Nguyễn Hải Nhật Huy sinh năm 1987, viết code dạo từ thuở 16, đến tuổi 30 bèn sở hữu vốn lận lưng là hai cuốn tiểu thuyết Cô gái Hà Nội mập mặc Burqa và Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới. Cuốn tiểu thuyết thứ 2 xuất hiện như một tín hiệu đáng mừng cho văn học Việt nửa đầu 2018, nơi cứ tưởng đìu hiu, nhưng lại có vài bất ngờ, nho nhỏ. Zzz Review xin giới thiệu bài phỏng vấn với tác giả trẻ này.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Xin được bắt đầu bằng câu hỏi nhàm chán nhất trần đời, sao tự dưng anh lại đi viết văn?
HUY
Tôi kiếm sống bằng nghề kỹ sư phần mềm, đến năm 28 tuổi mới bắt đầu viết. Tôi không hề nuôi ý định viết văn nghiêm túc từ trước, nhưng nếu nói là đột ngột hứng lên bắt đầu viết thì cũng không đúng lắm. Ngày xưa gia đình tôi có một tiệm sách báo nhỏ, tôi hay trông hàng giúp má vào các buổi chiều, thường tranh thủ thời gian đọc rất nhiều, từ báo chí cho đến các thể loại khoa học thường thức, võ hiệp, truyện tranh. Nhìn chung có lẽ vì thế mà tôi vốn thích những gì phiêu lưu, li kì. Mỗi khi nghe nhạc, trong đầu tôi thường tưởng tượng ra các tình huống, các câu chuyện có yếu tố drama phù hợp với không khí của bài nhạc đang nghe. Cho đến bây giờ, và có lẽ sẽ luôn luôn như thế, việc nghe nhạc đóng một vai trò quan trọng, nhiều khi là chủ chốt trong quy trình viết của tôi. Nhìn chung hồi 2015, lúc bắt đầu, đối với tôi nó như một sở thích mới, để biến những tưởng tượng của mình thành một cái gì đó chia sẻ được với người khác. Nếu không viết ra thì mọi thứ vẫn cứ tự động nảy sinh trong đầu tôi thế thôi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Độc giả có thể thấy âm nhạc, đặc biệt là nhạc rock, tràn ngập trong Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới, từ các bài hát mà các nhân vật nghe, tới việc nhân vật chính từng là thành viên trong ban nhạc. Ngay cả cái cách hình thành và kết thúc mỗi chương của truyện cũng tạo cho độc giả cảm giác nghe một đoạn nhạc. Anh có thể lý giải điều này không?
HUY
Như tôi đã nói, việc nghe nhạc giúp tôi chìm sâu vào trong cảm xúc tôi cần có để viết. Không có gì chạm vào cảm xúc và tâm trạng của tôi nhanh và trực tiếp như âm nhạc. Ứng với mỗi đoạn trong truyện, tôi có trong điện thoại của mình một hoặc vài bài nhạc tương ứng, phần nào đã được liệt kê thẳng thừng trong văn bản truyện. Bản thân tôi cũng là một người thích chơi nhạc, dù không giỏi.
Đã từng có một độc giả nhắn tin cho tôi nói rằng bạn ấy cảm thấy mỗi chương trong truyện bắt đầu, diễn ra và kết thúc như thể một video clip ca nhạc. Tôi rất thích nhận định này, đây là khía cạnh mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Các video clip ca nhạc, nhất là những clip được làm khéo, diễn viên thể hiện biểu cảm tốt, thường sẽ nhân cái cảm xúc trong bài hát lên rất nhiều, đến mức người xem sẽ dần dần đánh đồng chúng với những tình huống của bản thân. Nguyên lý của việc này có lẽ giống như emoji ấy. Hồi còn bé, tôi rất thích xem danh sách bài hát trong tuần của MTV trên VTV3. Tôi nghĩ có lẽ tôi đã vô thức tưởng tượng các biểu cảm của các nhân vật trong truyện giống như các nhân vật trong các video clip ca nhạc chăng?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nhân vật Thái Vũ trong Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới có nhiều yếu tố tương đồng với anh không? Liệu có thể coi cuốn tiểu thuyết này là một tác phẩm có nhiều phần tự thuật?
HUY
Không hề! Nhiều người cũng nghĩ nhân vật Thái Vũ là chính tôi nhưng không phải vậy. Chín trên mười thanh niên văn phòng ở Sài Gòn sẽ cảm thấy mình tương đồng về hoàn cảnh sống với Thái Vũ, anh ta là điển hình của những con người đang sống trong cái môi trường đó, ít ra là tôi nghĩ vậy. Còn về tâm tư, suy nghĩ, triết lý sống thì hẳn nhiên là luôn phải có sự tương đồng nào đó giữa nhân vật và tác giả, vì đây là mối quan hệ của người sáng tạo và sản phẩm mà. Việc dùng một số trải nghiệm thật vào truyện cũng giúp tôi viết dễ dàng và nhiều cảm xúc hơn, nhưng tôi không đánh đồng bản thân mình với Thái Vũ. Nếu nhìn vào hai nhân vật chính trong truyện, tôi nghĩ tính cách và phong cách của tôi giống nhân vật Q hơn. Kể cả giọng tường thuật của Q, mặc dù ban đầu hơi vấp váp nhưng càng lúc tôi càng cảm thấy gần gũi và dễ triển khai hơn.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vậy liệu có thể nói cuốn tiểu thuyết là tuyên ngôn của anh? Về ý nghĩa cuộc đời, về chủ nghĩa tư bản, về người trẻ và cách sống ở đời?
HUY
Gọi là tuyên ngôn thì hơi quá nhưng có lẽ đó đúng là quan điểm của tôi. Sẽ rất nhạy cảm với tình hình Việt Nam hiện tại để viết hay nói lên một cái gì đó tạm gọi là “chống chủ nghĩa tư bản”, bởi bạn sẽ dễ dàng bị phần lớn những người có đầu óc, tạm gọi là người trí thức dè bỉu. Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản là tất cả những gì thuộc về hiện thực của loài người ở thời điểm hiện tại, bất chấp hệ thống chính trị mà họ đang sống, mức độ tự do chính trị mà họ đang có. Càng ngày càng khó để phân biệt giữa tập đoàn và chính phủ. Tôi nghĩ màu sắc của Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới không phải là màu sắc của nổi dậy và lật đổ, mà là chế giễu và chán chường, mệt mỏi, bất lực.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Trong tiểu thuyết, cả xã hội nơi Thái Vũ sống, như bị bủa vây trong truyền thông và bị truyền thông dắt mũi. Rất nhiều slogan quảng cáo ấy người đọc có thể thấy nhan nhản trên tivi, những ám ảnh về thực phẩm bẩn, về sống cun ngầu của giới trẻ, và những phi vụ truyền thông ấy rất nhiều quen thuộc, chẳng hạn như vụ con ruồi trong hộp sữa. Rất dễ nhận thấy anh lấy những ý tưởng đó trực tiếp từ xã hội hiện đại của chúng ta ngày nay. Song, đẩy vấn đề đi xa hơn như trong tiểu thuyết, anh có nghĩ đó là hiện thực của chúng ta, bị truyền thông bịp bợm?
HUY
Tôi nghĩ và biết rằng thực tế của chúng ta còn phức tạp hơn cả những gì diễn ra trong truyện. Ở mỗi thời đại, cả xã hội cần một cái theme để cảm thấy mình là một bầy chứ không phải triệu người lẻ tẻ. Thời chiến tranh, cái theme đó có thể là tình yêu nước, con đường giải phóng dân tộc. Ở thời đại này của chúng ta, hiện thực mang cái theme của tiêu thụ.
