Không hẹn mà gặp, nửa đầu 2018 chứng kiến sự trở lại đến 5 dịch phẩm của của hai dịch giả nổi tiếng của văn học miền Nam trước 1975: Mặc Đỗ và Huỳnh Phan Anh. Đều dịch từ tiếng Pháp, đều chọn những tác phẩm có tiếng vang ở các nền văn học lớn, với ngôn ngữ dịch uyển chuyển đầy hào hoa, họ đứng vào hàng ngũ những dịch giả lớn của nền văn học dịch Việt Nam. – Nhà Z
Mặc Đỗ sinh năm 1917, như vậy tính đến nay ông đã qua tuổi một trăm. Trong một cuộc phỏng vấn cách đây không lâu ông nói rằng khởi đầu ông đã nhất định chuyên về viết còn dịch là cách tập viết rất tốt. Tuy nhiên, nhìn lại toàn bộ di sản của ông, ta có thể thấy dịch thuật chiếm vị trí quan trọng trong sự nghiệp của Mặc Đỗ, thậm chí nó là nhân tố khẳng định vị thế của ông trên văn đàn miền Nam Việt Nam trước năm 1975.
Mặc Đỗ chủ trương nhóm Quan Điểm và song hành đó là Nhà xuất bản Quan Điểm, thế nên những tác phẩm đầu tiên của Mặc Đỗ bao gồm các tập truyện Siu Cô Nương, Bốn Mươi, Tân truyện I đều được Quan Điểm xuất bản. Cũng trong giai đoạn Quan Điểm, các dịch phẩm đầu tiên của ông đến với độc giả miền Nam: Lão ngư ông và biển cả (Ernest Hemingway, Quan Điểm 1956); Con người hào hoa (F. Scott Fitzgerald, Quan Điểm 1956). Tiếp theo đó là Một giấc mơ (Vicki Baum, Cảo Thơm 1966); Người vợ cô đơn (Francois Mauriac, Cảo Thơm 1966); Thời nhỏ trong gia đình Luvers (Boris Pasternak, Văn 1967); Tâm cảnh (André Maurois, Văn 1967); Anh Môn (Alain-Fournier, Cảo Thơm 1968); Vùng đất hoang vu (Lev Tolstoy, Đất Sống 1973); Giờ thứ 25 (C. Virgil Gheorghiu, Đất Sống 1973); Những vinh nhục của César Birotteau (Honoré de Balzac, Trung tâm học liệu 1968).
Rõ ràng, với số lượng tác phẩm dịch đồ sộ như vậy, chúng ta có thể thấy đóng góp của Mặc Đỗ đối với nền dịch thuật miền Nam trước năm 1975 là rất lớn. Một điểm đáng chú ý là cách chọn tác phẩm và tác giả nước ngoài của ông để mang đến cho độc giả Việt Nam là rất phong phú và có chọn lọc: từ những tác giả kinh điển như Balzac hay Tolstoy cho đến các tác giả lừng danh hiện đại như Hemingway hay Mauriac. Những tác giả mà tác phẩm của họ có ảnh hưởng rất lớn đến nền văn chương quê hương họ đương thời cũng như mang đến những hơi thở cho nền văn học Việt Nam đương đại.
Huỳnh Phan Anh sinh năm 1940 tại Bình Dương, nguyên là một giáo sư triết học. Ông tự nhận mình là “nhà giáo đi lạc vào văn chương”, tuy nhiên cuộc đi lạc của ông đã để lại nhiều tác phẩm giá trị từ sáng tác, phê bình cho đến dịch thuật. Huỳnh Phan Anh bước vào địa hạt văn chương bằng những tác phẩm phê bình văn học: Văn chương và kinh nghiệm hư vô (Hoàng Đông Phương, 1968), Đi tìm tác phẩm văn chương (Đồng Tháp, 1972) và sáng tác Người đồng hành (Đêm Trắng, 1969). Tuy nhiên dấu ấn của ông chủ yếu trong lĩnh vực dịch thuật với nhiều tác phẩm đáng chú ý mà cho đến nay vẫn khó có bản dịch nào vượt qua được.
Huỳnh Phan Anh chủ trương nhóm Đêm Trắng cùng với nhà xuất bản Đêm Trắng, tập họp và xuất bản các tác phẩm của một số cây bút cùng thời như Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Quốc Trụ, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Xuân Hoàng. Trước năm 1975, Huỳnh Phan Anh thường công tác với bán nguyệt san Văn, tạp chí Vấn Đề, Khởi Hành… và đóng góp nhiều tiểu luận phê bình cho các tạp chí này. Nhiều dịch phẩm nổi tiếng của ông cũng ra đời trong giai đoạn này như: Tình yêu và tuổi trẻ (Valery Larbaud, Lạc Việt, 1973), Tình yêu và lý tưởng (Thomas Mann, Ngày Mới, 1974), Tình yêu bên vực thẳm (E. M. Remarque, Ngày Mới, 1973), Chuông gọi hồn ai (Ernest Hemingway, Tổ hợp Gió, 1972), Lạc lối về (Heinrich Böll, Khai Hóa, 1972), Chuyến viễn hành trong đêm (Heinrich Böll, Vàng Son, 1973), Tình cuồng (Raymond Radiguet, dịch chung với Nguyễn Nhật Duật, Ngày Mới, 1973)…
Sau năm 1975, Huỳnh Phan Anh tiếp tục hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực dịch thuật với nhiều tác phẩm dịch đáng chú ý như: Sa mạc (J. M. G. Le Clézio, Hội nhà văn, 1997), Ảo ảnh (Thomas Mann, Văn học, 1998), Cỏ (Claude Simon, Hội nhà văn, 1998), Thế giới của Sophie (Jostein Gaarder, Văn hoá thông tin 1998, Nhã Nam tái bản 2015), Bãi hoang (Jean-René Huguenin, Đồng Nai, 2001), Rimbaud toàn tập (Arthur Rimbaud, Văn hóa Sài Gòn, 2006)… Có thể thấy Huỳnh Phan Anh rất chú trọng đến việc chọn tác phẩm và tác giả dịch thuật, do đó hầu hết những bản dịch đều được độc giả đánh giá cao và tích cực đón nhận.
Một điểm khá thú vị là Alain-Fournier (tác giả của Anh Môn do Mặc Đỗ dịch) và Jean-René Huguenin (tác giả của Bãi hoang do Huỳnh Phan Anh dịch) là những nhà văn người Pháp chỉ có một tác phẩm duy nhất và họ chết khi còn khá trẻ.
Mặc Đỗ và Huỳnh Phan Anh tuy không cùng độ tuổi cũng chưa từng là những người đồng hành nhưng sự nghiệp văn chương của họ có khá nhiều nét tương đồng. Họ đều là những tài năng đa dạng: sáng tác, tiểu luận, phê bình, dịch thuật… mà nổi bật nhất là họ đã mang đến cho độc giả Việt nhiều tác phẩm dịch thuật giá trị. Cả hai đều là những thủ lĩnh văn nghệ của thời mình khi tạo lập và khởi xướng các nhóm văn chương với dấu ấn rõ nét: với Mặc Đỗ là nhóm Quan Điểm cùng khuynh hướng tự do bày tỏ quan điểm, còn Huỳnh Phan Anh là Đêm Trắng với khuynh hướng kiếm tìm cái mới trong văn chương. Và hơn hết, họ là những nghệ sĩ luôn không ngừng sáng tạo, góp vai trò quan trọng cho nền phê bình và dịch thuật Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX.
Ngô Thanh Tuấn
(Bài viết thuộc Zzz Review số 1+2, 18-7-2018)
Người góp chữ
Ngô Thanh Tuấn
Sưu tầm sách, đặc biệt quan tâm các tác giả đạt giải Nobel. Hiện sống và làm việc ở Đà Nẵng.
Leave a Reply