Thời gian đọc: 5 phút

THỜI NẮNG LỊM
Của Eugen Ruge. Dịch bởi: Hoàng Đăng Lãnh.
510 trang. Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn. 108.000 ₫
Đánh giá: *** và 1/2 *

Như chính tít phụ của nó, “Thời nắng lịm,” cuốn tiểu thuyết đầu tay của Eugen Ruge đạt cả hai giải thưởng German Book Prize và Alfred Doblin Prize, viết về một gia đình Đông Đức bốn thế hệ trải dài từ thập niên 50 của thế kỷ trước đến tận năm 2001, thời điểm nơi cuốn sách bắt đầu với những nhân vật cách nhau cả thế kỷ tuổi. Thuộc thể loại tiểu thuyết gia đình, nơi có những đại diện xuất sắc là “Gia đình Buddenbrook” của Thomas Mann hay “Trăm năm cô đơn” của Gabriel Garcia Marquez, cuốn sách khắc họa những năm tháng bình dị rồi tàn lụi của lần lượt các thế hệ nhà Umnitzer, đi cùng với sự tan rã của chủ nghĩa xã hội ở Đông Đức và Xô Viết. Tuy nhiên, thay vì những trang sử hoành tráng vẽ nên một thời đại với tầm vóc vĩ mô, người đọc được nhìn qua lỗ khóa bếp những câu chuyện đời sống không thể bình thường hơn bằng một giọng văn hài hước, linh hoạt, thú vị, chú trọng đến tâm lý và tâm thức con người.

14937418_1297260636972776_3519412232894453663_n

Những năm 1950, ông bà Charlotte và Wilhem, những nhân sự cốt cán của Đảng, từ Mexico quay về nhậm chức Viện trưởng viện hàn làm của Đông Đức, một đất nước mới thành lập. Cuộc trở về dưới lời kêu gọi của Đảng, không thể thân thương hơn với độc giả Việt Nam. Vài năm sau con trai ông bà là Kurt, từng du học bên Nga và nằm trong trại cải tạo, cũng quay về xây dựng quê hương với một cô vợ Nga, Irina. Thế rồi gia đình sinh con đẻ cái trong cái nước Đức ngăn đôi, thế rồi họ xoay sở để sống trong thời buổi khó khăn nhưng vững lòng tin vào chế độ, thế rồi bức tường bị sụp đổ, với chủ nghĩa xã hội, thế rồi đời sống mới khi hòa nhập vào Tây Đức. Toàn bộ câu chuyện được kể lại đều đều và nhịp nhàng, không thắt nút cũng như mở nút. Người đọc Việt Nam sẽ cảm thấy thân thuộc trên hết với những thuật ngữ đã thành đến sáo mòn của một đất nước nằm cùng hệ thống chính trị và đi cùng với chúng là cả một thời khốn khó trước Đổi Mới với tem phiếu, với chợ đen đổi hàng hóa, với những đồng chí vợ đồng chí chồng đồng chí bạn, với thất sủng, với mất quan điểm, với các tác phẩm văn chương độc hại bị kiểm duyệt, với khai trừ khỏi Đảng, với chủ nghĩa thất bại. Đông Đức đói nghèo dần hiện lại qua đời sống tằn tiện của gia đình nhà Umnitzer nơi bà Charlotte uống cà phê bằng bột mì rang giả, nơi Tây Đức ngay bên kia bức tường bị coi là nước Mỹ.

Eugen Ruge lần lượt để cho các nhân vật được lên tiếng, tạo thành một bản bè mà qua đó tấm ảnh đại gia đình được khôi phục. Không kể theo lối trật tự tuyến tính mà sự nhảy cóc về thời gian mới là nét chủ đạo, tiểu thuyết chuyển từ góc nhìn của nhân vật này sang nhân vật kia, giúp rọi sáng đời sống tinh thần của toàn bộ thành viên trong gia đình. Một Wilhem trở thành huyền thoại với những câu chuyện khi còn làm gián điệp qua mắt nhìn của bà vợ là một kẻ gàn dở và bốc phét không hơn không kém nơi mọi chi tiết trong hồ sơ lí lịch đều là khai man. Một nhân vật từng là người ủng hộ chủ nghĩa xã hội, một chuyên gia chuyên viết sách cũng như giảng đạo về Lenin nhưng rồi sách lại không xuất bản được chỉ mong chế độ thay đổi lại đẻ ra một thằng con trai cả đời đấu tranh thoát khỏi những lý tưởng của ông bà bố mẹ và gọi cuộc đời của họ dối lừa để rồi mò đến tận Mexico để boàng hoàng nhận ra mình đã bị lừa dối cả cuộc đời. Cuộc vùng vẫy của Alexander, nhân vật chính, từ việc muốn trở thành hippie từ bé đến khao khát được nghe lại Rolling Stones khi phải đi bộ đội rồi cuộc tẩu thoát giũ bỏ quê hương Đông Đức để sang Tây Đức hóa ra lại là một hành trình thất bại và mờ nhạt không mấy phần hấp dẫn so với những con người sống lại ở chế độ cũ.

Đỉnh cao của “Thời nắng lịm” có lẽ là ở bức tranh nhìn từ nhiều mặt khác nhau, miêu tả bữa tiệc sinh nhật của lão Wilhem, lần lượt được kể qua góc nhìn bà thông gia, ông con trai, cháu dâu cũ, chắt trai, và vợ. Bữa tiệc sinh nhật ngay trước khi bức tường Berlin sụp đổ, được khắc họa như một vở kịch hài vĩ đại nơi cô con dâu trốn không tham dự vì nghiện rượu, còn đứa cháu trai đích tôn từ bỏ quê hương không ai dám nhắc đến vì sợ gây ra những bùng nổ và đột quỵ không cần thiết. Chính cũng nơi đây các đồng chí tranh cãi về sự thật có mang tính Đảng hay không, một điều được các đồng chí khác nhất tề ủng hộ còn chuyên gia về Lenin là ông Kurt, cũng chính ông này ngay bữa tiệc lại ngồi ngắm chiếc quần tất của con dâu mà thấy rạo rực, thì lại chống chế yếu ớt bằng một sự ngộ muộn màng, rằng “Sự thật không phải là thứ gì đó chỉ riêng Đảng sở hữu và ban phát cho quần chúng như ban của bố thí.” Nhưng rồi cuộc đấu tranh cho sự thật của ông bị át đi trong bài hát ca ngợi Đảng mà chính bố mình hát, cái bài hát mà theo ông của những kẻ nhân danh chính nghĩa mà giết hại bao người để làm nên sự nghiệp này. Cái bài hát i ỉ ấy lại được nối tiếp bằng bài hát về con dê bằng tiếng Nga mà tất cả các đồng chí thân cộng mê Xô Viết không ai hiểu một từ và biến nó thành một bài tửu ca của nhất tề hô vodka vodka vodka.

Bản dịch tuyệt vời của Hoàng Đăng Lãnh, mà theo cá nhân tôi, có lẽ là bản dịch tốt nhất của năm 2016, xứng đáng nhận giải văn học dịch, với giọng văn linh hoạt và uốn dẻo, khắc họa không thể chuẩn xác hơn giọng các bà phụ nữ ghét mẹ chồng, giọng mẹ chồng ghét con dâu, giọng đàn ông chồng không hiểu nổi vợ, giọng đàn bà vợ cau có với chồng, giọng những con người trong cái thời lý tưởng dần bạc phếch nhưng họ cũng chẳng mấy quan tâm đến sự tan tành ấy, chỉ nương theo mà sống.

Eugen Ruge xây dựng được những nhân vật sống động, hài hước đến lố bịch, châm biếm nhẹ nhàng, nhưng có lẽ tầm vóc của tiểu thuyết chỉ dừng ở đó. Với một chương mở đầu không thể ít hấp dẫn hơn, mạch truyện bắt đầu khá dần lên khi các nhân vật phụ nữ được phép tham gia. Nhưng câu chuyện của Alexander với chuyến du lịch tới Mexico thì có phần lạc quẻ và đơn điệu nơi anh trốn chạy khỏi gia đình, đất nước, những mộng cũ, và căn bệnh ung thư không có thuốc chữa. Trải dài qua hai thế kỷ, đúng theo quy luật thời gian, gia đình Đông Đức ấy giờ đây đã tan rã, với những lý tưởng cộng sản đã nhạt nhòa, còn lại mình chú bé Sasha vỡ mộng ở xứ sở Mexico trong những câu chuyện thần tiên của bà nội Charlotte với tinh thần của một kẻ thất bại chủ nghĩa của ông nội Wilhem. Không nhằm ẩn dụ một cách ngớ ngẩn dung tục rằng con người của xã hội chủ nghĩa rồi sẽ tan rã theo cái hệ thống ấy, sự thất bại của Sasha là sự thất bại của cá nhân, sự giằng co thoát khỏi một hệ hình lý tưởng đã sụp đổ, sự làm quen với những di sản của mất mát không thể khước từ.

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Website | Các bài viết khác

trên đỉnh cao tuyệt vọng.