Phùng Hồng Minh trích dịch từ Tiểu sử Simenon, Trung tâm nghiên cứu Simenon, Đại học Liège, Bỉ (https://lib.uliege.be/simenon/biographie/).
Tít do nhà Z đặt có tính tượng trưng. Trên thực tế thì số lượng phụ nữ có quan hệ luyến ái lâu dài với Simenon nhiều hơn những người được nhắc đến trong bài viết này, và năm 1977, ông ước tính mình đã có quan hệ tình dục với 10000 phụ nữ. Ông cũng tự nhận mình dành ra trên lịch 11 ngày mỗi khi bắt đầu một cuốn sách, 8 để viết, 3 để sửa.
Thời thanh niên ở Liège
Trên giấy tờ thì Georges Simenon sinh ra tại Liège, phố Léopold, vào thứ Năm ngày 12 tháng Hai năm 1903: ít nhất đây là những gì Désiré Simenon, cha của đứa trẻ, công bố. Thực tế thì Henriette Simenon trở dạ lúc 12h10 đêm, thứ Sáu ngày 13 tháng Hai năm 1903, và đã xin chồng làm giấy khai sinh giả để đứa trẻ không bị dính phải điềm xấu… Bất chấp sự cố ấy, sự ra đời của đứa con đầu lòng vẫn khiến cặp vợ chồng tràn ngập hạnh phúc, nhất là người bố đã òa khóc vì sung sướng: “Anh sẽ không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ quên được rằng em vừa mang đến cho anh niềm vui lớn lao nhất mà người phụ nữ có thể mang đến cho người đàn ông!”
Vậy là Georges Simenon chào đời vào năm 1903, trong một gia đình có vẻ đoàn kết và hạnh phúc. Ba năm rưỡi sau, Henriette hạ sinh Christian. Khi ấy, bà tỏ ra ưu ái cậu em hơn bởi Georges là cậu bé không biết vâng lời và dường như khá độc lập. Tình hình sớm trở nên khó chịu với tác giả tương lai của Lettre à ma mère (Thư gửi mẹ). Năm 71 tuổi, nhớ lại thời kỳ đó, Georges Simenon viết: “Khi mẹ còn sống, mẹ con mình đâu có ưa nhau, mẹ biết rõ mà. Hai chúng ta chỉ vờ như thể…” (Lettre à ma mère, Chương I). Lời thú nhận khủng khiếp được viết vào năm 1974, ba năm rưỡi sau khi mẹ ông qua đời, đã hé lộ không khí căng thẳng ngự trị trong cái gia đình ấy, có vẻ đoàn kết nhưng thực ra lại là nơi mà người cha hạnh phúc nhưng nhẫn nhục, sẽ lập tức cúi đầu chỉ cần một câu nhận xét của Henriette.
Tuổi thơ của Georges Simenon còn là trường học, trước hết là sự dạy dỗ của các thầy dòng ở Học viện St-André, ngay gần nhà, trên phố La Loi… Georges là một học sinh hứa hẹn, sở hữu lòng sùng đạo đến gần như thần bí: cậu là người được các thầy yêu quý nhất và tham gia dàn đồng ca ở nhà nguyện của Bệnh viện Bavière từ hồi tám tuổi. Dù bố mẹ cậu không đọc “văn chương”, nhưng tiểu thuyết gia tương lai lại bị các tiểu thuyết của Dumas, Dickens, Balzac, Stendhal, Conrad hay Stevenson cuốn hút.
Mùa hè năm 1915, sự phát lộ dục tính đã đánh thức tính nổi loạn trong cậu thanh niên lớn sớm ấy: khi đi nghỉ ở Embourg, gần Liège, cậu trải qua kinh nghiệm yêu đương đầu đời với Renée, hơn cậu ba tuổi. Kể từ đó, Georges không còn là Georges cũ và dần cắt đứt quan hệ với nhà thờ và trường học. Quả vậy, cậu từ chối theo học các ngành nhân văn để đăng ký vào trường trung học St-Servais “hiện đại” hơn, nghĩa là có khuynh hướng khoa học. Georges ở lại đó ba năm, rồi bỏ dở ngay trước kỳ thi tốt nghiệp vào năm 1918.
Cậu học sinh đặc biệt tài năng, nhất là trong các môn liên quan đến văn chương ấy, kết thúc việc học hành ở tuổi 15 vì những lý do cho tới nay vẫn còn khá bí ẩn. Theo những gì tiểu thuyết gia thổ lộ trong một cuộc phỏng vấn, thì chính thông tin về bệnh tình của bố từ bác sĩ Fischer đã khiến cậu quyết định dừng việc học. Theo bác sĩ, ông Désiré, vốn bị chứng đau thắt ngực kinh niên, chỉ còn sống được hai hay ba năm nữa. Đó ít nhất là phiên bản được các nhà viết tiểu sử Simenon chấp nhận, nhưng mới đây Pierre Assouline lại đặt câu hỏi, liệu sự kiện mà nhà văn thường xuyên kể lại này có phải chỉ là cái cớ che giấu những lý do sâu xa hơn không. Cậu thiếu niên khi ấy càng lúc càng không chịu nổi sự hà khắc của trường học, cá tính ngoài lề của cậu càng rõ rệt. Năm 1918, đời cậu vĩnh viễn chuyển sang trang mới: Georges Simenon không bao giờ quay trở lại con đường đến trường nữa!
Tháng Giêng năm 1919. Cậu thiếu niên đi kiếm việc làm khắp các phố phường Liège vừa ngẫu nhiên bước vào văn phòng báo Gazette de Liége, tờ nhật báo địa phương lớn nhất. Chiến tranh đã kết thúc được vài tháng và nhiều người không trở về: Simenon thử vận may và xin tổng biên tập một chân… phóng viên. Chi tiết ngày nay có vẻ khá khó tin này lại hoàn toàn có thật. Ngay lập tức, cậu được Joseph Demarteau tuyển làm phóng viên tập sự, cậu bắt đầu học nghề tại tờ báo siêu bảo thủ và thân tòa giám mục ấy. Cậu phải chạy ngược xuôi Liège để tìm tin, đi khắp các đồn cảnh sát, dự mọi cuộc kiện cáo và đám tang những người nổi tiếng. Năm 16 tuổi, Georges Simenon đã tìm ra, nếu không phải khuynh hướng thì ít nhất cũng là một hoạt động đặc biệt phù hợp với cậu: không ngừng hoạt động, cậu nhanh chóng học được cách đánh máy, soạn thảo bài viết và tìm được thông tin ở bất kỳ đâu xuất hiện. Công việc phóng viên kéo dài gần bốn năm, và riêng trong giai đoạn này, cậu đã tìm được chất liệu cho rất nhiều cuốn tiểu thuyết.
