Ngọt buồn man mác như con tê giác xưa: “Miền non cao xứ Bồ Đào” của Yann Martel

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 8 phút

Tão docemente triste quanto um rinoceronte, câu thành ngữ cổ xưa của Xứ Bồ Đào, nói về sự biến mất sầu muộn và kỳ lạ của loài tê giác Iberia, dường như cũng trở thành linh hồn cho mọi câu chuyện Yann Martel chọn kể. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông, Miền Non Cao Xứ Bồ Đào, một lần nữa, tiếp nối tinh thần cuốn sách trước đó, Cuộc đời của Pi, đặt con người trong vô vàn những tình thế ngặt nghèo nhất của cuộc sống, soi chiếu mình qua tấm gương của tổ tiên chúng ta, để thấy rằng điều gì mới thực sự quan trọng nhất, và rồi sẽ còn lại sau cuối giữa kiếp người buồn bã mà ngọt ngào này?

ảnh 11.jpg

Đâu là Nhà?

Cuốn sách được kết cấu thành ba chương, xoay quanh một chủ đề rất quen: Nhà. Những độc giả với thói quen đọc sách dựa trên sự phân định thể loại hẳn sẽ không chấp nhận đây là một cuốn tiểu thuyết. Bởi lẽ, ba chương đều có thể được tách ra thành ba truyện dài độc lập, và chúng trọn vẹn một cách gần như hoàn hảo. Điều này có thể được nhìn nhận như một bài tập thực hành của riêng Martel, khi ông nỗ lực thiết lập một trật tự khó nhìn thấy hơn, nhằm thách thức những giới hạn cố kết của thể loại tiểu thuyết. Về khía cạnh này, nỗ lực của Martel không hề mới. Thế nhưng, nó xứng đáng được độc giả đón nhận như một bài tập giải mã những dấu chỉ tồn tại rải rác đâu đó ở mỗi câu chuyện để kết nối thành một chỉnh thể đa diện. Chúng như những mảnh ghép ngập tràn phúng dụ và chờ đợi sự kết dính để thành hình một nhận thức dường như đã ám ảnh Martel rất lâu: Liệu Chúa có phải chỉ là một trò chơi trong đời sống loài người vốn dĩ rất thích chơi đùa nhưng không hề tồn tại một luật lệ?

Như một hành trình: Không Nhà, Về Nhà, Đến Nhà. Tương tự như cách Martel xóa mờ giới hạn thể loại, các khái niệm/ý niệm trở thành những trái banh trong trò tung hứng không hồi kết của riêng ông. Từ một định nghĩa về nơi chốn cố định để một cá nhân hoặc nhóm người sở hữu cư trú lâu dài, là nơi họ sẽ trở về sau mọi chuyến đi xa, “nhà” được mở rộng biên độ nghĩa, nó trở thành một vùng không gian ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống tinh thần của chúng ta. Nhà có thể là một nơi ở, một vùng đất, một quốc gia, bất kể nơi nào chứa đựng bóng hình người thương, hay thậm chí, chỉ là một vùng ký ức thực-mơ trong tâm trí. Những nhân vật của Martel, là Tomás – một trợ lý giám tuyển ở Bảo tàng Nghệ thuật Cổ đại Quốc gia, là Eusebio Lozora – một bác sĩ pháp y, hay Peter Tovy – một thượng nghị sĩ, họ đều có chung nỗi đau mất đi người thân quý nhất trên cõi đời và cùng trốn chạy khỏi vùng không gian mang tên Nhà, theo những cách khác nhau. “Ta là ai nếu không có những người ta yêu thương?” Tomás mất cha, mất vợ và đứa con trai trong chưa đầy một tuần. Tất cả sinh khí còn sót lại trong cơ thể một người đàn ông yếu ớt được dùng để đến Miền Non Cao Xứ Bồ Đào để tìm kiếm kỷ vật vô giá của Cha Ulisses, như một cách thức vén màn sự thật về tôn giáo người vợ theo đuổi. Clara, người vợ của Peter mắc bệnh đột ngột rồi chết. Peter tự hỏi sự sống liệu có còn ý nghĩa gì khác nếu cứ tiếp tục phải sống giữa Ottawa này. Tất cả niềm tin còn sót lại với cuộc đời, ông chọn trở về Miền Non Cao – mảnh đất của tổ tiên. Nếu như câu chuyện của Tomás và Peter hoàn toàn có thể được lý giải theo logic của lý trí, thì nỗi đau của bác sĩ Lozora – nỗi đau về người vợ đã tự tử, dường như chỉ có thể được đọc, một cách đúng nghĩa, từ những phá vỡ lý tính trong tâm trí một con người. Miền Non Cao trở thành một vùng đất, nơi một bà vợ đã xách theo chiếc vali chứa tử thi người chồng và tìm đến vị bác sĩ để có được câu trả lời cho câu hỏi: “Nói tôi hay ổng đã sống làm sao?”

