
Trong phòng khách, chiếc đồng hồ biết nói ngân nga Tích-tắc, bảy giờ rồi, dậy đi thôi, dậy đi thôi, bảy giờ rồi! cứ như nó sợ là chẳng ai thức. Ngôi nhà buổi sáng nằm trống rỗng. Đồng hồ cứ tích tắc, lặp đi lặp lại những âm thanh máy móc trong vắng lặng. Bảy giờ chín phút, điểm tâm một chút, bảy giờ chín phút!
Trong nhà bếp, chiếc lò điểm tâm thở hắt lên một tiếng và từ cõi lòng ấm áp của nó tống ra tám lát bánh mì nướng nâu giòn hoàn hảo, tám đĩa trứng chiên, mười sáu lát thịt xông khói, hai tách cà phê và hai cốc sữa mát lạnh.
- Hôm nay là ngày 4 tháng Tám năm 2026 – một giọng nói thứ hai vẳng ra từ trần nhà bếp – ở Allendale, bang California. – Giọng nói lặp lại ngày tháng đó ba lần cho nhớ. – Hôm nay là sinh nhật ông Featherstone. Hôm nay kỷ niệm ngày cưới của Tilita. Có thể đóng bảo hiểm, cũng như đóng tiền nước, tiền ga, tiền điện.
Đâu đó trong những bức tường, rờ-le kêu lách tách, băng từ bộ nhớ trượt qua dưới những con mắt điện tử. Tám giờ một phút, tích-tắc, tám giờ một phút, đi học, đi làm, gấp, gấp, tám giờ một phút! Nhưng không hề có tiếng cửa nào đóng sầm, không tấm thảm nào nghe tiếng gót cao su giẫm đạp lên êm ái. Bên ngoài trời đang mưa. Hộp phong vũ biểu ở cửa chính ngâm nga khe khẽ:
- Mưa, mưa, đi ngay, đi ngay; đừng quên áo mưa giày ủng hôm nay… – Và mưa vỗ về ngôi nhà trống rỗng, vọng vang. Bên ngoài, nhà xe rung chuông và nâng cửa lên phô ra chiếc ô-tô đã sẵn sàng. Sau một hồi dài chờ đợi, cánh cửa lại lúc lắc hạ xuống như cũ.
Lúc tám giờ rưỡi thì các đĩa trứng đã teo tóp và bánh mì đã cứng như đá. Một cái nêm bằng nhôm gạt hết số thức ăn này vào bồn rửa, nơi luồng nước nóng sẽ cuốn sạch chúng xuống một cuống họng kim loại để tiêu hoá và tống khứ hết ra tận biển xa. Những chiếc đĩa bẩn được thả vào máy rửa nước nóng rồi lại hiện ra khô ráo lấp lánh.
Chín giờ mười lăm, đồng hồ ngâm nga, tới lúc vệ sinh.
Từ trong những hang hốc chằng chịt trong bức tường, đàn chuột máy tí hon phóng ra. Các gian phòng lúc nhúc những con thú nhỏ, toàn là cao su và kim khí, làm công việc dọn dẹp. Chúng va uỳnh uỵch vào các chiếc ghế, xoay tít những dây cáp giống như bộ ria, nhồi nặn lớp tơ trên thảm, nhẹ nhàng hút sạch mọi bụi bặm ẩn náu. Rồi như những tên xâm lược bí ẩn, chúng lại chạy tuột vào hang hốc của mình. Những đốm mắt điện tử màu hồng của chúng mờ dần. Ngôi nhà đã sạch sẽ.
Mười giờ. Mặt trời ló dạng sau cơn mưa. Ngôi nhà đứng lẻ loi trong thành phố đầy gạch vụn và tro bụi. Đây là ngôi nhà độc nhất còn nguyên. Ban đêm thành phố đổ nát này toả ra một hào quang phóng xạ cách xa hàng dặm còn thấy rõ.
Mười giờ mười lăm. Các máy tưới trong vườn quay mòng trong những vòi nước phun vàng rực, rải ánh sáng lấp đầy không gian êm đềm ban mai. Nước bắn rào rào vào các ô kính cửa sổ, chảy tràn xuống mặt phía tây cháy đen nơi ngôi nhà đã bị thiêu sạch hết lớp sơn trắng. Toàn bộ mặt nhà phía tây đen ngòm chỉ trừ năm chỗ. Ở đây là chiếc bóng trông nghiêng sơn trắng hình một người đàn ông đang cắt cỏ. Ở đây, như trong một bức ảnh, một người đàn bà đang cúi xuống hái hoa. Xa hơn một chút đằng kia, in hằn trong gỗ trong một chớp nhoáng nóng bỏng cực độ là hình ảnh của một cậu bé, hai tay vung lên trời; trên cao là hình ảnh của một quả bóng bị tung lên; và đối diện cậu bé là hình ảnh một bé gái, hai tay đưa cao đón một quả bóng không bao giờ rơi xuống.
Năm chỗ sơn trắng ấy – người đàn ông, người đàn bà, hai đứa trẻ, quả bóng – còn nguyên đó. Phần còn lại là một lớp than mỏng.
Cơn mưa dịu dàng của máy tưới cây phủ kín khu vườn bằng những giọt sáng rụng rơi.
Cho tới hôm ấy, ngôi nhà này vẫn giữ được bình an cho nó quả thật là hay.
- Ai đi đó? Mật mã là gì? – Nó luôn cẩn thận dò hỏi thật kỹ và khi không nhận được lời đáp nào từ lũ cáo cô đơn hay lũ mèo rên rỉ thì nó tự đóng sập hết các cửa sổ và buông mành như một bà già giúp việc bận tâm tới chuyện tự bảo vệ, mối bận tâm tới mức hoang tưởng máy móc.
Nó rùng mình trước mọi tiếng động, ngôi nhà ấy đúng là vậy. Nếu có một con chim sẻ quẹt cánh vào cửa sổ, mành cửa sẽ cuốn bật lên. Con chim giật mình bay vèo! Không, ngay cả một con chim cũng không được động tới ngôi nhà này! Ngôi nhà là một điện thờ với chục ngàn kẻ góp mặt, lớn, nhỏ, phụng sự, tham dự, đồng ca. Nhưng các thần thánh đã bỏ đi, còn nghi lễ tôn giáo vẫn cứ tiếp diễn vô nghĩa như rồ dại.
Mười hai giờ, đúng ngọ.
Một con chó rên rỉ, run rẩy, trước hiên nhà.
Cửa chính nhận biết tiếng con chó và mở ra. Từng mập béo, to lớn nhưng giờ chỉ còn da bọc xương, mình đầy lở loét, con chó ấy vào trong và đi khắp nhà, dấu chân đầy bùn sình. Rù rì theo sau là một con chuột tức giận kêu vù vù, tức giận vì phải dọn sạch bùn, tức giận vì sự phiền toái.
Bởi vì không có một mảnh lá nào bay qua khe cửa mà những vách ngăn trong tường lại không bật mở và lũ chuột vệ sinh bằng đồng lại không phóng vọt ra. Mọi thứ bụi đất, lông tóc, hay giấy vụn xúc phạm sẽ bị tóm chặt trong những chiếc hàm thép tí hon và lôi ngược thật nhanh về các hang hốc. Ở đó, theo những ống máng đổ xuống tầng hầm, rác bẩn sẽ được thả hết vào chiếc miệng phì phò của lò đốt nằm trong góc tối như một hung thần.
Con chó chạy lên lầu, sủa ăng ẳng điên loạn trước từng cửa phòng, rồi cuối cùng nó biết, như ngôi nhà này đã biết, ở đây chỉ có sự im lặng.
Con chó đánh hơi và cào vào cửa bếp. Sau cánh cửa, chiếc lò đang làm bánh kẹp và phả đầy ngôi nhà mùi bột nướng chín ngậy và hương mật ngọt.
Con chó miệng sùi bọt mép, nằm ngay cửa, hít khụt khịt, mắt đỏ bừng bừng. Rồi nó chạy loạn xạ theo vòng tròn, vồ cắn cái đuôi của mình, quay cuồng điên dại, và chết. Nó nằm trong phòng khách chừng một giờ.
Hai giờ, một tiếng nói ngân nga.
Cảm nhận rất nhạy sự phân huỷ, đạo quân chuột cuối cùng lại ào ra, rù rì khe khẽ như tiếng lá úa tung bay trong làn gió điện.
Hai giờ mười lăm.
Con chó đã biến mất.
Trong tầng hầm, lò đốt chợt bừng sáng và một cuộn lốc tàn lửa vọt ra khỏi ống khói.
Hai giờ hai lăm.
Chiếc bàn chơi bài mọc ra từ các bức tường sân trong. Những lá bài rập rờn bay thành các tụ chơi trong một trận mưa rào cơ rô chuồn bích. Rượu cốc-tai hiện ra trên chiếc băng ghế gỗ sồi cùng với xăng-uýt trứng. Nhạc bật lên.
Nhưng bàn chơi bài lặng thinh, những quân bài không ai chạm.
Đến bốn giờ thì bàn ghế xếp gập lại như những cánh bướm quay về trong lòng các bức tường có chia ngăn.
oOo
Bốn giờ ba mươi.
Phòng chơi trẻ con bừng sáng.
Những con thú hiện hình: hươu cao cổ vàng, sư tử xanh, sơn dương hồng, báo hoa cà nhảy cẫng lên trong một thực thể pha lê. Bốn bức tường toàn thuỷ tinh. Chúng nhìn ra ngoài bằng sắc màu và ảo tượng. Những cuộn phim giấu kín được định giờ phát trên những bánh răng trơn dầu, và các bức tường sống dậy. Sàn phòng chơi được đan kết thành một đồng lúa khô ran. Trên cánh đồng, lũ gián nhôm cùng dế sắt chạy rông, và trong bầu khí nóng yên ả lũ bướm bằng vải đỏ mong manh bay chập chờn giữa mùi nồng của các dấu chân thú! Có tiếng động nghe như tiếng một tổ ong vàng dày đặc đồ sộ vang vọng trong những ống thổi lò đen ngòm, tiếng ngập ngừng lười biếng của một con sư tử gầm gừ. Và tiếng lộp cộp của những bước chân hươu và tiếng rì rào của một cơn mưa rừng mát rượi, giống như tiếng móng guốc, trút xuống lớp cỏ cháy nắng hè. Bây giờ bốn bức tường tan biến thành khung cảnh đồng cỏ khô, kéo dài hàng dặm, và bầu trời vô tận nóng hanh. Những con thú thu mình vào trong những bụi cỏ gai và kéo tới những vũng nước.
Đó là thời gian của hai đứa trẻ.
oOo
Năm giờ. Bồn tắm đầy tràn nước ấm trong veo.
Sáu giờ, bảy giờ, tám giờ. Những chiếc đĩa ăn tối tự thao tác như trò ảo thuật rồi trong thư phòng một tiếng tách vang lên. Đối diện lò sưởi đang bập bùng lửa ấm, một điếu xì-gà bật ra từ trong chiếc giá kim loại, đã châm lửa sẵn, đã có chút tàn tro mềm, bốc khói, đợi chờ.
Chín giờ. Những chiếc giường đã sưởi ấm các mạch điện giấu kín, vì ở đây trời lạnh ban đêm.
Chín giờ năm phút. Một giọng nói phát ra trên trần thư phòng:
- Thưa bà McClellan, tối nay bà thích nghe bài thơ nào?
Ngôi nhà im lặng. Sau cùng giọng nói tiếp tục:
- Vì bà không có ý lựa chọn gì, tôi sẽ chọn một bài ngẫu nhiên. – Tiếng nhạc nhè nhẹ trỗi lên làm nền cho giọng nói. – Bài của Sara Teasdale. Theo tôi nhớ, bài thơ yêu thích nhất của bà…
Rồi mưa lành sẽ tới, đất dậy thơm hương
Đàn nhạn lượn vờn long lanh cánh vỗ,
Ếch nhái dưới hồ ngân nga đêm vỡ,
Mận dại trổ hoa run rẩy trắng rừng.
Rồi lũ chim oanh sẽ khoác màu áo lửa,
Trên hàng giậu thưa hứng tấu véo von,
Không một ai còn nhớ tới điêu linh,
Chẳng ai màng an bình bao giờ quay lại.
