Andrew Sean Greer, Less, Pulitzer 2018 (trích)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 13 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 1+2, 18-7-2018)

Ở cái tuổi mấp mé năm chục, Arthur Less thấy mình là một thất bại toàn tập. Sự nghiệp văn chương khiêm tốn của gã giậm chân tại chỗ khi cuốn sách mới nhất gã gửi cho nhà xuất bản vẫn chưa thấy hồi âm. Đường tình duyên thì trắc trở chẳng kém khi bạn trai cũ chín năm qua gửi thiệp mời đám cưới.

Trước cái thế lưỡng nan đó – từ chối thì hèn mà đồng ý thì kỳ – Arthur Less vớ lấy cái phao cứu sinh duy nhất gã nhìn thấy trước mặt. Một xấp thư mời dự các sự kiện văn chương nửa mùa trên khắp thế giới, mà phần lớn các nhà văn có chút tự trọng sẽ từ chối, trước giờ bị gã thờ ơ nhét vào hộc bàn. Gã nhận lời tất cả.

Và thế là Arthur Less bắt đầu chuyến hành trình của gã. Từ New York, đến Mexico, rồi Turin, sang Berlin, sau đó là Morocco, sang Ấn Độ, và cuối cùng là Nhật Bản. Gã sẽ đi qua các ngày lễ lớn như Halloween, Giáng sinh, Năm mới, và đâu đó trên đường, gã cũng sẽ bước qua tuổi năm mươi. Nhưng chủ yếu, gã đã có lý do để vắng mặt trong cái đám cưới kia. Một kế hoạch hoàn hảo. Nhưng người ta có thật sự chạy trốn được khỏi những rắc rối của mình không?

Less là một bức tranh tếu táo mà sinh động về cuộc sống bấp bênh của những tác giả tự do. Là một câu chuyện về khủng hoảng tuổi trung niên, của một con người nhận ra mình đã bước qua phía bên kia cầu. Là một hành trình trốn chạy những rắc rối cuộc đời. Nhưng, trên mọi nỗi đau khổ mà nó thể hiện, Less vẫn đầy ắp lạc quan và tình yêu. Như những lời Andrew Sean Greer đã nói trên The Guardian: “Tủ sách của tôi vẫn còn chưa có một chuyện tình giữa hai người đàn ông mà không vật vã hay đau khổ, vậy là tôi muốn viết cuốn sách ấy.”

Với giọng văn tỉnh bơ, những miêu tả đầy màu sắc và câu văn giàu tính nhạc, cuốn sách trào phúng về thế giới văn chương Mỹ này đã thắng giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu xuất sắc nhất năm 2018, trở thành một trong số ít những cuốn tiểu thuyết hài hước được trao một giải thưởng văn học danh giá. Sách đã được Nhã Nam mua bản quyền và dự kiến phát hành trong thời gian sớm nhất.

– Khánh Nguyên

ảnh 1.jpg

Less mới đầu

Từ chỗ tôi thấy, chuyện của Arthur Less không đến nỗi nào.