Tôi nghĩ truyền thông, giải trí, văn hóa đại chúng… là công cụ cai trị của các tập đoàn, cũng giống như hệ thống tuyên truyền của các chính quyền. Khi mà đại đa số mọi người trong xã hội có một cuộc sống dễ chịu, đầy đủ, nhiều drama, muốn mua cái gì cũng được, thì họ thỏa mãn và ở yên chỗ của họ. Ở thời thực dân và thời chiến tranh, vì hoàn cảnh lịch sử và vì vật chất không đầy đủ, nên người ta phải dùng thuốc phiện và con bài yêu nước, giải phóng dân tộc. Bây giờ thì cần Trấn Thành và Trường Giang, đám cưới hoàng gia, thẻ tín dụng đi kèm nữ quyền, đủ thứ chó mèo (những người bạn tuyệt vời của con người, không bao giờ phản bội), giày thể thao, vòng eo thon gọn, cô ấy bỏ anh hay anh bỏ cô ấy để đi tu… ví dụ thế. Bạn không thể bán nhiều sữa chua nếu không tài trợ cho chương trình thi nhảy trên truyền hình, nơi mà các thí sinh phải vượt qua bao nhiêu là khó khăn của gia đình và xã hội để theo đuổi đam mê.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Nhân vật nam chính bỏ Sài Gòn đô thị ngột ngạt đầy nhà cao tầng tổ ong để về Đà Nẵng sống. Có một sự tương phản rất lớn giữa Đà Nẵng và Sài Gòn. Đà Nẵng trong tiểu thuyết của anh như một nơi dễ thở hơn, tự do phóng khoáng hơn, mà cũng lại nhiều yếu tố kỳ bí hơn. Hãy nói về Đà Nẵng, và vai trò của nó trong tác phẩm của anh, nó là nguồn cảm hứng?
HUY
Tôi cố gắng phần nào miêu tả hai thành phố đúng như hiện thực của nó ở thời điểm tôi viết. Đà Nẵng so với Sài Gòn hẳn nhiên là nhỏ hơn nhiều và thông thoáng hơn nhiều, nhưng không phải là nó không có những vấn đề của riêng nó. Nó vốn là một thành phố nhỏ ngái ngủ, bỗng một ngày được nạo ra rồi đắp lên đầy những thứ vốn không thuộc về nó. Cũng giống như nhân vật Thái Vũ, tôi thấy buồn và hụt hẫng về điều này, nhiều lúc cứ có cảm giác như nơi mình thuộc về không còn là nơi mình thuộc về nữa và bản thân mình trở thành như một cái cây không có rễ. Còn về những yếu tố kỳ bí của vùng Đà Nẵng và Quảng Nam, thật ra chúng thuộc về một dòng ý tưởng liên tục phát triển trong đầu tôi trong khoảng vài năm trở lại đây. Có lẽ những yếu tố này sẽ đóng vai trò lớn hơn trong các tiểu thuyết sau của tôi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vì thế nên rất nhiều địa điểm nổi tiếng của Đà Nẵng được đưa vào truyện, từ con rồng xấu xí, đến bán đảo Sơn Trà, đặc biệt là Cổ Viện Chàm, nơi liên tục được nhắc đến, và cũng là nơi mà hai nhân vật chính hội ngộ. Anh gửi gắm những gì ở địa danh đặc biệt này?
HUY
Tôi nghĩ sự phát triển của các đô thị ở Việt Nam, với sự thiếu nhân văn trong công tác quy hoạch, cộng với sự tham lam những thứ hời hợt trước mắt, đang dần dần xóa đi hết hoặc ít ra là đe dọa các dấu vết của cái quá trình mà mỗi đô thị sinh ra và lớn lên. Bán đảo Sơn Trà và Cổ Viện Chàm, một mẩu núi rừng đâm ra biển và một lô một lốc những hiện vật là di sản của một nền văn minh cổ xưa đã mất, là những thứ gắn với lịch sử và sự hình thành của Đà Nẵng. Cách đây mấy năm ở gần nhà tôi, có người đào đất xây toilet đã vô tình chạm vào móng của một cái tháp Chàm rất lớn. Gia đình anh ta sống ngay phía trên đó từ lâu rồi mà không hề biết gì. Đối với tôi, những thứ như thế là điểm nhấn quý báu nhất của mỗi vùng đất. Tôi cho rằng mất đi những cái đấy thì chẳng khác gì Q chẳng còn nhớ gì về các “kiếp trước” của mình cả, cứ cô đơn lạc loài, vật và vật vờ. Nhân vật Thái Vũ, tôi nghĩ, có lẽ cũng nhờ những lúc nhớ ra mình đã vô tư và nghệ sĩ như thế nào thời niên thiếu mà anh ta vượt qua những lúc buồn nản nhất.
