Bài phỏng vấn do Elizabeth Gaffney thực hiện, đăng trên Nghệ thuật tiểu thuyết số 124, The Paris Review 119, Hè 1991.
Günter Grass là người đã tạo ra được điều hiếm thấy trong bối cảnh nghệ thuật đương đại, ông có được cả sự nể trọng từ giới phê bình lẫn thành công về thương mại trong từng thể loại tác phẩm và phương tiện biểu đạt ông sử dụng. Là một tiểu thuyết gia, nhà thơ, tiểu luận gia, kịch tác gia, điêu khắc gia và nghệ sĩ tạo hình, Grass có tên trên văn đàn thế giới ngay từ tác phẩm đầu tay, cuốn best-seller ra đời năm 1958 với tên gọi Cái trống thiếc. Nó, cùng với hai cuốn kế tiếp – truyện vừa Mèo và chuột (1961) và tiểu thuyết Những năm chó (1963) – vẫn thường được biết đến dưới tên gọi bộ ba Danzig. Danh mục tác phẩm dài dằng dặc của ông còn bao gồm Trích nhật ký ốc sên (1972), Cuộc họp ở Telgte (1979), Ả chuột (1986), và Le lưỡi (1989). Grass luôn tự tay thiết kế bìa áo cho tác phẩm và trong sách của ông cũng thường in cả minh hoạ do chính tác giả vẽ. Ông nhận được nhiều huy chương với giải thưởng văn chương danh giá, bao gồm cả giải thưởng Nobel dành cho văn chương năm 1999 và huy chương Carl von Ossietzky năm 1977, ngoài ra ông còn là thành viên danh dự người nước ngoài của Viện hàn lâm nghệ thuật và khoa học Mỹ.
Grass sinh năm 1927 trên bờ biển Baltic, ở ngoại ô thành phố tự do Danzig giờ là thành phố Gdansk, Ba Lan. Cha mẹ ông làm nghề bán tạp hoá. Trong Thế chiến thứ II, ông phục vụ trong quân đội Đức, là lính súng máy xe tăng, ông bị thương và bị quân đội Mỹ bắt giữ năm 1945. Sau khi được trả tự do, ông làm việc trong hầm đá phấn rồi học nghệ thuật ở Düsseldorf và Berlin. Ông kết hôn lần đầu năm 1954 với vũ công ba lê người Thuỵ Sỹ, Anna Schwarz. Từ năm 1955 đến 1967, ông tham gia các cuộc gặp mặt của Nhóm 47, một hiệp hội các tác giả và nhà phê bình Đức tuy không chính thức nhưng lại rất có sức ảnh hưởng, Nhóm 47 có tên gọi như vậy vì họ gặp nhau lần đầu vào tháng Chín năm 1947. Với nhiều thành viên nổi tiếng như Heinrich Böll, Uwe Johnson, Ilse Aichinger và Günter Grass, Nhóm 47 xoay quanh sứ mệnh chung là phát triển, sử dụng một thứ văn chương đối lập hoàn toàn với phong cách viết hoa mỹ và phức tạp đặc trưng cho các tác phẩm tuyên truyền thời Nazi. Họ gặp nhau lần cuối năm 1967.
Với khoản trợ cấp khiêm tốn của nhà xuất bản Luchterhand, Grass và gia đình sống ở Paris từ năm 1956 đến năm 1959 trong quá trình ông viết Cái trống thiếc. Năm 1958, tại các buổi gặp mặt, những trích đoạn từ Cái trống thiếc đang viết dở ông đọc cho cả nhóm nghe đã giúp Grass giành được giải thưởng thường niên của Nhóm 47. Cuốn sách khi ra đời đã làm chao đảo người đọc và giới phê bình Đức, buộc người ta phải đối mặt với một bức chân dung không lấy gì làm dễ chịu về tầng lớp tiểu tư sản Đức trong Thế chiến thứ II.
Tác phẩm năm 1979 của Grass, Cuộc họp ở Telgte, kể về một buổi gặp mặt hư cấu của các nhà thơ Đức năm 1647, giai đoạn cuối của Chiến tranh Ba Mươi Năm. Mục đích cuộc họp cũng như dàn nhân vật trong cuốn sách mô phỏng Nhóm 47 hậu Thế chiến thứ II.
Tại Đức, Grass từ lâu đã trở thành tâm điểm chú ý bởi những quan điểm chính trị gây tranh cãi cũng nhiều như bởi các tác phẩm được ái mộ của ông. Ông chịu trách nhiệm chính cho các bài phát biểu của Willy Brandt trong vòng mười năm và là thành viên lâu năm của đảng Dân chủ Xã hội. Mới đây, ông là một trong số ít các trí thức Đức công khai phản đối tiến trình sát nhập nhanh chóng Đông Đức với Tây Đức. Chỉ riêng trong năm 1990, Grass đã cho xuất bản hai tập sách tập hợp những bài phát biểu, thuyết trình với các tranh luận về chủ đề này.
Khi không phải đi đây đi đó, ông chia đôi thời gian, một nửa sống ở Schleswig-Holstein, cực Bắc nước Đức, cùng với người vợ thứ hai là Ute Grunert, nửa còn lại ông sống ở Schöneberg, Berlin, trong ngôi nhà nơi ông đã nuôi lớn bốn người con và là nơi mà hiện tại trợ lý của ông, Eva Hönisch, thu xếp mọi công việc. Bài phỏng vấn này được thực hiện vào hai thời điểm khác nhau, lần đầu tiên là trước mặt công chúng tại YMWHA trên phố 92 ở Manhattan còn buổi thứ hai vào mùa thu năm ngoái tại ngôi nhà màu vàng của Grass trên phố Nied, khi ông thu xếp được thời gian gặp tôi trong một lần tạt qua thành phố. Ông ngồi nói chuyện với tôi trong phòng làm việc nhỏ trên gác mái có cửa sổ trổ cao, tường sơn trắng, sàn lát gỗ. Ở góc bên kia căn phòng là các hộp bản thảo với sách xếp thành từng chồng một. Grass mặc áo sơ mi với áo khoác vải tweed, một bộ đồ thoải mái. Ban đầu ông đồng ý làm phỏng vấn bằng tiếng Anh để tránh những sai lạc sau này sẽ nảy sinh trong quá trình chuyển ngữ, nhưng khi nghe tôi nhắc, ông nheo mắt lại và mỉm cười, tuyên bố, “Tôi mệt quá rồi! Hai chúng ta sẽ nói chuyện bằng tiếng Đức.” Dù tự nhận là đang mệt sau chuyến đi, ông kể về công việc của mình bằng sự hào hứng và dồi dào năng lượng, thỉnh thoảng lại bật cười khẽ. Cuộc phỏng vấn kết thúc khi hai cậu con trai sinh đôi, Raoul với Franz, đến đón Grass đi dự tiệc sinh nhật của hai cậu.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Làm thế nào mà ông lại trở thành nhà văn?
GÜNTER GRASS
Tôi nghĩ việc ấy bắt nguồn từ hoàn cảnh sống của gia đình ngày tôi còn nhỏ. Nhà tôi thuộc tầng lớp hạ trung lưu; chúng tôi có một căn hộ nhỏ hai buồng. Tôi với em gái không có phòng riêng hay thậm chí là một chỗ của riêng mình. Trong phòng khách, đi quá hai ô cửa sổ là đến cái góc nhỏ tí mà tôi cất sách và đồ đạc – hộp màu nước của tôi và những thứ kiểu vậy. Thường thì cái gì tôi cần tôi sẽ phải tự tưởng tượng ra. Từ hồi bé tí tôi đã học cách để đọc sách giữa những tiếng ồn. Và vậy là tôi bắt đầu viết và vẽ từ khi còn nhỏ. Một sản phẩm khác của những năm tháng đó là giờ đây tôi sưu tầm phòng ốc. Tôi có phòng làm việc ở bốn nơi khác nhau. Tôi sợ phải trở lại cái cảnh sống từng trải qua ngày còn nhỏ, chỉ có một góc riêng trong cái phòng nhỏ tí.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Điều gì đã đưa đẩy ông đến việc đọc và viết trong hoàn cảnh như vậy, thay vì một thứ khác, ví dụ như thể thao chẳng hạn?