Nhìn gã xem: ngồi nghiêm chỉnh trên cái sofa tròn ở sảnh khách sạn, mặc sơ mi trắng, áo vét xanh, chân bắt tréo để gót chiếc giày lười sáng bóng tuột ra. Tướng ngồi của một chàng thanh niên. Cái bóng gầy gò của gã, trên thực tế, vẫn mang dáng dấp thời trai trẻ, nhưng ở cái tuổi kề cận năm mươi, gã chẳng khác gì mấy cái tượng đồng để trong công viên, phai màu một cách đẹp đẽ cho đến khi hòa hợp với đám cây, không kể một bên gối may mắn được đám học trò chà cho bệch ra. Arthur Less cũng vậy, một thời trẻ trung hồng hào sáng chói, nay đã bạc màu như cái ghế gã đang ngồi, ngón tay gõ gõ trên gối trong lúc mắt dán vào cái đồng hồ tủ. Cái mũi dài quý tộc rám nắng quanh năm (ngay cả trong tháng Mười đầy mây của New York). Mái tóc vàng bợt trên thì dài hai bên thì ngắn cũn – hình ảnh của chính ông gã. Cả đôi mắt xanh mướt long lanh ấy nữa. Nghe xem: anh có thể nghe thấy tiếngtrống ngực đang đập, bình bịch, bình bịch, trong lúc gã dán mắt vào cái đồng hồ mà, xui xẻo thay, không còn đập nữa. Nó chết từ mười lăm năm trước. Arthur Less lại không biết điều đó: gã vẫn tin, ở cái tuổi đã chín nẫu này, là người hỗ trợ trong các sự kiện văn chương luôn đến đúng hẹn và nhân viên trực tầng luôn lên dây cót đồng hồ đều đặn. Gã không đeo đồng hồ; niềm tin của gã không thể lay chuyển. Việc cái đồng hồ chết đứng ở sáu giờ ba mươi, gần như ngay cái giờ người ta hẹn đón gã đến chỗ sự kiện tối nay, hoàn toàn là ngẫu nhiên. Con người tội nghiệp ấy không biết, nhưng lúc này đã là bảy giờ kém mười lăm.

Trong khi gã chờ, một phụ nữ mặc váy len màu nâu chạy tới chạy lui khắp sảnh, một loài chim ruồi lông màu vải tuýt, hết sà vào nhóm du khách này lại đến nhóm kia. Cô nhào vào một đám người đang ngồi, hỏi câu hỏi của cô, rồi khi không có được câu trả lời mong muốn, lại lao sang một đám khác. Less không nhận thấy cô trong lúc cô chạy vòng quanh. Gã mải chăm chú vào cái đồng hồ chết. Cô gái tới chỗ lễ tân, rồi thang máy, làm giật mình một nhóm các bà ăn mặc diêm dúa đi coi hát. Chiếc giày hờ hững của Less đung đưa. Nếu để ý, hẳn gã đã nghe thấy câu hỏi rối rít của cô, lý do cho vì sao cô hỏi tất cả mọi người trong sảnh, nhưng lại chừa gã ra:

“Cho tôi hỏi, phải bà Arthur đó không?”

Vấn đề ở đây – nhưng sẽ không được giải quyết trong sảnh này – là người hỗ trợ tưởng Arthur Less là phụ nữ.

Công bằng mà nói, cô chỉ mới đọc có một cuốn sách của gã, dưới định dạng điện tử thiếu mất ảnh tác giả, và thấy giọng kể của nữ nhân vật quá cuốn hút, quá thuyết phục, đến độ cô tin chắc chỉ có phụ nữ mới viết được như vậy; cô cho rằng cái tên là một trong những cái lạ đời của người Mỹ khi đụng đến giới tính (cô là người Nhật). Điều này, với Arthur Less mà nói, là một lời khen ngợi hiếm hoi. Nhưng nó chẳng có ích lợi gì với gã lúc này, khi gã đang ngồi trên cái sofa tròn với phần chóp giữa nhô lên một cây cọ. Vì giờ đã là bảy giờ kém mười.

Arthur Less đã ở đây được ba ngày; gã ở New York để phỏng vấn tác giả sci-fi nổi tiếng H. H. H. Mandern trên sân khấu nhân buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết mới của ông ta; trong đó, ông ta cho hồi sinh con rô bốt nhại Sherlock Holmes lừng danh tên Peabody. Trong giới sách vở, đây chính là tin trang nhất, và ở sau cánh gà là cả đống tiền xôn xao. Tiền ở trong giọng nói bất thình lình gọi Less và hỏi gã có biết truyện của ông H. H. H. Mandern này không, và liệu gã có làm một cuộc phỏng vấn được không. Tiền ở trong những tin nhắn từ tay quản lý dặn Less về những câu hỏi nhất quyết không được hỏi H. H. H. Mandern (vợ ổng, con gái ổng, tập thơ bị chê te tua của ổng). Tiền ở trong lựa chọn nơi tổ chức, đống quảng cáo dán đầy khắp khu vực. Tiền ở trong con rối hơi hình Peabody dập tới dập lui trước gió bên ngoài nhà hát. Tiền ở trong cả cái khách sạn người ta bố trí cho Less, nơi Less được trình cho một rổ táo “quà tặng” mà gã có thể lấy bất cứ lúc nào, dù ngày hay đêm, không có chi thưa ngài. Trong thế giới mà phần lớn mọi người mỗi năm đọc một cuốn sách, có rất nhiều tiền hy vọng rằng đây sẽ là cuốn sách ấy, và đêm nay sẽ là một khởi đầu rực rỡ. Và đống tiền ấy đang trông cậy vào Arthur Less.

Thế nhưng gã vẫn nghiêm túc quan sát cái đồng hồ chết kia. Gã không thấy người hỗ trợ đang rầu rĩ đứng kế bên. Gã không thấy cô chỉnh lại khăn choàng, rồi bước ra khỏi sảnh qua cánh cửa xoay mòng mòng như máy giặt. Nhìn xem: mái tóc ngày một mỏng đi trên đỉnh đầu gã, đôi mắt chớp lia lịa của gã. Nhìn xem: niềm tin ngây thơ của gã.

Có lần, hồi còn hăm mấy, một nữ nhà thơ gã đang trò chuyện cùng bỗng dụi điếu thuốc của mình vào chậu cây và nói, “Cậu như ruột để ngoài da ấy.” Một nhà thơ nói câu đấy. Một người kiếm sống bằng cách phơi bộ đồ lòng của mình ra trước công chúng mà lại đi nói , Arthur Less cao ráo, trẻ trung, đầy hứa hẹn này, là ruột để ngoài da. Nhưng đúng thế thật. “Cậu phải cứng lên,” đối thủ một thời, Carlos, vẫn thường nói thế với gã hồi trước, nhưng Less có biết thế nghĩa là gì đâu. Là dữ lên à? Không, là được bảo vệ, được che chắn khỏi thế giới, nhưng người ta đâu thể cứ muốn là “cứng lên”, cũng như đâu thể cứ muốn là trở nên hài hước? Hay cứ làm bộ, giống kiểu mấy ông thương gia vô duyên học thuộc lòng mấy chiêu pha trò xong được tung hô là “cây hài”, rồi sau đó tranh thủ về sớm trước khi hết trò để pha?

Dù đó là gì, Less cũng chưa bao giờ làm được. Đến tuổi bốn mươi, tất cả những gì gã hình thành được là một thứ nhận thức mong manh về bản thân, tựa như cái vỏ trong suốt của con cua bấy. Một bài điểm sách chê bai hay việc vô tình bị hắt hủi không còn khiến gã tổn thương nữa, nhưng thất tình, thất tình thật sự, lại có thể chọc thủng cái vỏ mỏng manh của gã và dòng máu túa ra vẫn không hề đổi sắc so với trước. Làm sao mà khi đến độ tuổi trung niên bao nhiêu thứ đã trở nên nhàm chán – triết học, thuyết cấp tiến, và những thứ mì ăn liền khác – nhưng thất tình vẫn giữ nguyên được độ đau đớn ấy? Có lẽ bởi gã luôn tìm thấy những nguồn mới cho nó. Ngay cả những nỗi sợ ngớ ngẩn hồi trước cũng chưa thật sự mất đi, chỉ là tránh được: gọi điện thoại (bấm số loạn xạ giống đang gỡ bom), đi tắc xi (lúng túng gửi tiền và nhảy ra khỏi xe cứ như con tin mới được giải cứu), và trò chuyện với trai đẹp hay người nổi tiếng ở các bữa tiệc (vẫn còn lẩm nhẩm dợt câu mở đầu trong khi đối phương đã nói lời tạm biệt). Gã vẫn mang những nỗi sợ ấy, nhưng thời gian đã giúp gã giải quyết chúng. Nhắn tin và email giải phóng gã khỏi gọi điện thoại mãi mãi. Tắc xi nhận quẹt thẻ. Không làm quen ngoài đời được thì lên mạng. Nhưng thất tình – làm sao tránh được thất tình trừ phi anh hoàn toàn từ bỏ tình yêu? Đến cuối cùng, đó là giải pháp duy nhất Arthur Less tìm thấy.

Có lẽ đó là lý do vì sao gã đã dành chín năm với người thanh niên ấy.

Tôi cũng quên chưa nói, gã đang ôm một cái nón phi hành gia Nga trong lòng.

Nhưng giờ đến một chút may mắn: từ thế giới bên ngoài sảnh khách sạn, tiếng chuông ngân lên một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, khiến Arthur Less bật phắt dậy. Nhìn gã xem: trừng mắt với kẻ đã phản bội mình, cái đồng hồ, rồi lao tới quầy tiếp tân và – cuối cùng cũng – hỏi cái câu hỏi thời gian hết sức quan trọng ấy.

“Tôi không hiểu làm sao cô lại tưởng tôi là phụ nữ được.”

“Ông Less, ông đúng là một tác giả đại tài. Ông đã lừa được tôi! Mà ông đang vác cái gì thế kia?”

“Cái này hả? Bên nhà sách kêu tôi…”

“Tôi mê Vật chất Tối lắm. Có một phần gợi tôi nhớ đến Kawabata.”

“Tôi cũng thích ổng! Cuốn Cố đô. Kyoto.”

“Quê tôi ở Kyoto đó ông Less.”

“Thật á? Vài tháng nữa tôi tới đó…”

“Ông Less. Chúng ta đang có vấn đề thế này…”

Cuộc trò chuyện diễn ra trong lúc người phụ nữ mặc váy len nâu dẫn gã đi dọc hành lang nhà hát. Cả hành lang chỉ có một cái cây giả làm đồ trang trí, kiểu cây mà nhân vật chính hay núp phía sau trong mấy vở hài kịch; còn lại toàn gạch sơn màu đen bóng. Less và người hỗ trợ đã chạy từ khách sạn đến nơi tổ chức, và gã bắt đầu cảm thấy mồ hôi đang biến cái sơ mi trắng sạch sẽ của mình thành xuyên thấu.

Sao lại là gã? Sao người ta lại mời Arthur Less? Một tác giả hạng hai được biết đến nhiều nhất nhờ mối liên hệ thời trai trẻ với trường phái Russian River của giới văn nghệ sĩ, một tác giả quá già để được coi là mới và quá trẻ để có thể được khai quật, một tác giả chưa bao giờ ngồi kế ai từng nghe đến sách của mình trên máy bay. Nhưng, Less biết vì sao. Chẳng phải bí ẩn gì. Có tính toán cả: nhà văn nào lại đồng ý thực hiện một cuộc phỏng vấn không công? Phải là một kẻ hết sức tuyệt vọng. Bao nhiêu người quen của gã đã trả lời “còn lâu” trước đó? Người ta đã gọi cho bao nhiêu người trước khi có kẻ buột miệng: “Còn Arthur Less thì sao?”

Gã quả thật là một kẻ tuyệt vọng.

[…]

New York: chặng dừng chân đầu tiên của chuyến đi vòng quanh thế giới. Nói cho đúng, thì là bất đắc dĩ, kết quả của nỗ lực tìm cách thoát khỏi một tình huống khó khăn của Less. Gã khá tự hào vì mình đã tránh được. Một lời mời đám cưới.

[…]

New York là một thành phố tám triệu dân, trong đó gần bảy triệu sẽ cáu tiết nếu biết anh đến thành phố mà không hẹn họ đi ăn một bữa sang chảnh, năm triệu sẽ nổi đóa nếu anh không đi thăm em bé mới đẻ của họ, ba triệu sẽ phát rồ nếu anh không đi coi cái show mới của họ, một triệu sẽ giận điên nếu anh không rủ họ nắc giao hữu, nhưng chỉ năm có thì giờ gặp anh. Không gọi cho ai trong đó cũng là hợp lý. Thay vào đó, anh có thể lẻn đi xem một vở Broadway sến ói,dở ẹt mà anh sẽ không bao giờ thừa nhận là mình đã bỏ ra hai trăm đô mua vé. Less đã làm thế vào đêm đầu tiên ở đó, ăn một cái hot dog thay bữa tối để bù lại cho màn vung tiền quá trớn kia. Anh không thể nói đó là một thú vui tội lỗi, khi đèn tắt và màn sân khấu được kéo lên, khi trái tim tươi trẻ bắt đầu hòa chung nhịp đập với dàn nhạc, làm sao nói thế được khi anh chẳng thấy tội lỗi gì. Và Less cũng vậy, gã chỉ thấy run lên vì vui sướng khi xung quanh không có ai đánh giá mình. Vở nhạc kịch chán òm, nhưng, như một trận nắc chán òm, một vở nhạc kịch chán òm vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của nó. Đến cuối vở kịch, Arthur Less đã nước mắt ngắn dài, thút thít trên ghế, và gã những tưởng mình đã thút thít trong lặng lẽ cho đến khi đèn bật sáng và bà già ngồi kế gã quay sang nói, “Em trai, chị không biết em gặp chuyện gì, nhưng cho chị chia buồn với em,” rồi trao cho gã mội cái ôm nồng nặc mùi tử đinh hương. Tôi có gặp chuyện gì đâu, gã muốn nói vậy. Tôi không gặp chuyện gì hết. Tôi chỉ là một thằng gay đi coi kịch Broadway.

Sáng hôm sau: máy pha cà phê trong phòng khách sạn của gã hệt như một con nhuyễn thể con háu đói, há mồm nuốt lấy viên nén cà phê và sau đó tiết thành phẩm xuống một cái cốc. Hướng dẫn chăm nuôi viết rõ ràng cụ thể, vậy mà không hiểu sao Less vẫn làm ra, mẻ đầu tiên, không gì ngoài một đống hơi nước, và, mẻ thứ hai, vẫn viên nén cà phê nhưng chảy chèm nhẹp. Less thở dài.

Đó là một buổi sáng mùa thu New York, bởi vậy mà rực rỡ; ngày đầu tiên trong chuyến hành trình dài của Less, ngày trước khi diễn ra buổi phỏng vấn, và quần áo gã vẫn sạch sẽ tinh tươm, vớ vẫn có đôi, bộ vét xanh vẫn thẳng thớm, kem đánh răng vẫn là đồ Mỹ chứ chưa phải một thứ vị ngoại quốc quái đản nào đó. Ánh mặt trời vàng chanh của New York rọi vào những tòa nhà chọc trời và từ đó hắt xuống các mặt nhôm vân hình quả trám của những quầy hàng rong rồi chiếu lên người Arthur Less. Bất chấp cái vẻ khoái trá ác ôn của bà già không thèm giữ cửa thang máy, con nhỏ bán cà phê mặt lạnh như tiền, đám du khách đứng sững giữa đại lộ Năm đông đúc, bọn phát tờ rơi quá khích cứ sấn sổ hét vô mặt người ta (“Anh ơi, anh thích hài kịch không? Ai cũng thích hài kịch hết!”), tiếng búa khoan đục xuống bê tông ong hết cả đầu – không gì có thể phá hỏng ngày hôm nay. Đây một cửa hàng chỉ bán phéc-mơ-tuya. Kia hai mươi cửa hàng chỉ bán phéc-mơ-tuya. Nguyên con phố phéc-mơ-tuya. Quả là một thành phố rực rỡ.

“Anh định mặc gì?” cô nhân viên nhà sách hỏi khi Less ghé qua chào. Gã đã cuốc bộ hai mươi dãy nhà rực rỡ để đến đây.

“Tôi định mặc gì á? Ờ, thì bộ vét màu xanh thôi.”

Cô nhân viên (đeo kính, mặc áo len, váy bút chì: một thủ thư phiên bản trào phúng) cười ngặt nghẽo. Rồi một nụ cười thế chỗ. “Thôi, không giỡn nữa,” cô nói, “anh định mặc gì?”