Giữa một đô thị và một nền văn hóa sống bên trong nó có một mối liên quan qua lại. Nếu ta cứ xóa hết đi mọi thứ từng có, xây đắp sao cho thật giống những gì ta thấy ở những nơi xa lắc ta thấy ở đâu đó, thì văn hóa riêng của ta và của các thế hệ sinh sau sẽ chẳng còn nữa, chẳng còn gì của riêng ta nữa. Mà có lẽ “không còn gì riêng” đang là xu hướng chung hay sao đó, với sự linh động của kinh tế toàn cầu lúc này. Cách đây ít lâu có tập thơ của một bạn tên Lu, trong đó có một bài mà tôi thấy rất hay. Đại ý là, anh ta là người Hà Nội, mỗi lần vào Sài Gòn, bước vào Circle K là anh ta lại có cảm giác như đang ở Hà Nội. Hay không? Rất hay.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tiểu thuyết Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới của anh được kể từ góc nhìn của 2 nhân vật, 1 nam, 1 nữ, theo thứ tự lẻ nam, chẵn nữ. Độc giả đọc các chương chẵn ban đầu có cảm giác như đọc tiểu thuyết sci-fi với đầy đủ các thuật ngữ đặc biệt của thể loại này: Óng Ánh, người-thuần, phản binh, nhân dạng. Anh có bị ảnh hưởng bởi tác giả hay tác phẩm nào khi nghĩ ra thế giới như vậy không? Chẳng hạn như Harry Potter, một tác phẩm mà nhân vật của anh rất hay nhắc tới.
HUY
Hẳn nhiên rồi. Tôi vốn là fan bự của Harry Potter, Chúa Nhẫn, Star Wars, Ma trận… Ban đầu thì chỉ kể từ nhân vật nam, Thái Vũ, thôi, nhưng về sau thì tôi quyết định tách một số tình huống ra, sau đó thêm vào nhánh của nhân vật Q để bộc lộ rõ hơn nhân vật này và dùng nó như một cách để phản ánh quá trình thay đổi của nhân vật kia. Một phần cũng để độc giả bớt chán, tôi quyết định viết nó sao cho mang tính hành động hơn, làm cho người đọc thấy tò mò hơn.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Q có điên thật không? Tôi có cảm giác thế giới của Q quá thật để có thể coi là thế giới ấy là nằm hoàn toàn trong tưởng tượng của một kẻ điên? Loài người có đang bị thu thập dữ liệu từ các bảng điện tử LED?
HUY
Tôi tốn khá nhiều thời gian trên các forum và trên YouTube để tìm hiểu xem thế giới nhìn từ góc nhìn của một người bị tâm thần phân liệt sẽ như thế nào. Trong suốt quá trình viết, đúng là tôi có hơi lo vì thế giới của Q có hơi quá chi tiết và logic, nhưng mà suy cho cùng thì chúng ta khó mà đưa ra được một tiêu chuẩn chung cho mức độ và motif của những ảo giác (hallucination) mà một bệnh nhân tâm thần trải qua. Họ thường tin một cách chắc chắn, không gì suy chuyển được, vào những quan điểm dựa trên ảo giác đó… mà thật ra thì con người dù có bị tâm thần hay không cũng thường hay như thế. Quá trình mỗi người tự vượt qua những “xác tín” mà xã hội gieo vào mình ngay từ nhỏ cũng chẳng khác gì một liệu trình ở bệnh viện tâm thần. Bản thân tôi đôi khi cũng tự hỏi không rõ một số chuyện mình từng gặp mà trải qua liệu có thật hay là hoàn toàn ở trong đầu mình. Tôi nghĩ tình trạng tâm thần của một con người là yếu tố quan trọng nhất quyết định hành vi của họ lâu dài. Và tôi cũng nghĩ chắc là không có một lằn ranh rõ ràng giữa điên và không điên, có lẽ nó như một cái thước thì đúng hơn: bạn đứng đâu đó hoặc di chuyển dọc theo cái thước đó thay vì đứng hẳn ở một trong hai đầu.
Có thể những bảng điện tử LED không thu thập gì, nhưng chắc chắn là loài người bị thu thập dữ liệu rất nhiều. Hoàng Cột Điện đem so với các công ty công nghệ thì chỉ như một con muỗi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Phải chăng đó chính là ảo giác của nhân vật Thái Vũ, khi nhân vật nam chính Thái Vũ quan hệ với Anna, đồng nghiệp, nếu không phải là sci-fi, sao Thái Vũ lại thấy lưỡi Anna như lưỡi rắn?
HUY
Tôi thật sự không rõ chuyện này, dù tôi viết ra hoàn toàn chủ ý. Bạn nghĩ vì sao?
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Được biết Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới dù ra đời sau Cô gái Hà Nội mập mặc Burqa nhưng lại là tiểu thuyết đầu tay, đang viết dở lại xoay sang viết cuốn này, tại sao lại thế?
HUY
Tôi bắt đầu viết Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới vào tháng 5 năm 2015. Đến tháng 11 cùng năm thì xoay sang viết Cô gái Hà Nội mập mặc Burqa, đến tháng 10 năm 2016 thì đem cuốn này đi in. Xong xuôi mới xoay sang tiếp tục Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới, lúc đó vẫn đang mang tên cũ là Những tấm thảm bay.
Lý do của sự đứt quãng này là ở thời điểm đó tôi vẫn chưa biết viết. Thật sự, từ biết cách đặt câu cho đến biết cách đặt liên tục một loạt câu nối đuôi nhau thành một đoạn văn để diễn đạt một ý là một quãng đường dài, đó là chưa kể đến việc phải duy trì một màu sắc, một không khí nhất quán từ đầu đến cuối. Tôi viết Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới hoài không được nên quyết định viết một cái gì đó đơn giản hơn để tập. Thế là tôi lôi những chuyện buồn cười tôi gặp trong các chuyến đi du lịch bụi của mình ra xâu chuỗi lại, lấy hình ảnh và tính cách của một vài đứa bạn ra làm nhân vật rồi viết thành Cô gái Hà Nội mập mặc Burqa. Mục tiêu duy nhất lúc đó là tập được cách diễn đạt. Yêu cầu đặt ra cho sản phẩm là phải buồn cười. Ban đầu tôi cũng không định in cuốn Burqa, nhưng một số bạn bè của tôi đọc được thì rất thích, thế là tôi bỏ ra năm mươi triệu đem in luôn. May mà không lỗ. Kể ra thì, ngay cả khi quay lại viết Cơn bão, tôi cũng vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn về cách diễn đạt, phải đến những ngày cuối cùng trong quá trình sửa bản thảo tôi mới bắt đầu thấy mình viết trơn tru.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Sau hai cuốn tiểu thuyết, anh học được thêm gì về nghệ thuật viết?
HUY
Quá trình viết ra hai cuốn này dạy cho tôi tiểu thuyết là gì. Trước đó tôi đọc nhiều, nhưng thường là kiểu “genre fiction” như Harry Potter, Chúa Nhẫn, các series của Kim Dung vân vân… Chính để đầu tư cho việc viết mà tôi phải mở rộng phạm vi đọc ra. Tôi bắt đầu đọc Trần Dần, Salman Rushdie, Kafka, Haruki Murakami, Junot Díaz… Sau đó tôi cố gắng mô phỏng cách những người này dẫn dắt câu chuyện. Việc này giống như đã mở ra cả một thế giới cho tôi. Điều quan trọng nhất mà tôi nhận ra được là bạn không nhất thiết cứ phải kể một lô một lốc theo dòng sự kiện, mà bạn thích thể hiện kiểu gì cũng được, thay đổi góc nhìn, đổi ngôi, pha tạp ngôn ngữ, bỏ bớt chi tiết, lôi cả ghi chú vào quá trình kể chuyện… Và vì xuất phát là một kỹ sư, tôi thường bị gò bó vào tính hợp lý và chặt chẽ. Giờ thì tôi hiểu là bạn không nhất thiết phải rõ ràng và đầy đủ, nhiều khi cứ bừa phứa tí lại hay. Tức là, việc viết, bản thân nó đúng là một nghệ thuật, chứ không chỉ đơn giản là kể chuyện, là viết sách. Có lẽ tôi đã thể hiện được một tí xíu những điểm kể trên qua cách kể của cuốn Cơn bão, nhưng tôi nghĩ nó vẫn còn vụng lắm.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Anh yêu thích tác giả, tác phẩm nào?
HUY
Tôi đọc cũng khá nhiều nhưng tản mát, không đọc một ai đủ nhiều để nói mình thích hẳn một tác giả nào, nhưng tôi có thể kể tên ra những cuốn như Những ngã tư và những cột đèn, Những đứa con của nửa đêm, Cuộc đời của Pi, Tạp âm trắng. Những cuốn này đem tới cho tôi khoái cảm đọc đơn thuần, từng câu từng chữ, từng đoạn một. Cuốn The Brief Wondrous Life of Oscar Wao của Junot Diaz cũng là một cuốn quan trọng với tôi, mặc dù tôi đọc nó trong tâm thế để học hỏi hơn là chỉ để đọc vì đọc.
Tôi cũng thích Vụ án và Lâu đài, tôi đã đọc hết rồi, nhưng rất ngại phải đọc lại vì cứ mỗi lần cầm lên đọc một đoạn là tôi cứ thấy đầu biêng biêng. Kafka đối với tôi, có cảm giác như thể buổi trưa tôi ăn bốn năm bát cơm, một đống thịt, xong vào phòng đóng cửa bật máy lạnh ngủ tới 6 giờ chiều, bước ra khỏi phòng thấy như tất cả nước trong người mình đều đã khô sạch, đầu choáng váng, mắt mũi kèm nhem và tâm trạng thì vẫn còn bị dư âm của một giấc mơ nào đó mà mình đã quên sạch lúc thức dậy. Thứ làm tôi nổ não nhất là trong Hóa thân, khi Gregor vừa mới nghĩ tới chuyện bị cằn nhằn thì trưởng phòng đã đến gõ cửa rồi. Cái này mới đúng là “dream-like”. Kafka chắc phải chơi nhiều chất kích thích lắm í.
Tất nhiên, khi buồn chán tôi lại lôi J. R. R. Tolkien ra đọc, tôi là fan của Trung Địa. Những cuốn kể trên tôi đọc với vai trò là tôi-người lớn. Còn Chúa Nhẫn và những cuốn vệ tinh là dành để đọc khi tôi muốn trở về với tôi y nguyên như lúc đầu. Dế mèn phiêu lưu ký cũng là một cuốn có vai trò tương tự như vậy.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Cuốn sách anh đang viết?
HUY
Trong sổ tay của mình tôi đã ghi chép đủ chuyện lớn bé để viết ra vài ba cuốn nữa. Bây giờ thì tôi đang viết một cuốn ngắn hơn nhiều so với Cơn bão, tôi hy vọng là sẽ đem in được vào cuối năm nay. Với cuốn này, về không khí thì có lẽ sẽ nghiêm túc hơn một chút, bớt đi các yếu tố hài hước; không phải vì đó là định hướng lâu dài của tôi, mà đơn giản chỉ vì ý tưởng câu chuyện nó thế. Nó có bốn hoặc năm nhân vật kể, kéo dài trong suốt gần một trăm năm. Mục tiêu của tôi ngay bây giờ là cụ thể hóa những gì mình đã rút ra được trong thời gian qua, và tạo cho mình đủ độ trơn tru để mỗi lần ngồi xuống viết tôi thoải mái hơn, trôi chảy hơn, bớt cảm thấy như một công nhân đang cầm gạch cầm vữa.
Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện.
Zét Nguyễn thực hiện
(Bài viết thuộc Zzz Review số 1+2, 18-7-2018)
Người góp chữ
I wanna thank me
Nguyễn Hải Nhật Huy
đã xuất bản hai tiểu thuyết
Reblogged this on Tôi đi tìm tôi and commented:
Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới