“Người dịch nào cũng sống luôn trong cuốn sách mình đang dịch”: Phỏng vấn Thiên Nga

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 7 phút

Nếu đã từng đọc, bất kỳ trong số các cuốn sau, mà có lẽ là hơn một, Kiêu hãnh và định kiến, Ăn, cầu nguyện, yêu, Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, Đại dương cuối đường làng, Yêu Dấu, Người con trai, Ngựa chứng đầu xanh, Tiếng kèn thiên nga v.v… thì bạn đã tiếp xúc với dịch giả Thiên Nga qua những con chữ. Là cộng tác viên thân thiết của nhiều công ty sách, Thiên Nga dịch nhiều và cực đa dạng, âm thầm suốt nhiều năm qua. Zzz Review cảm thấy vinh hạnh và may mắn được chị Nga nhận lời mời tham gia chuyên mục trò chuyện với dịch giả lần này, cũng là bài phỏng vấn cho số tạp chí online đầu tiên mà Zzz Review thực hiện.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Chị đến với dịch thuật như thế nào?

THIÊN NGA

Từ nhỏ mình đã có nhiều hoài bão về những gì sẽ làm khi lớn lên nhưng trong đó không hề có dịch thuật, dù mình đọc sách từ khi biết đọc chữ. Về sau, thỉnh thoảng cũng có nghĩ đến, nhưng không hiểu sao vẫn bỏ qua, có lẽ vì còn nhiều thứ ưu tiên hơn mà chưa làm được. Một cái Tết hơn 10 năm trước, một người bạn, rất thân và hiểu mình, gọi điện báo là có nhà sách tuyển dịch giả. Mình làm thử bài test nhưng không đạt. Từ đó mình mới theo dõi tin thì một ngày đẹp trời, đọc tin tuyển của Nhã Nam, mình liên lạc. Vậy là từ ấy bén duyên với dịch thuật.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Chị có sống được bằng nhuận dịch không?

THIÊN NGA

Nhờ trời, mình không chồng, không con, nhưng cái chính là vì mình cực kỳ ít nhu cầu, nên chi phút này vẫn còn sống nhăn răng để trả lời phỏng vấn đây.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Có một cái myth: chị đã từ bỏ công việc lương bổng cao đang làm, lui về ở ẩn, và chỉ tập trung vào văn chương. Sống với văn chương ở Nha Trang, chị cảm thấy như thế nào?

THIÊN NGA

Ồ không, mình từng đi làm ba nơi, ba việc, không có việc nào lương cao. Mới dịch được một vài cuốn gì đấy thì mình quyết định nghỉ việc, ngồi nhà dịch thôi, không phải để tập trung vào văn chương gì cả mà vì tính thích cô quạnh.

Mình sống từ nhỏ ở Saigon, mấy năm nay mới về Nha Trang sống, không phải để lui về ở ẩn vì cả đời mình vẫn “ở ẩn”.

Cá nhân mình cũng không thích ở Nha Trang, nhưng may là lúc nào cũng có sách để “trốn” vào.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Cái chị thích nhất/cảm giác chị thích nhất khi làm công việc dịch thuật là gì?

THIÊN NGA

Cảm giác thích nhất là mỗi khi cầm một cuốn sách mới, sắp bắt tay vào dịch. Cảm giác như sắp làm chuyến hành trình đến một nơi mình chưa từng đến. Sẽ tò mò, nôn nao. Cho nên khi gõ xong giai đoạn một, tức chuyển từ văn bản nguồn sang tiếng Việt thì cũng hết hứng. Vì đã ngoạn cảnh, thăm thú hết rồi. Phần còn lại là đoạn đường trần ai hoàn thiện bản dịch. Lúc này thì trách nhiệm chứ không còn gì lý thú, gần như vậy.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Đã chuyển ngữ hơn 20 tác phẩm, gồm cả hư cấu lẫn phi hư cấu, quan niệm về dịch thuật của chị như thế nào? Tác phẩm dịch mà chị tâm đắc nhất? Tác phẩm nào làm chị nhọc công, xin mạn phép đoán chính là Yêu Dấu?

THIÊN NGA

Mình có một nguyên tắc hàng đầu. Cuốn sách đó không phải mình viết mà người khác viết, mình phải tôn trọng. Không có quyền đem chữ nghĩa của mình vào. Phải diễn dịch trung thực nhất có thể được. Khi dịch sách thiếu nhi, mình hay cẩn thận khi dùng chữ, cứ nghĩ bụng sợ trẻ em đọc chữ không đúng, câu không đúng, học theo thì khốn…

Mình cũng hay nghĩ có họa khùng mới làm nghề dịch. Rất mất thời gian, trí não, phải vận dụng hết kiến thức, vốn sống… nhưng tiền bạc thì… Bởi vậy cho nên, để bù lại cái vô lý đó, phải làm cho công việc của mình có nghĩa lý. Làm hết sức mình, như một đóng góp nhỏ nhoi cho văn học nói riêng, tri thức nói chung.

Cuốn sách mình tâm đắc thì mình lại không có may mắn dịch. Tuy nhiên nói về thích thì mình thích cuốn Gấu Pooh. Thỉnh thoảng đọc lại vẫn còn bật cười.

Sao đoán đúng dữ vậy. Yêu Dấu là tác phẩm văn học khó nhất mình từng dịch.

DSC07803
Bản in Yêu Dấu, Nhã Nam 2018

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Đọc các tác phẩm Thiên Nga dịch, có cảm giác chị là kiểu dịch giả sống luôn trong tác phẩm, nếu đúng quả là thế, chuyện này có ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của chị không, và như thế nào? Cái lúc đi ra đi vào tác phẩm trước mỗi session dịch như thế nào?

THIÊN NGA

Ồ, mình nghĩ người dịch nào cũng sống luôn trong cuốn sách mình đang dịch, từ phút đầu cho đến phút cuối. Không thì làm sao dịch được. Lúc đó phải xuất vía về tận thời gian, không gian của tác phẩm, đứng bên cạnh những nhân vật, nghe họ nói chuyện với nhau… Sống trong tác phẩm và có những cuốn khó như Yêu Dấu, phải sống luôn trong đầu tác giả, đoán tác giả muốn nói gì. Chẳng hạn một tính từ có nhiều nghĩa, trong câu đó, khó biết ngay nghĩa để dịch, đặt trong văn cảnh cũng không ra, phải ngồi đoán tâm lý, tình cảm của tác giả để tìm từ tiếng Việt TẠM ỔN.

Muốn dịch tốt, phải tập trung. Muốn tập trung, phải quên ăn, quên ngủ. Nói trong nghĩa đen. Chạy xe giữa đường, quét lá trong sân, đầu cứ phải chơi trốn tìm với một chữ tiếng Việt nào đó để dịch. Chắc bị “ngải hành”.

Hầu như mình dịch suốt ngày, liên tục, nên hầu như cũng không có chuyện vào ra. Tuy nhiên, khi nào bị “đứng hình” là mình tắt máy nghỉ ngay, vì khi đó dịch sẽ hỏng.

Bắt đầu một cuốn thì háo hức, xong rồi thì lúc nào cũng băn khoăn, vì biết còn những chỗ chưa đạt. Vậy thôi.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Mở đầu năm 2018 chị có một dịch phẩm xuất sắc vừa ra mắt là Yêu Dấu của Toni Morrison. Đây là một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn đạt giải Nobel lẫn Pulitzer viết về cuộc đời và số phận của người da đen thế kỷ 19 ở Mỹ. Chị đã gặp những thách thức gì khi dịch Yêu Dấu? Chị có chủ động lựa chọn ngôn ngữ để chuyển ngữ ngôn ngữ của những nhân vật da màu trong tác phẩm không, và như thế nào?

THIÊN NGA

Thách thức thì nhiều chứ. Đầu tiên là áp lực dịch tác giả Nobel. Thứ hai là ở Việt Nam, cuốn này đã được hai người dịch rồi. Còn lại thách thức nằm ở chính tác phẩm.

Cá nhân mà nói thì mình không quen với tâm lý, tình cảm của mẹ đối với con, vợ với chồng… nên khó thẩm thấu, khó nhập tâm. Tác giả hay viết ẩn ý, lại thêm mạch lạc câu chuyện không theo đường thẳng, khiến mình lúng túng không ít. Phải tra cứu rất, rất nhiều… Đến mức khi dịch cứ bị khựng, không được tự nhiên, thoải mái. Kể chuyện vui, phải tìm xem phim để hiểu thêm. Nhưng sợ nhân vật hồn ma bé con quá không dám xem tiếp. Sau phải thử lần nữa, nhưng tới chỗ cô đó xuất hiện thì phải hi hí mắt.

Còn vấn đề chủ động lựa chọn ngôn ngữ, diễn đạt, âm điệu… cho mỗi nhân vật thì đây là chuyện đương nhiên. Tác phẩm nào cũng vậy thôi. Đầu tiên phải nắm vững thời gian, bối cảnh, hoàn cảnh, gốc gác, tính cách nhân vật, diễn biến tâm lý… Tương quan, quan hệ giữa các nhân vật…

Nói chung là mệt. Với dịch giả cao tay thì có lẽ công việc sẽ nhẹ nhàng hơn.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Chị cảm thấy như thế nào về lựa chọn của Sethe với đứa con gái chỉ mới biết bò của mình, khi nói như lời nhân vật Sạch Nợ, “Chị ta chỉ cố gây đau đớn còn hơn kẻ gây đau đớn”?

THIÊN NGA

Toni Morrison viết tác phẩm này dựa trên một câu chuyện có thật. Người mẹ da đen ít học phút đó tức thời có hành động như vậy. Giết con mình để đám chủ nô không bắt về làm nô lệ được nữa. Theo mình cảm nhận, đây là hành động phần nhiều theo bản năng, khi người ta cùng quẫn quá, khi người ta đã chịu đựng quá mức rồi, những tưởng được thoát, lại thấy cái viễn cảnh lại rơi vào cái họ đã chịu đựng thì họ thà chết còn hơn. Thà con mình chết còn hơn phải chịu thân phận nô lệ như mẹ nó, như bao người da đen đã phải chịu. Đó còn là sự căm phẫn, giống như chị muốn thi gan với kẻ thù. Một thái độ phản kháng rất bi đát.

NGƯỜI PHỎNG VẤN

Chị có thể chia sẻ một chút về những dự án dịch thuật mà chị đang thực hiện không?

THIÊN NGA

Mình đang cố gắng hoàn tất cuốn tiếng Pháp của một nhà sư cho Nhà sách Thái Hà. Xong mình sẽ “gặm” tiếp hai cuốn cũng đang dở dang. Một cuốn của tác giả Nga, rất dày, chỉ thua Chiến tranh và hòa bình. Chưa có thời gian làm cho xong nhưng thỉnh thoảng mình vẫn háo hức nghĩ đến, nghĩ đến cái vui của người dịch, đó là được “nắm quyền sinh sát” đối với một tác phẩm, vui buồn, sướng khổ gì một mình mình được nếm trải cho đến khi dịch xong. Đương nhiên, quyền đây cũng là trách nhiệm. Có lẽ đấy là cái thú của người làm nghề dịch sách.

Xin cảm ơn chị vì cuộc phỏng vấn này.

Zét Nguyễn thực hiện

(Bài viết thuộc Zzz Review số 1+2, 18-7-2018)

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

1 Comment on “Người dịch nào cũng sống luôn trong cuốn sách mình đang dịch”: Phỏng vấn Thiên Nga

  1. “Mình có một nguyên tắc hàng đầu. Cuốn sách đó không phải mình viết mà người khác viết, mình phải tôn trọng. Không có quyền đem chữ nghĩa của mình vào.”
    Em rất tâm đắc đoạn này, cảm ơn chị Nga! <3

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*