Robin Hanson, Làm thế nào sống trong thế giới giả lập

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 11 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 7, 21-1-2020)

Con người thích giả bộ, và xem người khác giả bộ. Từ kể chuyện cho đến kịch, đến phim ảnh, đến thực tế ảo, chúng ta ngày càng giỏi hơn trong việc làm cho người khác cảm thấy mình đang theo dõi các địa điểm và sự kiện tưởng tượng. Chúng ta cũng ngày càng giỏi hơn việc nhập vai (role-playing), nghĩa là, tạo ra các môi trường trong đó một vài người có thể nhìn thấy điều gì xảy ra khi tất cả giả bộ là những người khác trong một thời gian và địa điểm khác. Cuối cùng các tình huống giả lập (simulation) nhập vai như vậy có thể trở nên tốt đến nỗi người ta thường quên rằng đó thực ra chỉ là giả lập.

Điều này dẫn chúng ta đến tiền đề đáng chú ý của nhiều bộ phim gần đây, bao gồm The Matrix, 13th Floor, Truman Show, và Dark City: giả sử như con người trong tương lai tạo ra các thế giới giả lập nhập vai mà những người trong đó không biết đó là giả lập? Tiền đề này đương nhiên dẫn đến một tiền đề còn đáng suy ngẫm hơn: con người tương lai có thể tạo ra các giả lập về một thế giới rất giống như thế giới của chúng ta. Nếu thế, mỗi một người trong chúng ta bây giờ có thể chắc chắn đến mức nào rằng ngay lúc này mình không sống trong thế giới giả lập nhập vai như vậy?

Một kịch bản liên quan là phòng giả lập (holodeck) trong series phim truyền hình Star Trek: The Next Generation. “Holodeck” đưa ra các môi trường do máy tính giả lập cho phép con người thực tham gia nhập vai không chỉ với người khác, mà còn với những người giả lập tinh vi. Hiện tại, những người giả lập bởi máy tính mới chỉ là cái bóng nhợt nhạt so với sự phức tạp và tinh vi của loài người thực. Nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục tạo ra các giả lập tốt hơn với chi phí thấp hơn, thì rốt cuộc ít nhất một vài người giả lập của chúng ta có thể cũng tinh vi như người thực. Trong holodeck, một người giả lập có thể không nhận ra rằng mình là người giả lập. Như vậy câu hỏi đặt ra là: mỗi chúng ta có thể chắc chắn đến mức nào rằng mình không phải là kết quả giả lập trong một holodeck tương lai?

Rõ ràng chúng ta bây giờ không có cách nào chắc chắn rằng mình không sống trong một thế giới giả lập. Càng nhiều khả năng hậu duệ của chúng ta giàu có, sống lâu, và hứng thú với việc giả lập ra chúng ta, chúng ta càng nên chờ đợi tỷ lệ con người giả lập giống như chúng ta trong tương quan với người thực như chúng ta sẽ tăng lên. Và chúng ta càng chờ đợi hậu duệ của chúng ta giàu có như vậy, thì càng nên chờ đợi chúng ta thực tế đang sống trong thế giới giả lập [Bostom 2001][1].

Bây giờ nếu chúng ta, giống như nhân vật trong các bộ phim gần đây, khám phá ra các manh mối cụ thể trong thế giới quanh ta cho thấy rằng chúng ta thực tế đang sống trong giả lập, thì ta nhất định sẽ xem xét kỹ lưỡng để xem các manh mối đó nói gì về việc chúng ta nên sống cuộc đời mình thế nào. Nhưng bởi không có các manh mối đặc biệt đó, nhiều nhà quan sát đã cho rằng riêng cái khả năng rằng chúng ta có thể đang sống trong một thế giới giả lập thì không đưa lại hệ quả nào cả.

Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng. Nói chung, quyết định của bạn nên dựa trên trung bình trọng số của các thế giới khả thể khác nhau mà bạn có thể đang sống. Nếu bạn gán một giá trị khác 0 cho xác suất chủ quan là hậu duệ của bạn sẽ tạo ra các giả lập tinh vi bao gồm cả những người (thực hoặc giả lập) cũng không biết về tình trạng của họ như chúng ta, thì bạn cũng phải gán một giá trị khác 0 cho xác suất chủ quan là bạn hiện tại đang sống trong một giả lập như vậy. Như vậy miễn là những hoạt động của bạn sẽ đem lại hậu quả khác trong thế giới giả lập, và bạn quan tâm đến các hậu quả này, thì các quyết định của bạn nên chịu ảnh hưởng của giả định xác suất có sự giả lập là khác 0. Xác suất bạn sống trong giả lập càng cao, thì khả năng đó nên ảnh hưởng đến quyết định của bạn càng nhiều.

Ta hãy xem xét chi tiết hơn việc các quyết định của bạn nên bị ảnh hưởng ra sao khi nhận ra bạn có thể đang sống trong thế giới giả lập. Muốn vậy cần phải làm rõ “nên” nghĩa là thế nào, và cần cách nào đó đánh giá được chúng ta có lẽ đang sống trong loại hình giả lập thế nào, nếu đúng là chúng ta sống trong giả lập.

Trong bài viết này ta sẽ dùng từ “nên” với nghĩa đơn giản là thỏa mãn được các ưu tiên thông thường của con người. Điều đó bao gồm mong muốn được sống lâu hơn và tránh đau đớn, mong muốn điều đó cho những người khác, mong muốn được đánh giá cao, và mong muốn có được ảnh hưởng. Để đoán xem hậu duệ của chúng ta có thể sáng tạo ra những hình thức giả lập lịch sử thế nào, chủ yếu chúng ta sẽ loại suy từ các dạng giả lập con người ngày nay thích tạo ra, cùng các lý do khiến họ tạo ra chúng. Hỗn hợp các dạng giả lập và các lý do trong tương lai tất nhiên sẽ khác đi so với hỗn hợp ngày hôm nay theo cách mà chúng ta không dự đoán được. Nhưng cách tiếp cận này ít nhất cũng cho chúng ta một hướng dẫn sơ bộ để hành động.

Chúng ta trông đợi hậu duệ của chúng ta sẽ cho chạy các giả lập lịch sử vì nhiều lý do khác nhau. Đầu tiên, một vài giả lập lịch sử sẽ được thực hiện nhằm các mục đích nghiên cứu hay tri thức, nhằm hiểu biết thêm về những gì đã thực sự xảy ra trong quá khứ, hay xem thử lịch sử có thể đã thay đổi thế nào nếu các điều kiện thay đổi. Tuy nhiên sẽ có những giả lập lịch sử khác, có thể là đa số, được tạo ra vì giá trị kể chuyện và giải trí. Ví dụ, một người nào đó có thể yêu cầu holodeck của mình cho phép mình đóng vai một diễn viên nổi tiếng tại một bữa tiệc đón thiên niên kỷ.

Nếu mỗi giả lập đều là một sự tái tạo trung thực chính xác toàn bộ lịch sử loài người, bao gồm cả tương lai vô định, thì các hệ quả quyết định hành động duy nhất là hệ quả đối với những người muốn ảnh hưởng đến lịch sử “thực”, hoặc muốn được đánh giá cao bởi những người “thực”. Những người quan tâm đến những điều này cần nhận ra rằng ảnh hưởng như vậy khó khăn hơn vẻ ngoài. Suy cho cùng, nếu đây chỉ là giả lập, thì chỉ có một cách ảnh hưởng đến thế giới thực là tìm cách nào đó ảnh hưởng tới bất cứ ai đang quan sát giả lập này.

Giả lập một sự kiện thật chi tiết đầy đủ, tuy nhiên, có thể rất tốn kém. Vì thế phần lớn các giả lập máy tính ngày nay đi vào chi tiết ở mức độ khác nhau khi chúng giả lập các sự kiện khác nhau. Ví dụ, cánh máy bay đang rung thường được giả lập chi tiết hơn ở các vị trí cong hơn, hay chỗ dòng khí xung quanh thay đổi nhiều hơn. Nhìn chung, mức độ chi tiết phù hợp với mỗi vị trí sẽ phụ thuộc vào việc phải tốn kém thế nào để tạo ra chi tiết ở mức độ như vậy và lỗi lớn hơn sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc sinh ra lỗi trong kết quả cuối cùng theo đòi hỏi. Vì thay đổi mức độ chi tiết giả lập trong trò chơi nhập vai có người thực thì khó hơn, nên các giả lập kiểu này thường có các điều kiện biên trong không gian và thời gian là nơi giả lập kết thúc.

Khả năng chúng ta sống trong một giả lập có giới hạn với mức độ chi tiết khác nhau làm nảy sinh thêm nhiều hệ quả khác cho việc chúng ta nên sống như thế nào. Chẳng hạn, hãy xem xét giả lập về một bữa tiệc đón thiên niên kỷ mới, được tạo ra theo đặt hàng của một người khách từ tương lai nào đó. Giả lập này có thể được dự kiến chỉ kéo dài một đêm, và ngay từ đầu chỉ giới hạn trong số những người sống trong tòa nhà có tiệc, và có lẽ một vài người nhìn thấy được từ tòa nhà đó. Nếu người khách đến từ tương lai quyết định rời bữa tiệc và lang thang trong thành phố, những người giả lập tại bữa tiệc có thể bị xóa bỏ, thay thế bằng những người giả lập đi trên phố mà người khách đi qua.