“Bộ vét đẹp mà. Ý cô là sao?”

“Ơ, thì H. H. H. Mandern đó! Với lại sắp Halloween nữa! Tôi kiếm được một bộ phi hành gia NASA. Janice thì định hóa trang thành Nữ hoàng Sao Hỏa.”

“Tôi tưởng ổng muốn mọi người coi ổng nghiêm túc…”

“Nhưng, H. H. H. Mandern đó! Halloween! Ta phải hóa trang chứ!”

Cô nào biết gã đã sắp xếp hành lý cẩn thận ra sao. Một nồi lẩu thập cẩm với đủ thứ đồ đối lập: áo len cashmere với quần vải lanh mỏng, đồ lót giữ ấm với kem chống nắng, cà vạt với quần bơi Speedo, bộ dây tập thể dục, vân vân và mây mây. Mang giày nào để lên giảng đường và ra biển? Kính mát nào để đeo trong cái âm u của Bắc Âu và cái nắng vùng Nam Á? Gã sẽ đi qua các dịp Halloween, Día de los Muertos, Festa di San Martino, Nikolaustag, Giáng sinh, Năm mới, Eid al-Mawlid, Vasant Panchami, và Hina Matsuri. Riêng đống nón thôi cũng đủ lấp đầy cả ô kính mặt tiền cửa hiệu. Rồi đến bộ vét.

Arthur Less không phải Arthur Less nếu thiếu bộ vét. Mua trong một lúc cao hứng hồi ba năm trước, khi gã đang trải qua cái thời kỳ đồng bóng ngắn ngủi mà vứt hết mọi thận trọng (cùng tiền) cho gió cuốn đi và bay sang Thành phố Hồ Chí Minh thăm một người bạn đang công tác ở đó, khi gã đang đi tìm điều hòa trong cái thành phố ẩm ướt, đầy ặc xe máy, rốt cuộc lại thấy mình đang đứng trong một hiệu may đo, đặt mua một bộ vét. Ngây ngất vì khói xe và nước mía, gã đưa ra một loạt quyết định vội vàng, cho họ địa chỉ nhà, để rồi ngay sáng hôm sau quên béng vụ đó. Hai tuần sau, một gói hàng được gửi tới San Francisco. Bối rối, gã mở hộp và lôi ra một bộ vét xanh, lớp lót màu đỏ tím, và có thêu tên viết tắt của gã: APL. Mùi nước hoa hồng xộc lên từ cái hộp ngay lập tức nhắc gã về người phụ nữ độc đoán, tóc búi cao, hỏi gã tới tấp. Nào kiểu may, nào loại cúc, rồi túi, rồi cổ. Nhưng trên hết: màu xanh. Chọn vội chọn vàng từ một bờ tường đầy vải: không phải một màu xanh bình thường. Màu lông công? Màu ngọc lưu ly? Còn không cả giống. Cái màu này thẫm mà rực rỡ, có độ láng tương đối,và táo tợn cực kỳ. Đâu đó giữa xanh dương sẫm và xanh cyanide, giữa Vishnu và Amon, giữa Israel và Hy Lạp, giữa logo Pepsi và Ford. Gói lại một từ: tươi. Gã cảm kích cái phần nhân cách nào đã chọn màu này và từ đó về sau thường xuyên bận bộ vét. Ngay cả Freddy cũng tán đồng: “Trông anh giống người nổi tiếng vậy!” Và đúng thế thật. Rốt cuộc, ở cái tuổi già khú này, gã cũng đã tìm thấy được bản thân. Trông gã bảnh bao và là chính mình. Thiếu bộ vét, bằng cách nào đó gã không còn giống gã. Thiếu bộ vét, Arthur Less không tồn tại./.

Khánh Nguyên dịch

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Khánh Nguyên

Too gay to function.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

2 Comments on Andrew Sean Greer, Less, Pulitzer 2018 (trích)

Bạn nghĩ sao?

%d bloggers like this: