Thời gian đọc: 6 phút

Trong Hồ sơ Nhân văn-Giai phẩm trên talawas, nhân tiện xin đặc biệt khuyến khích đồng bào nào muốn tìm hiểu về NVGP thì nên mò vào đây ngay và luôn, tiêu biểu có những bài rất mua vui, như bài đấu tố của Hoài Thanh, cả bài xin lỗi ăn năn của Hoài Thanh, có bài của Phạm Thị Hoài “Thủ lĩnh trong bóng tối”, có một câu tôi nhớ mãi:
“Tôi hình dung rằng những vị tử vì đạo rất ghét kẻ nào chạy lăng xăng quanh nỗi đau của họ, ăn theo những thăng trầm của họ.”

Tiểu thuyết thứ hai của Trần Dần, không phải tiểu thuyết đầu tay nhé, sao thông cáo báo chí về cuốn này lại có thể quên cuốn “Người người lớp lớp” mà Trần Dần viết về chiến dịch Điện Biên Phủ được nhỉ, sáng tác năm 1961, sau bao vất vả thì đã được xuất bản. Tôi muốn nói ngắn gọn thế thôi, bởi nếu không lại sa luôn vào màn lăng xăng mà me Hoài nói chính trên kia. Tiểu thuyết này ra đời, ý nghĩa lớn nhất là gì, là giúp độc giả hiện nay, tiếp cận được thêm một tác phẩm trong khối di cảo đồ sộ của ông, và đọc ông. Đọc và phê bình và nghiên cứu ông thật sự.

18556903_10154432869161791_8875371910181565011_o.jpg

Chính vì thế tôi xin nói ngay lời chối tai nhiều người không thích nghe: Đây không phải là bom tấn của năm nay. Đây không phải là bom tấn của Trần Dần. Đây là một cuộc tiểu thuyết đặc biệt của ông, nơi tôi đọc và phát hiện và khẳng định rất nhiều điều về đặc điểm văn chương của ông, một cây viết vô cùng độc đáo, và có một thứ quan niệm về văn chương vô cùng tiền phong, và là nơi tôi sẽ còn quay lại nhiều lần cho những dự án khác. Nhưng đây không phải là cuốn sách khiến bạn bật ngửa vì tài năng Trần Dần. Hãy đọc thơ ông. Nếu muốn đọc văn xuôi, hãy chọn “Những ngã tư và những cột đèn”.

“Đêm núm sen” là tiểu thuyết về thế giới loài kiến, kiến-người, do Kiến gầy xưng tôi kể, về cuộc đời của “công dân tầm thường” này ở làng Mận. Cuộc đời ấy được kể một cách chi tiết, từ tông tích tổ tiên, từ cái làng huyền thoại, từ khi Kiến gầy còn bé tí, đến khi chàng trưởng thành đến giai đoạn biết chim gái, đến cuộc tán tỉnh và tình yêu với cô Sứa, cùng với những cuộc tán tỉnh và tình yêu của bạn bè chàng, đến cuộc chiến tranh ập xuống cuộc sống, đến giữa chiến tranh là tình yêu giữa tình yêu là chiến tranh, đến đám cưới của Kiến…

Độc giả hãy chuẩn bị để bước vào dòng tự sự tuần tự như vậy, không có nhiều kỹ thuật, không có nhiều lớp lang, không chuyện kể lồng chuyện, không xáo trộn thời gian, không và không và không…. Không thể nghiệm độc đáo như ở “Những ngã tư và những cột đèn,” “Đêm núm sen” là một tiểu thuyết kể lể tương đối dài dòng lê thê. Ở cuốn tiểu thuyết này tôi gặp một Trần Dần không mạnh về cấu trúc cũng như triển khai cốt truyện. Tôi cũng gặp một Trần Dần xây dựng một người kể chuyện thiếu hấp dẫn. Tôi gặp một Trần Dần viết về chiến tranh sao mà chán, nhưng lại có những anh lính lắp đít và xem ảnh con lợn. Tôi cũng gặp một Trần Dần nhiều khi hồng tím leng keng quá đà với chứng bội nhiễm dấu chấm !
Nhưng ở chính tiểu thuyết này tôi nảy ra cái ý nghĩ về một Trần Dần, xin cho tôi được cliché, “hậu hiện đại”, khi tuyên ngôn về thơ của ông, được ông đem sang áp dụng cho văn xuôi, về việc ông “để con chữ tự làm ra nghĩa”.

Tức là thế nào? Tức là mọi thứ mông lung như một trò đùa. Tức là mơ hồ tràn ngập cả “Đêm núm sen,” kể từ 3 từ đầu tiên của chính cái tên tiểu thuyết. Trần Dần để cho chữ nghĩa văn bản chơi một trò chơi của số nhiều về nghĩa, của tự phát sinh ra một chuỗi về nghĩa, mà ở đó độc giả mỗi người tìm cho mình một nghĩa riêng.

Nào ai có biết “đêm núm sen” là đêm gì, đen thâm ra sao, núm to hay tròn, hồng hay đỏ. Tôi đang nói rất nghiêm túc.
Trần Dần cực kỳ giỏi ở tiểu tiết, thể hiện trong những từ tiếng Việt mới lạ mà ông dùng, trong cách ông đảo trật tự các từ trong câu, trong cách ông kết hợp chúng lại, để tạo thành những câu văn nghe như một câu thơ. Và chính bằng cách đó, ông tạo ra nghĩa, tạo ra một loạt hình ảnh, hình dung và tưởng tượng và mơ hồ mà mỗi từ mỗi ngữ lại dóng lên khác nhau ở mỗi người khác nhau. Những con chữ của ông chính vì thế chuyển động chứ không hề bị dán chặt trong cái đinh găm của một nghĩa cố định.

Có hai thứ mơ hồ mà đẹp nhất trong “Đêm núm sen”: làng Mật và cô Sứa. Cả hai đều chia nhau một câu hỏi sẽ không ai trả lời được: đấy là đâu, và em là ai?

Trong số tất cả những nhà văn Việt Nam mà tôi từng đọc, Trần Dần có lẽ là người có khả năng tạo ra không gian đô thị kỳ diệu nhất trong tác phẩm của mình, ở cả “Những ngã tư và những cột đèn,” và đặc biệt là ở “Đêm núm sen.” Đô thị của Trần Dần có gì: đầu tiên nó là một sự lai tạp, của làng, và của thị, rất giống hình dung của rất nhiều người về Hà Nội, một cái làng lớn. Làng Mận của Trần Dần, có cả thị sảnh để đăng ký làm đám cưới, có cả các quán ăn để giới trẻ tụ tập, hẹn hò, có Xóm La Tinh, ngõ Mễ Tây Cơ, phố Hy Lạp, Đại Lộ Mùa Thu, Quảng Trường Ánh Trăng, bãi Võ Cổ Loa… ở cái làng có dằng dặc hàng bao nhiêu phố ấy, khi chiến tranh có cả phòng tuyến Chèm.

Nghe đến Xóm La tinh, tôi ngỡ như anh Kiến gầy đang ở Paris, nghe Mễ Tây Cơ với phố Hy Lạp, tôi ngỡ đang gặp một thành phố châu Âu trong lòng cái làng Mận. Nhưng cái làng lẫn phố ấy của “Đêm núm sen” cũng làm tôi nghĩ đến Hà Nội.

Điều kỳ diệu của số nhiều của nghĩa chính là ở chỗ, nó không là một cái nào, riêng lẻ cả, nó có thể là tất, nó có thể là lai tạp, Hà Nội cuộn mình lên Paris, làng hòa tan thành phố, nhưng tuyệt đối nó là cái không gian đô thị đầy sức gợi của Trần Dần, không lẫn với bất cứ ai. Ở cái không gian đô thị đó, ta có một nhân vật lang thang nhiều đến thế trong phố. Xin nhớ cho trong văn học Việt Nam không có nhiều người đi bộ.

Và rồi cô Sứa? Cô Sứa tên thật nhập nhằng với tên giả, cô Sứa có bao nhiêu cái tên, có bao nhiêu người yêu, không ai hay? Cô Sứa có thân hình như nào, như cái núm sen trong đêm mở hoang cửa sổ mà không hề rét ấy? Cả số phận của Sứa cũng là một ẩn số, Sứa đã chết hay mất tích? Không ai có thể trả lời cho câu hỏi này, Sứa biến mất, như nghĩa vụt khỏi tay người đọc, khi cố đưa ra một định dạng về nhân vật, hay cái làng phố kia của “Đêm núm sen.”

Một ưu điểm nữa của “Đêm núm sen” chính là sự hài hước. Lần đầu tôi bắt gặp cái nét khôi hài ở Trần Dần, ở những trận chí chóe bạn bè với nhau, ở hơi tí là chửi “Mẹ mày,” ở những pha trai gái chim chuột tán tỉnh nhau đầy duyên dáng.

Thế đấy, “Đêm núm sen” với tôi không phải là một cú ngã ngửa về đọc của năm nay, nhưng là một cuốn giúp tôi hiểu Trần Dần hơn, vì những trò chơi chữ nghĩa kia diễn ra đậm đặc ở tiểu thuyết sau đó, và hẳn nhiên, là ở thơ của ông. “Đêm núm sen” cũng làm tôi ngạc nhiên, khi vào năm 1961, như thể cắt lìa khỏi mọi văn chương chiến tranh và minh họa của đất nước, Trần Dần có thể viết những trang đầy sức gợi như thế về tình dục.

ĐÊM NÚM SEN.
Của Trần Dần.
357 trang. Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn. 169.000
Đánh giá: **2/3

Đội ơn mẹ Ngọc Trà đã chụp cho bức ảnh siêu zen.

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

trên đỉnh cao tuyệt vọng.