GRASS
Ngày còn bé tôi nói dối rất tài. Được cái may là mẹ tôi thích nghe những chuyện tôi bịa ra. Tôi hứa với bà đủ thứ điều hay ho. Năm tôi mười tuổi, mẹ gọi tôi là Peer Gynt. Peer Gynt này, bà bảo tôi, nghe con nói mà xem, giờ con đang kể cho mẹ đủ những chuyện hay ho về cái lúc nhà mình sẽ đến đi du lịch đến Naples… Chẳng mấy mà tôi bắt đầu viết lại những chuyện mình bịa ra. Và giờ đây tôi vẫn vậy! Tôi bắt đầu viết tiểu thuyết năm mười hai tuổi, một câu chuyện về người dân tộc Kashub mà sau này sẽ xuất hiện trong Cái trống thiếc, bà ngoại của Oskar, Anna, (giống như bà ngoại tôi) là người dân tộc Kashub. Nhưng tôi đã phạm sai lầm trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên: tất cả các nhân vật tôi viết ra đều chết hết vào cuối chương một. Cuốn sách không thể tiếp tục! Đó là bài học đầu tiên tôi rút ra trong việc viết: phải thật cẩn thận với các nhân vật.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Lời nói dối nào làm ông sung sướng nhất?
GRASS
Những lời nói dối không gây thương tổn gì, một thứ rất khác với những lời nói dối ta bịa ra để bảo vệ mình hay để làm tổn thương người khác. Đó không phải cái mà tôi làm. Nhưng sự thật thì đa phần đều chán ngắt, sao lại không bịa tạc chút cho vui. Như thế chẳng hại gì. Tôi đã học được một điều là tất cả những lời nói dối khủng khiếp của tôi đều chẳng làm xi nhê gì những thứ đang diễn ra ngoài kia. Nếu như vài năm trước tôi viết ra một thứ tiên đoán trước những thay đổi gần đây trong đời sống chính trường của Đức, người ta sẽ bảo, Đúng là nói dối!
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Thế sau cuốn tiểu thuyết thất bại kia ông có thử tiếp không?
GRASS
Cuốn sách đầu tiên của tôi là một cuốn thơ và tranh vẽ. Bao giờ cũng vậy, thơ viết nháp của tôi luôn bao gồm tranh vẽ với lời thơ, đôi khi lẩy ra từ một hình ảnh, đôi khi là từ câu chữ. Rồi khi tôi hai nhăm tuổi và có đủ tiền mua máy đánh chữ, tôi không viết tay nữa mà gõ bằng hai ngón. Bản nháp đầu tiên của Cái trống thiếc được hoàn thành nhờ vào cái máy đó. Giờ khi tôi già đi, và dù cho nhiều đồng nghiệp của tôi nghe bảo đã chuyển sang dùng máy vi tính, tôi quay lại với việc viết tay bản nháp đầu tiên! Bản thảo đầu của Ả chuột được viết trong một cuốn sổ lớn không kẻ dòng tôi lấy từ chỗ nhà in. Khi một cuốn sách sắp được xuất bản tôi luôn hỏi xin một cuốn giấy trắng để dùng cho bản thảo kế tiếp. Vậy là, dạo gần đây, bản nháp đầu tiên sẽ được viết tay, kèm tranh vẽ, bản nháp thứ hai và thứ ba thì viết bằng máy đánh chữ. Tôi không bao giờ có thể viết xong một cuốn sách mà không cần đến ba bản nháp. Thường thì sẽ cần đến bốn bản, và sửa chữa rất nhiều.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Mỗi bản nháp đều sẽ được viết lần lượt từ a đến z à?
