Nhuận bút cho dịch giả ảnh hưởng thế nào đến việc phổ biến sách kinh điển nước ngoài ở Trung Quốc

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 6 phút

Dịch giả Trung Quốc được trả công cực kỳ ít ỏi, và bằng chứng nằm ở sách in.

Hai năm trước, sau khi tốt nghiệp ở Pháp, tôi về Trung Quốc tìm được việc làm biên tập các bản dịch văn học dịch từ tiếng Pháp. Vốn là người mê văn chương, tôi vô cùng sung sướng khi tìm được một nghề vừa tiện cho cuộc mưu sinh mà lại được làm việc mình yêu thích nhất. Ngặt nỗi, tôi chẳng hề hay biết rằng cái thực tế tàn nhẫn và nhọc nhằn khi làm việc cho một nhà xuất bản sẽ khiến tôi hao mòn cả về tinh thần lẫn thể chất.

Đối với việc dịch thuật các tác phẩm văn học nước ngoài thì chất lượng bản dịch là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng dịch văn học ở Trung Quốc khiến công việc biên tập viên của tôi khác xa với những gì tôi mong đợi. Ở Trung Quốc, dịch văn học hiếm khi được trả cao: dịch giả dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Trung thường chỉ được nhận khoảng 70-80 nhân dân tệ/1000 từ (tương đương khoảng 240-280 ngàn đồng tiền Việt), dịch giả tiếng Anh thậm chí còn kiếm được ít hơn. Như thể mức nhuận bút ít ỏi như vậy còn chưa đủ lố bịch, còn có luật rằng nếu cứ khi nào phí thanh toán cho dịch giả cho một dự án mà vượt quá ngưỡng 800 tệ (khoảng 2,8 triệu đồng), thì nhà xuất bản sẽ trừ đi 20% tiền thuế. Chẳng có gì ngạc nhiên khi rất ít dịch giả giỏi, có trình độ cao chịu dịch với tiền thù lao rẻ mạt như vậy.

Để làm cầu nối thu hẹp khoảng cách mênh mông giữa hai hệ ngôn ngữ Á và Âu, người dịch phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. Nhưng do mức thù lao còm cõi, nhiều dịch giả dịch rất ẩu. Nhiều người không chỉ không chịu thay đổi cấu trúc của văn bản gốc cho hợp với cú pháp và văn phong tiếng Trung, mà còn để lại vô vàn lỗi dịch cơ bản. Vì thế chẳng ngạc nhiên gì lắm khi trang web điểm sách nổi tiếng nhất Trung Quốc, trang Douban, đầy các bài phê phán các bản dịch tác phẩm nước ngoài sang tiếng Trung.

Trong tất cả các bản dịch sai những năm vừa qua, có lẽ lỗi dịch sai buồn cười nhất là dịch nhầm tên những danh nhân văn hóa và lịch sử vĩ đại của Trung Hoa. Trong bản dịch tiếng Anh tên và tác phẩm của các nhân vật lịch sử Trung Hoa thường được phiên âm theo phương pháp cổ Wade-Giles, tức là phiên âm tiếng quan thoại bằng các ký tự Latinh – chứ không phải dùng phương pháp bính âm (pinyin) theo chuẩn hiện nay. Hoặc, chẳng hạn như trong trường hợp hai bậc hiền giả Trung Hoa Khổng Tử (Confucius) và Mạnh Tử (Mencius), tên của họ đã được Latinh hóa để tiện hơn cho độc giả phương Tây. Mọi chuyện còn rắc rối hơn khi tên một vài nhân vật lịch sử đã được dịch sang tiếng Anh theo cách phát âm tên họ bằng tiếng Quảng Đông, chứ không phải tiếng quan thoại. Ngày nay, bất cứ sự nhập nhằng do phiên âm nhiều lần qua các hệ ký tự khác nhau đều có thể được loại bỏ dễ dàng chỉ bằng một cú tìm kiếm online nhanh gọn. Vậy mà trong vài bản dịch tác phẩm nước ngoài, những cái tên Chiang Kai-shek (Tưởng Giới Thạch), Mencius (Mạnh Tử), và Sun Tzu (Tôn Vũ) – mà tên gốc theo tiếng phổ thông là Jiang Jieshi, Meng Zi, and Sun Zi – được chuyển ngược lại theo phương pháp bính âm, lại thành những cái tên rất nhảm nhí là “Thường Khải Thân” (Chang Kai Shen), “Mạnh Tu Tư” (Meng Xiusi), và “Tang Thốt” (Sang Zu).

Đôi khi dịch sai cũng có thể là do khả năng hạn chế trong việc đọc hiểu ngôn ngữ bản gốc của dịch giả, nhưng thường thì là do đạo đức nghề nghiệp chứ không phải do trình độ. Giảng viên ngoại ngữ ở các trường đại học ở Trung Quốc thường buộc phải dịch một số lượng sách nhất định. Vì thế, rất nhiều giảng viên sẵn lòng cộng tác dịch với chúng tôi, mặc dầu chúng tôi chỉ có thể trả mức thù lao rất khiêm tốn. Các bản dịch thử của các giảng viên thường là đạt yêu cầu – nhưng đến khi chúng tôi đọc bản cuối thì thỉnh thoảng lại chết điếng người vì chất lượng dịch vô cùng tệ hại.

Bởi lẽ một số giảng viên nhận dịch thuần túy là để hoàn thành nghĩa vụ, cho nên họ chẳng buồn dụng công, thành ra bản dịch vừa thiếu sót vừa đầy rẫy lỗi. Bản dịch khiến chúng tôi nhức đầu hơn cả, ấy là một lần chẳng may vớ phải sản phẩm của một bác giảng viên đem chia cuốn sách ra làm nhiều phần cho sinh viên dịch. Bản dịch cuối cùng bác giao cho chúng tôi hoàn toàn không thống nhất, không chỉ về phong cách viết tổng thể mà còn ở các thuật ngữ cơ bản, chẳng hạn như cách dịch địa danh và tên người.

Thái độ ất ơ của các dịch giả trình độ kém còn khiến ta bực bội hơn nhiều so với chất lượng bản dịch của họ. Trường hợp kinh khủng nhất mà tôi từng trải qua là chuyện một chị dịch giả quyết định dịch một cuốn sách cho chúng tôi chỉ vì muốn đánh bóng sơ yếu lí lịch để nộp đơn xin đi du học. Bản dịch ra tiếng Trung của chị gần như không tài nào hiểu nổi – nhưng khi chúng tôi yêu cầu chị sửa các lỗi và chỉnh lại văn phong, chị từ chối thẳng thừng, cãi rằng chị đã làm hết mức có thể rồi, và bây giờ nhiệm vụ của biên tập viên là phải nai lưng ra mà biên cho bằng hết cái bản dịch thảm họa của chị. Chúng tôi chỉ còn mỗi cách là trừ tiền dịch, và về cơ bản tôi đã phải dịch lại toàn bộ cuốn sách.

Mặc dù rất nhiều dịch giả cộng tác với chúng tôi có vẻ thờ ơ với chất lượng bản dịch, nhưng biên tập viên chúng tôi thì lại phải luôn ý thức rất cao trong việc ràng buộc trách nhiệm của mình với sản phẩm. Điều này có nghĩa cứ khi nào chúng tôi nhận phải một bản dịch tệ là y như rằng chúng tôi buộc phải làm thêm giờ. Làm biên tập viên, mỗi ngày tôi buộc phải biên tập và sửa hơn 10.000 từ – nhưng nếu phải sửa một bản dịch kém thì đây là việc hoàn toàn bất khả. Tuy nhiên, các vị sếp của chúng tôi không hề quan tâm đến các yếu tố ảnh hưởng, chẳng hạn như nhiệm vụ đang làm khó khăn thế nào; họ chỉ than phiền chúng tôi làm việc chậm và không hiệu quả. Tôi chỉ còn mỗi cách là khi đi làm về vẫn phải biên tập tiếp, rồi chẳng mấy chốc phải làm luôn cả buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần.

