồi dừng hẳn cuộc chạy. Lại một lần nữa, ít ra không phải là chủ tâm, ông ta không có gì khiếm nhã, nên tôi không thể khiếm nhã mà tiếp tục chạy. Thay vào đó tôi để cho ông ta ghìm mình lại, người đàn ông này, người tôi không muốn cho lại gần, và đó là lúc ông ta bộc lộ ra cái ông ta nghĩ về việc tôi, khi không chạy, thì sẽ đi bộ, những lời tôi ước giá gì ông ta đừng nói ra hoặc tôi không phải nghe thấy. Ông ta nói rằng ông ta thấy lo, rằng ông ta không thấy có gì là hay, và trong suốt lúc đó ông ta vẫn không nhìn sang tôi. “Chưa chắc đây đã là việc hay,” ông ta nói, “mấy sự chạy này, rồi cả mấy sự đi bộ. Chạy như thế này là nhiều quá, đi bộ như thế này là nhiều quá.” Với câu nói đó, không thêm một lời, ông ta rẽ ngoặt sang lối khác và biến mất. Cũng giống như lần trước, xuất hiện với cái xe bóng loáng, lần này – bất thình lình hiện ra và kè kè chạy bên cạnh, rồi thì sự giả định, tiếng máy ảnh, nhận định của ông ta về việc tôi chạy với đi bộ, và sự bỏ đi đột ngột – ông ta khiến cho tôi hoang mang, rụng rời nối tiếp rụng rời. Tôi cảm thấy sốc, phải, nhưng là sốc vì một chuyện dường như quá cỏn con, không quan trọng, thậm chí là quá bình thường để có thể cho tôi lý do mà sốc. Nhưng cũng chính vì điều này mà phải đến mấy tiếng sau khi đã về nhà tôi mới tỉnh ra ông ta biết về công việc của tôi. Tôi cũng không nhớ mình về nhà thế nào vì sau khi ông ta bỏ đi, lúc đầu tôi đã cố chạy nốt, cố tiếp tục cái đang bỏ dở, giả vờ như ông ta không hề xuất hiện hay ít ra thì cũng là việc ấy không tác động gì đến tôi. Rồi, vì tôi đang không chú ý, vì tôi bối rối, vì tôi không thành thực với mình, tôi đạp chân lên một trang tạp chí bóng loáng lìa ra từ cuốn tạp chí bỏ đi. Đó là một trang báo đôi in hình một phụ nữ với mái tóc dài rối bù, chân đi bít tất, bên trên cài dây đeo bít tất, một thứ cũng có màu đen và bằng ren. Cô ta đang mỉm cười nhìn tôi, người ngả ra đằng sau, chìa ra cho tôi xem, và đúng vào lúc ấy tôi trượt chân, mất thăng bằng, mắt chạm thẳng vào toàn bộ cái ấy của cô ta trong khi ngã dập người xuống lối đi.
Ngọc Dao dịch
Người góp chữ
Ngọc Dao
The Sound of Mountain.
Leave a Reply