Sự xê dịch dường như cũng chính là điểm kết nối cả ba câu chuyện. Xê dịch từ vùng không gian vốn được xem là Nhà để đến với một nơi chốn xa lạ. Ý niệm về Nhà – chốn cư ngụ thân quen trở nên vô cùng linh hoạt trong cách hiểu. Cả ba người đàn ông liên tục rơi vào những xáo trộn về cả không gian vật lý lẫn tinh thần. Ai đã từng đọc Cuộc đời của Pi chắc hẳn sẽ hiểu rất rõ cảm giác này. Một phức hợp của nỗi hoang mang, u sầu, cô độc, tuyệt vọng cùng cực, nhưng cũng đầy ma lực: nó khiến con người tái sinh dưới một hình hài nhận thức mới. Và vì vậy, Không Nhà, Về Nhà, Đến Nhà không còn là tên của ba chương sách. Đó chính là hành trình của tự thân mỗi nhân vật trong câu chuyện này.

Đây là Nhà.

Đồng hành cùng Tomás là chiếc ô tô – cỗ máy phi thường xuất hiện như một sự ngỡ ngàng của đám đông dân chúng vốn chỉ quen với bước chân của loài ngựa. Bác sĩ Lozora mượn đến câu chuyện tình diễm lệ của ông bà nơi Miền Non Cao, cùng với đó là những cuốn sách trinh thám của Agatha Christie – bản phúc âm thời hiện đại – để giải phóng cảm xúc cá nhân. Thượng nghị sĩ Peter mang theo một con thú để trở lại Miền Non Cao, trốn chạy quá khứ. Nhưng đó không phải là một con thú nuôi bình thường. Nó là Odo: một con vượn bị loài người tóm khỏi Nhà của mình.

Cả Tomás và Peter đều tháo chạy từ đô thị đông đúc tìm về Miền Non Cao Xứ Bồ Đào. Nhưng làm gì có núi nào. Hết thảy đều ngỡ ngàng nhận ra, đó chỉ là một vùng thảo nguyên khắc khổ chỉ có “mùi thời gian và gờn gợn nỗi cô quạnh”. Chẳng ai ngờ được, vùng đất ấy lại là nơi chôn giấu những bí mật họ cần biết đến. Hành trình này rất gần với những câu chuyện trong sách Phúc Âm, đặc biệt là chuyện về ba magi khăn gói đến thăm Giê-su ngày Ngài chào đời. Về sau, vị đạo diễn người Tây Ban Nha, Albert Serra – đã tái hiện khung cảnh này qua Birdsong: một bộ phim đẹp đến lạ lùng, không màu, không thoại, không một huy hoàng nào hiện ra để nói rằng, đó là Chúa Giê-su, là tôn giáo mà biết bao con chiên đã sống mà tôn thờ.

Nhà, vùng không gian có những gương mặt thân quen, nơi họ có tất cả mọi thứ tưởng chừng đẹp đẽ và buồn bã nhất trên cõi đời, trong phút chốc chỉ còn là mớ bụi của kí ức. Nhưng một nơi khác, cũng gọi là Nhà, nơi tận cùng thế giới tâm tưởng, đã lớn dần lên và khiến ta nhận ra, chẳng có gì gọi là “của ta” ở trên đời. Cả ba nhân vật tự đối thoại hay chính xác hơn,  tự soi chiếu qua tấm gương của tổ tiên: loài vượn trần trụi. “Ta là thú. Ta là thế đó, ta chỉ có mình ta, chẳng có gì hơn – không có gì lớn lao cả. Trước Darwin từ lâu, vị linh mục tỉnh táo trong cơn điên loạn đã gặp bốn con tinh tinh trên hòn đảo đìu hiu ở Phi Châu và ngộ ra rằng: Ta chỉ là giống vượn trỗi dậy, nào phải thiên thần sa ngã.”