Nếu bạn biết mình là người giả lập trong bữa tiệc giả lập này, và bạn muốn sống lâu nhất có thể, bạn có lẽ sẽ muốn ngăn trở bất kỳ ai rời bữa tiệc. Nếu giả lập có thể kết thúc sớm trong trường hợp người khách đến từ tương lai bắt đầu chán, bạn có lẽ cũng muốn bảo đảm cho tất cả mọi người đều được vui vẻ. Và động lực tiết kiệm tiền chờ nghỉ hưu hay giúp đỡ người nghèo ở Ethiopia của bạn có thể sẽ bị gạt đi khi nhận ra rằng trong giả lập này bạn sẽ không bao giờ nghỉ hưu và không có Ethiopia nào cả.

Tất nhiên bạn không biết cụ thể là bạn đang ở trong giả lập một bữa tiệc đón thiên niên kỷ để mua vui cho một gã lùn với bộ tóc đỏ. Nhưng chừng nào mà tính trung bình, hệ quả của các giả lập khả thể khác có xu hướng đẩy các quyết định của bạn theo cùng hướng đó, bạn có thể rút ra từ khả năng bạn đang sống trong giả lập các hệ quả quyết định hành động của bạn.

Ví dụ, nếu không có nhiều giả lập kéo dài qua suốt lịch sử nhân loại, thì khả năng thế giới của bạn sẽ kết thúc sớm là cao hơn so với nếu bạn không sống trong giả lập. Do đó, nếu mọi điều kiện khác đều như nhau, bạn nên quan tâm ít hơn về tương lai của bản thân và loài người, và sống nhiều hơn cho hiện tại. Điều này vẫn đúng ngay cả khi bạn không mấy chắc chắn rằng các giả lập phổ biến kéo dài chính xác là bao lâu.

Thêm nữa, nói chung, hành vi của nhiều người ở xa những người giả lập được quan tâm có thể được tạo ngẫu nhiên dựa trên số liệu từ những giả lập trước đó, hoặc lấy từ các bản ghi về con người giả lập trước đó lưu trong bộ nhớ đệm. Một vài “người” trong đám đông giả lập thậm chí có thể chỉ được điều khiển bởi các chương trình rất đơn giản làm cho họ ngọ nguậy và lẩm bẩm “đậu và cà rốt” như nghe đồn diễn viên quần chúng vẫn làm trong các cảnh đám đông ngày xưa. Cứ cho là bạn không quan tâm nhiều về những người giả lập giả này, thì nếu mọi điều kiện khác đều như nhau, bạn không nên quan tâm nhiều về việc các hành động của mình ảnh hưởng thế nào đến phần còn lại của thế giới.

Nếu giả lập thường kết thúc khi đủ nhiều người trong đó trở nên đủ tin rằng mình đang sống trong giả lập, thì nếu bạn muốn sống lâu, bạn có thể muốn ngăn cản quá nhiều người nhận ra điều này. Tuy nhiên, cứ cho là lịch sử thực tế của các hậu duệ chúng ta cũng bao gồm nhiều người nói rằng có khả năng họ đang sống trong giả lập, thì cũng không sao nếu một số lượng người tương tự trong thế giới giả lập nói thế. Có khi quá ít người nói thế lại là vấn đề.

Tổng quát hơn, nếu thế giới giả lập càng tương tự như thế giới thực được ghi chép trong lịch sử của họ thì hậu duệ chúng ta lại càng nhiều khả năng muốn mô phỏng thế giới ấy, thì nếu bạn muốn thế giới của bạn tiếp diễn, nếu mọi điều kiện khác đều như nhau, bạn sẽ muốn nó thật giống lịch sử được ghi chép lại của họ. Và vì lịch sử của họ cuối cùng sẽ sinh ra những hậu duệ giàu có và hùng mạnh, nên nếu mọi điều kiện khác đều như nhau, bạn sẽ muốn thế giới bạn sống trông có vẻ như điều đó sẽ xảy ra.

Nếu hậu duệ của chúng ta thường thích giả lập những con người và các sự kiện “then chốt” trong lịch sử của họ, thì bạn nên đưa ra một phán đoán cao hơn cho khả năng các sự kiện và con người xung quanh bạn sẽ được coi là then chốt đối với hậu duệ của bạn. Bạn cũng nên cố gắng thúc đẩy điều đó xảy ra, vì nó sẽ làm cho các nhà giả lập ít có khả năng bỏ bạn ra khỏi giả lập của họ, hoặc kết thúc giả lập đó. Nếu bạn nhìn ra một sự kiện đặc biệt thú vị quanh bạn, bạn cũng có thể cố gắng ngăn chặn nó kết thúc, vì giả lập có thể kết thúc ngay sau khi sự kiện đó hoàn thành.