GRASS
Không. Bản nháp đầu tôi viết khá nhanh. Có lỗ hổng gì thì tôi cứ để kệ đấy. Bản nháp thứ hai thường sẽ rất dài, chi tiết và đầy đủ. Không còn lỗ hổng nào nữa, nhưng lại hơi khô. Đến bản nháp thứ ba, tôi sẽ cố gạn lấy cái tính tự phát của bản nháp đầu và giữ lại những gì là cốt yếu trong bản thứ hai. Một việc rất khó.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Khi làm việc, lịch viết của ông thế nào?
GRASS
Với bản nháp đầu, tôi viết chừng năm, bảy trang mỗi ngày. Đến bản nháp thứ ba thì độ ba trang. Rất chậm.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông viết vào buổi sáng hay buổi chiều hay ban đêm?
GRASS
Không bao giờ tôi viết vào ban đêm. Tôi không tin tưởng việc viết vào ban đêm vì mọi thứ được viết ra quá dễ dàng. Đến sáng ra đọc lại tôi không thấy hay. Tôi cần ánh sáng ban ngày để bắt đầu việc viết. Từ chín đến mười giờ tôi thong thả ăn sáng, đọc sách và nghe nhạc. Sau bữa sáng tôi làm việc, đến chiều thì dừng tay uống cà phê. Rồi tôi lại bắt đầu viết và đến bảy giờ thì ngừng làm việc.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Lúc nào thì ông biết là mình đã viết xong một tác phẩm?
GRASS
Khi tôi viết một cuốn dài đại cà sa, việc viết thường kéo dài. Mất độ bốn hay năm năm để hoàn thành xong hết các bản nháp. Cuốn sách xong khi tôi kiệt sức không viết được nữa.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Brecht luôn có nhu cầu muốn viết lại các tác phẩm của mình. Kể cả sau khi tác phẩm đã được xuất bản ông ấy cũng không nghĩ mình đã viết xong nó.
GRASS
Tôi không nghĩ mình có thể như vậy. Tôi chỉ có thể viết một cuốn như Cái trống thiếc hay Trích nhật ký ốc sên tại một giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời mình. Chúng được viết ra là vì những gì tôi nghĩ và cảm thấy vào thời điểm đó. Tôi chắc chắn là giờ đây nếu tôi phải ngồi xuống viết lại Cái trống thiếc hay Những năm chó hay Trích nhật ký ốc sên tôi sẽ phá nát nó.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông phân chia tác phẩm hư cấu với tác phẩm phi hư cấu của mình như thế nào?
GRASS
So sánh tác phẩm hư cấu với tác phẩm phi hư cấu là một việc hết sức vớ vẩn. Với người bán sách, việc phân loại sách có thể tiện cho họ, nhưng tôi không thích sách của mình được phân loại theo kiểu đó. Tôi luôn hình dung những người bán sách sẽ phải họp ra một hội đồng để quyết định xem cuốn nào là sách hư cấu, cuốn nào là phi hư cấu. Tôi nghĩ cái công việc đó của người bán sách mới là hư cấu.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Chậc, vậy khi viết tiểu luận hay bài phát biểu, phương thức với kỹ thuật viết có khác so với khi ông kể ra những câu chuyện và thêm thắt cái này cái kia?