Năm 1921 là năm Georges đính hôn với Régine Renchon, một cô gái trẻ mà cậu gặp trước đó vài tháng trong một nhóm nghệ sĩ ít nhiều ngoài lề. Nhưng cuối năm ấy lại là một bước ngoặt: đầu tiên là giấy gọi nhập ngũ vào tháng Mười hai, nhưng trên hết là một bi kịch – dẫu có thể lường trước – cái chết bất ngờ của Désiré vào ngày 28 tháng Mười một 1921. Và ngay hôm sau ngày cha cậu qua đời, đã có quân đội chờ sẵn cậu ở đó. Nhưng thời kỳ huấn luyện khổ sai không kéo dài lâu vì chỉ sau một tháng, viên kỵ binh Simenon đã quay trở lại Liège, nhờ các mối quan hệ. Tuy nhiên, cậu thanh niên càng lúc càng cảm thấy không chỉ thành phố quê hương mình mà cả tòa soạn báo Gazette de Liége cũng đã trở nên chật chội, dù tổng biên tập tìm đủ cách giữ cậu lại. Thoát khỏi nghĩa vụ quân sự, Simenon quyết định: lên đường đến Paris thử vận may…
Chinh phục Paris và nước Pháp
11 tháng Mười hai 1922. Ga Bắc Paris, một ngày mưa lạnh, không khí như thể đã thấy ở đâu đó quen thuộc (trong một cuốn tiểu thuyết của Balzac hay của… Simenon chẳng hạn!), chàng thanh niên người Liège xuống tàu với một chiếc va li bằng giấy bìa và một cái gói buộc dây. Ngày hôm ấy, tuy nhiên, lại chẳng hề đen tối như đôi khi nhà văn vẫn kể lại sau này, bởi các nhà viết tiểu sử Simenon chỉ liệt kê vài khoản tiết kiệm và đặc biệt là mấy lá thư tiến cử, mà không nhắc đến một người đồng hương đang chờ anh ở ga. Đúng là các khách sạn khá tồi tàn, nhưng Simenon từ chối lãng phí tiền mình dành dụm được và chẳng khó chịu gì khi phải ở những nơi khiến anh nhớ lại ngày tháng mình lang thang tại Liège. Anh nhanh chóng qua lại với một nhóm nghệ sĩ, cứ đêm đêm lại gặp nhau ở Montmartre, để quên đi việc làm thư ký cho nhà văn Binet-Valmer, khi đó rất nổi tiếng trong chính giới. Anh kiếm được việc làm này ngay khi đến Paris nhờ một người bạn của bố, nhưng đó quả là một công việc đáng thất vọng: Simenon trên thực tế là một kiểu chân chạy vặt phục vụ một liên minh cực hữu… Quan trọng gì đâu! Cần phải kiên nhẫn và chờ ngày mai tươi đẹp. Chàng thanh niên trẻ dù sao cũng nuôi được thân, và ngày 24 tháng Ba 1923, anh cưới Régine Renchon ở nhà thờ Sainte-Véronique ở Liège. Như một nhượng bộ cuối cùng trước Henriette, buổi lễ tôn giáo mà bà mong mỏi nhanh chóng được tổ chức và Simenon lên tàu trở lại Paris ngay tối hôm đó cùng “Tigy”.
Sự hiện diện của vợ ở Paris khiến anh an tâm và giúp anh trong các nhiệm vụ vật chất: theo như anh nói, thì đối với anh, vợ anh là thanh chắn ngăn anh đắm chìm vào cuộc sống phóng đãng, chẳng hạn ở Liège trong các cuộc họp ở Thùng Ướp[1]. Sau trải nghiệm bên Binet-Valmer, Simenon bỏ nghề làm công và chuyển sang công việc thư ký thực sự. Chính nhà văn chính trị ấy, vì thấy sự tuyệt vọng của Simenon, nên đã gửi gắm anh cho một trong những người bạn tốt của ông, Hầu tước de Tracy, một quý tộc giàu có có cùng khuynh hướng chính trị. Kể từ đó, tiểu thuyết gia tương lai, người “cạo thạch cao” từng viết truyện cho các tờ tuần báo sang chảnh của thủ đô, bắt đầu một cuộc đời mới đầy rẫy những khám phá: đặc biệt từ chính thời kỳ này anh đào sâu tìm nguyên liệu cho cuốn tiểu thuyết L’Affaire Saint-Fiacre (Vụ việc Saint-Fiacre). Lâu đài Paray-le-Frésil nơi anh thường xuyên tới cùng Hầu tước de Tracy, theo mạch tưởng tượng của cuốn tiểu thuyết, là nơi thanh tra Maigret trải qua thời thơ ấu. Những truyện ngắn nho nhỏ anh viết mỗi tối – thường là từ hai đến ba truyện – nhanh chóng gặt hái thành công, và cuộc sống vật chất của hai vợ chồng được cải thiện. Sau gần một năm ở bên hầu tước, Simenon quyết định liều mình, khi trở về Paris sẽ sống hoàn toàn bằng nghiệp viết lách. Từ đó, anh gửi truyện của mình cho các nhật báo lớn, như tờ Le Matin, các tạp chí phóng túng như Le Merle blanc và đặc biệt là các nhà xuất bản chuyên xuất bản các xê ri bình dân.