Nếu hậu duệ của chúng ta thích các giả lập mang tính giải trí, nếu mọi điều kiện khác đều như nhau, thì bạn nên muốn bạn và các sự kiện quanh bạn cũng mang tính giải trí, nếu mọi điều kiện khác đều như nhau. “Cả thế giới là một sân khấu, và mọi người chỉ là những diễn viên.” (Shakespeare) Tất nhiên, cái gì được coi là giải trí cũng thay đổi theo thời gian và văn hóa, và thị hiếu của hậu duệ xa xôi của chúng ta nhiều khả năng cũng sẽ khác với thị hiếu của chúng ta. Cho nên chúng ta nên nhấn mạnh các đặc trưng phổ biến của các câu chuyện có tính giải trí. Hãy tỏ ra hài hước, thái quá, bạo lực, gợi cảm, kỳ lạ, thảm hại, anh hùng… tóm lại là “kịch tính”. Làm một người tử vì đạo thậm chí có khi còn tốt cho bạn, nếu điều đó làm cho câu chuyện của bạn trở nên hấp dẫn đến mức các hậu duệ khác cũng sẽ muốn giả lập bạn.

Nếu hậu duệ của chúng ta đôi khi cũng tham gia vào các giả lập của họ, nếu họ có nhiều khả năng đóng vai những người nổi tiếng, và nếu họ thường kết thúc giả lập khi thấy không có gì thích thú, thì bạn nên hết sức giữ cho những người nổi tiếng vui vẻ, hay ít nhất là hứng thú. Và nếu họ nhiều khả năng giữ lại trong giả lập của mình những người họ thấy thú vị, thì bạn nên cố gắng sao cho cá nhân mình luôn thú vị với những người nổi tiếng xung quanh bạn.

Nếu hậu duệ của chúng ta muốn đóng vai Đức Chúa Trời đạo đức đối với các giả lập của họ, trừng phạt và ban thưởng con người trong giả lập dựa vào việc họ sống thế nào, thì điều nên làm với bạn có lẽ là sống sao cho họ coi đấy là cuộc sống đáng khen ngợi. Tất nhiên, bạn sẽ phải tìm ra các đặc trưng chung của đạo đức trong các hậu duệ sẵn sàng đóng vai Chúa Trời. (Ví dụ, nếu họ nhấn mạnh sự khiêm tốn có vẻ sẽ là không nhất quán. Tuy nhiên không nhất quán và đạo đức vốn không xa lạ gì với nhau.)

Tóm lại, nếu hậu duệ của bạn có khả năng giả lập ra những cuộc sống giống như của bạn, thì bạn có khả năng đang sống trong một giả lập. Và mặc dù bạn hẳn là không thể biết chi tiết về lý do cụ thể và bản chất của giả lập bạn đang sống, thì bạn vẫn có thể rút ra những kết luận chung bằng cách loại suy từ chủng loại và lý do của các giả lập thời bây giờ. Nếu bạn có khả năng đang sống trong một giả lập thì, nếu mọi điều kiện khác đều như nhau, có vẻ bạn nên bớt quan tâm về người khác, sống nhiều hơn cho hôm nay, làm cho thế giới của bạn có vẻ như cuối cùng sẽ trở nên giàu có, mong chờ và cố gắng tham gia vào các sự kiện then chốt, khiến cho mình có tính giải trí và đáng khen ngợi, và khiến những người nổi tiếng quanh bạn luôn vui vẻ và hứng thú với bạn.

 Robin Hanson

Mít Xút Nguyễn dịch

Trang này lấy cảm hứng tức thì từ bài viết của Nick Bostrom “Bạn có đang sống trong thế giới giả lập không?”, và gián tiếp hơn từ các bộ phim như The MatrixThirteenth Floor. Cám ơn Nick Bostrom, Lee Corbin, Tyler Cowen, Hal Finney, Chris Hibbert, Mark Walker, và một người đánh giá ẩn danh đã đưa ra những nhận xét cho bài này.

26/6/2001

Bài viết đăng lần đầu trên Journal of Evolution and Technology, 2001. Zzz Review dịch đăng với sự đồng ý của tác giả.

Robin Hanson là phó giáo sư về kinh tế tại Đại học George Mason, Virginia, Mỹ và nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Tương lai nhân loại tại Đại học Oxford. Mối quan tâm của ông là thị trường và hợp đồng tương lai, trí tuệ nhân tạo, nhân loại trong tương lai trong số rất nhiều điều khác.

[1] Đây là tóm tắt lại “thuyết giả lập” hay “giả thiết mô phỏng” nổi tiếng mà Nick Bostrom đưa ra vào năm 2001 và gần đây được Elon Musk bày tỏ sự ủng hộ, tạo nên sự quan tâm rộng rãi của truyền thông.

Ảnh: Trong thế giới giả lập – Cảnh trong phim The Matrix.

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Mít Xút Nguyễn

Một cô bé mười lăm đang học ghi ta.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*