GRASS
Phải, có sự khác biệt vì tôi phải xử lý những dữ kiện tôi không thể thay đổi. Thường thì tôi không hay viết nhật ký, nhưng tôi đã phải viết nhật ký trong quá trình chuẩn bị cho Trích nhật ký ốc sên. Tôi có cảm giác 1969 sẽ là một năm quan trọng, đem lại một bộ mặt chính trị mới chứ không chỉ đơn thuần bắt đầu một chính phủ mới. Thế nên trong hành trình vận động tranh cử từ tháng Ba đến tháng Chín năm 1969 – một quãng thời gian dài – tôi viết nhật ký. Chuyện tương tự cũng diễn ra ở Calcutta. Cuốn nhật ký tôi viết ghi ấy sau này được phát triển thành Le lưỡi.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Làm sao ông có thể cùng lúc theo đuổi các hoạt động chính trị với việc viết lách và tạo hình?
GRASS
Nhà văn không chỉ có liên hệ với mỗi đời sống trí thức, nội tâm của họ mà còn cả cuộc sống thường ngày. Đối với tôi, viết, vẽ và hoạt động chính trị là ba theo đuổi tách biệt với nhau; mỗi cái đều mạnh cả. Tình cờ là tôi đặc biệt chú ý và quan tâm tới xã hội mà tôi sống. Cả trong cái tôi viết lẫn trong cái tôi vẽ đều có dính chút chính trị, dù cho tôi có muốn thế hay không. Thực ra tôi không hề đề ra cho mình kế hoạch đem chuyện chính trị vào trong tác phẩm. Mà thường là đến bản nháp thứ ba hay thứ tư, tôi sẽ phát hiện ra một vài điều đã bị lịch sử bỏ quên. Cho dù tôi không bao giờ viết một tác phẩm thuần tuý về một hiện thực chính trị nào đó, tôi không thấy có lý do gì lại bỏ qua chuyện chính trị, một thứ có ảnh hưởng lớn đến như vậy lên cuộc đời chúng ta. Nó len lỏi vào từng khía cạnh của cuộc sống, bằng cách này hay khác.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông kết hợp quá nhiều thể loại vào tác phẩm của mình – lịch sử, công thức nấu ăn, lời bài hát…
GRASS
… và tranh vẽ, thơ, đối thoại, trích dẫn, bài phát biểu, thư từ! Cô thấy đấy, khi xử lý những đề tài to tát tôi thấy mình phải viện đến đủ mọi khía cạnh của ngôn ngữ. Nhưng đừng quên là tôi cũng có vài cuốn tiểu thuyết được viết đúng là tiểu thuyết – cuốn Mèo và chuột với Cuộc họp ở Telgte.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Việc ông kết hợp từ ngữ với tranh vẽ quả thực độc đáo.
GRASS
Viết và vẽ là hai thành tố chủ đạo trong công việc của tôi, nhưng không phải là duy nhất; tôi cũng làm điêu khắc khi có thời gian. Đối với tôi, tồn tại một mối quan hệ cho-và-nhận hết sức rõ ràng giữa viết và vẽ. Mối quan hệ này đôi khi mạnh, đôi khi yếu. Trong mấy năm vừa rồi thì là mạnh. Le lưỡi, cuốn sách lấy bối cảnh ở Calcutta, là một ví dụ. Tôi sẽ không thể viết xong nó mà không vẽ. Cái đói kinh khủng khiếp ở Calcutta liên tục đẩy kẻ làm khách vào những tình huống mà ngôn ngữ bị bóp nghẹn – ta không thể tìm được gì để nói. Vẽ tranh giúp tôi tìm lại từ ngữ khi tôi ở đó.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Có phải ông không tìm thấy sự hữu hình, khêu gợi nơi việc vẽ trong quá trình viết?
GRASS
Phải. Viết thực ra là một quá trình nhọc nhằn và trừu tượng. Khi vui thì niềm vui ấy cũng hoàn toàn khác với niềm vui lúc vẽ. Khi vẽ, tôi ý thức được rõ rệt mình đang tạo ra một thứ trên trang giấy. Một công việc khêu gợi. Nhưng ta lại không thể nói thế về việc viết. Thực tế mà nói, tôi thường xoay qua vẽ tranh khi cần hồi sức lại sau những lúc viết.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có học được gì từ các nhà phê bình?
GRASS
Dù cho tôi thích nghĩ mình là một học trò giỏi, các nhà phê bình lại thường không phải giáo viên giỏi. Nhưng có một giai đoạn, mà lâu lâu tôi lại thấy nhớ, tôi đã học được từ bọn họ. Đó là vào thời kỳ Nhóm 47. Bọn tôi đọc to bản thảo cho mọi người nghe và thảo luận. Ở đó tôi đã học được cách phân tích văn bản và đưa ra lý do cho ý kiến của mình, thay vì chỉ nói, “Tôi thích như thế.” Những lời phê bình cứ thế xộc ra. Các tác giả sẽ thảo luận về kỹ thuật, làm thế nào để viết một cuốn sách, những thứ kiểu vậy. Còn với các nhà phê bình, họ có những chờ đợi riêng về cách người ta viết một cuốn sách. Cái hỗn hống nhà văn với nhà phê bình này là một trải nghiệm quý báu với tôi, một bài học. Thực tế mà nói, đó là một giai đoạn quan trọng với văn chương hậu chiến của Đức nói chung. Cuộc chiến đã để lại rất nhiều những băn khoăn, đặc biệt trong giới văn chương, vì thế hệ lớn lên trong cuộc chiến – thế hệ của tôi – nếu không phải là không được dạy thì cũng là dạy sai. Ngôn ngữ thì như bị bôi tro trát trấu. Các tác giả quan trọng đều di cư cả. Người ta chẳng trông chờ gì ở văn học Đức nữa. Các cuộc gặp thường niên của Nhóm 47 tạo ra một bối cảnh cho chúng tôi để từ đó văn chương Đức có thể tái sinh. Nhiều tác giả Đức thế hệ tôi chịu ảnh hưởng của Nhóm 47, dù cho một số sẽ không thừa nhận điều đó.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông nghĩ gì về bộ phim Cái trống thiếc?
GRASS
Schlöndorff đã làm ra một bộ phim hay, dù cho ông ấy không bám sát cuốn sách. Đó có lẽ là điều cần thiết, vì điểm nhìn của Oskar – người trong quá trình kể lại câu chuyện liên tục nhảy từ mốc thời gian này sang mốc thời gian khác – sẽ làm bộ phim rắc rối ra. Schlöndorff làm một việc rất đơn giản. Ông ấy kể một mạch từ đầu đến cuối câu chuyện. Dĩ nhiên Schlöndorff đã cắt nhiều thứ đi. Tôi khá là nhớ một vài cảnh trong số đó. Và cũng có nhiều khía cạnh của phim tôi không mấy thích. Những cảnh ngắn trong nhà thờ Công giáo không thành công vì Schlöndorff không hiểu gì về Công giáo. Ông ấy là người bên Tân giáo, thế nên nhà thờ Công giáo trong phim Cái trống thiếc trông chẳng khác nào một nhà thờ Tân giáo tình cờ có cái buồng xưng tội. Nhưng đó chỉ là một chi tiết nhỏ. Nhìn nhận tổng thể, và nhất là với sự có mặt của cậu bé đóng vai Oskar, tôi nghĩ đó là một phim hay.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông có một niềm yêu thích đặc biệt với grotesque – tôi đang nghĩ đến cái cảnh rất nổi tiếng trong Cái trống thiếc, hai con lươn tòi ra đầu con ngựa. Cái cảnh ấy là từ đâu ra vậy?
GRASS
Từ tôi. Tôi chưa bao giờ hiểu được tại sao cái đoạn này, dài sáu trang, lại đáng sợ đến vậy. Nó chỉ là một mẩu thực tế kỳ quái mà tôi viết hệt như viết mọi thứ khác. Nhưng cái chết và sự gợi dục mà hình ảnh ấy khơi gợi ra đã khiến mọi người lấy làm kinh tởm.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Việc sát nhập Đông Đức với Tây Đức đã ảnh hưởng thế nào lên đời sống văn hoá Đức?
GRASS
Người ta không buồn lắng nghe khi có một nhà văn hay nghệ sĩ Đức lên tiếng phản đối chuyện ấy. Không may thay, đa phần những người trí thức không tham gia vào cuộc tranh luận này, lý do là vì lười hay vì thờ ơ thì tôi cũng không rõ. Ban đầu, cựu thủ tướng Willy Brandt tuyên bố là con tàu dẫn tới ngày sát nhập đã rời nhà ga và không ai có thể dừng nó lại được. Người ta đã nhao nhao lên đồng tình, chẳng nghĩ ngợi gì. Cái metaphor ngớ ngẩn ấy đã được xem như là sự thực; không ai nghĩ xem việc ấy sẽ gây hại cho văn hoá Đông Đức như thế nào, ấy là chưa kể đến nền kinh tế của họ. Không, tôi không muốn leo lên một con tàu không thể bẻ lái và không nhìn ngó gì đến những dấu hiệu cảnh báo. Từ bấy đến giờ tôi vẫn đứng nguyên trên sân ga.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Với Trích nhật ký ốc sên, ông trộn lẫn chính trường đương thời với một câu chuyện hư cấu về những gì đã xảy ra cho cộng đồng dân Do Thái ở Danzig trong Thế chiến thứ II. Lúc trước ông có biết rằng việc vận động tranh cử và viết các bài phát biểu cho Willy Brandt trong năm 1969 sẽ trở thành tư liệu viết sách sau này?
GRASS
Có viết sách hay không thì tôi vẫn phải tham gia vào chiến dịch tranh cử ấy, không có lựa chọn nào khác. Sinh ra vào năm 1927 ở Đức, tôi bước qua tuổi mười hai khi chiến tranh bắt đầu và tròn mười bảy tuổi khi chiến tranh kết thúc. Quá khứ Đức đeo nặng trong tôi. Tôi không phải người duy nhất; cũng có những tác giả khác cảm thấy như thế. Nếu tôi là một nhà văn người Thuỵ Điển hay Thuỵ Sỹ, tôi có thể đùa nhiều hơn, bỡn cợt nhiều hơn và đại loại vậy. Nhưng trong trường hợp của tôi, với những gì tôi đã trải qua, điều đó là không thể. Vào thập niên năm mươi và sáu mươi, thời kỳ của Adenauer, các chính trị gia không muốn nhắc về quá khứ, hoặc nếu họ có nhắc, họ nói về nó như một thời kỷ quỷ ám trong lịch sử của chúng ta, khi ác quỷ đã phản bội những người dân Đức đáng thương, trơ trọi. Những lời nói dối trắng trợn. Chúng ta cần phải kể cho các thế hệ trẻ sau này biết chuyện gì đã thực sự xảy ra, rằng chúng diễn ra giữa ban ngày ban mặt, từ tốn và đầy lớp lang. Cái ngày đó, ai cũng có thể nhìn và chứng kiến những gì đang xảy ra. Một trong những điều tuyệt vời nhất chúng ta có được sau bốn mươi năm Cộng hoà liên bang là giờ đây chúng ta có thể nói về thời Đức Quốc xã. Và văn chương hậu chiến đã là tác nhân quan trọng cho thành tựu đó.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Trích nhật ký ốc sên bắt đầu bằng câu, “Các bạn trẻ thân mến.” Nó là dành cho toàn bộ thế hệ lớn lên sau chiến tranh, nhưng ông cũng hướng đến cả các con mình.
GRASS
Tôi muốn giải thích làm sao mà cái tội ác diệt chủng vượt quá mọi giới hạn ấy lại có thể xảy ra với chúng ta. Ra đời sau cuộc chiến, các con tôi có một người cha cứ đến sáng thứ Hai là lái xe đi theo chiến dịch tranh cử đọc các bài phát biểu, đến thứ Bảy kế tiếp mới về nhà. Bọn chúng hỏi, “Sao ba lại như vậy, sao ba cứ đi suốt thế?” Tôi cố giải thích mọi thứ cặn kẽ cho chúng, không chỉ bằng lời nói mà cả trong cái tôi viết. Thủ tướng đương nhiệm thời đó, Kurt Georg Kiesinger, đã gia nhập đảng Quốc xã trong chiến tranh. Thế nên lúc ấy tôi không chỉ vận động cho một Thủ tướng mới được bầu lên mà còn là để chống lại quá khứ Đức Quốc xã. Trong cuốn sách, tôi không muốn nhai lại những con số trừu tượng – “có từng này từng này người Do Thái bị giết.” Sáu triệu là một con số không thể nào tưởng tượng nổi. Tôi muốn tạo ra một ấn tượng hữu hình hơn thế. Vậy nên tôi chọn sợi chỉ xuyên suốt câu chuyện là lịch sử tòa giáo đường Do Thái ở Danzig, nó đã đứng đó trong suốt nhiều thế kỷ, cho đến khi bị phá hủy trong cuộc chiến bởi Đức Quốc xã – người Đức. Tôi muốn ghi lại sự thật, những gì đã xảy ra ở đó. Trong cảnh cuối cùng, tôi đem hiện tại vào cuốn sách; tôi viết về bài phát biểu tôi chuẩn bị nhân dịp kỷ niệm năm trăm năm ngày sinh của Albrecht Dürer. Chương sách ấy là những chiêm nghiệm u hoài về bức khắc Melencolia I của Dürer và cái tác động của sự u hoài lên lịch sử con người. Tôi cho rằng một trạng thái u hoài thấm sâu trong cả nền văn hóa là thái độ đúng đắn nhất người Đức nên có với Nạn Diệt chủng. Ăn năn và đau buồn, cộng thêm với việc tìm hiểu về những nguyên nhân dẫn đến Nạn Diệt chủng, đó sẽ là bài học cho chúng ta.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Tập trung vào cái tồi tệ trong tình hình thế giới hiện tại và những gì ghê sợ dường như đang chờ đợi chúng ta ở phía trước, đó là đặc trưng cho nhiều tác phẩm của ông. Liệu điều ông muốn có phải là chỉ dạy, cảnh báo và hướng người đọc đến một kiểu hành động nào đó?
GRASS
Chỉ là tôi không muốn lường gạt họ. Tôi muốn bày ra cái tình thế chúng ta đang lâm vào, hay một tình thế để cho chúng ta chờ mong. Con người cảm thấy chán nản, không phải vì mọi thứ đều tồi tệ mà vì chúng ta, là con người, có trách nhiệm phải thay đổi tình hình nhưng chúng ta lại không làm vậy. Vấn đề của chúng ta nảy sinh từ chúng ta, được quyết định bởi chúng ta và chúng ta cần phải giải quyết nó.
NGƯỜI PHỎNG VẤN
Ông mường tượng tương lai con người sẽ thế nào?
GRASS
Chừng nào chúng ta còn được cần đến, chúng ta vẫn có tương lai. Tôi không thể nói hết bằng một từ. Tôi không muốn trả lời câu hỏi ấy bằng một từ. Tôi đã viết một cuốn sách, Ả chuột. Cô còn cần gì thêm nữa? Đó là một câu trả lời dài cho câu hỏi của cô.
Ngọc Dao trích dịch
(Bài viết thuộc Zzz Review số 1+2, 18-7-2018)
Người góp chữ
Ngọc Dao
The Sound of Mountain.
Leave a Reply