Có điều gì phi lý trên cây thánh giá mà cha Ulisses để lại, mà Tomás đã phải đánh đổi quá nhiều thứ để tìm thấy? Có điều gì dị hợm trong khoang trống cơ thể của ông lão Rafael, một nơi chốn ấm áp nhất đủ để bà lão Maria cuộn mình ở đó? Có điều gì trái khoáy hơn thế, khi Peter bỏ lại sau lưng một cuộc sống vật chất quá đỗi tiện nghi để tha lôi một con vượn về sống cùng mình nơi Miền Non Cao buồn bã? Là thế giới văn minh với những con người ồn ào, là nỗi đau cá nhân quá lớn đã phủ trùm nơi chốn cũ, hay chính là thôi thúc được đối diện với những giới hạn cao nhất mà bản thân không thể biết tới?

Tất cả những câu hỏi đó, từng chút một hé lộ dần lời chỉ dẫn. Ta tiến hóa từ loài vượn, nhưng có lẽ, vĩnh viễn ta sẽ không thể học được thái độ sống cho hiện tại của tổ tiên mình. Khi con người chết chìm trong hoài niệm quá khứ thì những con thú chỉ biết sống cho thời khắc hiện tại. “Đám thú sống trong một trạng thái quên lãng về cảm xúc, chỉ tập trung vào khoảnh khắc hiện tại. Mọi náo động xáo trộn đều như mây đen giông tố, bùng nổ kịch tính nhưng nhanh chóng tiêu tan, dọn đường cho bầu trời xanh lại đến, bầu trời xanh trong mãi mãi.” Đó cũng chính là lí do Peter thích đối diện mình với Odo, ông thích “sự im lặng cao độ của Odo, cách nó làm gì cũng chầm chậm buồn buồn, sự giản dị sâu sắc trong phương tiện và mục đích của con vượn.”

Người dân Miền Non Cao những tưởng các vị khách lạ lùng “lá em cima com os rinocerontes”, bởi lẽ: “Chẳng phải thành luỹ cuối cùng của tê giác Iberia là ở Miền Non Cao Xứ Bồ Đào đó sao? Thật kỳ lạ làm sao, loài vật đã từng ám ảnh tâm trí người xứ Bồ Đào. Sự tiến hoá của loài người đã đặt dấu chấm lên nó. Nói cách khác, tê giác Iberia đã chết dưới bánh xe của thời hiện đại. Nó bị săn đuổi, bị truy lùng đến tuyệt chủng rồi mất dạng, lố bịch như một ý tưởng lỗi thời, chỉ để người ta thương tiếc và nhớ nhung từ ngay giây phút nó biến mất.” Nhưng không, cái họ tìm không phải là con tê giác Iberia mà chính là nhu cầu nuôi dưỡng niềm nhớ nhung khi những thứ quý giá biến mất. Họ tìm kiếm một vùng sóng tâm trí mang tên Nhà, để nhận ra, bất kể ở nơi đâu, khi dám can đảm đối diện với bản thân, nơi đó sẽ là Nhà.

Cả ba phần truyện đều khép lại với cái chết, sự gục ngã và dày vò. Con người, cùng lúc đều có thể bị đẩy vào những khổ ải dữ dội nhưng có khổ ải nào hơn việc nhận ra chính mình là nạn nhân của án mạng kỳ bí nhất. Từ chối những nhận thức sai trái về nguồn gốc loài, nhìn ở góc độ khác sẽ khiến con người nhận ra: “Ta không còn sống trong thời đại của tiên tri và phép màu”. Và, cuốn sách này chính  là cách Martel tự trả lời câu hỏi ông đặt ra: “Làm sao kết hợp đức tin và lý trí? Thật khó khăn – thật phi lý làm sao, nếu ta bắt rễ cuộc đời vào chút thần thánh mơ hồ xa xôi đó. Đức tin thật lớn lao nhưng không thực tế: làm sao ta có thể thực hành một ý tưởng vĩnh hằng mỗi ngày? Sống lý trí thật dễ hơn bao nhiêu. Lý trí thực tế, mang lại lợi ích tức thời, cách thức lại rõ ràng. Thế mà, lý trí lại mù quáng. Lý trí, tự thân nó, không đưa ta đến đâu, đặc biệt là khi phải đối mặt với nghịch cảnh. Làm sao ta cân bằng cả hai, làm sao ta sống với cả đức tin và lý trí.”

Đặng Hương Giang

(Bài viết thuộc Zzz Review số 1+2, 18-7-2018)

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Đặng Hương Giang

Người rất yêu Calvino.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

1 Comment on Ngọt buồn man mác như con tê giác xưa: “Miền non cao xứ Bồ Đào” của Yann Martel

1 Trackbacks & Pingbacks

  1. Top 10 văn học dịch nửa đầu 2018 - Thư Viện Tự Lập

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*