Thời gian đọc: 6 phút

BẢN ĐỒ MÂY
Của David Mitchell. Dịch bởi Nguyễn Thị Thanh Trúc.
611 trang. NXB Trẻ. 203.000đ. Năm xuất bản: 2016.
Đánh giá: **** ½*

“Bản đồ mây”, của David Mitchell, nhà văn duy nhất từng lọt vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2007, cuốn tiểu thuyết giành giải thường British Book Award cùng vô số giải thường khác, từng chạy đua giành giải thưởng Booker 2004, là một cuốn sách “điên” như lời của chính tác giả, một thiên tiểu thuyết đa âm gồm sáu truyện kể lôi cuốn trải dài qua xuyên nhiều thế kỷ và lục địa, nơi nghệ thuật kể chuyện bậc thầy được bộc lộ và nơi người đọc hưởng thụ một khoái cảm đọc hiếm có văn bản nào có thể mang lại.

Không một lời báo trước, không dàn cảnh không đon đả mời chào, David Mitchell lẳng lặng giăng ra một mê cung những câu chuyện zic zắc giao nhau ở những điểm nút bất ngờ nhất và đều bị bỏ dở ở cao trào. Mở đầu cuốn tiểu thuyết của các tiểu thuyết này là câu chuyện diễn ra ở thế kỷ 19 ở Thái Bình Dương nơi luật sư Adam Ewing ở đảo Chatham gặp gỡ Autua một thổ dân nô lệ người Moriori, để rồi lên thuyền cùng bác sĩ Goose và giúp Autua trở thành thủy thủ trên tàu. Bỏ lại cái bối cảnh rất có hơi hướm Đông Phương hóa ấy, câu chuyện tiếp theo của thế kỷ 20 lại xảy ra ở Zedelghem nước Bỉ, nơi anh chàng Robert Frobisher, bị gia đình từ bỏ, nợ nần chồng chất, yêu cả phụ nữ lẫn đàn ông, tìm đến nhà soạn nhạc vĩ đại Vyvyan Ayrs bị bệnh giang mai để giúp ông sáng tác nhạc trở lại và đồng thời cũng khơi thông dòng lạch sự nghiệp của chính mình. Như chớp giật, người đọc lại chuyển sang câu chuyện thứ ba vào năm 1975 lấy Luisa Rey làm tâm điểm, ở một thành phố hư cấu Buenas Yerbas, thuộc bang California, nơi cô nhà báo được tiến sĩ Rufus Sixsmith giao cho bản tài liệu mật công bố về những sai phạm trong dự án xây dựng nhà máy hạt nhân của tập đoàn Seaboard để rồi dừng đột ngột ở tình tiết Rey bị ám sát. Rất nhanh chóng, văn bản bẻ ngoặt sang hướng mới khi kể về những khổ nạn của Timothy Cavendish ở nước Anh thời hiện tại, một nhà xuất bản trốn chạy bọn đầu gấu để rồi bị ông anh trai lừa nhốt vào nhà dưỡng lão. Câu chuyện thứ năm diễn ra ở nước Triều Tiên tương lai với những người nhân bản và âm mưu của quân Giải phóng chống lại nhà nước tập đoàn toàn trị. Cuối cùng, câu chuyện thứ sáu qua lời kể của già Zachry xảy ra sau sự Sụp đổ của loài người cách thời hiện đại hai đến ba thế kỷ ở đảo Hawaii nơi người thiên cổ đã chết vì những tham vọng không kiểm soát của mình.

nxbtre_thumb_15302016_103059

“Bản đồ mây” trước hết là một tham vọng cực lớn, tỉnh táo và tàn nhẫn trong việc định dạng bản tính người: bằng cách xây dựng một mô típ tưởng chừng vô nghĩa, một vết bớt hình sao chổi ở các vị trí khác nhau trên cơ thể các nhân vật chính, David Mitchell cho các nhân vật này tái sinh ở một loạt các kiếp, nhằm khẳng định một sự nhất quán về nhân loại, đi cùng với sự liên kết không thời gian không gian hay sự kiện nào có thể chối bỏ được. Vượt lên khỏi sự riêng lẻ mà con người hiện đại ngày càng hướng tới, Mitchell muốn lưu ý cho độc giả, rằng chúng ta gắn kết với nhau nhiều hơn chúng ta tưởng, rằng cái ảo tưởng mỗi cá nhân là một hòn đảo riêng lẻ nhanh chóng bị tiêu tan và rằng bật lên trên hết là hình ảnh các quần đảo liên hệ với nhau. Và từ đó, trong các câu chuyện về những kẻ thủ ác trong các hình hài khác nhau tấn công và sát hại không ghê tay các cá nhân khác để thỏa mãn các tham vọng của mình, “Bản đồ mây” là một câu chuyện chân thực đến rợn ngợp về tính săn mồi, nơi cá nhân săn cá nhân, nơi tộc người săn tộc người, nơi nhà nước săn cá nhân trong nhà nước. Đúng như một nhân vật của ông đã nói, thế giới con người là địa bàn của kẻ mạnh nơi kẻ yếu dễ dàng trở thành là mồi ăn. Để rồi rất nhanh chóng, con người trở thành miếng ăn của những tham lam không kiểm soát của chính mình: với sự kết hợp của công nghệ, sự suy tàn của giống người là một điểm chúng ta tiến tới với tốc độ chóng mặt không thể kìm hãm.

Điểm sáng lòa nhất ở “Bản đồ mây” có lẽ là cấu trúc của truyện, như chính Mitchell tâm sự, ông muốn viết một cuốn sách bao trùm tất thảy, một cuốn sách như những con búp bê Matryoshka của truyện lồng trong truyện lồng trong truyện. Mitchell cho hay ông đã học tập “Nếu một đêm đông có người lữ khách” của Italo Calvino với kỹ thuật đứt đoạn dòng truyện kể, nhưng ông tiến sâu và xa hơn chủ nghĩa hậu hiện đại, khi ngắt 5 câu chuyện kia ở cao trào, để rồi cho người đọc thỏa mãn ở câu chuyện thứ 6, đóng vai trò như một tấm gương cho 5 câu chuyện kể trước soi vào. Và thế là, chúng soi gương. Và thế là, người đọc lại đọc chúng, theo cái trình tự được đảo ngược. Cấu trúc của “Bản đồ mây” khi rút gọn, thành một nhịp kể vô cùng thông minh và độc đáo, của những chuyện kể nối tiếp nhau nhau, 1-2-3-4-5-6-5-4-3-2-1, và khởi đầu lại chập làm một với kết thúc.

Sự độc đáo vô song không chỉ dừng lại ở đó. Tác giả, như một kiến trúc sư đại tài, sắp xếp, ở mỗi câu chuyện, những tình tiết báo trước: đó là nơi nhân vật chính của truyện hiện tại đọc, hoặc xem, hoặc nghe về truyện sau. Một sự xóa mờ ở đường biên, giữa truyện kể và chuyện thật, một cách tài tình hóa, biến tất cả các câu chuyện, thành văn bản. Ta không chỉ nghe chuyện thật như là nó vốn có, mà ta còn nghe và đọc và xem chuyện được kể từ chính nhân vật của câu chuyện trước. Thật và giả lẫn lộn, văn bản và đời thật hóa nhập nhằng. Độc giả sẽ được cho thấy, anh chàng nhạc sĩ Frobisher đọc về chuyến phiêu lưu của Adam Ewing, để rồi Luisa Rey đọc những lá thư Frobisher gửi cho Sixsmith, để rồi Cavendish đọc về hành trình khám phá sự thật của Rey, và Sonmi-451 xem phim về Cavendish, và cuối cùng là Zachry tôn thờ Sonmi và có trong tay orison của cô. Nếu chỉ dừng ở đây thì sự thiên tài của Mitchell đã không được bộc lộ: ở phấn tiếp theo, Sonmi-451 trước khi chết, lại muốn xem nốt bộ phim về Cavendish, Cavendish đọc nốt cuốn tiểu thuyết về Luisa Rey, Luisa Rey tới lượt mình nghe bản Lục tấu Vân đồ của Frobisher.

“Bản đồ mây” chính thế là một văn bản của những liên văn bản: của những ảnh hưởng và những liên kết, giữa chúng với nhau và giữa chúng với các văn bản khác như chính lời giải thích của Mitchell. Câu chuyện của Adam Ewing gợi tới “Súng, Vi trùng, và Thép” của Jared Diamond, hay Sự khổ nạn của Cavendish với bà y tá như bước ra từ “Bay trên tổ chim cúc cu” hay nhà báo điều tra Luisa Rey thì là lấy cảm hứng phim truyền hình điều tra hình sự của nhữn năm 1970 All the President’s Men.

“Bản đồ mây” đa dạng và biến hóa trong vô số giọng văn, khi hài hước nhẹ nhàng, khi nhanh gọn hình sự, khi đen tối tận thế. Mitchell thể hiện một sự nhảy cóc chuyển đổi linh hoạt từ hình thức tới nội dung: Văn bản của ông nhảy từ thể loại này sang thể loại kia, thế kỷ này sang thế kỷ kia, lục địa này sang lục địa kia, sắc tộc này sang sắc tộc kia, nghề nghiệp này sang nghề nghiệp kia, mà ở bất cứ thể loại cũng như lĩnh vực nào, độc giả cũng bắt gặp một sự nhuần nhuyễn tuyệt đối. Đó là du ký thời kỳ Victoria, đó là tiểu thuyết viết dưới hình thức thư từ, khi thì tiểu thuyết trinh thám giật gân, khi lại là tiểu thuyết hài hước, khi thì khoa học viễn tưởng phản địa đàng, khi thì lại thế giới của ngày tận thế. Tất cả được gói ghém bằng nghệ thuật kể chuyện hơn cả bậc thầy: với sự tính toán và kế hoạch dàn dựng vô cùng tinh xảo, “Bản đồ mây” quả thực là sản phẩm độc đáo của một trí thông minh và tài năng đáng kinh ngạc.

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

trên đỉnh cao tuyệt vọng.