Hwang Jungeun, sinh năm 1976 tại Seoul, là một cây bút độc đáo và giàu nội lực của văn chương Hàn Quốc hiện đại. Suốt mười ba năm sáng tác, với ba tập truyện ngắn và ba tiểu thuyết đã xuất bản (trong đó có tiểu thuyết nhan đề Một trăm cái bóng sắp ra mắt bản tiếng Việt), Hwang Jungeun chưa bao giờ ngần ngại tiến tới những ngưỡng huyền ảo khó ngờ nhất để khắc họa một hiện thực chân thực, tàn khốc nhất cùng những số phận nhạt nhờ, nhỏ nhoi nhất bị rào buộc trong hiện thực ấy. “Khoảnh vườn của Đậu” là một trong ba truyện ngắn của Hwang Jungeun được chọn thẩm định cho giải thưởng Tác giả trẻ của NXB Munhakdongne năm 2015, thông qua vụ mất tích bí ẩn của một nữ sinh đã đặt ra câu hỏi đầy sức nặng về những phận người “chỉ thoáng xuất hiện rồi biến mất ở đâu đó bên rìa hoặc lẫn vào phông nền”.
Hiệu sách ấy nằm trong một khu chung cư cũ kỹ ọp ẹp.
Nó chiếm trọn tầng hầm một tòa nhà buôn bán cao không quá hai tầng nhìn tựa một cái bánh ngọt bèn bẹt và nhạt nhờ. Chiếm trọn tầng hầm, tức quy mô của nó tương đối lớn, nhưng do nằm ở vị trí khuất nẻo, bản thân tòa nhà lại làm ăn thất bát, nên hồi mới khai trương hiệu sách chẳng có mấy khách. Chủ hiệu sách dựng một tấm biển thẳng đứng cạnh cầu thang dẫn xuống tầng hầm và bật sáng trưng tất cả hai trăm bóng đèn trong nhà, thông báo hiệu sách đã mở cửa. Đêm đến, ánh đèn leo lên theo cầu thang, tỏa sáng đến độ từ xa nhìn cũng thấy rực rỡ. Bắt đầu xuất hiện những người, bắt gặp ánh đèn khi đang tản bộ dưới hàng cây trồng dọc đường, bèn đi xuống tầng hầm của tòa nhà, lật giở rồi mua lấy một hai cuốn sách, và như thế, hiệu sách dần dần đông khách.
Phần lớn thời gian ở hiệu sách ấy tôi làm công việc thanh toán. Những lúc rảnh rang, tôi đeo găng tay sắp xếp lại các giá sách, ghi chép các đầu mục sách có trong kho hoặc lấy giẻ lau sàn. Xong hết việc nọ việc kia, tôi quay lại quầy thanh toán, dõi mắt nhìn ra cửa. Ngày trong trẻo cũng như ngày âm u đều nằm cả ở phía bên kia khung cửa được ghép bởi sáu tấm kính. Môi trường làm việc ở đây không tệ. Tôi thích làm việc ở hiệu sách. Dù hồi đó tôi đã không nhận ra được điều này. Bước theo những bậc cầu thang xòe hình quạt đi lên mặt đất sẽ thấy có một cây anh đào, một bốt điện thoại công cộng và một cột đèn đường đứng như chiếu sáng cho cái bốt. Khi xuân tới, cây anh đào cạnh cột đèn đường nở hoa sớm nhất. Vào đêm hoa bắt đầu rụng, những cánh anh đào rơi rơi ánh sắc bạc trắng. Đứng ở quầy thanh toán, tôi nhìn thấy trọn quang cảnh ấy. Từng cánh từng cánh hoa nhào lộn giữa không trung hàng chục lần rồi buông mình. Suốt khoảng thời gian đó, cánh hoa anh đào rải khắp các bậc cầu thang đi xuống hiệu sách, hệt như chấm những chấm câu. Hễ có cơn gió đột ngột thổi qua, những cánh hoa lại xoáy mình tung bay. Cô bé Jin Joo mất tích ở khu vực quanh hiệu sách cũng vào khoảng thời gian đó.
*
Từ nhỏ tôi đã luôn làm việc. Mỗi lần nhớ lại thời học cấp hai hay cấp ba, hiện lên đầu tiên trong tôi đều là những khoảnh khắc mình đang làm việc ở đâu đó. Chuỗi cửa hàng hamburger, KFC, quán ăn gia đình hay tiệm cho thuê sách; tôi từng đi dán tờ rơi ngoài phố và cũng đã có lần đứng chiên tôm cho khách ăn thử ở một góc siêu thị vào cuối tuần. Lúc nào mình cũng đang làm việc nhỉ. Phải đến cách đây không lâu tôi mới nhận ra điều đó. Tôi không ấm ức cũng chẳng nuối tiếc. Chỉ thoáng chốc vỡ lẽ, ra là như thế đấy, rồi thôi.
Những lúc đang làm việc mà đụng mặt bạn bè đồng trang lứa hay bạn học cùng khóa, tôi thấy xấu hổ. Dù xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ tôi có thể không quá bận tâm. Xấu hổ rồi tôi quên ngay. Tôi có thể quên.
Duy có một lần, tôi đã cảm thấy nhục nhã đến mức muốn bỏ việc. Hồi mười bảy tuổi, vẫn đang học cấp ba, trong kỳ nghỉ tôi đến làm việc ở một cửa hàng quần áo nằm trên một con phố xa hoa. Cửa hàng gắn biển viết chữ in nghiêng màu đồng xanh, cũng không nhớ tên là Roman hay Roma nữa, chủ yếu bán quần áo may từ vải rẻ tiền. Có một vị khách cứ chiều chiều lại ghé cửa hàng. Mặc đồ công sở và luôn kéo theo một vali nhìn có vẻ rỗng không, cô ấy đến sục sạo khắp các giá treo đồ rồi bỏ đi. Một lần, tôi đã phải đứng ra tiếp vị khách nọ. Thấy cô ấy phân vân giữa hai chiếc áo len một trắng một đen, tôi gợi ý cô lấy cái màu trắng. Tôi bảo màu trắng là màu ấm áp rất hợp với quý khách, nghe tôi nói thế, cô ấy đanh mặt lại, hai tay cầm hai cái áo len nhìn tôi chằm chằm. Sao màu trắng lại là màu ấm áp được cơ chứ? Cô ấy hỏi tôi. Màu trắng là màu lạnh mà, thưa cô, là màu lạnh nhé. Học vẽ ở trường người ta không dạy cho cô à?
Mặt tôi đỏ bừng. Tôi chỉ biết đứng ngây ra giương mắt nhìn cô ấy, cảm thấy mặt mình càng lúc càng đỏ. Tôi cảm giác mình như bị lột truồng. Không phải tôi thấy xấu hổ vì sự ngu dốt và sơ suất của bản thân. Mà bởi bị gọi là “cô”. Tôi bị gọi “cô” thay vì “em học sinh” như bạn bè tầm tuổi tôi thường được gọi, chuyện đó khiến tôi xấu hổ đến thế đấy, và chẳng hiểu vì sao tôi rơm rớm nước mắt. Không lâu sau, tôi bỏ việc và cũng không quay trở lại cửa hàng đó thêm lần nào nữa.
Trường cấp ba tôi theo học là một trường trung học dạy nghề chuyên nghiệp. Đến năm cuối cấp, các lớp thường vắng đến nửa sĩ số vì học sinh bận đi làm. Từ đầu học kỳ tôi đã nghỉ suốt nên có thể coi tôi tìm được việc khá sớm. Cũng nhờ điểm môn kế toán của tôi tốt, đấy là tôi nghĩ thế, chứ thực ra công việc tôi tìm được hầu như chẳng liên quan gì đến kế cũng như đến toán. Làm nhân viên thanh toán ở một tổng kho bán buôn giá rẻ là phải chuyển hàng từ bên này quầy sang bên kia quầy, quét mã vạch, đọc giá, quẹt thẻ tín dụng của khách hàng rồi yêu cầu khách ký tên. Tôi làm ở đó mười tiếng một ngày. Hằng ngày, tôi kéo vào đẩy ra khỏi quầy thanh toán một lượng hàng hóa khổng lồ và vội vàng tiễn ra ngoài một lượng khách hàng cũng khổng lồ không kém. Cũng có lần khách xông vào quầy tát tôi sau một cuộc cãi cọ vặt vãnh, nhưng đó không phải chuyện thường xuyên xảy ra. Không có chuyện gì đặc biệt đáng nhớ cả. Tôi chỉ nhớ mỗi tâm trạng lo lắng vì phải căn giờ bắt xe buýt. Hồi đó, tuyến xe buýt tôi đi xe chạy cách nhau khá lâu. Nếu lỡ làng bắt hụt xe, tôi sẽ phải đứng đợi suốt ba mươi hay bốn mươi phút liền, tôi ghét phải đợi nên cứ đến giờ tan làm là tôi chạy. Đêm, tuy mệt nhoài đến độ cảm giác tay chân đều tan chảy hết nhưng tôi không ngủ được. Tôi nằm nhìn lên trần nhà, lồng ngực nặng như có đến hai ba người lớn cùng giẫm lên. Một ngày nọ, tôi bắt đầu ho, rồi những cơn ho cứ dai dẳng mãi không dứt. Tôi được chẩn đoán mắc lao phổi và phải nghỉ việc ở siêu thị, có vẻ giống bị đuổi hơn. Kể từ đó đã năm năm rồi.
Cho đến tận khi khỏi bệnh hẳn, tôi không thể làm gì, chỉ ở nhà vỗ béo. Thời gian đó, mẹ tôi cũng đang phải vật lộn với căn bệnh ung thư, năm thứ mười. Còn bố tôi thì vừa chăm sóc mẹ vừa lo việc nhà. Bố chăm bệnh tôi chu đáo tận tâm không khác gì chăm mẹ. Bố không than thiếu tiền chi tiêu cũng không hỏi tôi bao giờ mới có thể đi làm trở lại, không một lần nào. Cả bố lẫn mẹ tôi đều nhỏ bé và kiệm lời nên căn nhà rất tĩnh lặng. Nằm trong căn nhà tĩnh lặng như vậy, tôi thầm nghĩ ở một góc nào đó trong nhà, bố mẹ mình đang cố tình nín thở. Thế là tôi cũng vô thức nín thở theo.
Trong thời gian nghỉ nằm nhà, tôi đọc được vài cuốn sách. Ngại không muốn mua sách mới nên tôi thường đọc lại một cuốn đến mấy lần. Sách của bố tôi nằm trên cái giá cũ mọp ngoài phòng khách. Tôi đến rút một cuốn bất kỳ rồi quay trở lại giường đọc.
Tôi hay mở ra đọc nhất là các truyện ngắn của một ông nhà văn đã trầm mình xuống sông tự vẫn ở tuổi ba mươi lăm. Trong một cuốn tuyển tập truyện ngắn nhiều tác giả có in hai truyện ngắn của ông ta. Một truyện viết hồi ông ta mới cầm bút và một truyện viết trước khi ông ta kết liễu đời mình. Truyện đầu tiên vừa súc tích vừa có sức nặng nhưng truyện thứ hai thì rất ngu ngốc. Trong truyện, nhân vật của ông ta bị ám ảnh bởi những thứ vớ vẩn chẳng đâu vào đâu rồi trở nên u sầu và hết sức bi thảm, rốt cuộc ông ta kết truyện rằng, Tôi không còn sức để tiếp tục viết nữa, sống như thế này quá đỗi đau khổ. Tôi hoàn toàn không nhớ những nội dung khác. Lúc đọc tôi cũng chẳng thấy thú vị gì nhưng vẫn cứ đọc đi đọc lại hai truyện ngắn đó. Giây phút cuối đời, chẳng lẽ ông nhà văn không thấy lo lắng ư? Hình như tôi đã thử tưởng tượng ra khi mình chết thì như thế nào. Tôi nghĩ là tôi ghét những thứ ngu ngốc. Nhất là cuối cùng lại để lại những thứ ngu ngốc mà chết. Tôi sẽ lo lắng lắm đấy. Rằng mình sẽ bỏ lại trên cõi đời này những thứ ngu ngốc thế nào.
Tôi mất gần một năm để chữa bệnh và hồi phục hoàn toàn. Lúc bắt đầu đi kiếm việc làm lại, tôi để tâm hơn đến quãng đường đi làm. Tôi nhìn thấy tờ quảng cáo tìm nhân viên cho một hiệu sách cách nhà không xa. Tôi gọi điện hỏi địa chỉ rồi đi bộ tới đó. Vì hiệu sách vẫn còn đang trong quá trình chuẩn bị khai trương nên tôi phải ngồi gần một tiếng đồng hồ ở cửa ra vào bừa bộn đủ thứ, và phỏng vấn cũng ở ngay tại đó. Chẳng phải câu hỏi gì khó nhằn. Cô làm được lâu dài không? Có, tôi đáp.
So với những chỗ trước đây, làm việc ở hiệu sách thích hơn hẳn.
Hơn bất cứ điều gì, tôi thích vì nó là một hiệu sách. Tôi thích vì không còn phải tiếp những vị khách đến chìa vào mặt mình cái quần lót còn lưu vết rõ ràng là đã mặc và đòi đổi cái mới. Tôi thích vì ở đây có mèo. Một cô mèo tới đẻ ra một bầy mèo con ở khoảnh vườn mọc toàn cây bụi cạnh cầu thang đi xuống hiệu sách.
Ho Jae đặt tên cho bọn mèo con lần lượt là Chõ Hấp, Bánh Gạo và Đậu. Đậu, con mèo nhỏ nhất và đen nhất, nhìn cứ như sắp chết đến nơi. Ho Jae cậy gỉ mắt cho Đậu rồi đặt nó nằm lên đùi mình, lấy ngón cái nắn bóp khắp người cho đến khi người nó ấm trở lại. Cũng chính Ho Jae đã mắc cái ô lên bụi cây để bọn mèo không bị mưa và ánh nắng trực tiếp dội vào. Được quãng năm ngày, Ho Jae gỡ ô ra, đặt một cái hộp nhựa vào. Tôi đứng bên Ho Jae, chăm chú nhìn anh trải tấm ni lông chống ẩm cùng mấy mảnh áo quần cũ xuống đáy hộp rồi thả bọn mèo con vào trong. Cuối cùng, Ho Jae lại mở ô, giăng lên trên hộp. Tôi và Ho Jae vừa rời khỏi đó, mèo mẹ liền chui ra từ giữa bụi cây, vừa ngửi ngửi vừa đi quanh rồi chui tọt vào hộp. Khách ra vào hiệu sách đều quan tâm và yêu thương bọn mèo. Cũng có mấy đứa con nít tính bày trò trêu chọc chúng nhưng đã bị Ho Jae xạc cho một trận nên thân. Sợ bố mẹ bọn trẻ phật ý, chủ hiệu sách bắt Ho Jae đuổi bọn mèo đi nhưng anh bỏ ngoài tai. Vì Ho Jae là một nhân viên vô cùng xuất sắc nên bọn mèo vẫn được lưu lại sống ở bụi cây.
Nhưng Ho Jae đã bỏ hiệu sách mà đi trước cả bọn mèo.
Ho Jae quay lại trường, tiếp tục học để nhận tấm bằng mình từng từ bỏ. Anh bảo đã nhận ra sâu sắc rằng, ở cái đất nước mà phần lớn mỗi người đều có ít nhất một bằng cử nhân này, một gã đàn ông chưa tốt nghiệp đại học sẽ rất khó sống. Nhưng anh nhất định không nói cho tôi biết hoàn cảnh nào đã đưa đẩy anh đến nhận thức sâu sắc đó. Hẳn là đã có chuyện gì rồi. Tôi chỉ nghĩ vậy rồi đau lòng một chút vì Ho Jae.
Trở lại trường, Ho Jae học hành chăm chỉ hết sức. Vì Ho Jae rời thư viện cùng giờ tôi kết thúc công việc ở hiệu sách nên chúng tôi thường gặp nhau vào buổi đêm. Chúng tôi phải ghé khách sạn bình dân, dù cả hai đều chẳng có tiền. Và thế là phí hẹn hò lại càng thâm hụt. Ho Jae và tôi tiết kiệm tiền ăn bằng cách chia nhau một set hamburger. Vì thế lần nào hẹn hò chúng tôi cũng đói meo bụng. Làm tình xong lại càng đói nên chúng tôi thường dốc tiền lẻ ra bàn hay giường khách sạn rồi tính toán xem có thể mua gì ăn với số tiền ít ỏi đó.
Ho Jae cao và có thói quen nằm sát mép giường. Anh mà duỗi chân nằm thẳng thì kín một bên mép. Nhưng lạ lùng thay, nằm thế mà Ho Jae chưa một lần rơi xuống đất. Thực sự, anh ngủ mà không động cựa tí gì. Có lần trước khi ngủ, tôi bày trò đặt gối lên bụng Ho Jae, sáng ra tỉnh dậy tôi thấy anh vẫn đang ngủ với cái gối trên bụng. Ở bên Ho Jae, có vài lần tôi đã nhắc đến bố. Ông bố lặng lẽ săn sóc vợ. Ông bố hom hem đã mất sạch nam tính, đảm đương mọi việc nhà bằng dáng vẻ của một người bà, hơn là một người bố.
Em ước gì bây giờ mẹ mình chết luôn đi.
Cả bố nữa.
Tôi đã nói thế chăng. Thực sự tôi đã nói thế chăng. Tôi không chắc mình đã nói muốn bố chết hay mẹ chết. Dù không nói cả hai thì ít nhất tôi cũng đã nhắc tới một. Bởi lúc tôi bảo suốt đời này không muốn sinh con, Ho Jae đã không hỏi tại sao.
Sau khi suôn sẻ hoàn thành nốt những học kỳ còn lại, Ho Jae đi tìm chỗ làm mới nhưng không mấy thuận lợi. Cứ qua mỗi lần thẩm định hồ sơ và phỏng vấn là anh lại thêm một lần thiểu não. Có bận Ho Jae được tuyển vào làm một công việc văn phòng nhưng chưa đầy hai tháng anh đã nghỉ, sau lần đó anh càng thêm u uất. Anh bảo, muốn kiếm được việc tốt thì còn cần nhiều thứ nữa. Anh cũng nói thêm rằng lý lịch của mình chẳng có gì đặc biệt và càng ngày anh càng nhận thức được điều đó sâu sắc hơn. Trên giường khách sạn, Ho Jae thô bạo đẩy thốc chân tôi lên rồi thật lực đè xuống người tôi. Nằm dưới sức nặng cơ thể Ho Jae, tôi quan sát kỹ gương mặt anh. Cũng có hôm Ho Jae nài tôi không dùng bao cao su, những hôm đó nhìn anh còn lo lắng hơn cả tôi.
Cứ ba bốn tháng lại đến ngày kiểm kho ở hiệu sách. Chúng tôi phải bỏ danh mục cũ lưu trong máy tính đi và nhập lại từng cuốn một trên giá, ngoài tôi ra còn có thêm ba nhân viên nữa cùng làm thâu đêm. Thỉnh thoảng việc này trùng với ngày quyết toán thuế cuối tháng của tôi, đêm hôm ấy là một đêm như vậy. Mãi khuya tôi mới nhét những bó hóa đơn dày cộp vào túi rồi tới khách sạn gặp Ho Jae. Anh đang đợi sẵn tôi ở đó. Vừa phải thức khuya vừa bận việc, nằm dưới Ho Jae tôi không khỏi gật gà. Bỗng Ho Jae khựng lại, một giọt mồ hôi đọng trên cằm hay đâu đó trên người anh rỏ xuống miệng tôi. Tôi giật mình choàng mở mắt. Cảm nhận được một dúm ấm nóng lan tỏa trong bụng mình, tôi rợn cả người. Tôi giáng lòng bàn tay xuống người Ho Jae. Đừng.
Đừng, trong lúc tôi vừa nói vừa đánh chan chát vào lưng Ho Jae, anh dõi ánh mắt trống rỗng nhìn xuống mặt tôi.
Đêm hôm đó tôi và Ho Jae cãi nhau. Những lời chúng tôi không định thốt ngoài miệng cứ thế xổ ra, rồi vì những lời đó mà lại văng tới lui những lời khó nghe hơn nữa. Những lời chúng tôi tự nói rồi tự sửng sốt, tự làm đau mình. Giây phút cuối cùng của ngày hôm đó, tôi giận dữ đá thúng đụng nia ầm ĩ trong nhà tắm. Suốt lúc tôi làm vậy, Ho Jae ngồi ở mép giường, mặt nhăn nhó như một đứa trẻ mắc tội.
Sau lần đó, tôi và Ho Jae vẫn tiếp tục gặp nhau, cho đến một ngày chúng tôi dừng liên lạc. Một tối nọ hai chúng tôi lời ra tiếng vào trước rạp chiếu phim, rồi Ho Jae quay bước bỏ đi, bỏ lại tôi và đôi vé, không trở lại nữa. Chúng tôi kết thúc ở đó.
Tôi vẫn làm việc ở hiệu sách và chăm sóc bầy mèo của Ho Jae. Ba con mèo con lớn lên, Chõ Hấp và Bánh Gạo bỏ đi đâu không biết chỉ còn lại mình Đậu, sau một thời gian Bánh Gạo quay về với cái bụng bầu. Như nhận ra chị, Đậu vừa ngửi ngửi vừa đi vòng quanh, sau cùng ở lại bên Bánh Gạo. Lũ con Bánh Gạo ra đời, Đậu chung sống hòa thuận với chúng mà không có bất cứ xô xát gì.
Ở khoảnh vườn lúc nào cũng quanh quẩn vài con mèo. Bọn mèo biến mất rồi lại xuất hiện, ăn cơm rồi lại đi. Những con mèo cái lớn lên ở vườn hễ có chửa là lại quay về đây. Mèo mẹ và mèo con. Trong suốt khoảng thời gian bọn mèo đi đi về về, thế hệ nọ thay thế hệ kia, cái ô của Ho Jae vẫn xòe trên bụi cây. Trên khung xương ô đã cũ, vải ô khô coong, co lên. Những khi trời mưa, tôi đứng ở cửa ra vào hiệu sách lắng nghe tiếng mưa rỏ tí tách xuống cái ô Ho Jae đã bỏ lại. Ho Jae giờ đang ở đâu? Tật ngủ của anh vẫn thế chứ? Liệu anh có gặp được cô bạn gái mới để ý tới cái tật ngủ ấy của mình? Dù Ho Jae cũng chẳng đối xử đặc biệt tệ bạc với tôi, nhưng tôi vẫn nghĩ anh sẽ đối xử tốt hơn với cô bạn gái sau.
Ngày trong trẻo cũng như ngày âm u đều nằm cả ở bên kia kính. Chỉ khi gắt nhất nắng mới chiếu được hết cầu thang. Lấy kính làm ranh giới, bên ngoài là cõi dương, bên trong này là cõi âm vô tận. Dù hiệu sách luôn sáng quá mức bởi cơ man nào là bóng đèn nhưng xét về chất lượng, ánh sáng đèn điện vẫn khác hẳn ánh nắng tự nhiên. Tôi thì, nói thế nào nhỉ, thường xuyên đứng dưới ánh đèn huỳnh quang trắng xanh dõi mắt ra ánh mặt trời bên ngoài. Một chiều, không rõ là hôm nào nữa, đang đứng nhìn những bậc cầu thang nóng đỏ lên qua lớp kính, tôi nhận ra rằng suốt cả một ngày trời, da tôi chỉ được hứng nắng trong vòng chưa đầy ba mươi phút. Cả khi nắng đẹp nhất tôi cũng chôn chân ở đây, và thời gian sẽ cứ thế mà trôi mãi. Tôi cũng nghĩ có lẽ mình sẽ chẳng bao giờ yêu đương gì được nữa. Tôi không thể tưởng tượng nổi mình sẽ lại có cơ hội yêu ai.
Hiệu sách có bốn nhân viên làm từ sáng đến tối và vài nhân viên làm thêm ca sáng hoặc chiều. Chủ hiệu sách đã đăng tin tuyển dụng lên các diễn đàn trên mạng. Theo quảng cáo tìm đến là những đứa trẻ tuổi nghĩ có lẽ mình sẽ chẳng được nhận vào làm ở chỗ nào tử tế hơn. Chúng đưa ánh mắt ngây dại nhìn bốn phía, không làm những việc không được sai, khi bị mắng vì mắc lỗi cũng chẳng tỏ ra đặc biệt ngại ngùng mà chỉ giương mắt chằm chằm nhìn người mắng. Nhiều trường hợp nhận lương rồi hôm sau không đến làm nữa, cũng không ai liên lạc được.
Jae Oh nhỏ hơn tôi năm tuổi, tốt nghiệp một trường đại học danh giá và đang ôn thi công chức. Cậu ta bảo mình đến hiệu sách làm là để kiếm tiền trang trải trước khi chính thức bước vào chuẩn bị cho kỳ thi công chức cấp quốc gia. Jae Oh sống ở một chung cư gần hiệu sách, hồi đầu cậu ta chỉ làm ca sáng, sau hai tháng thì làm luôn cả ca chiều. Tính Jae Oh có phần hoạt bát nhưng nói chuyện với cậu ta một lúc thì rất kỳ lạ, cuộc đối thoại sẽ đi vào ngõ cụt. Jae Oh chẳng để tâm sâu sắc tới chuyện gì. Cậu ta thường xuyên nói đã làm những việc mình chưa từng làm, hoặc ngược lại. Những điều bản thân không biết cậu ta cũng nói là biết, cứ khăng khăng điều mình biết là đúng, rồi đến khi bị vạch trần là sai và chẳng biết gì cả thì cậu ta lại “À ừ nhể” cứ như thể từ đầu đến giờ cậu ta chỉ đùa cợt cho vui. Ở Jae Oh có sự cố chấp bền bỉ như một sợi ni lông dày chỉ có thể bị cắt đứt bởi máy cắt chuyên dụng, cái loại kiểu dáng như đòn bẩy ấy, còn máy cắt lưỡi mỏng thì phải dằng dai hàng chục hàng trăm lần mới hoàn toàn đứt; ngoài ra còn có cả sự vô cảm, như khi cậu ta thờ ơ đưa tay sờ dây điện, tựa hồ chẳng trân trọng hay sợ hãi bất cứ điều gì, một kiểu trạng thái tê liệt. Ngày nào cũng ở bên chứng kiến cậu ta như vậy, tôi không khỏi rùng mình.
Chị này.
Một ngày nọ Jae Oh tới nói với tôi.
Kho của hiệu sách này thực ra là một đường hầm đấy, chị biết không?
Hiệu sách còn có một tầng hầm riêng, được dùng làm kho. Đi qua cánh cửa ở góc bên trái mở vào trong rồi xuống cầu thang nồng mùi mốc sẽ thấy một không gian rộng mở trước mắt. Có lẽ nên gọi đó là tầng hầm của tầng hầm chăng. Vì là tầng hầm của hiệu sách tầng hầm nên nó có diện tích bằng hiệu sách, tức bằng cả tòa nhà buôn bán này. Trên trần hầm cao là những đường ống nước dày cộp đan xen theo những dạng hình học, bốn bức tường không được sơn phơi ra lớp xi măng cuối. Jae Oh nói căn hầm đó là một đoạn của đường hầm thông tới tất cả các ngóc ngách của khu chung cư rộng lớn cũ kỹ. Cậu ta bảo nghe được điều này từ viên quản lý tòa nhà. Rằng có một vách tường hầm chỉ là ván gỗ, và bên kia bức tường gỗ đó là một đường hầm khổng lồ. Một đường hầm quy mô, được xây nên để cư dân khu chung cư có thể xuống ẩn náu khi xảy ra chiến tranh hoặc các tình huống nguy hiểm tương tự. Một đường hầm kết nối tất cả.
Kiểu như hầm trú ẩn ý mà, Jae Oh nói rồi cười khúc khích. Không hiểu chuyện đó có gì đáng cười và tại sao cậu ta lại cười, tôi quay sang thì thấy Jae Oh đang vừa nhìn tôi vừa gật gù tỏ vẻ thấu hiểu lắm rồi quay lại với công việc đang làm.
Trong kho không biết từ đâu có gió thổi tới.
Một thứ gió lạnh và ẩm, cảm giác còn đưa theo vô số bào tử nấm mốc. Từ sau khi nghe Jae Oh nói, tôi đoán đó là gió thổi qua đường hầm, tôi thậm chí còn ghé tai vào bức tường cậu ta từng nhắc, nghe thử. Dường như đúng là gió thổi từ bức tường đó ra thật. Tôi thử đấm vào tường thì nghe có tiếng vang dội lại. Tiếng vang lớn và nghe rỗng, đủ để tưởng tượng ra một đường hầm nằm phía bên kia tường. Bị tưởng tượng ra đường hầm đó, tôi trở nên ghét cái kho hẳn. Cũng không thể nói trước đó tôi thích nó, mỗi lần xuống kho tôi vẫn hay có cảm giác như đang chui vào đầu một sinh vật kỳ dị. Như đang bước vào miệng một sinh vật dài, tăm tối, vĩ đại. Đến giờ ăn trưa, các nhân viên thay phiên nhau từng người xuống kho, ngồi lên một cái thùng bất kỳ và ăn cơm, tôi hay ngồi đối diện bức tường đó. Tôi muốn đối diện với nó hơn là quay lưng lại nó. Dạo đó tôi thường xuyên gặp ác mộng mình đang bước đi trong một không gian đen đặc không biết đâu là tận cùng. Phải có khúc quẹo thì tôi mới có thể thoát khỏi đó nhưng chẳng khúc quẹo nào xuất hiện, một giấc mơ kiểu như thế. Trong đường hầm vừa giống ruột một con rắn nước lại vừa như mình một loài sâu bọ, tôi cứ bước mãi. Chỉ vậy thôi nhưng giấc mơ ấy đã là cả một cơn ác mộng đối với tôi.
Jae Oh làm được một năm rưỡi thì nghỉ việc. Sau hôm nhận lương tháng cậu ta không quay lại nữa. Đợt đó là đầu học kỳ mới nên từ sáng chúng tôi đã bận tối mắt tối mũi, chủ hiệu sách lo lắng sai tôi thử gọi điện cho Jae Oh xem sao. A lô, tôi chào nhưng Jae Oh không đáp. Nghe tôi hỏi có đến làm không, cậu ta hỏi ngược lại, Sao phải đến. Rồi Jae Oh đòi tiền trợ cấp nghỉ việc. Chủ hiệu sách phản bác rằng làm thêm thì lấy đâu ra trợ cấp nghỉ việc, nghe vậy Jae Oh liền cãi đó là quyền lợi của người lao động được pháp luật bảo hộ, còn nhấn mạnh nếu chủ hiệu sách nhất quyết không trả thì cậu ta vẫn còn nhiều chuyện để nói về việc quản lý sổ sách phi pháp của hiệu sách và nhân viên hiệu sách không được đăng ký bốn loại bảo hiểm khi tuyển dụng. Chủ hiệu sách bảo đã bị Jae Oh chơi đểu rồi, kể từ đó ông ta để ý tôi hơn và bắt đầu giữ bí mật các giao dịch của hiệu sách. Ông ta lấy lại những sổ sách đã giao cho tôi để trực tiếp quản lý, mỗi khi bất mãn gì với nhân viên ông ta lại lẩm bẩm “lũ vong ân bội nghĩa”.
Tuy thế tôi vẫn ở lại hiệu sách và chăm chỉ làm việc. Dù không thường xuyên nhưng dần dà tôi cũng được tăng lương và để ra được ít tiền chi tiêu. Mẹ tôi vẫn vật lộn với bệnh ung thư và bố tôi sáng sáng vẫn chuẩn bị cơm hộp với các món kho xì dầu cho tôi mang đi làm. Tôi thì cứ đến giờ lại xuống kho, vừa nhìn bức tường vừa ăn cơm bố nấu. Những ngày ấy trôi qua như vậy.
*
Tôi đã nhìn thấy cô bé ấy ở hiệu sách.
Mùa xuân, cái mùa chúng tôi luôn đầu tắt mặt tối quay cuồng bởi những phiền toái và bấn loạn đầu học kỳ mới. Chính vào khoảng thời gian trống ngay sau khi thanh toán xong cho các khách hàng dồn ứ và trước khi tan làm, khi đang đứng ngây người, tôi đã nhìn thấy cô bé ấy. Hồi đó hiệu sách có bán cả thuốc lá. Những bao thuốc được bày trên một cái kệ có gắn nắp kính và ổ khóa, đặt ở sau quầy thanh toán. Tôi luôn tuân thủ đúng quy tắc cho những nơi bán thuốc lá. Vì hiệu sách chúng tôi nhiều học sinh ra vào nên trừ những trường hợp đã chắc chắn, tôi chỉ bán thuốc lá cho những người chìa chứng minh thư ra.
Đêm hôm đó, bỗng có một cô bé đến đứng trước quầy thanh toán yêu cầu tôi bán thuốc lá cho. Hai bao. Cô bé mặc đồng phục và thắt nơ ở cổ áo, tay phải cầm tờ tiền có lẽ là tiền để mua thuốc lá. Một cô bé xinh xắn, nhìn tôi với ánh mắt thách thức nhưng hơi có vẻ bất an. Tôi nói không được bán thuốc lá cho học sinh thì cô bé đáp rằng mình được người khác sai mua hộ. Cô bé chỉ tay ra ngoài, bảo những người lớn sai mình mua thuốc lá đang đứng đợi ở kia. Tôi quay đầu nhìn, thấy họ đứng cạnh bốt điện thoại công cộng. Hai người đàn ông. Một đội mũ, đang nhìn về phía chúng tôi. Giờ thì được rồi chứ? Cô bé cộc cằn hỏi lại. Bảo họ xuống đây mà mua, tôi đáp, nghe vậy cô bé dùng dằng một lát rồi rời khỏi hiệu sách. Tôi dõi theo quan sát cô bé đi lên cầu thang, tiến tới chỗ hai người đàn ông kia rồi nói gì đó với họ. Có vẻ cô bé đã nhắc lại lời tôi, người đàn ông đội mũ thủng thẳng đi xuống cầu thang.
Đứng trước quầy thanh toán, người đàn ông nhìn nhỏ và đậm người hơn so với lúc đứng ở bên ngoài. Thân hình vạm vỡ, đội mũ có vành sẫm, từ người ông ta tỏa ra một mùi khói cay nồng. Vừa nãy không phải cô bé kia đã xuống mua thuốc lá rồi ư? Ông ta trịnh trọng nói. Là tôi sai nó mà, có tôi đứng ngoài kia rồi sao cô không bán cho nó?
Mắt ông ta trống rỗng. Tuy vành mũ phủ bóng che khuất nhưng vẫn có thể thấy đôi mắt ấy đỏ ngầu, lòng trắng mắt vàng vàng. Tôi bảo muốn mua thuốc lá thì phải có chứng minh thư, ông ta phì cười như thể mai mỉa rồi lục túi lôi ví ra. Một cái ví da cũ. Ông ta rút từ trong ví ra một cái thẻ có kích thước cỡ thẻ chứng minh, cầm ở một tay nhưng không chìa cho tôi xem mà nhìn tôi chằm chằm và nói: Tại sao tôi mua có mấy bao thuốc mà cũng phải trình thông tin cá nhân với cô, lý do là gì vậy? Tôi là người lớn, sao phải làm thế? Tôi tin gì cô mà phải cho cô xem cả cái này? Làm ăn cho tử tế vào.