Giá được đồng lương tử tế thì công việc mệt mỏi và đầy áp lực này sẽ dịu bớt phần nào, nhưng mức lương của biên tập viên ở Trung Quốc thì phải nói là thảm hại. Lương tháng của biên tập viên mới vào nghề vào khoảng 5.000 nhân dân tệ (khoảng 17,3 triệu đồng), chỉ vừa đủ trang trải tiền thuê nhà ở ngoại ô Thượng Hải và ăn mặc tằn tiện. Kết quả là nhiều người trở nên nản lòng: trong hai năm làm công việc này, tôi đã chứng kiến phần lớn đồng nghiệp bỏ đi theo nghề khác.

Nhưng tại sao các công ty xuất bản lại trả cho dịch giả và biên tập viên thấp như vậy? Tôi ngờ rằng thủ phạm chính là giá sách ở Trung Quốc quá rẻ. Tôi xin dùng hai ví dụ so sánh quen thuộc nhất, một ly cà phê Starbucks ở Pháp và Trung Quốc đều có giá tương đương nhau, khoảng 4 hay 5 đô-la Mỹ. Ở Trung Quốc, giá sách cũng tầm như vậy.

Tuy nhiên, ở Pháp một cuốn sách thường đắt gấp 3-4 lần một ly cà phê Starbucks. Chẳng hạn bản dịch tiếng Pháp cuốn Bình Như, Mỹ Đường: Câu chuyện của hai ta, vừa mới phát hành đây, được ngợi ca là một trong những cuốn sách đẹp nhất của Trung Hoa, bán trên trang Amazon Pháp giá 23 euro (khoảng 620 ngàn đồng), trong khi bản gốc bán trên Amazon Trung Quốc chỉ có 24,6 nhân dân tệ (85 ngàn đồng), hơn gấp 7 lần. Hơn nữa, theo như chương trình Khảo sát cấp quốc gia về Văn hóa đọc lần thứ 14 của Trung Quốc thì độc giả Trung Hoa chỉ muốn trả khoảng 14,42 nhân dân tệ, tức là khoảng 50 nghìn đồng, cho một cuốn sách dày 200 trang.

Tôi khao khát muốn giới thiệu những tác phẩm văn chương xuất sắc nhất của nước ngoài tới độc giả trong nước, nhưng tham vọng của tôi liên tục bị thực tế xuất bản đầy bất hạnh ở Trung Quốc dập tắt. Giá sách rẻ mạt khiến cả dịch giả lẫn biên tập viên buộc phải làm việc với mức thù lao thảm hại, và dưới điều kiện làm việc bất công như vậy, thật khó lòng mà cải thiện chất lượng bản dịch. Hậu quả là các bản dịch tác phẩm văn chương nước ngoài bị mang tiếng xấu với độc giả Trung Quốc, tạo nên cái vòng luẩn quẩn không lối thoát. Tôi càng cảm thấy bất lực bao nhiêu khi cố sửa chữa những sai sót của cả một hệ thống thì lại càng quay về với một lựa chọn duy nhất: chỉ còn nước bỏ việc mà đi./.

Diêu Lệ Thanh

(Nguyên bản tại http://www.sixthtone.com/news/1000635/how-translation-wages-affect-the-popularity-of-foreign-classics)

Zét Nguyễn dịch

(Bài viết thuộc Zzz Review số 1+2, 18-7-2018)

Chấm sao chút:

Đã có 4 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

1 Comment on Nhuận bút cho dịch giả ảnh hưởng thế nào đến việc phổ biến sách kinh điển nước ngoài ở Trung Quốc

  1. Reblogged this on and commented:
    Chuyện nghề. Sự khác biệt chỉ nằm ở những con số, ví dụ thay vì 240-280k/1000 từ thì là 40-60k/1000 từ, 2,8 triệu thay bằng 1 triệu và 17,3 triệu đồng thì thay bằng 4 triệu đồng.

Leave a Reply to dzuykhanh Cancel reply

Your email address will not be published.


*