Nhảy, hay không nhảy, đó là vấn đề: “Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới” của Nguyễn Hải Nhật Huy

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 5 phút

“Không có nơi nào tạo nhiều cảm hứng nhảy lầu hơn là cái ban công nhà tôi.” Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới, cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn trẻ Nguyễn Hải Nhật Huy bắt đầu đầy ấn tượng như thế. Nó tạo ra cả một theme, để từ đó nhân vật mải miết theo đuổi và ngẫm ngợi về nó: có nhảy xuống hay không? Sống hay là chết, kết thúc tại chỗ hay kéo dài cuộc sống buồn chán tẻ nhạt? Tôi là ai, và thế thì bao nhiêu, trong xã hội tiêu dùng dày đặc các sản phẩm của chủ nghĩa tư bản.

Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới được kể đan xen giữa hai góc nhìn của hai nhân vật, một nam, một nữ, nam là Thái Vũ, nhân viên công ty truyền thông, hay thường gọi là agency, chương lẻ, nữ, Q, học sinh, chương chẵn. Câu chuyện của cả hai dường như hoàn toàn không liên quan đến nhau: độc giả được kể về cuộc sống nhàm chán của Thái Vũ ở Sài Gòn, nơi anh sống ở một căn hộ chung cư cao cấp với đầy đủ các đồ dùng hiện đại, mà đang phải nai lưng cày cuốc để trả nợ, mà anh coi là sống trong tổ ong của hàng vạn căn chung cư ken dày khắp thành phố, đi làm ở công ty quảng cáo, chán ngấy cuộc đời, công việc, suốt ngày cãi nhau với người yêu, khát khao kết liễu cuộc đời mà không dám. Nếu câu chuyện của Thái Vũ phần lớn là mô tả hiện thực, thì người đọc bước sang các chương chẵn với câu chuyện của Q mà không khỏi choáng ngợp: như một tác phẩm sci-fi. Một cô bé ám ảnh với đèn LED, tự định hình thành khố và không gian theo các thuật ngữ riêng của mình, và đặc biệt, là giọng kể không lẫn vào đâu được, và bước đầu không thể phân biệt được, ai là tôi và Q là ai:

Đèn LED bủa vây Q. Quanh tôi, bên trái Q và bên phải Q, và trước mắt Q là đen LED… Tôi nhấc mông Q khỏi Chỗ Ngồi và bắt đầu đi ngược Đường Bước Dọc Sông về phía Con Rồng Xấu Xí…. Tôi đang mặc bên ngoài một cái áo khoác đen chống thấm nên không lo Q bị ướt…

Hai dòng tự sự này cứ thế phát triển theo hai ngả riêng rẽ, độc lập. Thái Vũ quằn quại với đời sống thường nhật trong một đô thị ngột ngạt, nơi con người bị bủa vây bởi truyền thông, nơi hàng ngàn thông điệp quảng cáo tung ra và tạo khuôn cho hành vi sống của con người, những “Vitameen! Thơm lừng trái cây, năng động mỗi ngày!”, “Tận hưởng cuộc sống thành công với thẻ tín dụng AWC”, “Sữa chua ăn Yukul! – bổ sung canxi, vui gym, đẹp hơn mỗi ngày!” … Độc giả dễ dàng tìm thấy chính mình trong xã hội của Thái Vũ, với các vụ scandal truyền thông như con ruồi trong chai sữa chua, các cuộc thi đấu The Idolz, các trung tâm thương mại và cửa hàng nhân bản giống hệt nhau và trở thành mê cung khó lòng thoát khỏi. Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới chính là một bức tranh sắc nét làm bật lên đời sống đô thị hiện đại với những trống rỗng vô hồn.

ảnh 2

Tương phản với cái xã hội thực dụng tiêu dùng đó là một thế giới đầy màu sắc có hơi hướm điên loạn của tôi và Q. Phải mất một thời gian để độc giả dần hiểu ra cơ chế vận hành của cái thế giới đặc biệt ấy: tôi sống trong Q. Nhân vật xưng tôi là một Óng Ánh, là một loài sinh vật vô cơ đến từ ngoài hành tinh, có thể chiếm lấy vật chủ, cụ thể là chiếm lấy Nhân dạng là Q. Tôi với Q sống trong thế giới bị một ông trùm chi phối thôi miên bằng Tín hiệu phát ra từ các bảng hiệu đèn LED. Cả một thế giới sống động như trong tiểu thuyết giả tưởng nơi các Óng Ánh trường tồn, chiếm lốt và điều khiển quá trình tư duy của con người (và vô số các loài vật khác) được dựng lên cực kỳ sống động. Trong thế giới đó, tôi và Q có nhiều hơn một sứ mệnh lớn, đó là nhận diện các Phản Binh, những Óng Ánh biến chất, những kẻ có chiếc lưỡi đỏ dài như rắn, đó là phải giải mã các tín hiệu, tìm được trại, tìm cách liên hệ với các tổ chức Đầu Nguồn của con người…

Nguyễn Hải Nhật Huy khéo léo dàn xếp để hai câu chuyện chạy song song và tưởng chừng trái ngược bắt đầu giao nhau không chỉ khi nhân vật Tôi-Q làm tiêu tan cuộc đời của Thái Vũ bằng một cú hack máy tính đơn giản, và toàn bộ những vở kịch truyền thông bị phơi bày ra cho cả nhân gian. Ruồi hay thạch tín, sữa chua hay nước mắm truyền thống, những cảnh huống quen nhiều hơn lạ với con người hiện đại, nơi quá trình đánh tráo giữa sự thật và cái phi sự thật diễn ra khôn lường. Nhưng không chỉ dừng ở đó, câu chuyện của Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới liên tục mở ra những chiều nội dung mới mẻ, cực khó đoán định, được bài binh bố trận khéo léo, bằng giọng văn đầy giễu nhại và phê phán của tác giả. Như thể tất lẽ dĩ ngẫu trốn chạy khỏi đô thị ngột ngạt, Thái Vũ chạy về Đà Nẵng, và gặp chính Tôi-Q.

Tác phẩm thứ 2 của Nguyễn Hải Nhật Huy cho thấy một sự lên tay rõ rệt trong kỹ năng viết, độ sâu của tư tưởng, lẫn cách xây dựng nhân vật và phạm vi câu chuyện. Một điểm mạnh ít nhà văn Việt Nam nào làm được mà tác giả rành rõi, chính là khả năng viết đối thoại tự nhiên. Song, cuốn tiểu thuyết còn có nhiều điểm yếu, hai trong số đó là nhịp văn ở phần chương Thái Vũ rất rề rà, bao gồm những chi tiết vụn vặt, tủn mủn, kém hẳn các chương chẵn là phần viết về Tôi-Q. Điểm yếu thứ 2 là cái kết sến gọi bằng cụ, với một cơn mưa thanh xuân ướt át cả linh hồn (đúng nghĩa đen). Dẫu vậy, trong một loạt tác phẩm èo uột của văn học Việt nửa đầu 2018, nơi ta tưởng bước vào một chợ chiều, thì Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới đến như một vạt nắng quái, rực, và khiến ta ngạc nhiên.

Zét Nguyễn

(Bài viết thuộc Zzz Review số 1+2, 18-7-2018)

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 4.5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*