Từ năm 1924, hoạt động của Simenon bắt đầu thăng hoa: anh viết gần hai trăm cuốn tiểu thuyết dưới mười bảy bút danh khác nhau cho tới khi các cuốn tiểu thuyết về Maigret thực sự choán hết thời gian của anh vào năm 1931. Sau những truyện ngắn yêu đương đăng trên Frou-Frou, Sans-Gêne hay Paris-Flirt, tiểu thuyết gia tập sự chuẩn bị dấn thân vào những câu chuyện có kết cấu chặt chẽ hơn, dù chất lượng còn phải bàn cãi nhiều. Năm 1923, anh gặp Colette[2] lúc ấy đã tái hôn với Henry de Jouvenel, tổng biên tập báo Le Matin. Thoạt tiên nữ tiểu thuyết gia từ chối sản phẩm của anh, cho anh lời khuyên và đến lần thử vận may thứ hai thì bà đồng ý xuất bản cho anh một truyện ngắn ký tên Georges Sim. Sự cộng tác giữa họ ngày một sinh lời và những lời khuyên của Colette luôn được chàng thanh niên trẻ đánh giá cao và đón nhận. Các tiểu thuyết bình dân mà anh cùng lúc xuất bản ở các nhà như Ferenczi, Tallandier và Fayard luôn tuân theo các tiêu chí khá chính xác. Công việc sản xuất này có thể được chia thành ba loại đáp ứng yêu cầu của từng xê ri hoặc từng nhà xuất bản: đầu tiên có tiểu thuyết dễ dãi, ít nhiều phóng đãng, với những nhan đề nghe hết sức khiêu khích như Orgies Bougeoises (Những cuộc truy hoan trưởng giả), Étreintes passionées (Những vòng ôm đắm đuối…); tiếp đến là các tiểu thuyết tình cảm như Le roman d’une dactylo (Tiểu thuyết về một nữ nhân viên đánh máy) hay Coeur de poupée (Trái tim búp bê); và cuối cùng là các tiểu thuyết phiêu lưu với nhan đề khiến người ta mơ mộng: Le monstre blanc de la terre de feu (Quái vật trắng ở miền đất lửa), Un drame au pole Sud (Một bi kịch ở cực Nam)… Các tiểu thuyết bình dân vốn không được giới phê bình đón nhận cho lắm này, tuy được viết qua quýt cẩu thả (buộc phải đúng tiến độ) nhưng đã cho thấy những mầm mống của các tác phẩm tương lai: bất chấp các hình tượng khuôn mẫu khó tránh, tính cả các định kiến sáo mòn về chủng tộc, có thể thấy vô số nhân vật khác nhau xuất hiện, cả các chủ đề lặp đi lặp lại nhưng không kém phần quan trọng như nỗi cô đơn, tội lỗi hay tư tưởng định mệnh. Thứ văn chương bình dân này không chỉ nuôi sống Simenon và vợ, mà còn khiến anh nhanh chóng trở nên giàu có: tiểu thuyết gia ăn tiêu hoang tàng, tối nào cũng tiệc tùng trong căn hộ của mình trên quảng trường Vosges, và không chần chừ gì mà tuyển mộ một nữ đầu bếp, Henriette Liberge, người tức khắc được đặt biệt danh “Boule” (Viên Tròn), một nữ thư ký và một lái xe. Simenon rất chuộng cuộc sống Paris này, cái cuộc sống luôn mỉm cười với anh, và anh thường giao du với các họa sĩ như Vlaminck và Picasso, cả các nhà thơ như Max Jacob nữa… Một tối tháng Mười năm 1925, ở nhà hát Champs-Élysées, anh gặp một thiếu nữ trong vũ đoàn Saint-Louis (Missouri) khi đó vẫn hoàn toàn vô danh, khiêu vũ trong vở La revue nègre. Nàng hai mươi tuổi và tên là Joséphine Baker. Tiếng sét ái tình lập tức nổ ra và Simenon bị cô gái lai đen xinh đẹp quyến rũ: từ đó trở đi vợ chồng anh chẳng bao giờ đi đâu mà không có Joséphine, nhưng Tigy bất hạnh dường như chẳng biết gì về mối quan hệ kéo dài đến tận đầu năm 1927 này.
Đó là thời kỳ đầy xáo động về mặt tình cảm nhưng cũng tràn ngập hoạt động đối với Simenon: tiểu thuyết gia trẻ tuổi càng lúc càng viết nhiều, lập ra các dự án thường chẳng dẫn đến đâu, gặp một đống người nổi tiếng của Paris Thượng Lưu. Chính xác là vào đầu năm 1927, Eugène Merle, giám đốc của nhiều tờ báo Paris, đã đặt ra cho Simenon một thử thách: Simenon sẽ phải ngồi trong một cái lồng kính và viết một cuốn tiểu thuyết ngay trước mắt công chúng… Bị hấp dẫn trước khoản tiền kếch sù mà vị giám đốc đưa ra, anh chấp nhận ngay lập tức, nhưng dự án không thành công vì nhiều nguyên do đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Thế nhưng câu chuyện cái lồng kính vẫn còn mãi trong truyền thuyết về Simenon và góp phần biến tiểu thuyết gia thành một hiện tượng thực sự: rất nhiều tờ báo kể lại chiến công chưa bao giờ đạt được này!
Sau thiên diễm tình với Joséphine Baker, Simenon quyết định rời xa không khí thủ đô và thực hiện một trong những mơ ước thời trẻ: đặt chân lên một con tàu… Thực tế thì tiểu thuyết gia trẻ tuổi không định theo chân Conrad, một trong những tác giả yêu thích thuở thiếu thời của anh, mà chỉ đơn giản là đi vòng quanh nước Pháp qua các sông ngòi, kênh rạch. Anh mua một cái thuyền dài năm mét có một động cơ nhỏ, và một ca nô để đựng các phương tiện cắm trại. Trong năm 1928 ấy, suốt sáu tháng, tiểu thuyết gia sẽ khám phá nước Pháp “giữa hai bờ”, để rồi lấy đó làm nhan đề cho một trong các bài báo của mình: lên đường cùng Tigy, Viên Tròn và chú chó Olaf, nhà hàng hải tập sự này vẫn nhớ mang theo máy chữ và làm việc ngay ngoài trời trước sự ngạc nhiên lớn lao của các du khách. Từ trải nghiệm ấy, anh rút được ra nguyên liệu cho nhiều cuốn tiểu thuyết, đặc biệt là Le Charretier de la “Providence” (Người đánh xe của “Thượng đế”).
Vài tháng sau, Simenon quyết định lại một lần nữa đội lên đầu chiếc mũ thủy thủ, nhưng lần này là đội thật: anh được cấp chứng chỉ thuyền trưởng đường trường, trong khi Tigy học về cơ khí ở một ga ra. Mục đích là để ra khơi trên một chiếc thuyền buồm dài mười mét có tên gọi Ostrogoth, và tiến về phương Bắc rộng lớn. Thế là Thuyền trưởng Simenon, Tigy và cô đầu bếp trung thành băng qua nước Bỉ, Hà Lan, trước khi lên hẳn một con tàu chính quy đưa họ đến cực Bắc. Chính trong một lần dừng chân ở Delfzijl, một bến cảng Hà Lan, khi thuyền Ostrogoth cần được xảm lại, Simenon bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết nơi xuất hiện một nhân vật mới: một tay có tên Maigret… Theo một trong những truyền thuyết mà Simenon rất thích kể lại, viên thanh tra lừng danh chào đời vào tháng Chín năm 1929 ở một bến cảng Hà Lan. Thực tế mọi chuyện không đơn giản như vậy: Maigret đã tồn tại từ lâu trong các câu chuyện khác, nhất là trong nhiều cuốn tiểu thuyết bình dân, dưới một hình thức ít trau chuốt hơn. Dù sao thì những năm 1929-1930 cũng đánh dấu bước ngoặt mới với Simenon, người đánh giá rằng thời kỳ của “chú Sim” đã qua: ở tuổi 27, đã đến lúc từ bỏ các bút danh bình dân và những tiểu thuyết bình dân.
Thanh tra Maigret và các phóng sự
Cuối năm 1930, tiểu thuyết gia đã viết ra nhiều cuộc điều tra của thanh tra Maigret, nhưng Fayard không vội xuất bản xê ri mới: họ vẫn yêu cầu Georges Sim viết các tiểu thuyết bình dân, vì nhuận bút thấp hơn nhiều… Tuy vậy Simenon vẫn tỏ ra cứng đầu và cuối cùng cũng chiến thắng: ngày 20 tháng Hai 1931, xê ri sách về Maigret trình làng. Tại đây, tiểu thuyết gia đã trở thành chuyên gia tiếp thị khi tổ chức một buổi dạ tiệc mời đủ mặt thượng lưu ở Paris. Đó chính là buổi “Vũ hội nhân trắc học” khét tiếng, được tổ chức trong một hộp đêm ở Montparnasse, một buổi dạ hội khác thường vì khách mời phải cải trang thành gangster hoặc gái điếm! Ngược lại với thử thách ngồi lồng kính, cuộc phô trương quảng bá này đã diễn ra tốt đẹp và ngày hôm sau, báo chí khắp nơi đều nhắc đến sự kiện này. Lần này, Simenon gặt hái thành công và Maigret bán đắt như tôm tươi suốt nhiều tuần liền sau “Vũ hội nhân trắc học”. Kể từ đó, Fayard có thể yên tâm về số phận xê ri mới, trong khi đó giới điện ảnh vội bám lấy nguồn lợi này. Le chien jaune (Con chó vàng) nhanh chóng được Jean Tarride chuyển thể một năm sau khi ra mắt, trong khi đó Jean Renoir chuyển thể La Nuit du Carrefour (Đêm ở ngã tư) vào năm 1932. Không may các bộ phim này vì nhiều lý do khác nhau mà không được thành công cho lắm: sau trải nghiệm thứ ba với La Tête d’un homme (Cái đầu một người đàn ông), Simenon từ bỏ mọi dự án chuyển thể suốt nhiều năm liền.
Trong thời gian đó, vợ chồng ông quyết định về nông thôn sống, trong một biệt thự nông thôn thế kỷ 16 nằm giữa Nieul và Marsilly, gần La Rochelle. Simenon, một nhà quý tộc làm nông kiểu mới, có hẳn phòng riêng để viết tiểu thuyết, Tigy dọn một xưởng vẽ còn Viên Tròn vẫn trung thành với vai trò đầu bếp của mình. Tuy nhiên, cuộc sống thanh thản này nhanh chóng khiến Simenon chán nản, bởi khi ấy ông còn chưa được ba mươi tuổi, và vẫn còn khát khao khám phá thế giới. Thế là sau chuyến chu du phương Bắc rộng lớn, giờ đến lượt châu Phi quyến rũ ông: hai vợ chồng lại lên tàu đến Ai Cập, rồi đến Khartoum, băng qua châu Phi từ Đông sang Tây rồi đến tận cửa sông Congo. Chuyến khám phá lục địa đen kết thúc bằng việc đi tàu quay về từ phía Tây, và sau này tạo cảm hứng cho rất nhiều cuốn tiểu thuyết “xứ lạ” của ông. Công chúng đặc biệt yêu thích loạt bài viết được đăng trên tuần báo Voilà dưới nhan đề L’heure du nègre (Giờ của người da đen): Simenon giờ đây đã xua được khỏi tâm trí một số lớn các định kiến và trở thành người ủng hộ nhiệt thành phong trào chống thực dân.
Sau thất bại của cuộc điều tra về vụ tự sát của tay lừa đảo trứ danh Stavisky và cái chết đáng ngờ của Albert Prince cho tờ Paris-Soir, tiểu thuyết gia nhận định đã đến lúc lặn khỏi mắt người đời và lần này ông sẽ bỏ đi thật xa. Đi vòng quanh thế giới có vẻ là ý tưởng hay, nên tháng Mười hai 1934 ông đã lên đường đi New York, Panama, Galapagos, Tahiti, Australia và Hồng Hải… Ở mỗi chặng ông lại tranh thủ gửi phóng sự về cho nhiều tờ báo như Paris-Soir hay Marianne, và đan cài vào đó rất nhiều nhân vật, không khí hay cảnh quan: sáu cuốn tiểu thuyết được lấy cảm hứng từ những trải nghiệm nơi xứ lạ này.
Năm 1934 đối với Simenon là một bước tiến mới. Sau bao ảo vọng, giờ là lúc từ chối một hình thức báo chí từng cám dỗ ông, và cũng là lúc quyết định từ bỏ Maigret. Ba hay bốn năm trước đó, ông đã tuyên bố rõ rằng “người dẫn dắt cuộc chơi” của mình, hay nói cách khác là Maigret, chỉ nên là một chặng trong sự nghiệp văn chương ông đeo đuổi: từ nay, ông nghĩ mình có thể bỏ qua viên thanh tra nổi tiếng ấy và đóng lại cánh cửa hợp tác với nhà xuất bản Arthème Fayard.
Một tiểu thuyết gia giữa các nhà văn
Trên thực tế, hợp đồng đầu tiên giữa Simenon và nhà xuất bản của Gaston Gallimard được ký vào tháng Mười năm 1933. Trong một cuộc gặp đã trở thành huyền thoại, tiểu thuyết gia buộc ông chủ nhà xuất bản uy tín trên phố Sébastien-Bottin phải tuân theo những điều kiện rất ngặt nghèo, cả về tiến độ xuất bản lẫn quyền tác giả. Sau khi cắt đứt quan hệ với Fayard, Simenon bước sang một chặng mới trong kế hoạch sự nghiệp của mình bằng cách từ bỏ Maigret. Le Locataire (Người thuê nhà) là cuốn tiểu thuyết đầu tiên không phải dạng xê ri được xuất bản ở Gallimard cũng vào năm 1934: một tác phẩm mới, mà tác giả tự gọi là “roman dur” (“tiểu thuyết khó”) phù hợp với các mong muốn của ông. Nhưng một nhà xuất bản uy tín thôi thì không đủ với Simenon để làm tiêu tán biết bao hiểu lầm trong văn giới. Rất nhiều “anh em” của ông còn nhớ chuyện cái lồng kính hay “Vũ hội nhân trắc học”, hoặc thường miệt thị nhắc lại các truyện ngắn hay các tiểu thuyết bình dân ông từng viết, và chỉ trích những lần ông lỡ bước trong sự nghiệp báo chí… Tóm lại, Simenon không thực sự được thừa nhận bởi đa phần các tác giả trong “vòng Gallimard” và mọi giải thưởng văn học đều vuột khỏi tay ông, dù ngay từ năm 1932 người ta đã nhắc đến ông như ứng cử viên cho giải Goncourt hay Renaudot.
Năm 1935, một cuộc gặp khác đã đóng vai trò quyết định đối với ông. André Gide gặp ông trong hành lang NXB Gallimard và muốn trò chuyện ngay lập tức với “hiện tượng” Simenon. Chủ nhân tương lai của giải Nobel Văn học hết sức ngưỡng mộ tác giả của xê ri Maigret, nhất là khi viên thanh tra ấy không còn xuất hiện trong tiểu thuyết nữa! Ông tấn công Simenon bằng một loạt câu hỏi, và đó là mở đầu cho một cuộc đối thoại dài – những chuyến thăm viếng lẫn nhau và những lần trao đổi thư từ – giữa hai người thoạt nhìn chẳng có điểm gì chung hết… Gide nghiến ngấu đọc Simenon, say mê một số cuốn, nhưng không vì thế mà ngại chỉ trích mỗi lần có một tác phẩm khiến ông không hài lòng.
Vậy là, André Gide và Gaston Gallimard là hai người quan trọng đối với tiểu thuyết gia trẻ tuổi trong những năm tháng trưởng thành. Simenon đến với Gallimard cũng chính vào giai đoạn giao lưu nhiều với giới thượng lưu của hai vợ chồng, lúc này đã đi đi về về giữa căn hộ ở Neuilly và biệt thự ở Porquerolles. Simenon nói chính xác nhất là một người giàu mới nổi, một kẻ hãnh tiến tiêu tiền không ngại tay, chỉ mặc đồ của những hãng đắt nhất, theo đơn đặt hàng, và chạy xe Delage thể thao hạng sang. Một lối sống buộc tiểu thuyết gia phải có khả năng tài chính và buộc nhà xuất bản không ngừng tăng nhuận bút: cuối những năm 30, quan hệ giữa hai người bắt đầu xấu đi vì Simenon ngày một đòi hỏi.
Cuối thập niên ấy, hoàn cảnh của nhà tiểu thuyết cho thấy ông đã đi được một quãng đường dài từ thời tiểu thuyết bình dân. Simenon là một tiểu thuyết gia “thực sự”, được một nhà xuất bản uy tín in sách và được đảm bảo các khoản thu nhập kếch sù… Ở góc độ tình cảm, Simenon cảm thấy dễ chịu với Tigy, người mà ông coi đúng hơn là đồng đội chí cốt. Sau Joséphine Baker, ông không từ chối lao vào các cuộc phiêu lưu tình ái, nhưng vì sợ hệ lụy nên chỉ dừng lại ở quan hệ với gái điếm. Khi gần bốn mươi tuổi, ông yêu cầu Tigy sinh con cho mình: Marc Simenon chào đời vào ngày 19 tháng Tư 1939 ở bệnh viện ngoại ô Bruxelles, trong lúc chiến tranh ngày một đến gần ở châu Âu.
Chiến tranh chuẩn bị ập đến gia đình Simenon ở ngôi nhà ông tại Nieul, gần La Rochelle, thật phù hợp với tâm trạng lúc này của tiểu thuyết gia sau cuộc sống trưởng giả tại Neuilly. Cuộc tấn công của quân Đức quá tàn khốc khiến ông đáp lại ngay lời kêu gọi của quân đội Bỉ, và ở Đại sứ quán Bỉ tại Paris nơi ông ra trình diện, người ta giao cho ông nhiệm vụ quay trở lại vùng mà ông đã tới sống để đón tiếp các đồng bào chạy trốn quân đội Đức: ông được cử làm cao ủy người tỵ nạn Bỉ. Nhiệm vụ này rất phù hợp với ông, ông hoàn thành một cách hiệu quả và tận tâm.
Thế nhưng Simenon không muốn dấn sâu hơn mức cần thiết ở góc độ cá nhân. Rút lui về vùng Vendée nơi khiến ông an lòng, ông quay trở lại với cái vỏ kén của mình và xác định đường hướng cư xử. Ông sẽ theo hướng trung lập, giải pháp hiển nhiên dành cho con người trung thành với chủ nghĩa cá nhân này. Trong những năm u tối nước Pháp bị chiếm đóng bắt đầu hồi sinh sau cú sốc 1940, tiểu thuyết gia quan tâm trên hết là sinh mệnh của gia đình mình và các vấn đề quản lý.
Quả vậy, ông tiếp tục viết nhưng phải cắt giảm chi tiêu vì hợp đồng với các nhà xuất bản dần trở nên hiếm hoi. Tuy nhiên điều đó không ngăn ông sống trong một lâu đài ở Fontenay-le-Comte tại Vendée, nơi ông thuê lại một phần bằng một khoản tiền ít ỏi. Theo lời khuyên của André Gide, ông bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết mới, Pedigree (Gia phả), tác phẩm tự thuật theo lối tiểu thuyết kể về tuổi thơ ông, và nhiều tác phẩm nổi bật khác như La Veuve Couderc (Góa phụ Couderc) sau này được xuất bản ở Gallimard. Như nhiều nhà văn sống ở Pháp trong thời kỳ Đức chiếm đóng, ông tiếp tục xuất bản, bất chấp kiểm duyệt và tình trạng khan hiếm giấy, và dường như không thấy phiền hà gì khi được các báo cộng tác đặt viết bài. Thái độ này, nhất là ở một người không chút cơ hội chủ nghĩa như ông, khiến ông bị quân Giải phóng chỉ trích, dẫu tiểu thuyết gia chẳng bao giờ bày tỏ tình cảm thân Đức cả. Lý do nghiêm trọng nhất là quan hệ giữa ông với những người trong giới điện ảnh có liên quan với một hãng sản xuất Đức, Continental: thực tế thì Simenon đã bán cho họ quyền khai thác độc quyền xê ri Maigret, và chín trong số các tác phẩm của ông sẽ được chuyển thể trong thời kỳ Chiếm đóng!
Quân Giải phóng vì thế đã gây vài trở ngại cho tiểu thuyết gia, người đã đón chiến tranh kết thúc ở Saint-Mesmin-le-Vieux, vẫn ở Vendée, nhưng trong một vùng còn hẻo lánh hơn. Sau khi có lệnh bắt đến một khách sạn ở Sables-d’Olonne và sau nhiều cuộc thẩm vấn, các nhà điều tra của quân Giải phóng phải khép hồ sơ Simenon lại. Quá trình thanh trừng, sự bất ổn chính trị, những cuộc trả đũa khốc liệt khiến nhà tiểu thuyết chao đảo và đầu năm 1945 ông chỉ nghĩ đến việc rời nước Pháp…
Châu Mỹ
Giai đoạn Chiếm đóng không dàn xếp được các quan hệ giữa nhà văn với nhà xuất bản của ông. Hẳn là Gaston Gallimard đã thành công khi vẫn xuất bản được các tiểu thuyết của Simenon trong những tháng năm đen tối, nhưng số lượng sách bán ra không ngang tầm với kỳ vọng của hai người: quan hệ giữa họ vì thế mà xuống dốc, người nọ đổ trách nhiệm lên đầu người kia. Trước khi rời nước Pháp, cần phải giải quyết vấn đề này. Thế là Simenon chọn một nhà xuất bản mới, của một người nguồn gốc Đan Mạch, con cháu một người bán sách. Đó là Svan Nielsen, hơn tuổi tiểu thuyết gia, và hai người nhanh chóng tìm được tiếng nói chung. Hợp đồng đầu tiên được ký tháng Bảy năm 1945 với nhà xuất bản Presses de la Cité mới toanh, nhờ vậy mà gạt được Gallimard sang một bên. Và từ đó, ông có thể ra đi.
Simenon đã chọn châu Mỹ làm điểm dừng chân. Ngày 5 tháng Mười 1945, sau khi chờ đợi vài tuần ở Luân Đôn, ông cùng Tigy và Marc cập cảng New York. Một cuộc đời mới chuẩn bị bắt đầu khi ông vừa mới qua tuổi 42. Thực tế ông muốn đặt dấu chấm hết cho những năm tháng vừa rồi, nhưng không hề biết rằng sắp có một cuộc gặp gỡ làm đảo lộn đời ông. Gần một tháng sau khi đến châu Mỹ, trong lúc sắp xếp cho gia đình đến ở một ngôi làng Québec, ông tuyển một nữ thư ký song ngữ, một người rất quan trọng ở bang nói tiếng Pháp này. Cuộc gặp gỡ với Denyse Ouimet, một phụ nữ trẻ mà một trong những người bạn tiến cử với ông, đã diễn ra ở New York và thực sự đóng vai trò quyết định đối với Simenon. Cô gái Canada gốc Pháp xinh đẹp hai mươi nhăm tuổi ấy sẽ trở thành tình nhân của ông ngay buổi tối đầu tiên họ gặp gỡ, trong bối cảnh mà sau này ông kể lại trong cuốn tiểu thuyết Trois chambres à Manhattan (Ba căn phòng ở Manhattan).
Ngày mai họ sẽ không còn cô đơn nữa, họ sẽ chẳng bao giờ cô đơn nữa, và khi nàng đột nhiên rùng mình, khi anh cảm thấy, gần như cùng lúc, như một nỗi sầu lo muôn thuở tận đáy họng, hai người hiểu rằng đúng thời khắc ấy, không hẹn mà lên, họ vừa nhìn lại lần cuối cùng nỗi cô đơn xưa cũ của mình.
Và cả hai tự hỏi sao họ lại từng có thể chịu đựng được nỗi cô đơn ấy. Sẽ chẳng còn phòng ở Manhattan nữa. Anh không cần đến nữa. Họ có thể đi bất cứ đâu kể từ lúc này, và chẳng cần gì hơn một đĩa hát trong một quán bar nhỏ…
Những năm nước Mỹ vậy là trở thành những năm tháng hạnh phúc đối với tiểu thuyết gia. Cô thư ký nhanh chóng chiếm vị trí ngày một quan trọng trong sự nghiệp và tình cảm của ông. Giữa lúc đó, Simenon, người lại một lần nữa muốn xê dịch, chuyển đến sống ở Nouveau-Brunswick, rồi chu du xuyên nước Mỹ. Denyse dĩ nhiên cũng tham gia chuyến đi (thực tế có hai xe, một xe chở bà vợ hợp pháp còn một xe chở cô thư ký, Marc và… cô giáo của cậu!). Sau chuyến lang thang ấy, Simenon nghĩ mình có thể định cư luôn tại Arizona, xứ sở mà ông vô cùng yêu thích vì ánh sáng, khí hậu và lối sống. Bất chấp sức hấp dẫn không chê vào đâu được của Tucson hay thành phố nhỏ Tumacacori, gần biên giới Mexico, ông thực sự không hòa nhập nổi với cái bối cảnh có lẽ đã làm ông khác đi hơi nhiều so với nước Bỉ quê hương ông… Hoạt động văn chương của ông gặt hái được nhiều thành tựu, và nhiều cuốn tiểu thuyết quan trọng, trong đó có một số lấy cảm hứng từ nước Mỹ ra đời. Ông cũng không quên viết văn mưu sinh, làm sống lại những cuộc phiêu lưu của viên thanh tra lừng danh mà ông từng cho nghỉ hưu quá sớm!
Đầu năm 1949, trong lúc Tigy đã bị gạt hẳn sang bên nhưng vẫn thường sống gần Simenon để chăm sóc Marc thì Denyse có bầu. Người bố tương lai hết mực vui sướng, nhưng luật Mỹ vốn đượm tinh thần Thanh giáo không dung thứ chuyện đó, nhất là đối với người nước ngoài. Quyết định được đưa ra nhanh chóng, dù Tigy chỉ chấp thuận ly dị sau bao thời gian ngập ngừng. Ngày 21 tháng Sáu 1950, quyết định được công bố ở Reno bang Nevada, thành phố nổi tiếng vì những thủ tục quy trình chóng vánh, và ngày hôm sau, cũng chính quan tòa đó phê chuẩn mối kết hợp giữa Simenon và Denyse. Vài tháng trước đó, ngày 29 tháng Chín 1949, John Simenon, con trai thứ hai của Georges, chào đời ở Tucson (bang Arizona).
Để đánh dấu chặng đường đời mới này, tiểu thuyết gia quyết định thay đổi nơi ở thêm lần nữa. Khá tình cờ, ông cập bến một vùng thực sự đối lập với miền Nam: New England nổi tiếng với ao hồ và rừng rậm, gợi nhắc châu Âu cổ xưa. Lakeville, thành phố nhỏ bang Connecticut, ngay lập tức chinh phục nhà văn vốn vẫn luôn kiếm tìm sự an toàn. Ngôi nhà lý tưởng mà ông mơ ước bấy lâu được tìm ra ngay lập tức: “Shadow Rock Farm” mà ông mua tại chỗ không chút chần chừ. Nằm bên hồ, ven rừng, nơi đây không thiếu vẻ duyên dáng, lại còn tiện nghi và thuận lợi. Simenon định cư ở Lakeville cùng bé John và Denyse, vẫn mang theo Viên Tròn mẫn cán. Thực tế, Tigy vẫn chăm nom Marc, khi ấy sống trong một ngôi nhà nhỏ ở làng bên cạnh: điều này được quy định trong hợp đồng ly hôn. Bà khó nhọc thích nghi với cuộc sống này, như từng chia sẻ với Fenton Bresler: “Không, những năm tháng ở Lakeville với tôi không hề là những năm tháng hạnh phúc.”
Hạnh phúc của Simenon, tuy là có thật khi ông định cư ở Connecticut, nhưng lại rất phù du ngắn ngủi, vì Denyse muốn một tay cai quản mọi việc: bà can thiệp vào chuyện bếp núc, điều hành công việc thư ký, trở thành nhà quản lý của tiểu thuyết gia. “Công ty Simenon” hoạt động rất năng suất. Các tiểu thuyết tiếp nối nhau theo nhịp độ thật ấn tượng, ngay khi được xuất bản ở Presses de la Cité đã được dịch ngay trên toàn thế giới nhờ các hợp đồng được cập nhật đều đặn. Ông vẫn không quên điện ảnh, vốn luôn mang lại cho ông các khoản thu nhập thêm không hề tệ chút nào!
Trở lại châu Âu
Sự chào đời của Marie-Jo ngày 23 tháng Hai 1953 lại lần nữa trao tặng khoảnh khắc hạnh phúc cho nhà văn vốn vẫn luôn mơ có một cô con gái trong khi không khí gia đình cứ dần suy sụp. Hai năm sau, Simenon quyết định quay về hẳn châu Âu, gần như không đắn đo là mấy. Mùa xuân năm 1955, Simenon cập cảng nước Pháp nhưng không định lại thêm lần nữa sống ở Paris, cái thủ đô mà dưới mắt ông đã mất hết mọi nét quyến rũ. Nên ông đã quyết đặt va li ở miền Nam nước Pháp, Mougins, sau đó trên những rặng đồi ở Cannes. Ở đây rất dễ chịu, khí hậu lý tưởng, nhưng ông lại không cảm thấy sẵn sàng định cư lâu dài; tuy nhiên, trong quãng thời gian ở biệt thự Cổng vàng, ông lại viết được nhiều cuốn “roman dur” như En cas de malheur (Trong trường hợp bất hạnh) hay Le fils, và Deux Maigret (Người con trai, và Hai Maigret).