Người đàn ông nhét bàn tay cầm chứng minh thư vào túi quần rồi đủng đỉnh rời hiệu sách. Người còn lại và cô bé kia đang đợi ông ta ở đầu cầu thang. Họ lại ra đứng gần bốt điện thoại và nói chuyện. Hễ hai người đàn ông nói gì thì cô bé gật hoặc lắc đầu. Hai người đàn ông rút tay nhét túi quần ra, chốc chốc lại sờ đầu hoặc chọt mạng sườn thanh mảnh của cô bé. Mỗi lần như thế cô bé lại vừa co rúm người vừa cười. Trên đầu cô bé, hoa đang rụng như những bông tuyết khô.
Làm thế nào bây giờ?
Đó quả là một quang cảnh kỳ lạ. Dù chẳng có gì khiến người ta nghĩ là kỳ lạ. Chỉ là ba người đứng tán chuyện với nhau. Hai người đàn ông và cô bé ấy nhìn chẳng liên quan gì đến nhau cả. Tôi nghĩ họ không có quan hệ thân thiết gì, ý nghĩ đó khiến tôi khó chịu. Tôi vừa gõ gõ đầu ngón tay xuống mặt quầy thanh toán vừa lưỡng lự. Hay bây giờ mình chạy ra kia hỏi nhỉ. Hỏi cô bé ấy có quan hệ gì với hai người đàn ông kia, đã gặp họ ở đâu, gặp như thế nào. Liệu tôi có quyền hỏi những điều đó không? Hay tôi cứ gọi điện báo cảnh sát. Nhưng gọi cho cảnh sát rồi tôi biết báo thế nào đây? Ở đây có một cô bé đang đứng nói chuyện với hai người đàn ông. Nhưng hành động đó có tội lỗi đến mức cần phải báo cảnh sát không? Đó có phải là một tội không? Dù đó là tội thì tôi cũng có nghĩa vụ phải báo cảnh sát không? Nhỡ sau này tôi bị họ rầy rà thì sao? Hiệu sách luôn ở đây, tôi cũng chỉ đến đây làm, nhỡ bị trả thù thì sao?
Tôi quyết tâm mặc kệ chuyện đó. Một chuyện đầy phiền toái và mập mờ. Cho rằng họ vốn quen biết nhau sẽ tiện lòng hơn cả. Ai mà biết được. Tôi cũng chẳng rảnh rỗi mà tham gia vào việc của người dưng. Tôi không đoán định gì thêm về chuyện đó nữa, cũng chẳng dành cả thời gian để nghĩ lại xem mình đã đoán định những gì, rồi tôi quay người, nhập doanh số bán được hôm đó vào máy tính và chuẩn bị ra về. Lúc tôi ngẩng đầu lên nhìn ra ngoài thì họ đã đi mất.
Sau khi chuyện đó xảy ra tôi nhận được rất nhiều câu hỏi.
Tôi chưa từng một lần được trở thành nhân vật quan trọng đến mức đó. Mọi người hỏi tôi đã nhìn thấy những gì. Hỏi tôi họ ăn mặc kiểu gì, ngoại hình ra sao, hành động và ăn nói như thế nào, và đã đi về hướng nào. Tôi trả lời những câu hỏi mình có thể trả lời, còn đâu tôi đáp rằng mình không biết. Càng những câu hỏi quan trọng tôi càng trả lời không biết nhiều hơn. Hai người đàn ông đó nhìn như thế nào. Họ đã đi về hướng nào. Tôi còn được gọi đến đồn cảnh sát và cho xem một xấp ảnh, nhưng cũng chẳng lẩy ra được điểm gì rõ ràng. Họ là người như thế nào nhỉ. Kể cả bây giờ, hễ nghĩ lại chuyện đó là dáng hình người đàn ông đội mũ đứng dưới cột đèn đường nhìn về hiệu sách lại hiện lên trong tâm trí tôi. Khuôn mặt nhìn về phía hiệu sách, chìm trong khoảng râm của vành mũ phủ xuống, càng thêm tăm tối bởi ánh đèn đường tỏa trên đầu. Khuôn mặt giống tất cả, đồng thời không giống bất cứ tấm ảnh nào tôi được cho xem. Ở đồn cảnh sát, tôi toát mồ hôi nhìn xấp ảnh đến mấy lượt rồi hơi đẩy một tấm ra trước. Cảnh sát hỏi có đúng là người này không, tôi ngẫm nghĩ một hồi rồi đáp, Có vẻ là giống nhất rồi, tôi cũng không biết nữa. Thực sự thì có rất nhiều điều tôi không biết. Cũng phải qua cảnh sát tôi mới biết tên cô bé mất tích là Jin Joo.
Sau khi đặt vé xem buổi công diễn của ca sĩ mình yêu thích, Jin Joo đã biến mất.
Người ta phát hiện ra một chiếc ba lô giấu trong bụi cây ở khoảnh vườn gần lối vào khu chung cư và một chiếc quần lót dính dịch cơ thể tại một công trường xây dựng cách khu chung cư không xa. Một chiếc quần lót nữ. Cuộn tròn như quả bóng và nhét vào giữa những viên gạch. Một bạn cùng khóa, người cuối cùng gặp Jin Joo hôm cô bé mất tích, khai rằng đã chia tay Jin Joo ở chỗ cách hiệu sách 150 mét. Sau khi dò la xung quanh, cảnh sát tìm đến tôi. Vì đây là vụ một cư dân của khu chung cư mất tích ngay trong khu chung cư nên tin đồn lan rất nhanh. Mọi người tìm đến hiệu sách, để xem cái nơi cuối cùng cô bé ấy đã đến trước khi mất tích, để hỏi tôi bất cứ điều gì họ muốn. Có hôm họ còn to tiếng với tôi. Cô bé ấy đã biến mất ở đây.
Tôi là người cuối cùng nhìn thấy cô bé ấy.
Nhân chứng vô tình.
Thứ người lớn không đứng ra bảo vệ một cô bé cần được chở che.
Tôi đã trở thành một kẻ như vậy.
Rồi còn có cả một người tự xưng là mẹ của Jin Joo.
Bác ấy ngày nào cũng đến hiệu sách. Một người phụ nữ đứng tuổi, da sạm, thân hình còn bé nhỏ hơn cả cô con gái chưa lớn hết. Mái đầu nhỏ và chân tay mảnh khảnh. Một người bị teo nhỏ xuống một cỡ nhất định, một người không lớn được nữa. Tôi đoán bác ấy là con gái cả của một đôi vợ chồng nghèo. Hẳn lúc mang thai, mẹ bác đã không được tẩm bổ đầy đủ và bác sinh ra cũng chẳng được ăn uống tử tế mà lớn lên. Dù không biết thực hư thế nào, nhưng bác ấy khiến người khác nghĩ như vậy đấy. Hình như bác ấy đẻ Jin Joo khi đã có tuổi.
Mẹ Jin Joo giắt từng tập tờ rơi có in ảnh con gái bên hông rồi đi xung quanh khu vực hiệu sách phát cho mọi người. Kể cả khi đã đi ra tít xa phát tờ rơi, bác ấy cũng vẫn quay về hiệu sách. Hằng ngày, cứ đến chiều bác lại đứng trước quầy thanh toán hỏi tôi có gặp kẻ tình nghi không. Hỏi tôi hôm nay có ai giống kẻ tình nghi đến hiệu sách không, có người nào quanh đây nhìn thấy kẻ đó không, rồi hỏi tôi hôm đó đã chứng kiến những gì. Bác bắt tôi kể đi kể lại những gì mình đã nhìn thấy. Hai người đàn ông đó trông như thế nào. Jin Joo đã làm gì với họ. Nhìn con bé ra làm sao. Nhìn nó có giống đang say không. Liệu nó có bị đánh không. Tay chân nó có thương tích gì không. Nhìn nó có như đang bị đe dọa hay đang sợ hãi không. Nó có đang khóc không. Nó đã theo họ đi về phía nào. Rồi cuối cùng, bác ấy hỏi tôi lúc đó đang làm gì. Cuối cùng, bác ấy luôn hỏi tôi câu đó.
Jin Joo không xuất hiện cũng không được ai tìm thấy. Không có liên lạc gì từ Jin Joo, cũng không phát hiện được thêm bất cứ dấu vết nào của cô bé.
Tôi đâm nghi ngờ đường hầm thông với kho. Ý tôi là cái đường hầm nằm ở bên kia bức tường ngày nào tôi cũng đối diện lúc ăn cơm. Vì đã xới tung mọi nơi mà không thấy Jin Joo đâu nên chưa biết chừng cô bé lại đang ở trong đó. Theo lời Jae Oh, đó là một đường hầm khổng lồ thông với mọi ngõ ngách của khu chung cư nên biết đâu Jin Joo đang trốn hoặc bị giấu ở một góc nào trong cái đường hầm đó chăng, tôi nghĩ vậy. Nghe tôi bảo chắc phải lật tung đường hầm lên tìm mới được, viên quản lý tòa nhà nhìn tôi ngơ ngác. Cái gì cơ?
Ông ta bảo đằng sau bức tường chẳng có gì cả. Chẳng có đường hầm nào hết. Ông ta cũng nói thêm, vì bức tường ban đầu nhiều nấm mốc quá nên người ta mới xây thêm một bức tường mới cách tường gốc một khoảng.
Tôi hoang mang quay trở lại hiệu sách. Như mọi ngày, tôi đứng trông quầy thanh toán, đợi các nhân viên làm thêm ăn cơm xong hết rồi tôi mới xuống kho. Đặt hộp cơm lên cái thùng vừa làm ghế vừa làm bàn, tôi lục tung tủ đựng dụng cụ. Dây điện, những tuýp keo dán dẹp lép, ốc vít, đinh, giấy dính bẫy chuột, hộp đựng dung môi, tua vít, chất khử nấm mốc, que và kìm. Tôi tìm cái búa nhưng không thấy đâu cả. Sau một hồi lục lọi rồi gạt đổ đống đồ mình vừa bới ra, cuối cùng tôi cũng tìm thấy ở ngăn giữa một cái búa được bọc trong mảnh giẻ khô. Tôi cầm búa ra đứng trước bức tường. Tôi nhìn góc tường ẩm ướt đầy nấm mốc như họa tiết dây leo. Tôi thậm chí còn cảm nhận được cả luồng gió phả ra từ bên kia tường. Chỉ là viên quản lý kia không biết mà thôi. Có một đường hầm mà ông ta không hề biết. Xem này. Gió đang thổi. Gió thổi thông qua đường hầm, như thế này. Tôi có thể kiểm tra. Giơ búa lên rồi vung vài nhát là tôi có thể kiểm tra được ngay. Và cũng chính vì thế mà tôi đã không thể vung búa.
Có đường hầm, không có đường hầm.
Dạo này tôi cũng thường nghĩ xem giây phút đó tôi đã sợ bên nào hơn. Bên kia cái lỗ trên bức tường gỗ tìm thấy một hang động tối đen, hay lại đối mặt với một bức tường khác phủ đầy rêu mốc, như mủ rỉ ra từ vết thương. Bên nào sẽ khiến người ta rợn gáy và sởn gai ốc hơn? Tôi đã không thể biết và có lẽ mãi về sau cũng không thể biết. Tôi chỉ cầm nguyên búa đứng trước bức tường một lúc rồi quay trở lại bên cái thùng nơi tôi để hộp cơm. Tôi đặt cái búa xuống nền kho, để hộp cơm lên đầu gối rồi chậm rãi ăn cơm.
Mùa xuân ngắn ngủi trôi qua, hè sang rồi thu tới.
Suốt thời gian đó mẹ Jin Joo vẫn đến hiệu sách. Từ mùa hè, bác ấy trải hẳn chiếu ở gần cầu thang đi xuống hiệu sách rồi bày cặp sách và ảnh của Jin Joo lên. Có lần ba, cũng có lần bốn tấm. Những tấm ảnh bán thân nhòe nhoẹt được phóng cỡ gần với người thật nhất. Mẹ Jin Joo dán những tấm ảnh ấy vào bìa cứng rồi bọc ni lông lại, dựng sau lưng hai tấm, trước mặt hai tấm. Rồi bác ấy cúi rạp người nhìn như con cóc, không nhúc nhích cả buổi chiều. Trông bác già xọm hẳn đi, khi đến gần tôi ngửi thấy mùi da thịt tỏa ra từ người bác. Một thứ mùi tựa mùi ngũ cốc lên men.
Mọi người không khỏi để mắt đến bác ấy, còn chủ hiệu sách thì tỏ vẻ bồn chồn. Đành rằng hoàn cảnh bác ấy đáng thương nhưng cứ làm vậy lâu ngày cũng ảnh hưởng đến việc kinh doanh của hiệu sách, ông ta bảo tôi thử lên thuyết phục mẹ Jin Joo. Theo lời sai bảo của chủ hiệu sách, tôi đi lên cầu thang. Bát cơm của bọn mèo rỗng không. Tôi mở túi hạt thức ăn giấu ở góc vườn, đổ đầy bát, rồi leo tiếp cầu thang. Mẹ Jin Joo đang cúi gập người ở chỗ thường lệ. Không có thứ gì che, chỗ đó nắng chang chang cả buổi chiều. Phải đến quãng mặt trời lặn, bóng cây anh đào mới đổ tới đó. Tôi cúi nhìn cần cổ nâu sậm cùng tấm lưng nhỏ hẹp.
Này bác, cháu biết làm thế nào cơ chứ.
Bác có biết cháu bận đến mức nào không? Bác có biết ở hiệu sách này cháu làm bao nhiêu việc không? Trời thì đẹp thế này mà cháu cũng chẳng được ra ngoài. Cả ngày cháu chỉ ở tít dưới hầm, không được đón cả nắng mặt trời đấy? Thế còn bác, tại sao bác lại phủ phục ở đây cơ chứ? Cớ sao lại ở đây, một cách đáng ghét như vậy. Bác đừng có hỏi cháu khi đó đã làm gì nữa đi. Chẳng một ai để tâm đến cháu hết thì cớ sao cháu lại phải để ý đến ai khác cơ chứ? Jin Joo, con gái bác ấy, con bé đó là ai chứ? Chẳng là ai cả, đối với cháu nó chẳng là ai cả.
Tôi cúi nhìn bác ấy, suốt trong lúc tôi ngậm chặt miệng không thốt một lời, ve kêu không ngớt. Ve ve ve, chỉ có độc âm thanh ấy. Cổ tôi nóng giãy bởi nắng rọi. Tôi rời khỏi chỗ mẹ Jin Joo, bước dưới hàng cây, và rời bỏ cả hiệu sách. Vì đi giẫm gót giày nên tôi bước khó nhọc, ống chân căng cứng.
Tôi bước đi thật nhanh và không bao giờ quay trở lại đó nữa.
*
Mẹ tôi mất bốn năm trước.
Mẹ mất ở bệnh viện, ngạt thở do bị cổ trướng. Giây phút cuối cùng của đời mẹ, chúng tôi có chút to tiếng với bên bệnh viện, họ bảo chúng tôi đưa mẹ về nhà vì họ không còn cách chữa trị nào nữa. Đôi lúc tôi cũng nghĩ, biết đâu đưa mẹ về nhà đón giây phút cuối đời có khi lại tốt hơn.
Bố tôi ở lại ngôi nhà gia đình tôi vẫn ở. Ngôi nhà đó vốn chỉ vừa đủ cho một người, nay thực sự đã trở nên vừa đủ rồi, tôi nghĩ vậy. Bố thường nói, nếu mắc bệnh ông sẽ tự kết liễu đời mình. Mỗi lần bố nói câu đó tôi im lặng nghe, nhưng hoàn toàn không nghĩ rằng ông sẽ làm thế.
Tôi rời khỏi ngôi nhà đó ba năm trước. Lúc đóng đồ tôi bỏ thêm mấy cuốn sách của bố. Gần đây tôi có đọc một cuốn trong số đó, một tập tiểu luận của George Orwell. Viết về sự nghèo nàn bi thảm. Sự nghèo nàn còn nghèo nàn hơn cả sự nghèo nàn tôi biết. Dạo này tôi hay suy nghĩ lung về cái chết – chết tự nhiên, chết vì bệnh tật, chết vì tai nạn – và cũng như Orwell viết trong sách, tôi cũng nghĩ trên đời này liệu còn có cái chết nào bi thảm hơn chết vì già nua, nghèo nàn và đau ốm, không một người thân thích trông nom? Orwell viết rằng, chết tự nhiên như vậy là cái chết khiến con người ta bi thảm sâu sắc hơn cả, hơn mọi cái chết bởi bất cứ thứ vũ khí nào mà nhân loại từng phát minh ra. Bởi vậy ông không ước mình chết khi đã già mà mong được chết khi đang đi đường, tình cờ, bất thình lình. Tôi viết “Đúng thế” vào bên cạnh câu văn đó rồi viết thêm thế này, sau mấy lần nhấn ngòi bút chì xuống mặt giấy. Nếu đã nghèo mà còn không người thân thích thì đừng có đẻ con ra làm gì. Cứ thế mà chết nghèo, chết không người thân thích đi. Rồi tôi gập sách lại, câu tôi viết sẽ mãi lưu lại ở nơi tôi đã viết. Dù mười năm, hay thậm chí cả trăm năm nữa có trôi qua.
Khu tôi ở bây giờ có rất nhiều dương hòe. Sau núi nhiều, trong ngõ cũng nhiều, nên đến đầu hè, nhờ hương hòe mà không khí trở nên thật thanh khiết. Đặc biệt khi đêm xuống, đứng ở bến xe buýt cũng có thể ngửi được hương hòe. Vừa ngửi mùi hương ấy vừa chậm rãi bước qua con ngõ về nhà sau khi tan làm, tôi hay nghĩ lại những chuyện ngày xưa. Cũng có hôm tôi nghĩ tới Ho Jae. Giờ anh đang sống ra sao? Đã tìm được công việc tử tế chưa? Đã yên ổn yêu đương và sinh con rồi chứ? Chõ Hấp, Bánh Gạo, Đậu. Bầy mèo của Ho Jae có lẽ đã chết cả. Con cháu chúng hiện đang sống thế nào? Những mèo mẹ liệu còn liên tục đẻ con không? Rồi những mèo con ấy lại có tiếp tục đẻ con nữa?
Tôi vẫn vậy. Vẫn đi làm và vẫn gặp phải những chuyện xấu hổ ở một chừng mực không phải quá bận tâm. Khi nào nhục nhã đến độ không thể chịu đựng nổi thì tôi bỏ đi và không quay lại nơi đó nữa, nhưng dĩ nhiên, chuyện đó cũng họa hoằn lắm mới xảy ra. Tôi cầu mong nơi mình chuyển đến ở sau này sẽ có thật nhiều dương hòe. Nhưng dẫu phải ở nơi chẳng có đến một bóng dương hòe tôi cũng sẽ quen và sống thoải mái thôi.
Tôi vẫn vậy.
Và thỉnh thoảng, rất thỉnh thoảng thôi, khi đêm thật yên, tôi lại tìm kiếm các bài báo viết về Jin Joo. Tìm xem có thông báo nào đã phát hiện ra Jin Joo ở đâu đó. Tôi huy động mọi từ khóa mình nghĩ ra để tìm, dù chỉ là tin cho hay đã tìm được hài cốt của cô bé.
Tôi chưa từng kể chuyện này cho bất cứ ai./.
LỜI TÁC GIẢ
Truyện này vốn có tên là “Tương lai của yang”.
Trong tiếng Hàn Quốc, yang là một hậu tố thường được gắn vào sau tên riêng để chỉ nữ giới chưa kết hôn. Gần đây từ này không còn được sử dụng nhiều nữa, nhưng thời còn bé tôi đã thường xuyên nghe thấy nó trong sinh hoạt hằng ngày hay trên ti vi. Yang, tôi nghĩ từ này mang một ngữ cảm rất riêng. Cũng có thể nói tôi mang một ấn tượng chung về các cô gái ấy, những người được gọi là “Gì-đó-yang”. Những cô gái không được đôn vào trung tâm hay tiền cảnh mà chỉ thoáng xuất hiện rồi biến mất ở đâu đó bên rìa hoặc lẫn vào phông nền. Những cô gái luôn làm việc.
Tôi viết truyện này vào mùa hè.
Có lẽ là tầm quãng từ hè sang thu. Dù một mùa đã qua nhưng đôi khi tôi vẫn nghĩ tới “tôi” của câu chuyện. Cô ấy đã trải qua ngày hôm nay ra sao? Cô ấy sẽ trải qua ngày mai như thế nào? Đôi khi, tôi vẫn nghĩ tới cô ấy như vậy.
Hwang Jungeun
Hà Linh dịch và giới thiệu
(Bài viết thuộc Zzz Review số 1+2, 18-7-2018)
Người góp chữ
Hà Linh
Của Chuột và Chồn.
Leave a Reply