Cây lá chim muông chẳng buồn xem nhân loại
Có còn chăng hay tuyệt tận tiêu vong,
Ngay cả Nàng Xuân thức giấc bình minh
Chẳng hề biết chúng mình đã ra đi vĩnh viễn.[1]
Lửa cháy rực trong lòng đá của lò sưởi và điếu xì-gà rụng rơi thành một đống tro lặng lẽ trên chiếc gạt tàn. Hai chiếc ghế trống trơ đối diện nhau giữa các bức tường im lìm, và tiếng nhạc cứ phát.
oOo
Đến mười giờ, ngôi nhà bắt đầu chết.
Gió thổi. Một cành cây đổ đâm xuyên qua cửa sổ nhà bếp. Chất tẩy rửa trong chai vỡ tràn ra trên chiếc lò tự động. Gian phòng bốc cháy ngay lập tức!
- Cháy! – Một giọng nói thét lên. Đèn trong nhà chớp nháy, máy bơm phun nước từ các trần nhà xuống. Nhưng dung môi này đã tràn ra lớp vải sơn lót sàn, thè lưỡi lửa luồn qua cửa bếp trong lúc nhiều giọng nói đồng thanh vang lên:
-
Cháy, cháy, cháy!
Ngôi nhà cố tự cứu mình. Những cánh cửa đóng sập chặt, nhưng các cửa sổ đã vỡ nát vì sức nóng và gió hà hơi thổi bừng đám lửa.
Ngôi nhà chịu thua khi cả chục tỉ tia lửa thịnh nộ di chuyển hừng hực dễ dàng từ phòng này sang phòng khác rồi lên lầu. Trong lúc đó đàn chuột cứu hoả kêu rúc rích cuống cuồng trong các bức vách, bắn nước ra, rồi chạy đi tiếp nước. Và những tia nước từ trong tường phun ra những cơn mưa cơ khí.
Nhưng quá muộn. Đâu đó, tiếng máy bơm thở dài rùng mình ngừng bặt. Trận mưa dập dồn ngừng lại. Nguồn nước dự trữ để tắm và rửa bát đĩa cho nhiều ngày bình lặng đã cạn hết.
Lửa lách tách tràn lên các cầu thang. Ở phòng lớn trên lầu, lửa liếm sạch mấy bức tranh Picasso và Matisse như ăn cao lương mỹ vị, nung tróc lớp thịt sơn dầu, nhẹ nhàng thui cháy lớp vải bố thành những vụn tro đen vặn xoắn.
Bây giờ lửa leo lên các chiếc giường, ùa ra các cửa sổ, đổi màu màn cửa thành đen!
Và kia, viện binh tới.
Từ các cửa trập trên gác xép, gương mặt của những con rô-bốt mù nhìn ngó xuống với những cái miệng hình vòi đang phun ra một hoá chất xanh xanh.
Lửa thối lui, như con voi thậm chí cũng phải chùn bước khi gặp xác con rắn chết. Bây giờ có hai mươi con rắn đang quăng quật khắp sàn nhà, tiêu diệt ngọn lửa bằng chất nọc độc lạnh lùng trong vắt sủi bọt xanh.
Nhưng lửa tinh ranh. Nó thè mấy chiếc lưỡi ra phía ngoài ngôi nhà, với xuyên qua gác xép lên tận mấy chiếc máy bơm ở đó. Một tiếng nổ! Bộ não gác xép điều khiển các máy bơm tan tành thành những mảnh đồng cắm phập trên các xà nhà.
Lửa gấp rút quay lại tràn vào mọi ngăn tủ và ngửi ra quần áo mắc bên trong.
Ngôi nhà run rẩy từng chiếc xương cốt gỗ sồi, bộ xương bóc trần của nó co rúm trong sức nóng. Rung bần bật trong bầu khí nóng bỏng là mớ dây điện, những dây thần kinh phô bày như thể một nhà giải phẫu đã lột bộ da cho lòi các gân máu đỏ và mạch mao dẫn. Cứu, cứu! Cháy! Chạy, chạy! Sức nóng bẻ gãy các tấm gương soi như bóp vụn lớp băng giòn mùa đông. Và những giọng nói rền rĩ Cháy, cháy! Chạy, chạy! như một bài đồng dao bi thảm, cả chục giọng, bổng, trầm, như đàn trẻ hấp hối trong rừng, cô độc, cô độc. Rồi những giọng nói lịm dần khi các dây điện nổ toạc lớp vỏ bọc như những quả hạt dẻ nóng. Một, hai, ba, bốn, năm giọng nói tắt ngóm.
Trong phòng chơi trẻ con, rừng già bốc cháy. Bầy sư tử xanh gầm rống, hươu cao cổ tím lồng lên. Lũ báo chạy thành vòng tròn, đổi màu, và mười triệu con thú chạy trước ngọn lửa đã khuất dạng về phía dòng sông mờ mịt xa xa…
Mười giọng nói nữa im bặt. Trong khoảnh khắc cuối cùng dưới dòng thác lửa, vang lên rõ mồn một những giọng đồng ca khác đọc giờ, chơi nhạc, cắt cỏ bằng máy điều khiển từ xa, hay điên cuồng bật xoè một chiếc dù. Và trong khung cửa chính đã bung mở toang, cả ngàn chuyện đang xảy ra, giống như cửa hiệu đồng hồ khi mỗi chiếc đồng hồ điên rồ gióng chuông trước và sau những chiếc khác, một cảnh tượng cuồng loạn nhưng đồng nhất, tiếng ca hát, tiếng gào thét, mấy con chuột vệ sinh cuối cùng dũng cảm phóng ra dọn lớp tro tàn kinh khủng! Và với vẻ uy nghi bất chấp tình thế, một giọng nói trong thư phòng rực lửa vẫn đọc lớn những bài thơ, cho đến khi mọi lõi băng ghi âm cháy rụi, cho đến khi mọi dây cáp tiêu tan và các mạch điện nổ tanh tách.
Đám cháy phá tung ngôi nhà và quật nó ngã bẹp xuống đất, phụt ra bốn phía một màn khói lửa.
Ở nhà bếp, trong một thoáng chốc ngay trước cơn mưa của cột kèo và lửa đỏ, chiếc lò tự động còn đang cố gắng làm bữa điểm tâm với một tốc độ của kẻ tâm thần, trăm quả trứng chiên, sáu ổ bánh mì xắt lát nướng, hai trăm khoanh thịt xông khói, mời lửa ăn, rồi lại dọn lò vừa làm bữa điểm tâm mới, vừa kêu xèo xèo điên loạn!
Tiếng đổ ầm. Gác xép rơi sầm xuống gian bếp và phòng khách. Phòng khách đổ sụp xuống hầm, hầm đổ sụp xuống tầng thấp nữa. Tủ đông, ghế bành, băng phim, mạch điện, giường tủ và mọi thứ như những bộ xương bị ném chung thành một đống hỗn độn dưới sâu.
Khói và im lặng. Mịt mù khói.
Bình minh lờ mờ ló rạng đằng đông. Giữa đống hoang tàn, một bức tường vẫn đứng lẻ loi. Bên trong bức tường, một giọng nói cuối cùng, lặp đi lặp lại, không ngừng, ngay cả khi vầng dương đã lên cao rọi chiếu đống đổ nát chất chồng mù khói:
- Hôm nay là ngày 5 tháng Tám năm 2026, hôm nay là ngày 5 tháng Tám năm 2026, hôm nay là…
[1] Nguyên tác: “There Will Come Soft Rains” (1920) của Sarah Teasdale (1884-1933). Ray Bradbury dùng bài thơ này làm cốt lõi để xây dựng truyện ngắn của mình.
There will come soft rains and the smell of the ground, / And swallows circling with their shimmering sound; / And frogs in the pools, singing at night, / And wild plum trees in tremulous white,
Robins will wear their feathery fire, / Whistling their whims on a low fence-wire; / And not one will know of the war, not one / Will care at last when it is done.
Not one would mind, neither bird nor tree, / If mankind perished utterly; / And Spring herself, when she woke at dawn, / Would scarcely know that we were gone.
Nguyên tác: There Will Come Soft Rains (1950)
Đăng Thư dịch
(Bài viết thuộc Zzz Review số 1+2, 18-7-2018)
Người góp chữ
Đăng Thư
Đăng Thư là một bút danh dịch thuật của Trần Đức Tài, sống ở Đà Lạt, có dịch phẩm đầu tay xuất bản từ 1988 và vẫn tiếp tục dịch lai rai.
Leave a Reply