Lại chơi với kitsch: “Đời nhẹ khôn kham” của Milan Kundera

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 6 phút

Cụm “Đời nhẹ khôn kham”, tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất (1984) của Milan Kundera, đã trở thành cliché trên môi của nhiều thế hệ, để hễ có vấn đề gì trong đời sống, khi cần một câu đim đíp, ta có thể dễ dàng thốt ra, uầy, “nhẹ bồng cái kiếp nhân sinh”, nhỉ. Kundera, một con người chống kitsch kịch liệt bằng cả sức bình sinh, chính Kundera ấy, quá hiểu dù khinh miệt kitsch thế nào thì nó vẫn luôn là yếu tố “bất khả phân ly của kiếp sống con người”. Đời nhẹ khôn kham, với tôi, là một cuốn tiểu thuyết chơi với kitsch, một cách khéo léo, lừa lọc, và đầy nguy hiểm.

DSC07799.jpg

Tóm tắt nội dung, nói một cách đơn giản, Đời nhẹ khôn kham tập trung vào số phận 5 cá thể, khai thác đời sống tình ái kiêm xã hội của trí thức Tiệp giai đoạn trước, trong, và sau khi Liên Xô tấn công Tiệp Khắc: hai (hoặc hơn) cặp đôi Tomáš-Tereza (bác sĩ phẫu thuật chuyên đi chơi gái ở thành Praha những năm 1960-70 + cô bồi bàn, sau trở thành vợ của Tomáš, thích chụp ảnh) và Sabina-Franz (họa sĩ, bạn thân kiêm người tình của Tomáš + giáo sư, người tình của Sabina) và 1 con chó Karenin. Tôi nói hai hoặc hơn vì rất có thể nói về các cặp đôi riêng lẻ như Tereza-Karenin.

Cuộc tình của cặp đôi thứ 1 luôn được tác giả găm cho vài keyword: ngẫu nhiên, nặng-nhẹ. Ngẫu nhiên Tomáš về một vùng quê chữa bệnh, ngẫu nhiên chàng xuất hiện ở quán ăn khách sạn trước mặt Tereza, ngẫu nhiên chàng ở phòng số 6 còn nàng tan làm lúc 6h… một loạt ngẫu nhiên định mệnh khiến Tomáš và Tereza dính vào với nhau dù quan niệm về đời sống của họ gần như hoàn toàn trái ngược. Tomáš, gần như không quá khứ, luôn nghĩ rằng, “một lần không tính”, rằng mọi trải nghiệm trong cuộc đời này sẽ luôn là lần đầu tiên, không bao giờ lặp lại lần thứ hai, mọi thứ xảy ra đều tươi mới và cách phản ứng của ta luôn là duy nhất cho bất kỳ một chuyện gì, chính thế chàng gắn với cái nhẹ. Tomáš, với tâm niệm, với một thôi thúc, “Es muss sein”, “Phải như thế”, dùng con dao mổ rạch toang vũ trụ mà tìm hiểu, mà cụ thể nhất là khám phá càng nhiều càng tốt, 200+ phụ nữ, để tìm ra những nét dị biệt của họ, trong lúc giao hợp. Trong khi, Tereza, với một quá khứ được miêu tả kỹ càng, lại coi cuộc sống vô cùng nặng nề. Tình yêu của cô dành cho Tomáš đòi hỏi sự cam kết: cô không chịu nổi việc Tomáš liên tục ngoại tình, dù đã cố tha thứ, và luôn bị ám ảnh bởi các giấc mơ.

Tôi không quan tâm nhiều lắm đến những ý tưởng triết học nặng với nhẹ mà Kundera phủ đầy cả cuốn tiểu thuyết có thể nói là tiểu thuyết tâm lý này. Với tôi, nó chỉ là một trong những đặc điểm giúp xây dựng nhân vật. Nếu ở trên, tôi dùng vài từ về nghề nghiệp để định dạng các nhân vật, thì Kundera, có một cách khác để làm như vậy, như chính ông chia sẻ trong cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết. Ông dùng một vài cái mã, để dựng và hiểu nhân vật, để chiêm nghiệm về cái tôi và sự sinh tồn hiện sinh của họ. Với nhân vật Tereza, mã của cô là: “thân thể, tâm hồn, cơn chóng mặt, sự yếu đuối, thiên diễm tình, Thiên đường.”[1] Còn với chồng cô, Tomas, không chỉ là nhẹ và nặng, mà còn cả “Phải như thế.” Với Sabina là kitsch, đám rước, phản bội, tổ quốc, làm đàn bà. Với Franz là lý tưởng, đám rước, làm đàn ông của Sabina.

Với tôi, Đời nhẹ khôn kham thể hiện một Kundera tiểu thuyết gia đích thực, như Italo Calvino đã nhận xét rất tinh tế. Cuốn tiểu thuyết 7 phần này của ông là một minh chứng cho cái gọi là nghệ thuật tiểu thuyết: thật đáng ngạc nhiên, nó không phải chỉ là một câu chuyện kể một lần duy nhất, một lần đâu có tính, mà được kể đi kể lại nhiều lần, được chiêm nghiệm từ các góc độ khác nhau. Nó là nơi Kundera thể hiện rõ ông nghịch với kitsch và sến: khi tạo ra toàn bộ các nhân vật và các chi tiết ngập ngụa trong sến. Toàn bộ phần một của Đời nhẹ khôn kham, “Nặng và nhẹ”, đọc như một thiên tình ái đẫm nước mắt và dằn vặt với một anh chàng Don Juan thứ thiệt và một em gái tỉnh lẻ hừng hực tình yêu và lòng bao dung. Còn gì có thể sến rện hơn cái ý nghĩ của Tomáš rằng Tereza như một đứa bé con nằm trong cái giỏ cói thả trôi sông đến chân giường của anh? Còn gì chảy cả nước hơn một chàng trai chỉ chơi gái mà không bao giờ ngủ với gái, giờ đây lại bị dính vào một em bé sốt bừng bừng, bụng kêu rộn rạo khi đi tàu từ tỉnh lên phố gặp chàng với cuốn Anna Karenina trong tay rồi lả vào vòng tay chàng để rồi chàng buộc phải cho nàng qua đêm, và cô nàng ấy cứ rú lên mỗi lúc lên đỉnh?

Những tưởng đã rơi vào một bể diễm lệ thì Đời nhẹ khôn kham ngoặt một bước bất ngờ khi dồn toàn bộ nội dung và hành động hết vào phần đầu: gặp gỡ, yêu đương, biến cố của đất nước và cá nhân, di cư, và quay về, để rồi sau đó tiếp bước chương sau và lại bắt đầu bật ngược mà xoáy vào từng tâm lý cá nhân. Từng bước, từng bước một, các câu chuyện được bồi đắp, nói như Calvino, là được “soi rọi”, bởi phong cách viết như những lớp sóng dồn, để các nhân vật được tỏa rạng, được làm đầy. Tereza hóa ra không bao dung và yêu Tomáš đến vậy, cô bỏ rơi anh ở Zurich mà chạy ngay về Tiệp khi thấy đời sống lưu vong không chịu nổi. Cô gái ấy có cả một quá khứ, nơi cô cảm thấy mình là cánh tay nối dài của mẹ. Tereza hóa ra lại thích diễn, đặc biệt là với cơn chóng mặt. Kundera, như một bậc thầy, bồi dần tiến triển câu chuyện, và luôn đặt mình vào thế của người đi dây, cân bằng trên mấp mé bờ vực của kitsch. Những bồi đắp của ông, xen lẫn với lời dẫn của người kể chuyện xưng tôi, xen lẫn với các đoạn ngoại đề, về con trai Stalin, về cứt đái, và Bethoveen, về kitsch và toàn trị, đặc biệt phần chương kể về Sabina lúc ở Mỹ và cái chết của Franz ở Thái Lan, đóng vai trò như những lớp giễu nhại, như hủy đi những lớp diễm lệ trước đó, và đưa độc giả tới một cách nhìn khác. Đặc biệt hơn, chưa đến giữa truyện, cái kết truyện đã được tuyên bố, để rồi sau đó bị bỏ bẵng đi, và đến kết cùng, một cái kết, nhưng không phải là kết, được viết, như thảnh thơi. Chính nhờ triển khai như vậy, mà câu chuyện ở trang cuối, tuy không phải kết, mà lại đóng vai trò như một dấu chấm hết, cho đoạn đời của Tereza và Tomáš.

Kundera, nhà văn Tiệp Khắc bị tước mất quyền công dân, bị cấm xuất bản dưới thời Liên Xô chiếm Tiệp, trong Đời nhẹ khôn kham, lồng chuyện với chuyện: những chi tiết động chạm chính trị, đặc biệt là những khắc họa bộ mặt chính phủ toàn trị, chuyên nghe lén, đàn áp người dân, bắt bác sĩ phẫu thuật đi làm thợ lau cửa kính, mà nhân đó chàng có kỳ nghỉ phép dài hạn tha hồ mà tự do giao lưu thân thể. Ông đã chiêm nghiệm về đời sống và tâm lý con người, qua cái lốt chiêm nghiệm nhân sinh rất sang trọng, bằng một loạt nhân vật, chi tiết đầy cụ thể, nơi ông đứng từ xa, mà rọi vào nhìn tỉnh táo.

 

[1] Trích “Nghệ thuật tiểu thuyết”, bản dịch của Nguyên Ngọc, đăng ở: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=2952&rb=0506

Zét Nguyễn

(Bài viết thuộc Zzz Review số 1+2, 18-7-2018)

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Bạn nghĩ sao?

%d bloggers like this: