Số này có thể download toàn bộ dưới dạng file PDF to (111MB), nhỏ (15MB) hoặc epub (chưa đến 1MB), hay Kindle (xấp xỉ 8MB).
Nhóm chủ trương: Zét Nguyễn, Y Lán
Phụ trách hình ảnh: Bơ Ơ Bơ
Thiết kế: Ụt Ịt
Biên tập: Liên Trịnh
Liên hệ: tapchi@zzzreview.com
Lời ngỏ
Một ngày đẹp trời nọ, chúng tôi ngẩng đầu lên nhìn trần nhà, rồi bảo nhau: Bây giờ nhiều sách hay ra quá, đọc không khắp, giá có tạp chí gì giới thiệu cho bà con sách đông tây nam bắc để biết mà kiếm đọc, thì thích nhỉ.
Ờ, thì thích nhỉ.
Hay bọn mình làm một cái như thế đi.
Nói rồi, chúng tôi lại cúi xuống, tiếp tục chạy tiến độ.
Đến lúc lại ngẩng lên, thì ngót mười một năm đã qua. Bên mình thế nào mà đã mọc ra rất nhiều hành lý, trên đời sách hay cũng đã mọc thêm bằng mười bằng trăm lần năm xưa, không phải như lan như huệ như đào, mà như nấm. Hoài Thanh thực ra khí bất công, nấm là thứ vừa thơm, vừa ngọt, vừa giàu dinh dưỡng, vừa gần gũi với giới bình dân vừa không thẹn khi lên mâm son quyền quý. Nấm có thể thoạt nhìn không đẹp đủ lên ảnh tự sướng nhưng nhìn kỹ qua vẻ xù xì sẽ thấy hết độ tinh vi. Sau thời gian đọc sách ít hoặc nhiều chuyên nghiệp, bộ lọc của chúng tôi đã nhận ra những gì còn lại trên sàng chủ yếu là nấm. Thế nên đây có thể coi như một thứ sổ tay ăn nấm, tạp chí này.
Còn việc ra đời của tạp chí này, nó ngẫu nhiên và trên trời rơi xuống như hầu hết mọi thứ chúng tôi làm, chả liên quan gì đến câu nói vu vơ đã được quên ngay vì tiến độ cả. Kể vậy cho có cái vào đề thôi.
*
Điều vui là sách hay mọc thêm và người đọc sách cũng nhiều thêm và lớn thêm rất nhanh. Tuy rất nhiều tạp chí và nhóm văn chương từng là ngôi sao dẫn đường của chúng tôi một thời đã tắt, nhưng lại vô số nhóm hội mọc lên, càng lúc càng trẻ, càng lúc càng đa dạng, và một phần lớn những người tạo hình cho dư luận bây giờ thuộc về số đông, về những người đọc hằng ngày, một hiện tượng mà tạp chí Granta từng gọi là sự dân chủ hóa về viết lách và phê bình trong văn học thế kỷ 21 (một bước tiến lớn hơn so với, ví dụ, thế kỷ 20 mà Walter Benjamin đã trình bày một cách trác tuyệt trong bài viết có thể đọc trong số này). Ai nói rằng văn hóa đọc ở Việt Nam đã chết, hãy đập cho nó một cái vào mặt. Ai nói rằng văn hóa đọc ở Việt Nam đã chết, người ấy chẳng qua chưa tìm được nhóm thích hợp với mình.
Zzz Review ra đời, vốn chỉ là một nắm bạn bè gọi nhau cho vui, để nói chuyện về những cuốn sách mà chúng tôi rất yêu nhưng hình như không ai thèm nói, và để Madame Z khỏi chết gục khi múa gậy một mình. Nhưng trong gần một tháng trời sau khi công bố về công trình nông nổi này trên trang Z, số bài và số trang đã phình lên gấp đôi, nhiều người vì tìm đến hay vì nhì nhèo nhờ vả mà đã bỏ công giúp cho tạp chí có một cái mặt xinh xắn sạch sẽ, và vẫn tiếp tục có những người liên hệ đến muốn được góp bài, hoặc góp sức, cho những số sau nữa, khiến chúng tôi rất vui và rất cảm ơn, tuy cũng có đôi chút ngại. Vì Zzz Review cũng không có ý định làm ngôi sao dẫn đường hay dì dượng của ai, mà chỉ giả định là của các bạn bè làm cho bè bạn đọc (mặc dù trong số này có sự ủng hộ bài của những tiền bối mà chúng tôi hằng kính trọng và/hoặc hâm mộ, như dịch giả Đăng Thư hay nhà văn Phạm Thị Hoài, nhưng xin được phép ở đây coi họ cũng như những người bạn vong niên (rất được kính trọng và hâm mộ) trong sự đọc). Nếu đồng ý như vậy, thì hộp email của tạp chí luôn để ngỏ; Zzz Review không có tiêu chí gì ngoài “lọt mắt xanh con mụ Z”.
*
Ai đến với tạp chí này qua ngả trang Bên phía nhà Z thì hẳn đã biết chúng tôi không phải là một bầy nghiêm túc. Thỉnh thoảng cũng cố gắng cosplay nghiêm túc đấy nhưng thường thì đã hết nhẵn sau khoảng một hai dòng. Bản thân việc làm tạp chí là một trò chơi, giống như hầu hết những thứ người ta tự nguyện làm khi có thể vét chút thời gian ngẩng mặt lên khỏi một vạn loại tiến độ cả đời lẫn việc; bởi đối với chúng tôi việc đọc sách là, và nên là, một trò chơi, một niềm vui, cho dù và ngay cả khi đọc sách cũng là một (vài) trong cái vạn ấy. Đóng cửa sau lưng khi bước vào trong một cuốn sách là một cảm giác tự do vô tận, và người đọc đối diện với thế giới mỗi lần một mới mẻ trước mắt có cái độc lập của một người chơi game nhập vai. Madame Z có nhiều điều hơn muốn nói về ý này, nhưng bởi quota trang đã hết và hai trăm trang khác đang ùn ùn đòi đến lượt, nên xin mời nhảy vào số này để đến với Pulitzer năm nay, cùng Nguyễn Hải Nhật Huy, cùng dịch giả Thiên Nga, và nhiều người khác.
Z&Z
18-7-2018
Người góp chữ
Đăng Thư là một bút danh dịch thuật của Trần Đức Tài, sống ở Đà Lạt, có dịch phẩm đầu tay xuất bản từ 1988 và vẫn tiếp tục dịch lai rai.
Đặng Hương Giang: người rất yêu Calvino.
Hà Linh là một thành viên đời đầu của thế hệ được mệnh danh 9x, đến giờ vẫn chưa biết đi xe máy.
Ngọc Dao: asa nisi masa.
Ngô Thanh Tuấn sưu tầm sách, đặc biệt quan tâm các tác giả đạt giải Nobel. Hiện sống và làm việc ở Đà Nẵng.
Phạm Thị Hoài tức Phạm Thị Hoài.
Phùng Hồng Minh tự mình cũng không biết rõ năm sinh, hiện đang sống và làm việc khu vực quanh Hà Nội.
Trạch Nam: ăn bám bố mẹ.
Khánh Nguyên too gay to function.
Zét Nguyễn, rất thích được gọi là madame Z.
Mục lục
Điểm sách
Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới: Nhảy, hay không nhảy, đó là vấn đề
Đời nhẹ khôn kham: Lại chơi với kitsch
Những vọng âm nằm ngủ: Cái gì còn tiếp?
Bẫy-22: “Sống đứng còn hơn chết quỳ”
Miền Non Cao Xứ Bồ Đào: Ngọt buồn man mác như con tê giác xưa
Mặc Đỗ & Huỳnh Phan Anh – Những tài năng đa dạng
TOP 10 văn học dịch nửa đầu 2018
Tiểu luận
Walter Benjamin: Tác phẩm nghệ thuật trong kỷ nguyên nhân bản kỹ thuật
Simenon, ba vợ trăm nhà nghìn cuốn sách
Ray Bradbury – nhà thơ của văn xuôi
Phỏng vấn
Nguyễn Hải Nhật Huy: “Việc viết, bản thân nó đúng là một nghệ thuật”
Gunter Grass, Nghệ thuật tiểu thuyết số 124
Fic&Poe
Andrew Sean Greer, Less (trích)
Ray Bradbury, “Rồi mưa lành sẽ tới”
Jeffrey Eugenides, Middlesex (trích)
Hwang Jungeun, “Khoảnh vườn của Đậu”
Dịch&Bàn
Thiên Nga: “Người dịch nào cũng sống luôn trong cuốn sách mình đang dịch”
Nhuận dịch ảnh hưởng thế nào đến việc phổ biến sách kinh điển nước ngoài ở Trung Quốc
Leave a Reply