Cuối mùa xuân 1957, sau hai năm sống ở Pháp, tiểu thuyết gia tìm một nơi trú ngụ mới. Đó là Thụy Sĩ, một đất nước yên bình, lại còn là thiên đường thuế! Trong lúc đi ngang dọc xứ Vaud trên chiếc Mercedes của mình, Simenon khám phá ra lâu đài Echandens cách Lausanne hai mươi cây số. Trang viên này với ông thật lý tưởng, chưa kể ở xứ đó người ta còn nói tiếng Pháp! Thế là ngay lập tức, ông ký một hợp đồng thuê sáu năm có thể gia hạn. Trong lâu đài xây theo phong cách thế kỷ 16 ấy, ông vừa viết các cuốn “roman dur” vừa viết tiểu thuyết về thanh tra Maigret, những cuốn tiểu thuyết này bán nhanh gấp hai đến ba lần so với các sáng tác “văn chương” của ông.
Những tháng năm sống tại Echandens ấy không được hạnh phúc cho lắm, dẫu ngày 26 tháng Năm 1959, Pierre, con thứ ba của ông với Denyse, chào đời. Quả vậy, các vấn đề sức khỏe ngày một nhiều lên (hội chứng Ménière, chứng đau dây thần kinh, chứng mất ngủ…), chưa kể quan hệ vợ chồng ngày càng trở nên sóng gió. Năm 1960, ông cảm thấy cần kết nối lại với thể loại tự truyện và bắt đầu trầm cảm nghiêm trọng: và Quand j’étais vieux (Khi tôi già đi), một kiểu nhật ký, được xuất bản mười năm sau đó theo yêu cầu của nhà phê bình Bernard de Fallois. Về lĩnh vực điện ảnh, đây là giai đoạn có rất nhiều tác phẩm chuyển thể từ sách ông: Claude Autant-Lara đạo diễn En cas de malheur cùng cặp đôi khác thường Gabin-Bardot, Jean Delannoy đưa lên màn ảnh L’Affaire Saint-Fiacre cũng với Jean Gabin người được coi là một Maigret mẫu mực. Cũng năm 1960 ấy, Simenon được trao chức chủ tịch Liên hoan phim Cannes, ông đúng là người được truyền thông ưu ái!
Đó cũng chính là thời kỳ Simenon say mê các tác phẩm tâm lý học và y học nói chung. Từ lâu ông đã kết bạn với nhiều bác sĩ, và họ xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm của ông. Ngay cả trong xê ri về Maigret, ta cũng thường xuyên gặp bác sĩ Pardon, bạn thân của viên thanh tra. Nhưng hẳn chính từ các vấn đề sức khỏe của cá nhân ông, đặt biệt là từ các khủng hoảng ngày một gia tăng với Denyse mà quan hệ với giới bác sĩ của ông mới thường xuyên như thế…
Một lần nữa, như để báo hiệu cuộc đời ông phải sang trang mới, Simenon quyết định chuyển nhà. Lâu đài xây theo phong cách thế kỷ 16 đã mất hết mọi nét duyên, nhưng vùng đất ấy thì không. Vì thế ông cho xây ngôi nhà đầu tiên trong đời, ra đủ thứ chỉ thị cho đám kiến trúc sư để xây nên cái sẽ trở thành biểu tượng của những sự thái quá kiểu Simenon trong mắt báo chí thế giới. Ngôi biệt thự nằm ở Epalinges, không xa Lausanne, trên đồi hồ Léman. Khung cảnh rất dễ chịu, nhưng tòa nhà có vẻ hơi lịch thiệp khi cuối cùng cũng mọc lên khỏi đất vào cuối năm 1963. Số lượng phòng khiến khách tham quan – chủ yếu là báo giới – phải sửng sốt, nhưng chính “khu phẫu thuật” mới khiến báo chí tốn không biết bao nhiêu mực: thực tế thì khu này chỉ là một phòng y tế đơn giản với một cái bàn mát xa, nhưng lại một lần nữa, truyền thuyết lấn át hết cả sự thật!
Việc chuyển đến nhà mới, tuy vậy, lại chẳng giải quyết được rốt ráo vấn đề gì. Denyse càng ngày càng phải đến bệnh viện tâm thần nhiều hơn, còn Simenon lúc này lại tìm cách không cho bọn trẻ lại gần bà. Thế là người suốt bao năm trời quản lý công việc của Simenon giờ đã bị thay thế bằng các thư ký thuần túy. Năm 1964, bà vĩnh viễn rời Epalinges, xen kẽ các đợt đi viện với kỳ nghỉ ở các khu nghỉ dưỡng khác nhau trên nước Pháp. Thời kỳ này, một phụ nữ trẻ bí mật bước chân vào cuộc đời tiểu thuyết gia: là người dọn phòng cho Simenon từ tháng Mười hai 1961, Teresa, cô gái người Ý, là tình nhân cuối cùng của Simenon. Trong những năm sống tại Epalinges, cũng có lần bà mẹ 85 tuổi tới thăm ông: quan hệ giữa hai con người có tính cách quá mạnh này vẫn còn rất nan giải, ngay cả khi không có Denyse ở đó. Ông sẽ còn đến thăm bà cụ vào tháng Tư năm 1969 ở Liège và tháng Mười hai năm 1970 khi bà hấp hối ở bệnh viện Bavière, chính là nơi thuở nhỏ Simenon từng trợ lễ mi xa. Bốn năm sau, ông xuất bản Lettre à ma mère, một kiểu lời chứng khó xếp loại, trong đó, ông cố hiểu mối quan hệ mẹ-con trai suốt cuộc đời ông thực chất là thế nào.
“Nghỉ hưu”
Trong khi Teresa bước vào đời ông hơi có chút ngẫu nhiên bởi đã hoàn thành vai trò một y tá cần mẫn (Simenon bị gãy bảy cái xương sườn vì ngã trong nhà tắm), việc viết lách ngày càng trở nên khó khăn với nhà văn. Đầu tháng Hai 1972, ông viết Maigret et Monsieur Charles (Maigret và ông Charles) và quyết định: đây sẽ là tiểu thuyết cuối cùng của mình! Tuy vậy, Simenon không chối bỏ việc viết lách. Công việc này chỉ đơn giản là được thực hiện dưới hình thức khác, ít thử thách hơn nhiều so với việc xây dựng cả một cuốn tiểu thuyết. Ông lấy nguyên liệu viết lách từ các vấn đề thời sự và ký ức của mình, không lo gì khó khăn: ông gửi gắm các “suy nghĩ” của mình cho một cái máy ghi âm để tránh mọi mệt mỏi… Khoảng hai mươi tập, nhan đề Les dictées (Đọc chép), được xuất bản từ 1975 đến 1981 với nhịp độ trung bình ba tập mỗi năm. Phần lớn những người bình luận về tác phẩm đều đồng ý rằng những tâm sự lộn xộn này không có giá trị gì mấy, cả ở góc độ văn chương lẫn tự truyện… Tuy nhiên, thời kỳ đó vẫn để lại cuốn sách giá trị là Lettre à ma mère (1974) đã nêu trên, trong tác phẩm này, Simenon bày tỏ hết tấm chân tình: hình thức cuốn sách đáng được quan tâm, ít nhất cũng nhận ra được ở đó một sự thống nhất nào đấy.
Dừng viết lách vào năm 1972, Simenon cũng quyết định đánh dấu sự cắt đứt này bằng việc rời bỏ ngôi nhà rộng lớn ở Epalinges. Đến giờ cách làm này của ông đã thành quen thuộc, nhưng lần này, có sự tương phản rất lớn. Ông từ bỏ một cách tượng trưng những nơi có dính dáng đến văn chương, chuyển tới đầu tiên là một căn hộ trên đại lộ Cour ở Lausanne, rồi “ngôi nhà nhỏ màu hồng” trên đại lộ Figuiers ở cũng thành phố ấy. Nhà ẩn sĩ bên hồ Léman ấy hằng ngày đi dạo tay trong tay với Teresa, ông giới thiệu với mọi người như thể cô là người vợ ông hằng mơ ước. Bất chấp các vấn đề sức khỏe, Simenon vẫn trải qua nhiều thời điểm hạnh phúc, trong khi đó, Denyse chỉ còn tấn công ông qua các luật sư khác nhau. Song giai đoạn nghỉ ngơi thanh bình ngắn chẳng tày gang. Năm 1978, một cú điện thoại từ cậu con trai Mars gọi đến, báo cho ông một tin khủng khiếp: Marie-Jo con gái ông vừa tự tử, cô tự bắn mình một phát vào ngực… Có thể hiểu được sự suy sụp của người bố ấy, mà suốt từ vài năm gần đó đã ngờ ngợ về một bất hạnh đang diễn ra. Marie-Jo chưa bao giờ là đứa trẻ cân bằng: cô gái 25 tuổi ấy phải chịu đựng rất nhiều mối âu lo khủng khiếp và luôn gắng tìm cách làm cho dịu đi, như mẹ cô, bằng cách chữa trị tại bệnh viện tâm thần. Thảm kịch ấy khiến người đàn ông đã già nua kia chao đảo, chưa kể Denyse lại còn đổ trách nhiệm lên đầu ông: hai cuốn sách bà xuất bản vẽ nên hình ảnh một người bố mà bà tố cáo là hết sức độc đoán, bạo lực và vô trách nhiệm!
Sau vài tháng im lặng, Simenon quyết định thanh minh cho mình trước độc giả và lên kế hoạch viết Mémoires intimes (Những ký ức riêng tư), một cuốn sách lớn, trong đó ông lại một lần nữa huy động hết mọi năng lượng. Cái giọng giả lả bề mặt trong Les Dictées không còn nữa, mà ông kết nối lại với Je me souviens (Tôi còn nhớ) hay Quand j’étais vieux: sự chân thành được thể hiện ngay từ những dòng đầu tiên, dù ta hẳn sẽ nghi ngờ về sự chân thành ấy trong mối liên hệ với một số sự kiện. Văn bản ấy, được xuất bản năm 1981, là tác phẩm cuối cùng của Simenon, một bản di chúc đầy cảm xúc khi ông nhắc đến con gái mình, nhưng đồng thời cũng là bản tính sổ dài dằng dặc với Denyse. Một cách tượng trưng, ông nói lời vĩnh biệt văn chương và truyền hình, bằng cách ít lâu sau khi Mémoires intimes xuất bản, tham gia vào chương trình Apostrophe của Bernard Pivot, một chương trình dành toàn bộ thời lượng để nói về cuộc đời ông.
Kể từ đó, nhà văn từ từ biến mất và thu mình lại trong ngôi nhà nhỏ trên đại lộ Figuiers: chỉ một vài người bạn được phép đến thăm ông, còn báo chí không bao giờ được chào đón nữa. Năm 1984, ông phẫu thuật cắt khối u não và nhanh chóng hồi phục, kể từ đó không giây phút nào rời xa người bạn đồng hành Teresa, người vẫn cùng ông đi dạo nhiều lần bên hồ Léman. Nhưng kể từ năm 1987, sức khỏe ông đột ngột suy sụp: chứng bại liệt lan ra cánh tay trái và hai chân ông, ông phải di chuyển bằng xe lăn. Cuộc phỏng vấn cuối cùng ông dành cho truyền hình Thụy Sĩ vào tháng Mười hai 1988 cho thấy một người đàn ông đã suy giảm rất nhiều. Ông yếu đi theo từng tháng, trở nên lặng lẽ với xung quanh suốt năm 1989. Sau một kỳ nghỉ ngắn ở một khách sạn tại Lausanne, Georges Simenon thanh thản trút hơi thở cuối cùng trong đêm ngày 3 rạng ngày 4 tháng Chín 1989: ba con trai ông biết tin qua báo chí, theo các điều khoản trong di chúc…
Sự kiện Simenon qua đời chiếm trang nhất của nhiều báo chí quốc tế: người ta đặc biệt tiếc thương “cha đẻ” của Maigret với doanh số bán hàng khổng lồ dẫu ít nhiều là do đồn đại, trong khi tác giả của các tiểu thuyết “roman dur” lại thường bị lãng quên. Lần cuối cùng, Simenon đóng vai nạn nhân của truyền thông, những kẻ góp phần rèn giũa lên một huyền thoại mà Simenon phải chịu phần lớn trách nhiệm./.
[1] Nguyên văn tiếng Pháp: Caque, nghĩa là cái thùng ướp cá trích, được dùng để đặt tên cho nơi Simenon cùng nhiều nghệ sĩ thường hội họp trong hẻm La Houpe vì ở đó rất chật hẹp. (Các chú thích đều của người dịch)
[2] Sidonie-Gabrielle Colette, sinh ngày 28 tháng Giêng 1873 tại Saint-Sauveur-en-Puisaye (Yonne), và qua đời ngày 3 tháng Tám 1954 tại Paris, là một nhà văn người Pháp, nổi tiếng trước hết là một tiểu thuyết gia, tiếp đến là nghệ sĩ kịch câm, diễn viên và nhà báo. Sau Judith Gautier năm 1910, Colette là người phụ nữ thứ hai được bầu làm thành viên Viện Goncourt năm 1945 và trở thành chủ tịch Viện từ năm 1949 đến 1954.
(Bài viết thuộc Zzz Review số 1+2, 18-7-2018)
Người góp chữ
Phùng Hồng Minh
Tự mình cũng không biết rõ năm sinh, hiện đang sống và làm việc khu vực quanh Hà Nội.
Leave a Reply